main billboard

“Tôi xem tin này trên TV, thấy đau lòng quá! Không hiểu tại sao họ lại làm như vậy. Tôi thấy tội nghiệp cho đứa nhỏ, tại sao nó không có cơ hội được đối xử như những đứa trẻ khác?”


Đừng mặc cảm vì con tự kỷ, hãy tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng


WESTMINSTER (NV) – Xôn xao trong cả cộng đồng Việt lẫn người bản xứ những ngày vừa qua là tin liên quan đến chuyện một cặp vợ chồng gốc Việt bị bắt vì cảnh sát nghi rằng họ nhốt đứa con trai tự kỷ 11 tuổi của mình vào trong một cái “chuồng.”

Thực hư sự việc vẫn còn trong vòng điều tra của cảnh sát. Tuy nhiên, dư luận xoay quanh vấn đề này đi theo hai hướng khác nhau, một bên cho rằng không chấp nhận được hành động này, một bên tỏ ra thông cảm với cách chăm sóc, bảo vệ cho một đứa con bị tự kỷ.

Đặc biệt, câu hỏi được đặt ra nhiều nhất là liệu cặp vợ chồng này có nhận được hay có đi tìm kiếm sự trợ giúp từ những người có chuyên môn hoặc các tổ chức thiện nguyện dành riêng cho trẻ tự kỷ hay không?

Phóng viên Người Việt có cuộc trao đổi với một số người gốc Việt có con hoặc có nghiên cứu, có làm việc với trẻ em bệnh tự kỷ để tìm hiểu thêm những suy nghĩ cũng như giải pháp liên quan đến câu chuyện này.


treem tuky 1Chăm sóc trẻ tự kỷ - cần phải biết cách. (Hình minh họa: Ngọc Lan/Người Việt)


Đừng mặc cảm, hãy tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng


Đó là suy nghĩ của chị Quyên Nguyễn, 31 tuổi, hiện đang sống tại Long Beach, người cũng có một đứa con trai sắp 10 tuổi bị “tự kỷ dạng nặng nhất.”

“Tôi nghĩ hai người này có thể bị mặc cảm khi có đứa con bị bệnh như vậy. Họ cũng không hiểu đủ về cách để chăm sóc cho một đứa con bị tự kỷ.” Chị Quyên nói.

“Tôi xem tin này trên TV, thấy đau lòng quá! Không hiểu tại sao họ lại làm như vậy. Tôi thấy tội nghiệp cho đứa nhỏ, tại sao nó không có cơ hội được đối xử như những đứa trẻ khác?” Chị Quyên bày tỏ.

Là mẹ của một đứa con bị tự kỷ, chị Quyên tâm sự, “Tôi biết con mình bị tự kỷ lúc nó 18 tháng. Khi giận dữ, nó không kiểm soát được hành động của mình đâu, nó tự đánh nó, đánh cả thầy cô, đánh em gái nó, đánh cả tôi. Mỗi lần dẫn nó ra đường rất cực, vì nó có thể la hét hay có những hành vi lạ. Mà nhiều người Việt mình nhìn những đứa trẻ bị tự kỷ kỳ lắm. Thấy rất là đau lòng.”

Tuy nhiên, nhờ có sự hướng dẫn, chỉ vẽ của những người chuyên môn nên chị Quyên biết cách làm thế nào để chế ngự cơn nóng giận của con trai mình: “Trước hết phải nói chuyện với em nó, giải thích cho nó hiểu rằng anh nó bị bệnh, phải biết thương anh, để khi anh nó có nắm tóc nó giật thì nó không đánh lại. Với đứa con bị bệnh, khi nó nổi giận, đánh người khác, phải bắt nó xin lỗi, hỏi nó có cần giúp gì không, vì đôi khi đó là cách nó muốn mình chú ý đến nó. Nói chuyện với nó mà nó vẫn la hét thì bắt nó vào phòng ngồi trên cái 'bean bag' của nó cho đến khi nó dịu lại thì mới được ra...”

Chị Quyên cho biết chị mới sang Mỹ khoảng hơn 5 năm, sống ở Long Beach, nhưng ngay từ khi mới sang, chị đã để ý, xem trên báo, radio, TV tìm kiếm những tin tức, những tổ chức của người Việt có thể giúp đỡ cho trẻ bị tự kỷ. Và chị đã có những sự giúp đỡ đó.

