main billboard

Họ đòi hỏi chính phủ xua đuổi người Việt mình trở về nước. Chúng tôi hiện gặp nhiều khó khăn do hầu như chính quyền Phnom Penh chưa ổn định và không giải quyết được gì.


nguoiviet campuchia 1Cảnh sát chống bạo động Campuchia ngăn cản người biểu tình chống Việt Nam trước ĐSQVN tại thủ đô Phnom Penh ngày 22/07/2014. RFA PHOTO/Quốc Việt

Bài Việt và tẩy chay hàng VN

Bế tắc chính trị ở Campuchia kéo dài gần một năm nay gây ra một số tác động bất lợi đến cộng đồng người Việt tại Campuchia, khi mà xu hướng bài Việt dâng cao do phe đối lập kích động.

Xung đột chính trị và bất ổn xã hội Campuchia kéo dài gần một năm qua đã giáng những đòn nặng nề vào kinh tế xứ chùa Tháp, làm giảm chi tiêu cá nhân, tác động xấu đến ngành may mặc, và du lịch.

Trong khi đó, cộng đồng người Việt đang sống, làm ăn và học tập ở xứ này cũng gặp không ít rắc rối. Gần một năm qua, phe đối lập vốn là phía thua cử trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa V, ngày 28/7/2013 nhưng đối lập đã từ chối kết quả rồi tụ tập biểu tình phản đối, thậm chí còn kích động bài Việt với lý do cộng đồng người Việt bất hợp pháp đã tham gia bầu chọn đảng đang cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen.

Tâm lý bài Việt và xu hướng tẩy chay sản phẩm của Việt Nam được ghi nhận ngày càng dâng cao. Tổ chức Quyền Dân tộc Thiểu số (MIRO) công bố kết quả điều tra hồi cuối tuần qua rằng bế tắc chính trị đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, lạm quyền và vi phạm quyền của người Việt nhiều hơn trước.

Cuộc điều tra tại các tỉnh Siem Reap, Kampong Chhnang, Kandal, Prey Veng và Ta Keo, các tỉnh có nhiều người Việt đang sống cho thấy chính quyền địa phương không còn nhân nhượng với người Việt như trước. Những người hội đủ điều kiện cấp giấy tờ tùy thân hoặc sanh ra tại xứ này, vẫn bị chính quyền từ chối cấp quốc tịch.

    Họ đòi hỏi chính phủ xua đuổi người Việt mình trở về nước. Chúng tôi hiện gặp nhiều khó khăn do hầu như chính quyền Phnom Penh chưa ổn định và không giải quyết được gì.
    -Ông Lâm Văn Phong

Theo MIRO, do bị từ chối cấp quốc tịch nên người Việt ở Campuchia đã mất đi quyền được giáo dục, văn hóa bản xứ, điều kiện nhà ở nghèo, không quyền sở hữu đất đai, đặc biệt họ không có khả năng tham gia vào tiến trình chính trị của Campuchia và phát triển xã hội. MIRO nhấn mạnh cộng đồng người Việt rất dễ bị kỳ thị trên đất Campuchia.

Ông Lâm Văn Phong, người Việt sống ở ngoại ô Phnom Penh chia sẻ: “Tôi làm thợ nhưng đi đâu cũng phải né người Campuchia, không dám tới gần vì bị họ phân biệt. Họ đòi hỏi chính phủ xua đuổi người Việt mình trở về nước. Chúng tôi hiện gặp nhiều khó khăn do hầu như chính quyền Phnom Penh chưa ổn định và không giải quyết được gì.

Lúc chưa gặp bế tắc chính trị thì người Việt dễ làm ăn, người Việt đi đứng, mua bán cũng dễ dàng nhưng kể từ sau bầu cử tới giờ đã gây rất nhiều khó khăn tới người Việt. Khó khăn trước mắt là bà con người Việt không có giấy tờ, nên vấn đề làm ăn trên này khó…”

Còn bà Ngô Thị Hoa, người Việt buôn bán tại Campuchia nói rằng bế tắc chính trị đã tác động không nhỏ đến cuộc mưu sinh của người nước ngoài tại đây, trong đó có người Việt.

Bà mô tả tình hình khó khăn, du khách vắng bóng, chuyện đi lại của người dân rất khó khăn khi cuộc biểu tình kích động tư tưởng bài Việt thường xuyên nổ ra. Vẫn theo bà, việc buôn bán làm ăn của người Việt ế ẩm, các tour du lịch bên Việt Nam qua đây đã hủy nhiều, mọi hoạt động đều bị ảnh hưởng.

