"Ðây là một sự đau thương không chỉ riêng cho những gia đình có người mất tích hay đã tử nạn mà là cái đau chung của dân tộc chúng ta trong một giai đoạn đen tối của đất nước.”

ANAHEIM (NV) - Vào Chủ Nhật sắp tới 2 tháng 12, một Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn thuyền nhân đã mất trên đường vượt biển tìm tự do, cả thuyền nhân và bộ nhân. Thánh lễ sẽ được tổ chức lúc 3 giờ 15 chiều, tại nhà thờ St. Boniface, 120 N. Janss Street, Anaheim, CA 92805, dưới sự chủ tế của Linh Mục Nicolas Toàn Nguyễn, quản nhiệm Cộng Ðoàn Anaheim, cùng hai linh mục khác.

mo thuyennhan 1Một số mộ thuyền nhân Việt Nam tại nghĩa trang Khu A, tiểu bang Terengganu, Indonesia. (Hình: Văn Khố Thuyền Nhân)

Cô Nguyễn Mỹ Linh, một thành viên trong ban tổ chức, cho biết: “Nhân tháng cầu nguyện cho các linh hồn bên Công Giáo, Văn Khố Thuyền Nhân chúng tôi đã xin một Thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn thuyền nhân, bộ nhân đã mất trên đường vượt biên, vượt biển đi tìm tự do. Ðây là một sự đau thương không chỉ riêng cho những gia đình có người mất tích hay đã tử nạn mà là cái đau chung của dân tộc chúng ta trong một giai đoạn đen tối của đất nước.”

“Chúng tôi trong tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân, một hội thiện nguyện bất vụ lợi, đã nhiều lần tổ chức đi thăm viếng lại những bến bờ tự do cũ, lúc nào cũng vẳng nghe thấy tiếng kêu oan khuất của những thuyền nhân không may mắn đến được bến bờ tự do,” cô Linh nói tiếp: “Qua những lần thăm viếng ấy chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những ngôi mộ tập thể hàng trăm người ghi trên mộ bia, rải khắp trên các trại tị nạn ở Malaysia, Indonesia, Philippines, và cả trên những hoang đảo giữa biển Ðông. Trong phạm vi tâm linh chúng tôi nghĩ rằng những linh hồn oan khuất ấy chắc vẫn chưa tan được vì những cái chết tức tưởi, khổ đau trước gió bão cuồng nộ của thiên nhiên. Ai đã đẩy họ vào những cái chết thảm thương oan khuất đó? Nên cho dù những người may mắn chúng ta có làm những buổi lễ cầu nguyện hàng năm chắc chỉ làm vơi được phần nào mà thôi.”

Trong dịp này, cô Linh cũng đọc cho nghe một bài thơ cô sáng tác khi đứng trước những nấm mộ của những thuyền nhân không may mắn, trong đó có đoạn: “Ôi có phải chăng chết là đã hết, chẳng chút đoái hoài, chẳng kẻ nhớ thương! Nhưng sao ‘ai’ vẫn căm hờn đập nát, bia tưởng niệm kia có tội tình gì? Ðã hơn 30 năm trôi lặng lẽ, Chúng tôi, những nhân chứng lịch sử buồn, làm viên gạch lót đường dù chẳng muốn, vẫn nằm đây chờ đợi một lời kinh.”

Cho đến nay, thực sự chưa có một tổ chức nào tổng kết nổi số thuyền nhân đã chết, mất tích trên biển Ðông trong suốt hơn 10 năm trời người Việt trốn chạy chế độ cộng sản đi tìm tự do. Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng chỉ ước lượng khoảng một nửa số người ra đi là đến được bến bờ tự do nghĩa là số người chết, mất tích có thể vào khoảng nửa triệu người. Nếu như có một tổ chức nào đứng ra làm tổng kết dựa trên những tin tức của đồng bào thuyền nhân đã đến được bến bờ tự do trên khắp thế giới cho biết tin tức thì con số cũng không thể chính xác được vì, theo lời cô Mỹ Linh kể lại, cô đã được gặp một số thuyền nhân cho biết trên những chuyến vượt biển đi tìm tự do ấy có rất nhiều gia đình đã chết cả vợ chồng con cái nghĩa là không còn thân thích nào trên dương thế thì lấy ai cho biết tin tức bây giờ đây. Thực tế cho biết, số ấy không thể là nhỏ vì những chiếc thuyền vượt biển hầu hết chỉ nhỏ nhoi với một hai lốc máy, thiếu đủ mọi phương tiện hải hành vì phải lén lút, che giấu khi tổ chức, sửa soạn ra đi. Những con thuyền định mệnh ấy chắc chắn sẽ làm mồi cho giông bão trên biển một cách dễ dàng. Có vượt thoát được cũng là do từ một phép lạ của Phật Bà Quan Âm hay Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
mo thuyennhan 2
Một bia mộ bên trong nghĩa trang Khu A, tiểu bang Terengganu, Indonesia, bị ngã. (Hình: Văn Khố Thuyền Nhân)

Trong cộng đồng người Việt tị nạn ở hải ngoại, nhiều nơi đã tổ chức được những buổi tưởng niệm, cầu nguyện cho thuyền nhân không đến được bến bờ tự do trong các dịp kỷ niệm biến cố thương đau 30 Tháng Tư, trong hơn 30 năm nay. Nhiều nơi đã dựng được tượng thuyền nhân để ghi lại biến cố đau thương của dân tộc Việt Nam, như ở Montreal, Canada và tại Little Saigon. Văn Khố Thuyền Nhân là một trong những tổ chức ấy. Ðược thành lập từ một số bạn trẻ do ông Trần Ðông điều hành với tâm huyết thu thập lại tất cả những gì liên quan đến thuyền nhân Việt Nam để đưa vào một văn khố cho các thế hệ mai sau được biết rõ về một giai đoạn đen tối của đất nước và dân tộc.

Cô Mỹ Linh cho biết thêm: “Văn Khố Thuyền Nhân là một tổ chức thiện nguyện bất vụ lợi. Mục đích tìm kiếm và trùng tu mồ mả các thuyền nhân đã mất trên đường vượt biển dưới sự bảo trợ của Trung Tâm Du Lịch Úc Châu. Văn Khố Thuyền Nhân đã tổ chức được rất nhiều chuyến đi về thăm các trại tị nạn cũ được gọi là 'Về Bến Tự Do,' nay đã tới chuyến thứ 12. Dự trù vào năm tới sẽ thực hiện chuyến đi 'Về Bến Tự Do' thứ 13, từ ngày 30 Tháng Ba đến ngày 5 Tháng Tư. Mục đích chuyến đi này là để tảo mộ Nghĩa Trang Bataan và thăm hai di tích trại tị nạn tại Palawan và El Nino, Philippines. Tháng Bảy sẽ có chuyến đi thứ 14, thăm lại các trại Bidong và Galang. Bẩy năm qua Văn Khố Thuyền Nhân đã trùng tu được hàng trăm mộ thuyền nhân trong đất liền tại Malaysia, mai táng tổng cộng 999 thuyền nhân ở Cherang Ruku, Kelantan, Terangganu, Kuantan...”

Quí độc giả cần biết thêm chi tiết về Văn Khố Thuyền Nhân và những chuyến đi này xin vào Website: vktnvn.com. Cần biết thêm chi tiết về Thánh lễ cầu nguyện xin liên lạc với cô Nguyễn Mỹ Linh (714)-229-0036 hay email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. để nhắn ghi tên thánh của các linh hồn quý vị muốn xin cầu nguyện đặc biệt trong Thánh lễ kể trên.