main billboard

Riêng Hội Anh em Dân chủ như tên và logo của Hội thì đó là hội dành cho những người quan tâm đặc biệt đến tình hình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.


hoi anhem danchu logoLogo của Hội Anh Em Dân chủ. RFA

Hội Anh Em Dân chủ là một trong nhiều nhóm xã hội dân sự được hình thành tại Việt Nam trong thời gian qua, và đến nay Hội Anh Em Dân Chủ vừa tròn một năm ra đời.

Nhân dịp này Gia Minh hỏi chuyện một trong những sáng lập viên của Hội Anh Em Dân chủ, cựu tù nhân lương tâm Phạm Văn Trội về một số thông tin liên quan hoạt động của Hội trong một năm qua.

Xin được nhắc lại ông Phạm Văn Trội bị bắt hồi tháng 9 năm 2008 và bị kết án 4 năm tù giam theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam ‘Tuyên truyền Chống Nhà Nước CHXNCNVN’. Ông mãn án hối tháng 9 năm 2012, và nay vẫn phải thi hành hình thức quản chế 4 năm.

Gia Minh: Sau một năm ra đời, ông thấy anh em thực hiện tôn chỉ mà Hội đề ra thế nào?

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội: Qua một năm ra đời đến nay cơ bản đã thực hiện được mục tiêu ban đầu đề ra. Tôn chỉ của Hội là gắn kết các thành viên đấu tranh dân chủ lại với nhau, gắn kết, chia sẻ. Chia sẻ trong cuộc sống và kinh nghiệm đấu tranh dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam và phấn đấu tiến tới đòi dân chủ cho nhân dân Việt Nam và tuyên truyền về nhân quyền cũng như các công ước quốc tế về nhân quyền. Cho đến nay chúng tôi đang tiến hành từng bước những vấn đề đó một cách tương đối chắc chắn. Đó là những mục tiêu đề ra và đến nay đã thực hiện được.

Về mặt số lượng đến nay chúng tôi có chừng 120 thành viên chính thức, có chừng 300 thành viên dự bị và có nhiều ngàn người quan tâm đến Hội của chúng tôi.

Gia Minh: Rõ ràng một hội cổ xúy cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam như thế không được phía chính quyền đồng thuận, vậy họ có những cản trở ra sao đối với Hội?

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội: Tất cả những thành viên nòng cốt cũng như những người mới tham gia đều bị nhà cầm quyền, đặc biệt là lực lượng an ninh để ý theo dõi và giám sát rất chặt chẽ. Họ để ý bao vây rồi cô lập, ngăn chặn tất cả những thành viên trong Hội mỗi khi có những sự kiện của đất nước hay sự kiện của Hội. Đặc biệt những thành viên nòng cốt của Hội thường xuyên bị bao vây canh giữ ở nhà để không thể tiếp xúc với những thành viên mới tham gia. Đối với những thành viên mới thường xuyên bị dọa nạt, bao vây, đe dọa đến việc làm ăn kinh tế cũng như học hành.

hoi anhem danchu phamvantroiAnh Phạm Văn Trội trước tòa án ND TP Hà Nội hồi tháng 10 năm 2009

Gia Minh: Trong thời gian qua có nhiều hội ra đời, vậy Hội Anh em Dân chủ có phối hợp gì với những hội khác và ông có thấy sự ‘trùng lắp’ giữa các hội đoàn đó trong sinh hoạt không?

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội: Tôi cho rằng Hội Anh em Dân chủ cũng như những hội đoàn khác đều là những tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam. Việc ra đời của những hội đó là một tất yếu lịch sử của Việt Nam. Riêng Hội Anh em Dân chủ như tên và logo của Hội thì đó là hội dành cho những người quan tâm đặc biệt đến tình hình dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Cũng như những hội khác, mỗi hội có mục tiêu riêng và Hội Anh em Dân chủ có mục tiêu bao trùm là dân chủ và nhân quyền. Ngoài ra, hiện nay Hội Anh em Dân chủ có những bộ phận theo dõi các mảng về dân oan, mảng về công nhân, mảng về sinh viên… Đó là một bước phát triển mà hội chúng tôi đang tiến lên. Tất nhiên cũng như những hội đoàn khác họ có mục tiêu riêng và mục tiêu cuối cùng là phấn đấu đến dân chủ. Sự ra đời của những hội đoàn là một khích lệ cho Hội Anh em Dân chủ.

Gia Minh: Sự phối hợp giữa các hội đoàn để tiến tới mục đích chung thế nào và đã có hiệu quả ra sao?

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội: Đến nay có nhiều hội đoàn ra đời và mục tiêu cuối cùng là mong muốn Việt Nam trở thành đất nước có dân chủ thực sự và chính quyền tôn trọng quyền của người dân.

Giai đoạn trước các hội đoàn chưa có phối kết hợp với nhau, nhưng cho đến thời điểm hiện tại các hội đoàn đã có liên kết và cùng nhau thực hiện mục tiêu chung là dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam.

Gia Minh: Nói vậy có quá chung chung không, ông có thể chia sẽ hoạt động cụ thể nào với mọi người?

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội: Ví dụ khu vực dân oan hay công nhân, chúng tôi có người cùng với các hội đoàn khác cùng triển khai thúc đẩy quá trình khiếu kiện của người dân. Thế rồi nhóm công nhân ở các doanh nghiệp Việt Nam bị mất quyền lợi và bị áp bức, họ vùng lên đấu tranh, chúng tôi đều có kết hợp với những nhóm cụ thể đó để thực hiện quyền lợi của công nhân, nông dân và những nhóm khác nữa.

Gia Minh: Những hạn chế đang còn mà Hội Anh em Dân chủ cần phải vượt qua lúc này?

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội: Hội Anh em Dân chủ lúc này cũng gặp một số khó khăn nhất là khó khăn về mặt chính quyền: phía an ninh luôn o ép, gây cản trở quá trình tiếp xúc của hội và những thành viên của hội như tôi đã nói lúc ban đầu. Thứ hai tài chính của hội yếu ớt khiến cho hoạt động khó khăn. Thứ ba chúng tôi đang đào tạo cho một thành viên làm nòng cốt cho các bộ phận của hội như nông dân, công nhân, dân oan, sinh viên… Đến năm 2015 chúng tôi sẽ kiện toàn các bộ phận của hội và tiến đến hoạt động chuyên nghiệp.

Gia Minh: Trước tình hình xuất hiện của các hội đoàn, theo ông tình hình sắp đến khả quan ra sao?

Cựu tù nhân chính trị Phạm Văn Trội: Tôi cho rằng việc Việt Nam muốn tham gia TPP cùng với các nước đối tác trong khối xuyên Thái Bình Dương, một trong những yêu cầu là hội đoàn. Tôi hy vọng trong thời gian tới Việt Nam cũng ít nhiều phải cởi mở chấp nhận các hội đoàn hoạt động một cách bình thường. Nếu như Việt Nam tiếp tục gây khó khăn cho các nghiệp đoàn, thì Việt Nam sẽ có khó khăn trong phát triển kinh tế.

Gia Minh: Cám ơn ông.