“Những người có chuyên môn sẽ biết cách hướng dẫn mình xếp đặt đồ đạc trong nhà sao cho an toàn cho đứa trẻ, cách dạy nó như thế nào. Một điều rất lạ là những đứa trẻ tự kỷ khi mình đã chỉ cho nó nơi nó phải ngồi khi bị phạt thì cứ mỗi lần nó nổi giận, mình phạt nó là nó biết đi đến góc đó ngồi cho đến khi nó dịu lại.” Chị Quyên chia sẻ.

Người mẹ có con bị tự kỷ này nói thêm, “Nhìn cách vợ chồng này đối với đứa bé, tôi nghĩ họ đã không nhận được sự huấn luyện từ những người có chuyên môn.”

Họ đã không có sự hiểu biết đủ...


“Tôi đọc bài báo thấy buồn hết sức. Tội dễ sợ!” Ông Quý Trần, một thiện nguyện viên của Hội Trái Tim Bác Ái, chuyên về trẻ tự kỷ, nói ngay khi nghe đề cập đến câu chuyện trên.

Theo ông Quý, cái “buồn” và “tội” đó trước hết là cho đứa bé bị tự kỷ, rồi đến hai đứa em nhỏ hơn, “cuối cùng mới là hai vợ chồng đó, không biết làm sao để mà lo những đứa trẻ đó về sau, đó là vấn đề.”

“Riêng thằng bé đó khi đưa vào cho chính phủ lo thì sẽ xảy ra chuyện nếu thằng bé lên cơn hung hăng thì họ sẽ cho uống thuốc, không có cách nào khác. Vì những đứa này bắt buộc phải coi chừng 24/24, nên thường người mẹ phải có sự hy sinh để lo cho con.” Ông Quý nêu kinh nghiệm.

Là người chuyên đến thăm các gia đình gốc Việt có trẻ em bị tự kỷ để vừa giúp đỡ họ về tinh thần, vừa giúp họ có thể liên lạc với những cơ quan tổ chức tìm kiếm những quyền lợi cho đứa bé, ông Quý nêu suy nghĩ, “Thực sự có những đứa bé bệnh nặng quá, nhưng bố mẹ lại không qua lớp huấn luyện, giáo dục nào do những người có chuyên môn dạy thì sẽ không biết cách làm sao để hoán chuyển các hành vi của nó.”

“Trong số những gia đình có trẻ tự kỷ mà tôi tiếp xúc, có nhiều đứa nặng lắm nhưng mà không đứa nào bị nhốt riêng như vậy hết, vì họ biết cách 'xử lý' hành vi qua sự hướng dẫn làm thế nào để cho đứa nhỏ hiểu được lỗi của nó làm ra và nó sẽ phải bị thưởng/phạt như thế nào.” Ông Quý nói thêm.

Ông Quý cho biết “sẽ mang bài báo này ra để mọi người cùng học hỏi và chia sẻ trong buổi sinh hoạt kỳ tới, đồng thời để hỏi xem có trường hợp nào biết thì cùng nhau giúp đỡ chứ không thì tội nghiệp quá.”

Người có thời gian khá dài làm việc kiên trì với những đứa trẻ tự kỷ ở nhiều mức độ bày tỏ thêm, “Khổ nỗi nhiều phụ huynh Việt Nam tự ái cao lắm, khi có một đứa con như vậy họ không có chịu mở lòng ra. Khi không mở lòng ra thì cứ nghĩ mình bị kiếp trước làm tội nên giờ phải trả bla bla bla rồi không muốn tiếp xúc với ai hết, không muốn chia sẻ để người khác có thể làm điều gì đó giúp đỡ mình.”

“Cộng đồng mình mà cứ khép kín kiểu này hoài thì tội cho đứa con là điều trước hết, thứ hai nếu nó có em hoặc anh thì càng tội hơn nữa vì không có ai chăm sóc.” Ông Quý nói.

Ông Quý nói thêm, “Tôi chưa tiếp xúc được với bố mẹ này, vì thông thường họ chủ động gọi thì mình mới tới chứ mình tự tới thì không đúng. Giá như người bố hay người mẹ gọi cho tôi sớm thì chắc chắn không có tình trạng này. Tôi nghĩ cho dù đứa bé có khó khăn đến thế nào tôi cũng có thể gắn bó với nó được hết.”

“Nếu họ có đọc được tin này, hy vọng họ sẽ gọi cho tôi ở số điện thoại (714) 200-4142. Tôi sẽ làm tất cả những gì tôi có thể làm để giúp.” Người thiện nguyện viên của Hội Trái Tim Bác Ái kỳ vọng.