Bà Ngô Thị Hoa nói thêm: “Anh em tôi ở đây xáo trộn quá. Khi kéo biểu tình là mấy người bán bánh mì đẩy xe phải ngưng bán vài ngày. Qua kéo biểu tình mới làm ăn được nữa. Người Việt Nam rất thiệt thòi và bị khống chế ở đây, không làm ăn được. Anh em mất đi tinh thần.

Về vấn đề ông Hun Sen thắng cử, dân Việt Nam mừng mà tôi thấy dân Campuchia bây giờ đa số hướng về phía đối lập nhiều. Không biết chừng có lệnh làm giấy chứng minh cho người Việt sanh đẻ ở Campuchia. Tôi thấy đôi lúc cũng buồn. Tôi lo tới năm 2018 (bầu cử khóa VI) vì tôi sợ. Đợt này ông Hun Sen thắng mình yên nhưng đợt sau sợ đối lập thắng mình không yên.”

Bị đối xử bất bình đẳng

nguoiviet campuchia 2Sức mua sản phẩm kỹ thuật số từ Trung tâm Digital City Việt Nam giảm nhiều tại Campuchia ngày 22/07/2014. RFA PHOTO/Quốc Việt.

Campuchia là thị trường quan trọng của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba của Campuchia trong số hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ thương mại với nước này. Năm 2013, sản phẩm của Việt Nam đã chiếm khoảng 70% trên thị trường Campuchia, các nhà đầu tư Việt nam đã chen lấn nhau đầu tư và mở công ty tại đây nhưng hiện đã giảm hơn phân nữa. Các nhà đầu tư Việt Nam thừa nhận năm nay có nhiều khó về kinh tế và một số bất ổn chính trị tại xứ này.

Ông Danh Hà, Trưởng quản lý Trung tâm Digital City buôn bán sản phẩm kỹ thuật số tại thủ đô Phnom Penh cho biết:

“Khi xảy ra cuộc biểu tình lớn cũng ảnh hưởng lớn đến một số công ty sang làm ăn ở đây. Còn công ty của mình, sức mua giảm xuống rất nhiều. Một số khách hàng vào mua cũng phân biệt khi mà nghe người trong này nói tiếng Việt.

Thị trường Campuchia hiện tại là một thị trường mở cũng rất tiềm năng. Mặc dù hiện chính trị đang lộn xộn nhưng nếu mình nắm bắt được cơ hội này và duy trì được khi chính trị ổn định trở lại thì công ty Việt Nam sẽ thành công.”

Còn Giám đốc tổ chức Quyền Dân tộc Thiểu số (MIRO) là ông Ang Chanrith cho biết cộng đồng người Việt đang bị đối xử bất bình đẳng. Chính phủ Campuchia cần thống nhất đất nước, giải quyết các vấn đề bất bình, chấm dứt tư tưởng cực đoan chống lại người Việt.

    Công ty của mình, sức mua giảm xuống rất nhiều. Một số khách hàng vào mua cũng phân biệt khi mà nghe người trong này nói tiếng Việt.
    -Ông Danh Hà

Ông Ang Chanrith: “Nếu bế tắc chính trị được giải quyết thì tư tưởng bài Việt tại Campuchia sẽ giảm. Đối với người Việt sinh ra và sống lâu đời tại đây đều có thể nhận được quốc tịch vì phe đối lập và chính phủ đều muốn thực thi luật xuất nhập cảnh và cấp tịch cho người nước ngoài hội đủ điều kiện.”

Trong khi đó, đảng Nhân dân Campuchia và đảng đối lập Cứu quốc Campuchia phát đi một thông cáo báo chí chung chiều 22/7 rằng cuộc đàm phán lần cuối giữa lãnh cấp cao của hai đảng đã đạt được thỏa thuận chung, thống nhất chấm dứt bế tắc chính trị.

Thông cáo nhấn mạnh hai bên đã nhất trí về một giải pháp chính trị bằng cách cùng cộng tác trong Quốc hội để hướng tới giải quyết các vấn đề quốc gia dựa trên các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền.

Các nhà quan sát Campuchia nhận định bế tắc chính trị tại Campuchia được chấm dứt, xứ này chỉ đạt được thỏa thuận chung về cách thức tổ chức bầu cử mới, cơ chế thành lập Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC), thành phần trong Quốc hội… nhưng không thể giúp giải quyết vấn đề ảnh hưởng đến người Việt.

Để giải quyết bế tắc đối với người Việt tại Campuchia, chính phủ cần điều tra làm rõ số liệu người Việt sống hợp pháp và bất hợp pháp tại đây, thi hành luật xuất nhập cảnh, cấp quốc tịch cho những người hội đủ điều kiện; không tuyên truyền sự thù hận kích động phân biệt người Việt; trong khi cộng đồng người Việt cũng phải tìm hiểu văn hóa, học ngôn ngữ và chữ Khmer để trao đổi, làm thủ tục pháp lý.