main billboard

Cũng sẽ có những câu chuyện nói với nhau về cuộc đời tù ngục của người chiến sĩ VNCH khi thất thế sa cơ trong vòng tay cộng sản. Một trong những câu chuyện kể mà anh em thường nhắc tới là cuộc vùng dậy chống đối của toàn trại tù vào Giáng Sinh năm 1978.


WESTMINSTER (NV) - Vào sáng 19 Tháng Bảy tới đây, anh em cựu tù trại tù cải tạo Suối Máu sẽ có cuộc họp mặt tại Thư Viện Việt Nam trên đường Westminster, Garden Grove, từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Theo ban tổ chức cho biết đây là cuộc họp mặt hàng năm của những cựu Quân Cán Chính VNCH bị cộng sản giam giữ sau năm 1975. Lần họp mặt này được mở rộng. Theo thư mời phổ biến trên các cơ quan truyền thông Việt ngữ Nam California, thì “các anh chị em các trại tù CS khác xin cùng đến tham dự” và “xin quý anh chị vui lòng mang con cháu đến cùng tham dự. Trước là cho tình thân hữu của các bạn tù chúng ta thêm phần gắn bó. Sau là để các cháu gặp gỡ, quen biết nhau, nâng đỡ nhau trong sinh hoạt và học tập.”

traitu suoimauKhông ảnh của VNCH chụp trại Suối Máu trước năm 1975 dùng làm nơi giam giữ tù binh và cán binh cộng sản. (Hình tài liệu của Gia Ðình Cựu Tù Suối Máu San Jose)

Cựu tù Trần Văn Phước, một trong 10 người đứng ra tổ chức buổi họp mặt Hè năm nay, cho biết: “Ðã nhiều lần anh em cựu tù Suối Máu gặp gỡ nhau từ khi qua được đến phần đất tự do. Những buổi gặp gỡ không chỉ để nhắc nhớ những tháng năm phải chịu đựng cảnh ngục tù khi quốc phá gia vong mà còn là dịp để anh em thể hiện được tình thương yêu, giúp đỡ nhau như những ngày tháng còn ở trong ngục tù cộng sản. Những lần gặp gỡ này cũng là dịp để anh em xác định lại lập trường chống cộng sản không thay đổi, nhất là hiện tại đất nước đang đứng trước nguy cơ vì tham vọng bá quyền của Trung Cộng mà CSVN đang cai trị đất nước thì càng ngày càng tỏ ra hèn mạt với bọn bá quyền Bắc Kinh.”

Về nội dung, cuộc họp mặt Hè năm nay sẽ có một chương trình văn nghệ đấu tranh do cựu tù Vũ Long Sơn Hải tổ chức. Những bài hát ca tụng sự chiến đấu và hy sinh của Quân Cán Chính VNCH sẽ được anh chị em cựu tù thay nhau trình diễn nhắc nhớ lại một thời gìn giữ tự do no ấm cho miền Nam tự do trước sự xâm lăng trắng trợn, cuồng bạo của CSBV được hà hơi tiếp sức của cả khối cộng sản quốc tế.

Cũng sẽ có những câu chuyện nói với nhau về cuộc đời tù ngục của người chiến sĩ VNCH khi thất thế sa cơ trong vòng tay cộng sản. Một trong những câu chuyện kể mà anh em thường nhắc tới là cuộc vùng dậy chống đối của toàn trại tù vào Giáng Sinh năm 1978.

Trại tù Suối Máu ở Tân Hiệp, Biên Hòa là nơi giam giữ các cán binh CS trong cuộc chiến Việt Nam trước năm 1975. Trại được chính quyền VNCH thiết lập với đầy đủ tiện nghi tương đối trong cuộc sống của con người theo đúng qui định của công ước quốc tế Geneva cho người tù hoặc hàng binh. Nhưng khi quân Cộng Sản Bắc Việt tấn chiếm được toàn cõi thì nơi đây cũng như hầu hết các căn cứ quân dân sự của VNCH đã bị phá hủy, dỡ bỏ để lấy tất cả nguyên vật liệu đem đi nên khi cộng sản lấy làm nơi giam giữ Quân Cán Chính VNCH thì trại Suối Máu chỉ còn là một nơi hoang phế.

