main billboard

“Tôi nghĩ hãy nói tiếng yêu thương, bày tỏ tình yêu thương cho con cái mình nhiều hơn ngay từ khi nó còn nhỏ, không nên để trong lòng. Vì những đứa nhỏ rất cần tình thương để lớn lên và trưởng thành."


WESTMINSTER (NV) – Cách đây đúng 6 tháng, cũng ngày 25, tôi được tiếp chuyện với người đàn ông đau khổ đến tòa soạn đăng cáo phó cho người con gái duy nhất của mình, qua đời ở tuổi 23, sau 3 ngày hôn mê do bị đánh hội đồng trước quán bar The Crosby thuộc thành phố Santa Ana.

Hôm nay, sau nửa năm, cũng gian phòng đó, chỗ ngồi đó, tôi lại ngồi lắng nghe tâm tình của ông Dũng Phạm về nỗi mất mát thấm đượm như thế nào khi con ông không còn nữa, cũng như nghe điều ông suy nghĩ sau khi phiên tòa xét xử vụ án liên quan đến cái chết của Kim Phạm kết thúc với tội danh “ngộ sát” và “cố ý hành hung” dành cho hai nghi can.

kimpham cha 1Ông Dũng Phạm, thân phụ của Kim Phạm: "Sẽ rất nguy hiểm nếu nó lớn lên trong sự thiếu tình thương của gia đình, vì nó sẽ tìm tình thương từ nơi khác ngoài gia đình, tôi nghĩ điều đó không lành mạnh." (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Phiên tòa không người thắng, không kẻ thua”

“Ngay từ những ngày đầu còn xử ở Tòa Westminster, cho đến những ngày qua, lên đến Tòa Thượng Thẩm California, tôi cứ sợ, sợ một cái gì đó, lo một cái gì đó mà tôi cũng không biết mình lo cái gì, sợ cái gì. Đi dự những phiên tòa có liên quan đến mình hay người thân của mình thì ai cũng lo lắng hết, tôi nghĩ đó là tâm trạng chung.” Ông Dũng nói.

Chia sẻ tâm tư của mình trong những ngày xử án, phải chứng kiến những hình ảnh, những video clip quay lại những giây phút sau cùng của Kim, ông Dũng nói từ tốn: “Thời gian đầu ở Tòa Westminster, tôi không dám xem những hình ảnh liên quan đến con tôi, hay lúc mới xảy ra chuyện có nhiều hình ảnh được đưa lên Facebook tôi đâu có dám xem. Kể từ lúc đưa lên Tòa Thượng Thẩm thì những hình ảnh đó được chiếu đi chiếu lại, thật sự tôi không dám xem kỹ, nhưng nhìn thoáng qua thì có.”

“Trong đó có chiếu hình chụp con tôi lúc cảnh sát mới tới. Trông nó quá thê thảm! Tôi phải tự an ủi 'Đâu có, con mình lúc mình gặp nó trong nhà thương nó đâu có tệ như thế!'” Ông lại cố nở nụ cười chống chế cho điều mình tự “gạt” chính mình.

Ông Dũng cho rằng ông “bị ám ảnh bởi những hình ảnh đó, không nhiều thì ít.” Thế nên, có lẽ không chỉ ông Dũng mà nhiều người “cứ hay cúi xuống và mong cho nó trôi qua nhanh đi vì thời gian đó quá nặng nề, giống như một cực hình.”

Ông lắc đầu, “Thời gian vừa rồi thật là quá khó khăn với tôi.”

Trả lời câu hỏi “Có người cho rằng ông không cảm thấy hài lòng, không vui với lời buộc tội của Bồi Thẩm Đoàn?”, người cha đang mang trên áo mình chiếc huy hiệu có gương mặt tươi cười rạng rỡ của Kim Phạm, cho rằng “có lẽ họ không hiểu đúng ý tôi. Bản án đó nặng hay nhẹ là tùy theo người ta đứng ở góc nào để nhìn. Nếu ở phía bị cáo thì có thể họ cho là nặng, hay luật sư thì muốn thân chủ của mình được tha bổng hay vô tội. Phía công tố thì muốn bị cáo phải bị buộc tội sát nhân, 'second degree murder.' Với tôi bản án đó là bình thường, không có gì đáng phàn nàn hết.”

