main billboard

“Chương trình ca vũ nhạc dân tộc mang tên Phong Châu Mở Hội không ngoài mục đích gìn giữ và phát huy các bộ môn nghệ thuật tiêu biểu về dân ca, dân nhạc của các miền đất nước Việt Nam."


WESTMINSTER (NV) - Ðúng 3 giờ chiều Chủ Nhật, 7 Tháng Mười Hai, tại nhà hàng sân khấu Bleu trên đường Beach thuộc thành phố Westminster, chương trình Phong Châu Mở Hội lần thứ tư diễn ra tưng bừng với những hoạt cảnh và ca nhạc cổ truyền của “một thời vang bóng.”

Khán giả tới đông chật nhà hàng, phần mến mộ tài danh cặp nghệ sĩ Nga Mi & Trần Lãng Minh, phần mong được thưởng thức những làn điệu tình ca và dân ca Việt Nam trong kho tàng cổ nhạc truyền thống từng một thời vang bóng.

phongchau mohoi 1Màn Hát Xẩm trong chiều văn nghệ Phong Châu Mở Hội. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðây là một trong chuỗi chương trình Phong Châu Mở Hội của tổ chức Trung Tâm Văn Nghệ Dân Tộc Việt (Center for Vietnamese Culture &Arts - CVECA) được hai nghệ sĩ Nga Mi và Trần Lãng Minh thành lập vào Tháng Mười, 2008 tại Nam California và tại Washington DC năm 2009.

Nghệ sĩ Trần Lãng Minh cho biết: “Chương trình ca vũ nhạc dân tộc mang tên Phong Châu Mở Hội không ngoài mục đích gìn giữ và phát huy các bộ môn nghệ thuật tiêu biểu về dân ca, dân nhạc của các miền đất nước Việt Nam. Những thể hát như Ngâm, những làn điệu có hàng ngàn năm tuổi như Quan họ, Ca Trù, Chầu Văn, Hát Xoan, Hát Chèo, Hát Xẩm, Hát Cung Ðình, Hát Bội, Cải Lương, Bài Chòi, đàn ca Tài Tử, dân ca các sắc tộc... Những nhạc cụ, nhạc khí cổ truyền hoàn toàn của dân tộc Việt như đàn Ðá, Trống Ðồng, Cồng Chiêng Tây Nguyên, đàn Bầu, đàn Ðáy mà cơ quan văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO đã công nhận là di sản của văn hóa thế giới. Tất cả sẽ được làm sống lại trong các chương trình Phong Châu Mở Hội.”

Mục đích của chương trình thật là to lớn nên Trung Tâm Văn Nghệ Dân Tộc Việt đã được khá đông anh chị em văn nghệ sĩ các ngành đến tiếp tay mỗi lần Phong Châu mở hội. Lần này ngoài Nga Mi & Trần Lãng Minh còn có Giáo Sư Nguyễn Châu phụ trách đàn Nhị, đàn Tranh, đàn Nguyệt. Nhiều ca nhạc sĩ thành danh như Anh Dũng, Nhật Hạ, Xuân Mai, Tiến Hiền, Ngọc Nôi... cũng đến tiếp tay. Một dàn những tiếng ca mới rất thu hút người nghe như Nam Trân, Kim Yến... cũng có mặt. Ðặc biệt, Ban Văn Nghệ Bắc Ninh với những làn điệu Quan Họ tình tứ đã rất quen thuộc với cộng đồng người Việt hải ngoại cũng không thiếu vắng mỗi lần mở hội Phong Châu.

Ngay từ phút mở màn, không có diễn văn mà “phá cách” bằng hai tiếng hát rung động thính phòng của Nga Mi và Trần Lãng Minh trong bản tình ca tha thiết “tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời” của Phạm Duy. Hai tiếng hát quyện tròn với nhau đi tiếp vào “Tình Hoài Hương” dội đến hàng trăm khách mộ điệu, làm bàng hoàng cả cái không gian đang tìm về dân tộc. Tiếng vỗ tay òa vỡ khi hai tiếng hát kết thúc. Lúc đó Trần Lãng Minh mới bồi hồi xúc động ngỏ lời chân thành cảm tạ đến tất cả mọi người có mặt tham dự.

Ngay tức thì, đoàn văn nghệ Bắc Ninh với gần hai chục “liền anh, liền chị” từ hai bên sân khấu trong trang phục cổ truyền tiến vào ríu rít tiếng hát mời chào Quan Họ để “cho chúng em được được mời một miếng trầu cau mừng khách đến chơi nhà.”

