main billboard

Có những mất mát không bao giờ bù đắp được. Cũng như có những cái xin và cho sẽ là vô giá nếu người xin và người cho có cùng một mục đích.


Chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, cư dân Little Saigon    

WESTMINSTER, CA (NV) - Người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn dừng chiếc trailer trước cửa cửa tòa soạn nhật báo Người Việt. Chị cẩn trọng khiêng từng thùng giấy ra khỏi xe rồi mang vào tòa soạn. Trong đó, gần 500 cuốn sách, có những cuốn được xuất bản từ thập niên 1980, và mỗi cuốn chỉ một ấn bản duy nhất.

Số sách này được mang đến để tặng cho ngày Hội Chợ Sách 2014 và mong rằng số tiền bán được sẽ dành gửi hết cho Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH.

bansach giup tpb 1Chị Ngọc Lan, người phụ nữ giữ gần 500 quyển sách cũ. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Chị là Nguyễn Thị Ngọc Lan, người phụ nữ đam mê đọc sách, là nữ sinh của trường Dòng Saint Paul Đà Nẵng trước năm 1974.

Thời gian ở tu viện chị chỉ biết đến những bài học phổ thông và đọc kinh,“Tôi ở trong tu viện, mà tu viện thì cấm đọc sách. Sách Tự lực văn đoàn cũng không cho đọc. Sau ngày mất nước, sách để đọc càng hiếm hoi, nhất là ở Huế.”

Chính vì vậy, khi tỵ nạn đến Mỹ năm 1980, chị vô thư viện để đọc sách từ năm này qua năm khác.

“Tôi như người đi ra ngoài được nhìn thấy một thế giới hoàn toàn mới lạ. Một thế giới tự do đầy sách. Tôi gần như đọc hết sách trong thư viện,” chị bộc bạch về những ngày đầu đến Mỹ.

“Sau đó tôi đi làm. Một tuần lãnh lương thì cứ mỗi Thứ Sáu tôi lại đi mua sách. Trung bình bốn đến năm cuốn sách một tuần.”

Tính đến bây giờ, tài sản chị có cũng gần 500 cuốn sách. Có thể nói là một thư viện thu nhỏ. Nhìn những cuốn sách bạc màu được lấy ra từ thùng giấy, chúng tôi nhận ra có tên của những tác giả nay đã thành người thiên cổ như nhà văn Mai Thảo, nhà văn Hồ Dzếnh, Nguyễn Tường Bách...

Những cuốn sách rất giá trị như Trước Đèn của Lãng Nhân, Lịch Sử Nội Chiến Ở Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường, tập truyện Một Đêm Thứ Bảy của Mai Thảo... đều hiện diện trong 'tài sản' của chị mang đến cho tòa soạn.

bansach giup tpb 2Những cuốn sách cũ dùng để gây quỹ cho Hội H.O Cứu trợ TPB và QP-VNCH. (Hình: Kalynh/Người Việt)

“Mỗi một cuốn sách ở đây tôi đọc ít nhất hai lần. Tôi nghĩ mình thấy nó hay thì có lẽ người ta cũng sẽ thấy hay. Vì nó hay thật mà,” một suy nghĩ chân thật như chính chất giọng Huế của chị.  

* Những cuốn sách nghĩa tình

Lý do chị Lan mang gia tài mấy trăm cuốn sách tặng cho Hội Chợ Sách 2014 tổ chức ở nhật báo Người Việt ngày 6 và 7 Tháng Mười Hai cũng rất đậm đà tình và nghĩa.

Chuyện là, sau “mùa hè đỏ lửa,” năm 72, 73, chị mất hai người anh. Hai người còn lại trở thành thương phế binh. Biến cố đó làm “hằn lên trong lòng tôi một vết thương.”