“Con tôi chết rồi, nặng hay nhẹ nó cũng không sống lại được, tôi thì đâu có cần gì những chuyện đó. Chỉ có là bản án đó đủ tính chất răn đe thì xã hội mới yên, còn nếu người phạm tội nặng mà đưa hình phạt nhẹ thì điều đó không có tác dụng. ” Ông nói thêm.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng ông “vẫn đang quan tâm đến mức án,” dù rằng theo ông “tối đa cũng được, tối thiểu cũng được, trung bình cũng được.”

Cũng theo thân phụ của Kim Phạm, hình ảnh khiến ông suy nghĩ là khi nhìn thấy hai nghi can Candace Brito, và Vanesa Zavala khóc khi nghe lời buộc tội.

“Tôi không hiểu trước đây mấy cổ nghĩ như thế nào, vì trong suốt phiên tòa trước đó, có những lúc tôi thấy cô Brito cười. Tôi không hiểu cổ cười theo nghĩa gì. Phải chăng cổ cười vì nghĩ rằng kết thúc phiên tòa là cổ sẽ được đi về, thành ra đến lúc nghe bản kết tội như vậy thì cổ khóc chăng? Tôi suy nghĩ về hình ảnh đó.”

Ông Dũng cười buồn, “Tôi đến tham dự các phiên tòa suốt thời gian qua vì tôi nghĩ đó là việc của Kim, đến đó có Kim, được ở với Kim, nên từ đầu đến cuối tôi cố gắng đến đủ. Nhiều khi tôi cũng không biết đến để làm gì, muốn gì nữa. Chẳng lẽ muốn bị cáo ở tù lâu hơn? Nếu họ ở tù lâu hơn thì mình được cái gì? Chẳng được gì hết, vì con mình cũng có sống lại được đâu.”

Ông Dũng nói một cách hài hước, “Phiên tòa giống như một vở kịch, trong đó mỗi người đóng vai trò của mình, cũng trọn vẹn lắm. Tôi và nhiều người khác chỉ là người nghe và chứng kiến. Và như tôi đã nói phiên tòa này không có người thắng cũng không có kẻ thua.”

kimpham cha 2Ông Dũng Phạm trả lời phóng vấn báo chí sau khi nghe bồi thẩm đoàn kết tội "ngộ sát" và "cố ý hành hung" hai nghi can tham gia vụ ẩu đả đưa đến cái chết của Kim Phạm. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Nỗi mất mát vẫn còn nguyên vẹn

Như Kim từng viết về bố mình “Đàn ông không biểu lộ cảm xúc của họ,” ông Dũng không là người luôn phơi bày nỗi đau ra ngoài. Ông luôn cố cười khi tiếp chuyện với người khác, dù nụ cười có gượng gạo, để che đi nỗi buồn chưa biết lúc nào vơi.

Ông tiếp tục nói, nhẹ nhàng, “Sáu tháng qua rồi, nửa năm rồi, nhiều lúc tôi cứ nghĩ, như chính Kim viết trong bài thơ của nó 'Thời gian hôn nhẹ lên những vết thương lòng', nhiều khi tôi cũng muốn thời gian trôi qua nhanh đi cho tôi nguôi ngoai. Nhưng mặt khác tôi lại sợ tôi quên con tôi, quên những kỷ niệm của nó. Thành ra tôi ở vào tâm trạng không biết phải làm sao nữa, lững lờ giữa hai dòng tư tưởng như vậy.”

“Tôi không muốn quên những kỷ niệm của con tôi. Nhưng kỷ niệm nhiều khi tréo cẳng ngỗng, bởi kỷ niệm luôn đi theo những nhớ thương, nỗi đau lòng. Thành ra khi nhớ đến kỷ niệm thì mình cũng bị đau đớn lắm. Nó đi cùng nhau như cặp bài trùng.”

