main billboard

Thế nhưng, cứ cắm cúi dặn lòng quay lưng, ngoảnh mặt với những ngọt ngào của chén chè thơm ngát, của ly chè lạnh mát, thì coi như một phần cuộc đời đã không còn trọn vẹn ý nghĩa nữa rồi.


WESTMINSTER (NV) - Không gì sung sướng bằng được tự do viết về ăn uống, về ẩm thực, vì sống trên đời thì ai cũng phải ăn phải uống - dù rằng sống để ăn hay ăn để sống thì tùy mỗi người.

che bolsa 1Sắc màu của chè (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Thấy bài nói về ẩm thực thì ai cũng muốn ghé mắt vào để xem có món gì ngon, món gì lạ. Mặc cho cái bao tử nó cồn cào, cái miệng nó nhóp nhép, thúc giục cái dây thần kinh buộc mình phải lèo lái chiếc xe chạy đến quán, ăn thử món đó coi có như lời đồn đãi, nhận xét. Quan trọng hơn, thỏa thuê hơn trong việc viết về ẩm thực là chả mấy ai suy diễn, dẫn dắt bài viết về cơm phở, chè cháo vào chuyện chính trị hay lập trường chính nghĩa. Khỏe.

Sau nhiều lần viết về phở, về bánh mì, về bánh canh, về đồ chay, về lẩu ốc, hôm nay tôi muốn viết về chè, cho nó ngọt ngào lại những đắng cay, mặn nhạt.

***

Thời buổi này, nghe nói đến chè tự dưng có nhiều người dội ngược. Bởi, chè, đồng nghĩa với nhiều đường, nhiều béo. Bởi, chè được liên tưởng đến mập, đến bệnh.

Thế nhưng, cứ cắm cúi dặn lòng quay lưng, ngoảnh mặt với những ngọt ngào của chén chè thơm ngát, của ly chè lạnh mát, thì coi như một phần cuộc đời đã không còn trọn vẹn ý nghĩa nữa rồi.

Tôi nhớ ngay từ năm 10 tuổi, tôi đã mê ăn chè. Tôi nhớ gánh chè của bà Sáu đặt trên lề đường trước chợ An Lạc (Xa Cảng). Chè đậu trắng, chè khoai môn, chè trôi nước, chè chuối chưng. Quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu thôi, nhưng quá là hạnh phúc nếu hôm nào có đủ tiền để mạnh dạn kéo chiếc ghế gỗ thấp tè ghé mông ngồi vào trước đôi quang gánh. Chỉ tay vào món chè mình thèm. Mắt căng tròn nhìn theo tay bà Sáu múc mà lòng thầm khấn “thêm chút nữa, thêm chút nữa!” Đến lúc đưa tay đón lấy cái chén kiểu nhỏ xíu, âm ấm, trắng ngần lớp nước dừa bên trên, cầm chiếc muỗng cà phê trộn đều tất cả lên, lại nghe rõ tiếng nước bọt mình nuốt “ực”. Múc một muỗng đưa vào miệng. Trời ơi! Sao trên đời này người ta lại có thể chế ra được cái món gọi là chè tuyệt vời đến vậy nhỉ! Cứ gọi là mê tơi cho cái thú được sống trên đời lại còn được ăn chè bà Sáu.

Lớn lên một chút, tui lại biết thêm món gọi là “chè 3 màu.” Màu xanh của bánh lọt lá dứa. Màu đỏ của đậu đỏ mềm nhừ. Màu vàng của đậu xanh tán nhuyễn. Trắng tinh màu nước cốt dừa thơm béo. Thêm một lớp đá bào được ém chặt bên trên. Xoay ly chè trên tay, tôi tự hỏi, không biết có ai đã từng đi qua tuổi thơ, tuổi hoa niên cho đến tuổi trưởng thành mà chưa từng một lần bị cám dỗ bởi ly chè 3 màu như thế này không nhỉ? Hay hỏi một cách “trắng trợn” hơn là có ai chưa từng một lần hò hẹn cùng người yêu trong quán chè không nhỉ? Ly chè 3 màu cho tôi cảm tưởng đó là sắc màu của tình yêu thuở lung linh đẹp nhất.

***

Chè dân dã, quen thuộc với mọi tầng lớp, đã bôn ba theo chân người dân mình sang tận đất nước của pudding, của milkshake. Để hôm nay, sau 39 năm trên xứ người, bước chân đến Bolsa và những vùng phụ cận, mình không chỉ có thể tìm thấy những món chè đậm nét quê xưa như chè khoai, chè chuối, đậu ván, đậu xanh, sương sa hột lựu, sương sâm sương sáo, mà còn đủ loại chè biến dạng, biến kiểu, nảy nở theo thời gian, theo không gian, như chè cung đình, chè trái cây, chè sâm bổ lượng, khoai môn bạch quả, nhãn nhục hạt sen, bột lọc dừa non, bột lọc heo quay, trôi nước Thái Lan,… Không biết cơ man các loại chè để mà đếm cho xuể, chứ đừng nói chi đến có đủ bụng để thử từng chút một.