“Sau năm 75, tôi hay đi rong chơi với hai người anh thương phế binh và bạn bè của anh. Họ cũng là thương phế binh. Nhưng họ đều có việc làm. Người không có chân thì người có tay dìu dắt. Đồng tiền kiếm được họ chia sẻ cho nhau. Khi thì đủ tiền mua 5 ly cà phê cho 5 người. Khi thì đủ mua được vài xị rượu để họ nhâm nhi đờn ca, hát hò. Họ là thương phế binh mất đôi chân nhưng đàn rất hay.”

Những người anh, người bạn thương phế binh của chị Lan kiếm sống bằng đủ nghề: bán vé số, bán bánh chưng bánh ú , bơm vá sửa xe đạp.

“Có người sắm được một cái cân thì mang ra chợ. Ai lên cân thì trả tiền,” chị nhớ lại

bansach giup tpb 3Những cuốn sách cũ dùng để gây quỹ cho Hội H.O Cứu trợ TPB và QP-VNCH. (Hình: Kalynh/Người Việt)

Bản thân của chị Lan, trước khi vượt biên tìm tự do, chị tự nghĩ ra cách mưu sinh, cũng là cách giúp cho những người anh em thương phế binh này công việc làm.

“Trong căn phòng nhỏ, tôi và mười mấy anh em thương phế binh ngồi chen chút, quây quần lại làm áo mưa. Tôi nghĩ ra cách lấy cây sắt, bẻ cong, nhúng vào lửa rồi cà những tấm ny lông lại để làm thành áo mặc đi mưa. Mùa mưa thì kiếm sống. Mùa hè thì thất nghiệp.”

Khi hỏi chị giờ đây cuộc sống những người ấy ra sao? Chị cho biết từ khi người anh của mình mất thì chị cũng mất dần liên lạc với những người còn lại.

“Bây giờ tôi không biết họ ở phương trời nào, còn hay mất. Nhưng tôi luôn nghĩ về những người thương phế binh còn ở quê nhà. Có bao nhiêu tiền cho họ cũng không đủ với những mất mát của họ. Mà cái cho của con người ta thì có giới hạn. Tôi cũng có cái giới hạn,” chị bộc bạch bằng giọng Huế thật nhẹ.

Đúng vậy. Có những mất mát không bao giờ bù đắp được. Cũng như có những cái xin và cho sẽ là vô giá nếu người xin và người cho có cùng một mục đích.

Đó chính là cái cách mà chị Ngọc Lan đang dành cho những người anh em, bạn bè thương phế binh quen và không quen của mình.

“Nếu mình kêu gọi xin quyên tiền để cho họ thì tôi nghĩ sẽ khó lắm. Nhưng nếu mình xin sách cũ rồi bán lại cho người chưa đọc thì tôi nghĩ sẽ nhiều người ủng hộ lắm.”

“Vết thương, nỗi đau của người Việt mình nhiều quá. Nó dàn trải ở khắp nơi. Cho nên, mỗi một người chúng ta ở trong hoàn cảnh nào thì sẽ thấu hiểu rõ nhất niềm đau trong hoàn cảnh đó,” chị bày tỏ nỗi lòng của mình, cũng như mất mát chung của dân tộc.

Hội Chợ Sách 2014 từ một sân chơi dành cho những người yêu sách vô tình trở thành một cầu nối tình nghĩa. Tình nghĩa đó được dành hết cho những thương phế binh và quả phụ VNCH. Không những thế, người phụ nữ này còn mong rằng đây sẽ là tiền đề cho những chương trình quyên góp và bán sách cũ trong tương lai.

Hơn 300 cuốn sách cũ, mỗi cuốn chỉ có một ấn bản duy nhất sẽ được bán trong ngày Hội Chợ Sách:
Thứ Bảy 6.12.2014
Tòa soạn Nhật báo Người Việt
14771 Moran Street, Westminster, CA 92693
Chủ Nhật 7.12.2014
Tòa soạn Nhật Báo Việt Báo
14841 Moran Street, Westminster, CA 92683

Check mua sách cũ ủng hộ thương phế binh và quả phũ VNCH được gửi đến:

Hội H.O Cứu Trợ TPB

P.O 25554

Santa Ana, CA 92799