Người bố vẫn luôn khắc khoải trong lòng về sự ra đi quá đột ngột và tức tưởi của con mình, tâm sự, “Sáu tháng trôi qua, nỗi mất mát, ngỡ ngàng, hụt hẫng vẫn còn như những ngày đầu. Tôi tưởng theo thời gian nó sẽ nguôi ngoai nhưng nó vẫn còn nguyên vẹn. Nhiều lúc ngồi tôi vẫn ngỡ như nó đang bước vào nhà. Những tháng sau cùng trước khi mất, nó dọn ra ở riêng, mỗi lần nó về tôi thấy nó tôi mừng lắm. Hay nhiều khi đi đâu cha con không đi cùng nhau nhưng lúc đến nơi thấy xe của nó thì tôi mừng, tại vì tôi được gặp nó và biết nó đang trong tầm tay của tôi.”

Ông tiếp tục giãi bày nỗi lòng, như ông nói “chỉ có những lúc như thế này, tôi mới được chia sẻ những cảm xúc của mình”: “Khi tôi nhìn một đứa nhỏ trong tay bố mẹ nó, tôi lại nhớ đến con tôi. Tôi sợ hình ảnh đó. Đi ngang một trường học, nhìn những đứa bé, tôi lại nhớ ngày nào Kim nó cũng đi học, tôi đi đón nó. Tôi lại sợ hình ảnh đó. Tôi làm bảo vệ, nhiều ngày trong phiên gác, nhìn xe cứu thương chạy qua, tôi cũng sợ. Tôi sợ nghe tiếng còi hụ, vì nó khiến tôi lại nhớ đến con tôi, đến chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời nó. Tôi sợ lắm, tôi có nhiều nỗi sợ. Vẫn còn y nguyên những hình ảnh của nó.”

“Kim nó mất khi nó còn trẻ quá thành ra những hình ảnh đó cứ như còn mới hôm qua. Nếu nó mất khi về già thì có thể những hình ảnh đó sẽ phai đi, còn đây nó mất khi mới 23 tuổi, vừa mới rời khỏi vòng tay của mình, thành ra những hình ảnh bảo bọc nó vẫn còn nguyên, khiến mình phải nhớ.” Ông nói một cách khó khăn hơn.

“Đừng để con phải đi tìm tình thương ngoài gia đình”

Người cha vẫn mang theo chiếc huy hiệu có hình con gái mình khi đi lễ nhà thờ, khi đi đây đó để “có cảm giác như nó đi cùng mình, ở bên mình,” nói về nỗi băn khoăn của bậc làm cha me, “Đây là xã hội Mỹ, mình là cha mẹ Việt Nam, tôi thật sự cũng không biết làm sao để bảo bọc con mình. Tôi biết tất cả các bậc cha mẹ đều không muốn con mình đi chơi khuya, không muốn con mình đến những club uống rượu, đại loại là như vậy. Nhưng ở đây mình đâu thể làm gì được. Nó trên 18 tuổi, nó theo guồng máy của xã hội Mỹ. Mình không thể ngồi ở cửa chặn không cho con mình đi được. Thành ra tôi lo lắng cho con tôi nhiều lắm, nhưng rốt cuộc chuyện gì đến cũng xảy đến.”

Trong tận cùng nỗi đau, ông Dũng nói về điều hối tiếc của một người cha, “Kim là cuộc sống của tôi, là mạng sống của tôi, nhưng điều tôi vẫn còn hối tiếc là từ đầu tôi đã không chứng tỏ cho nó thấy là tôi thương nó, để cho nó tự tìm hiểu đến về sau nó mới hiểu ra. Thành ra có một thời gian dài nó cảm thấy bơ vơ, nhiều lúc nó tìm an ủi nơi bạn bè. Đó là điều rất đáng tiếc. Tôi không muốn điều đáng tiếc của tôi trở thành vết xe đổ cho nhiều người khác.”

“Tôi nghĩ hãy nói tiếng yêu thương, bày tỏ tình yêu thương cho con cái mình nhiều hơn ngay từ khi nó còn nhỏ, không nên để trong lòng. Vì những đứa nhỏ rất cần tình thương để lớn lên và trưởng thành. Sẽ rất nguy hiểm nếu nó lớn lên trong sự thiếu tình thương, vì nó sẽ tìm tình thương từ nơi khác ngoài gia đình, tôi nghĩ điều đó không lành mạnh.” Ông Dũng rút ra kinh nghiệm trong nỗi ngậm ngùi.

--