Tìm kiếm, tham gia cùng các hội tự kỷ là một trong những biện pháp hữu ích

cho phụ huynh trong việc giúp đỡ con em bị tự kỷ của mình. Hình: một buổi sinh hoạt của

treem tuky 2Hội Trái Tim Bác Ái dành cho trẻ em tự kỷ. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Biện pháp và tội lỗi


Ông H. Tịnh, người có con bị bệnh tự kỷ cũng là người bỏ ra nhiều công sức trong việc đi tranh đấu tìm quyền lợi cho trẻ tự kỷ, phát biểu, “Là phụ huynh, dĩ nhiên, tôi tuyệt đối không đồng ý với phương pháp 'can thiệp hành vi' bằng cách giam con trẻ vào lồng sắt. Điều đó là hoàn toàn vi phạm luật lệ. Cảnh sát và cơ quan bảo vệ trẻ em đã hành xử đúng khi bắt giam hai vợ chồng nầy. Tuy nhiên, nếu phải lên án họ thật nặng nề thì cần phải xét đến động cơ, nguyên nhân, và nhiều yếu tố khách quan khác.”

Là người cha từng đau đớn khi biết con trai mình mắc bệnh tự kỷ, ông Tịnh trong quá trình chăm sóc con, đã bỏ ra 10 năm dài nghiên cứu những vấn đề liên quan đến tự kỷ đưa vào quyển sách “Tất cả về Tự kỷ và Học đường” nên cách nhìn câu chuyện của ông có phần sâu sắc và đa diện hơn.

Ông Tịnh cho rằng, “Theo tin tức báo đài thì đứa trẻ này bị tự kỷ dạng nặng, hoàn toàn không có dấu hiệu hay thương tích nào trên cơ thể để chứng minh rằng em đã bị hành hạ hay bị suy dưỡng trong nhiều ngày, nhiều tháng, hay nhiều năm qua. Ngoài ra, cảnh sát biết em trai bị tự kỷ này có sự rối loạn nghiêm trọng về hành vi. Nghĩa là, em có thể gây thương tích cho chính bản thân và cho những người khác, bao gồm 2 em nhỏ, đứa 8 tuổi và 10 tuổi trong gia đình.”

Thế nên, nếu vụ này bị đưa ra tòa, thì “sẽ yêu cầu nhà trường phải cung cấp những thông tin về trẻ tự kỷ ở trường, chẳng hạn, bản thẩm định khuyết tật (multidisciplinary assessments), bản soạn thảo chương trình giáo dục cá nhân (Individualized Education Program or IEP), bản kế hoạch can thiệp hành vi (behavioral intervention plan) cho trẻ tự kỷ. Câu hỏi cần đặt ra như: Ở nhà trường, các chuyên viên tâm lý/giáo dục làm gì để có thể kiềm chế được những hành vi tiêu cực của đứa bé tự kỷ này? Có bao giờ học khu huấn luyện phụ huynh cách thức can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ ở nhà không? Huấn luyện bằng cách nào? Ai là người huấn luyện phụ huynh? Bằng tiếng Anh hay tiếng Việt?”

Rồi phải xem lại hồ sơ của bé trai này ở Trung Tâm Vùng (Regional Center) xem họ đã cung cấp những dịch vụ can thiệp hành vi cho trẻ tự kỷ như thế nào, hướng dẫn phụ huynh ra sao. Liệu bác sĩ gia đình có biết rõ hành vi hiện tại của em và giới thiệu em đến những cơ quan chăm sóc sức khỏe tâm thần (Mental Health Agency) để được cố vấn, giúp đỡ cần thiết không?

“Tâm lý phụ huynh người Việt có con tự kỷ thường mặc cảm, và tiếng Anh vẫn là một trong những trở ngại hàng đầu khi săn lùng dịch vụ cho con em, nhất là các em phải cần đến sự chăm sóc đặc biệt 24/24.” Ông Tịnh nói thêm.

Trong nỗi niềm của người cùng cảnh ngộ, ông Tịnh tâm tư, “Biết đâu họ hành động như vậy vì không được một ai trợ giúp và họ quá cùng đường, hay có thể vì họ cần phải bảo vệ sự an toàn cho đứa trẻ tự kỷ và những trẻ khác trong gia đình?”

“Thật ra, tâm trạng và điều kiện chăm sóc trẻ khuyết tật trong gia đình chỉ có những người cùng cảnh ngộ mới dễ dàng cảm thông và tha thứ cho nhau một phần nào đó. Biết đâu, con người có khi là nạn nhân của hoàn cảnh hay của sự lựa chọn tuyệt vọng giữa điều tồi tệ hơn và tồi tệ nhất.” Ông Tịnh ray rứt.