main billboard

“Vẫn còn nhớ khung cảnh khi đó có một bà mẹ đang ngồi dưới gốc cây xoa đầu đứa con thơ với bàn tay không còn ngón. Mình ngồi xuống bên cạnh, lấy bàn tay mình còn đủ năm ngón xoa lên đầu đứa bé cùng bàn tay người mẹ. Ngay giây phút đó, mình có cảm giác đó là con của mình, là đồng bào của mình.”


 WESTMINSTER, California (NV) – Chuẩn bị khấn trở thành tu sĩ tại Nha Trang thì biến cố 1975 ập đến. Trong phút chốc, người con Chúa phải rời khỏi làng xóm quê hương trên một chiếc trực thăng từ Hạm Đội 7 Thái Bình Dương đưa tới.

Dự định chỉ đến “trại cấm' Hồng Kông giúp người Việt tị nạn trong 6 tháng, không ngờ lại kéo dài mãi đến lúc trại này đóng cửa vĩnh viễn, chấm dứt qui chế thuyền nhân.

Dự định chỉ về thăm lại quê hương sau 22 năm lìa xa trước khi quay trở về Mỹ, không ngờ lại là định mệnh níu lòng người linh mục ở cùng mảnh đất ngàn đời đói khổ Tây Nguyên.

Người luôn bị những bất ngờ, những ngẫu nhiên đưa đẩy ra khỏi những “dự định” đó chính là Linh mục Trần Công Vang thuộc Dòng Chúa Cứu Thế. Linh mục Vang hiện đang phụ trách cộng đoàn Miến Điện và dân tộc thiểu số tại nhà thờ St. James Catholic ở Concord, North Carolina.

Quan trọng hơn, Linh mục Trần Công Vang còn là người sáng lập và là hội trưởng Hội Việt Tộc Foundation, chuyên giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Ðồng, Kontum và Daklak, từ năm 1998.

lm trancongvangLinh mục Trần Công Vang tại Tòa Soạn Người Việt. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)


Con đường trở thành linh mục


“Tôi sinh ra ở Đà Nẵng. Năm 1962 vào chủng viện ở Huế thuộc Dòng Chúa Cứu Thế với ước mơ đơn sơ là được cùng với các cha sống cuộc đời chia sẻ, qua gương sống của họ.” Vị linh mục có giọng nói trầm ấm và nụ cười độ lượng bắt đầu câu chuyện mà ông cho rằng “mắc cỡ một chút khi phải nói về chính mình.”

Vào nhà Dòng khi mới 12 tuổi, ngoài lý do “chân thành” nhất là “rất thích đá banh mà lại thấy các cha đá banh hay quá”, cậu bé Trần Công Vang khi đó thật sự chưa biết gì là lý tưởng, là ước mơ, là phụng sự.

“Thế nhưng sau thời gian sống, tu, học hỏi, mình cảm nhận rằng cuộc đời cho đi của các ngài là điều làm cho mình thêm thiết tha, nhất là khi đất nước của chúng ta có những niềm đau, nhiều buồn hơn vui nên mình muốn đóng góp chút nào đó để cuộc đời hạnh phúc hơn. Đó là lý do mình vô dòng trở lại sau 4 năm ra sống cuộc đời bên ngoài trước khi có sự chọn lựa sống đời tu sĩ trọn đời.” Cha Vang kể.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, “khi chuẩn bị khấn trở thành tu sĩ thì biến cố 75 xảy đến, chuyến máy bay trực thăng từ Hạm Đội 7 Thái Bình Dương vào đưa mình đi trong ngày cuối.”

Ước mơ được làm linh mục để sống cho đời ngỡ đã tan khi đặt chân đến Mỹ, “nhưng dưới bàn tay Chúa hướng dẫn, một năm sau mình vào nhà dòng trở lại, sau một năm chung sức với anh em trong nhà lo vấn đề kinh tế.”

Năm 1983, Linh mục Trần Công Vang chịu chức tại New York và sau đó đến phục vụ tại tiểu bang North Carolina, “khi đó người Việt Nam mình mới hình thành cộng đồng nhỏ thôi, mỗi tuần đều phải đi mượn nhà thờ để làm lễ.”

Mười năm sau, khi có một linh mục khác đến North Carolina để có thể lo cho cộng đồng thì cha Vang quyết định “thử đến Hồng Kông.”

Lý do để vị linh mục này muốn thử đến nơi không ai muốn đến đó là vì “Mình nghe nói ở 'trại cấm' Hồng Kong dân của mình đang cần người.”

Ông nói như đang bộc bạch với chính mình, “Đời sống tị nạn của dân mình ở nơi nào cũng vậy, có nhiều niềm đau lắm. Nhất là đồng bào lìa quê hương, ước mơ đến được bến bờ tụ do là điểm tựa cho họ. Nhưng họ bị kẹt lại ở Hồng Kông vì không có được 2 chữ 'tị nạn.' Vì thế đời sống thanh lọc thách đố nhiều lắm. Đó là lý do mình muốn qua đó đồng hành cùng đồng bào của chúng ta.”

Dự trù trải nghiệm đời sống cùng người tị nạn trong nửa năm, nhưng “qua đó mới thấy dân tộc mình chịu nhiều thách đố lắm, thiếu cả những linh mục dấn thân. Thế là mình xin nhà dòng cho mình ở lại cho đến cuối đời trại cấm là năm 1997.”

Theo cha Vang, “Bốn năm ở Hồng Kông là những trải nghiệm quý nhất trong đời để qua đó mình thấy yêu quê hương mình hơn bao giờ hết.”