Suối Máu là tên anh em gọi dù cán bộ CS coi trại ngăn cấm triệt để anh em gọi bằng tên này vì nơi đây là di tích của một trận đánh mà Sư Ðoàn Cọp Biển của TQLC/VNCH đánh tan một đơn vị lớn quân CS khiến máu rơi thịt nát của quân CS chảy như suối. Dù có cấm đoán cách nào, cai tù CS cũng không cấm được anh em gọi tên trại là Suối Máu, cho đến cả người dân quanh vùng cũng quen gọi như thế.

Trại Suối Máu có 5 K, mỗi K chứa khoảng trên dưới 1,000 tù trong 9, 10 căn nhà dài mà CS gọi là “lán.” Ngay những ngày đầu bị tập trung về đây, Quân Cán Chính VNCH hiểu ngay là đã lâm cảnh tù ngục với những hàng kẽm gai chi chít và những tên coi trại lúc nào cũng có thái độ thù hằn kênh kiệu, trái hẳn với những lời kêu gọi trình diện trước đây. Sinh hoạt trong trại hoàn toàn trái ngược với những qui định của Công Ước Tù Binh Quốc Tế nên anh em hết sức phẫn nộ và đã bùng phát vào đêm Giáng Sinh năm 1978.

Theo nhiều cựu tù Suối Máu kể lại, trước đó, trong các K. anh em đã thành lập bí mật được các tổ chức quản trị và hành động để bảo vệ nhau và trừ diệt “ăng ten.” Nhân dịp Giáng Sinh năm 1978, anh em Công Giáo trong nhà 17 và 15 trong K.1 khoảng 50 người tiến hành bí mật làm tượng Chúa và hang đá để đêm Giáng Sinh sẽ dựng lên làm lễ đón mừng Ðêm Chúa Sinh Ra Ðời.

Ðúng vào tối 24 tháng 12, 1978, khi anh em bị lùa vào hết trong các “lán,” các anh em Công Giáo tiến hành làm lễ dưới sự chủ lễ của cha Thông bên K.2 đứng làm lễ cách rào ngăn hai “lán.” Cuộc hành lễ đang diễn ra với tiếng hát “Ðêm Ðông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” không chỉ của những anh em có đạo mà hầu hết các anh em trong các “láng” của K.1 cũng cất tiếng hát theo khi nghe được. Rồi không chỉ K.1 mà các K.2, K.3, K.4 và K.5 đều đồng loạt cất lên tiếng hát vang dội khắp khu trại. Cán bộ quản lý trại vội đưa vệ binh vào trại bắt dẹp buổi lễ và bắt đi 3 người tù là các anh Hoàng, Rĩnh, Bé.

Thế là anh em trong lán có Hoàng, Rĩnh, Bé đều kéo hết ra sân phản đối đòi thả ba người bạn tù và sau đó thì toàn trại đều kéo hết ra sân đòi hỏi phải thả ba người bạn tù. Giám thị trại cảm thấy nguy đã kêu cứu trung ương và quân đội CS đã được phái đến sẵn sàng nhả đạn tiêu diệt sự chống đối. Nhưng tất cả anh em trong trại khoảng trên 5 ngàn người đều không nao núng vẫn lên tiếng đòi phải thả 3 người tù vừa bị bắt ra ngoài trại. Cuối cùng thì trại đã phải thả 3 người tù này vào lại trại tù với điều kiện tất cả phải trở vào ngay các láng và không được tổ chức tiếp lễ Giáng Sinh.

Cuộc chống đối thành công giúp tinh thần chiến đấu của anh em lên rất cao khiến số “ăng ten” phải “hồi chánh” khá đông tạo được không khí sinh hoạt khá tự do trong toàn trại. Nhưng cán bộ trại giam vẫn còn duy trì các đơn vị quân đội bố trí súng ở bên ngoài một thời gian sau đó. Trong khi đó bọn quản lý trại giam tiến hành các biện pháp “thanh lọc” ngấm ngầm qua những cuộc biên chế, chuyển trại và siết chặt sinh hoạt trong trại hết sức nghiệt ngã.

Nay đã gần 35 năm, người tù cải tạo cuối cùng đã ra khỏi ngục tù CS và phần lớn được định cư tại hải ngoại do sự can thiệp của chính phủ Hoa Kỳ, những người cựu tù cải tạo vẫn còn nguyên khí thế đấu tranh từ những ngày còn trong ngục tù cải tạo. Những cuộc hội ngộ, họp mặt tuy có diễn ra hiền lành nhưng vẫn tiềm tàng cả một khối lửa sục sôi sẵn sàng đốt cháy cả chế độ bạo tàn CS trong lịch sử dân tộc Việt Nam.