Đó là chưa kể thêm nhiều loại nước uống khiến “môi em ngọt” như trà sữa, sinh tố, đá me, rau má… Chỉ riêng trà sữa thôi cũng có hàng chục thứ để mà chọn, nào là trà sữa boba, trà sữa pudding, trà sữa dừa non, trà sữa mật ong, trà sữa hạnh nhân… Sinh tố khoai môn, dưa gan, sầu riêng, táo xanh, bên cạnh dâu tây, đu đủ, dưa hấu, mít, xoài, khóm dứa…

“Ma trận” của chè, của các loại thức uống dành cho mọi lứa tuổi này có vẻ thâm hậu hơn rất nhiều lần so với những món cơm, món phở, món bún, món cuốn.

 che bolsa 2Chè tại tiệm Chè Chè Chè trên đường Westminster, phía sau Chợ 99 Cents. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cũng như nhà hàng được phân chia thành “đẳng cấp” hay có người khi ăn phở chỉ vào Kimmy, 86, ăn cơm thì vào Thuận Kiều, ăn bún chỉ vào Ban Mai, bánh cuốn thì đến Tàu Bay, bánh xèo lại đến quán Vân, mì gõ tìm đến Uyên Thi, bánh mì thì Tèo, Chợ Cũ… Chè cũng thế.

Muốn bình dân giá rẻ thì vào Bánh Mì Chè Cali, “mua 2 tặng 1” tính ra chỉ 1 đồng 1 chén. Muốn ngon hơn, sang hơn thì chè Hiển Khánh, mắc gần gấp đôi, nhưng tiền nào của đó.

Tuy nhiên, hãy một lần đến ... "Chè Chè Chè" thử đi.

Chè Chè Chè nằm sau lưng Chợ 99 Cents trên đường Westminster. Chè Chè Chè có một không gian khá dễ thương, ấm cúng với ít bàn ghế gỗ là lạ để khách có thể ngồi ăn tại chỗ, trò chuyện tán ngẫu cùng bạn bè, người thân như ngày nào đi ăn chè ở Sài Gòn, ở Cần Thơ, ở Huế, hay ở bất kỳ một thành phố, làng quê nào mình đã ăn qua.

Nếu ai đó từng than phiền về nhiều tiệm chè quanh Little Saigon là “chè thì ngọt nhưng nhiều người bán chè chẳng ngọt ngào chút nào” thì cứ đến Chè Chè Chè sẽ cảm thấy “ngọt” ngay từ anh bán hàng đến chị bán hàng.

che bolsa 3Chủ nhân Thạch Chè Mỹ Linh cùng ly chè 3 màu đắt khách nhất tiệm (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Chè Chè Chè có nhiều món chè độc đáo như chè cung đình, đậu xanh dừa non bánh lọt, bạch quả hạt é nhãn nhục, trái cây dầm sữa chua, chè khoai môn viên, bột lọc heo quay, bột lọc dừa non... Điểm khác của Chè Chè Chè là nhiều món chè được cho thêm vào ít dừa bào mỏng thành sợi, rồi sấy khô, thơm thơm, dòn dòn, làm đậm đà thêm hương vị cho ly chè.

Không thích chè thì khách vào quán còn có thể kêu những “món mặn” như bún bò Huế, bánh canh tôm cua Huế, bún đậu mắm tôm hay bánh xèo. Trứng cút chiên khóm, bánh cay cũng có thể tìm thấy trong thực đơn của Chè Chè Chè.

Nếu muốn không khí sôi động hơn một chút thì có thể đến tiệm Bambu trên đường Bolsa trong khu Lyly Bakery.

Bambu đang ngày càng trở thành một thương hiệu được nhiều người đủ mọi lứa tuổi biết đến. Bởi đến Bambu trong khi người trẻ có thể chọn một ly milk tea-trà sữa, hay smoothies-sinh tố, các cô các chị đắm đuối với hơn 20 loại chè lạnh, thì các anh các chú lại cũng dễ chọn cho mình một ly cà phê nóng hoặc lạnh với nhiều mùi vị khác nhau.

Tôi không phải dân rành cà phê nên chỉ nói về chè thôi. Nếu đã thích chè, khi vào Bambu nhớ gọi thử ly “Bambu Special”. Dừa non trắng mềm, bánh lọt lá dứa xanh thơm dai dai, nhãn nhục vàng nâu xừng sực, và những hạt é như những chấm bi điểm xuyết cho trong chiếc ly trong veo được rót thêm toàn nước dừa tươi. Đúng là rất đặc biệt, thơm mùi lá dứa, mùi dừa tươi và lạnh mát.

Cuối cùng lại phải quay trở lại với ly chè 3 màu, không bỏ qua được.

Little Saigon nhiều nơi có chè 3 màu, nhưng ngộ cái là cũng đậu cũng dừa cũng đá, nhưng mà có nơi ăn vô muỗng thứ nhất, lại muốn tiếp liền muỗng thứ hai, thứ ba, cho đến khi ly chè chẳng còn tí gì sót lại, ngoài những mảnh nước dừa cố bám trên thành ly. Nhưng cũng có ly 3 màu, nhấm nhe vài muỗng đã muốn bỏ lại, không ngon gì hết trơn.

Một trong những ly chè 3 màu có thể vét sạch sành sanh là ly chè của tiệm Thạch Chè Mỹ Linh trong khu Westland, góc Westminster-Newland, gần bên tiệm Cháo Cá Chợ Cũ.

Một lớp đậu đỏ phía dưới, rồi đến lớp đậu trắng, một lớp bánh lọt xanh, một lớp hạt lựu đỏ, đậu xanh tán nhuyễn vàng nhạt phía trên, nước dừa trắng bóc, nước đá trong như pha lê. Không phải là 3 màu nữa mà những 7 màu. Ly chè nơi đây không chỉ được trình bày đẹp mà quan trọng hơn, là nó ngon. Còn ngon làm sao. Ăn thử rồi biết. Tôi tả bấy nhiêu đủ rồi.