Định mệnh với Tây Nguyên


Kết thúc chặng đường làm việc cùng người tị nạn Việt Nam ở Hồng Kông, trước khi quay trở lại Mỹ, vị chân tu này lại có thêm một quyết định: trở lại Việt Nam, nơi ông “đã lìa bỏ từ năm 1975 trong cơn khủng hoảng bất ngờ, để thăm để thương hơn và biết nhiều hơn.”

Linh mục Vang kể, “Trong lần trở về đó, mình có cơ hội cùng anh em Dòng Chúa Cứu Thế đến với vùng trời Tây Nguyên và đó là cơ hội hay đúng hơn là định mệnh gặp đồng bào mình, để thấy rằng mình không thể nào bỏ rơi họ được.”

Thế là cha Vang “xin nhà Dòng được quay về Việt Nam mỗi năm để đồng hành cùng quê hương của chúng ta, để phục vụ cho đồng bào Tây Nguyên.”

Cảm xúc của lần đầu tiên đến với Tây Nguyên của người con xa quê hơn hai thập kỷ dường như đến giờ vẫn nguyên vẹn trong ông. Ông kể về kỷ niệm lần đầu vào làng, được hỏi có muốn đi thăm 'làng phong' của người dân tộc không, ông đã thoáng “ngần ngừ, e ngại.”

“Mình rút bàn tay ra xem có vết thương gì không, vì mình sợ lây.” Một nỗi sợ rất đời, rất người.

Thế nhưng “mình quyết định phó thác cho Chúa. Nghĩ rằng nếu Chúa muốn con đến thì con sẵn sàng. Thế là mình đi vào làng.”

“Vẫn còn nhớ khung cảnh khi đó có một bà mẹ đang ngồi dưới gốc cây xoa đầu đứa con thơ với bàn tay không còn ngón. Mình ngồi xuống bên cạnh, lấy bàn tay mình còn đủ năm ngón xoa lên đầu đứa bé cùng bàn tay người mẹ. Ngay giây phút đó, mình có cảm giác đó là con của mình, là đồng bào của mình.” Cha Vang nhớ lại.

Việt Tộc Foundation bắt đầu từ đó, năm 1998. “Mình quay trở lại đồng hành cùng quê hương của chúng ta.” Linh mục cười hạnh phúc.


Việt Tộc Foundation và chương trình “Nhịp Cầu Yêu Thương”


Linh mục Vang tâm sự, “Ngày xưa khi mình về Việt Nam, về Tây Nguyên, mình còn ngu ngơ lắm, không hiểu nhiều, biết nhiều, thì chính những người dân ở đó dạy cho mình làm thế nào để giúp họ hiệu quả hơn.”

“Trong dòng chúa cứu thế có câu 'Hãy truyền giáo cho người nghèo và hãy để họ truyền giáo lại cho mình.' Vì chính họ có những giá trị, có những điều mình học hỏi được, chính họ - những người nghèo nhất vẫn có thể cho đi một cách rất đại độ trong cái nghèo khó của họ, cho với tấm cả tấm lòng và mình phải khiêm tốn nhận ra món quà đó và trân trọng nó với tất cả tâm hồn của chúng ta. Trong tâm tình đó mình đến với nhau như những con người có giá trị riêng.” Hội trưởng Việt Tộc Foundation nói thêm.

Mục tiêu của Việt Tộc Foundation là giáo dục để nâng cao đời sống người dân ở Tây Nguyên.

Ngoài giáo dục, Việt Tộc Foundation còn giúp đỡ người thiểu số Tây Nguyên trong các lãnh vực y tế, phát triển, cứu trợ, huấn nghệ và văn hóa.

Cha Vang chia sẻ, “Đồng bào Tây Nguyên nghèo từ bao nhiêu đời nay rồi. Cái ăn các mặc họ cần lắm, nước uống khẩn thiết lắm, hơn bao giờ hết, nhất là lúc này rừng núi không còn là của họ. Cho nên những chia sẻ của chúng ta từ nước cho tới y tế, những cái nhà cái gạo cái cơm họ đều rất trân quý. Nhưng muốn thay đổi được định mệnh của họ thì học vấn là cái chủ yếu. Đó là điều mà Hội Việt Tộc muốn hướng tới, đưa học vấn trở về làng, từ cấp nhỏ cho đến đại học đến khi ra trường.”

Theo Linh Mục Trần Công Vang, “Tiền không phải là quan trọng nhất, tuy rằng tiền có thể thay đổi cuộc đời. Nhớ ngày mới đến Tây Nguyên hỏi có cám em lớn lên con muốn làm gì thì các em nói lớn lên con chỉ muốn đi chăn bò như cha như mẹ thôi vì đó là công việc của cha của mẹ của ông của bà của tổ tiên để lại khi họ còn rừng còn suối còn sông. Một vài năm gần đây có nhiều cha mẹ nói với mình trong nước mắt 'con đã bán mảnh đất của tổ tiên để con của con được đến trường vì đó là cơ hội để thay đổi cuộc đời con của con.”

Tâm tình đó liệu mình có làm ngơ chăng?

Để góp thêm bàn tay làm thay đổi định mệnh người dân Tây Nguyên, một buổi tiệc mang tên “Nhịp Cầu Yêu Thương” do Hội Việt Tộc Foundation tổ chức sẽ diễn ra vào tối Thứ Sáu, 24 Tháng Mười, tại nhà hàng Mon Cheri, 12821 Harbor Blvd., Ste. D, Garden Grove, CA 92840, nhằm gây quỹ học bổng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh Gia Lai, Lâm Ðồng, Kontum và Daklak.

Mọi chi tiết xin liên lạc với Kimberly Nguyễn (714) 829-7860 và Kim Trang Bùi (714) 337-8708.