Khán giả chưa kịp hết bàng hoàng với Nga Mi và Trần Lãng Minh vừa đánh thức lòng hoài hương thì đã được ngay những làn điệu dân ca Bắc Ninh tình tứ bao vây ngập thính trường.

phongchau mohoi 2Màn kịch “Truyền Thuyết Cây Ðàn Ðáy” trong chiều tình ca dân ca Phong Châu Mở Hội. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Rồi cứ thế, không khí tình ca, dân ca trải tràn qua một số nhạc tình ca tiền chiến. Nam Trân với Thoi Tơ của Ðức Quỳnh đã như ru lòng người trong một hạnh phúc thật đơn sơ “anh ngồi đọc sách, làm thơ, em ngồi quay tơ may cho anh áo mới.” Cảnh mới nên thơ làm sao khi được sống trong thanh bình, không chiến tranh, hận thù, chủ nghĩa.

Ba tiết mục thu hát khán giả mãnh liệt là mục Hát Xẩm, Chầu Văn Huế và Kịch Truyền Thuyết Cây Ðàn Ðáy.

Hát Xẩm với Trần Lãng Minh, Anh Dũng, Nga Mi, Ngọc Dung, Nguyên Trân đã làm sống lại một điệu hát mà trong dân gian rất thịnh hành vào thời tiền chiến. Khán giả đã được giải thích về làn điệu dân ca này trong phần dẫn chương trình được phát khi khán giả vào cửa. Theo phần giải thích này, Hát Xẩm có nguồn gốc từ Thái Tử Trần Quốc Ðĩnh, con vua Trần Thánh Tông, bị người em tranh cướp ngôi vua mà hãm hại anh đến mù mắt, bị đày vào rừng sâu. Ðược dân cứu nhưng thái tử phải mưu sinh đã dùng khả năng tiếng hát của mình làm kế sinh nhai. Nên Hát Xẩm có nghĩa là tiếng hát trong tăm tối, sờ soạng. Hát Xẩm không phải là để đi xin tiền bố thí mà là loại hình âm nhạc có tính chuyên nghiệp với cấu trúc và giai điệu tinh tế và đa dạng. Hát Xẩm có nhiều làn điệu như Xẩm Thập Âm, Xẩm Xoan, Xẩm Chợ, Xẩm Huê Tình, Xẩm Nhà Tơ, Xẩm Nhà Trò, Xẩm Tầu Ðiện... Sau này những người ăn xin đã dùng làn điệu được dân gian ưa thích để làm kế sinh nhai tại các nơi đông đúc như các chợ, bến xe, bến tầu thủy hay cả trên những chuyến tàu thủy Hà Nội, Nam Ðịnh... thời tiền chiến.

Ba cặp nghệ sĩ Anh Dũng, Trần Lãng Minh, Nga Mi và hai cô đào lẳng yếm thắm chỉ hồng đã làm cho khán giả được sống lại trong những làn điệu dân ca đã gần như vắng bóng ngày nay.

Qua phần hát Chầu Văn Huế, Nga Mi và Trần Lãng Minh đưa người nghe về Huế với tiếng sênh tiếng phách trong Chầu Văn phảng phất không khí những buổi lên đồng của giới mệnh phụ phu nhân ngày trước ưa chuộng.

Ðến phần kịch “Truyền Thuyết Cây Ðàn Ðáy,” các nghệ sĩ Anh Dũng, Trần Lãng Minh, Nga Mi và đoàn Văn Nghệ Bắc Ninh đã kéo khán giả vào một cuộc truy tầm sự tích về một cây đàn chỉ có ở Việt Nam: cây Ðàn Ðáy. Tuy gọi là Ðàn Ðáy, đàn lại không có đáy và cần đàn thì dài lêu nghêu đến hơn 1 thước với ba dây Cao, Trung và Hạ. Truyền thuyết cho rằng tiếng đàn Ðáy có sức mê đắm, có khả năng chữa bệnh và giúp cho người nghe thăng hoa. Nó là tiếng đàn lòng thể hiện được cả sự bi thương ảo não lẫn thăng hoa sảng khoái. Các nghệ sĩ trong kịch “Truyền Thuyết Cây Ðàn Ðáy” diễn tả một cảnh đàn chữa được bệnh nan y cho một tiểu thư khuê các và tiểu thư này khi khỏi bệnh đã được thân phụ “cho không” người nho sinh đã gảy những tiếng đàn làm cho bệnh trạng tiểu thư tan biến.

Chương trình dài trên ba tiếng đồng hồ của Phong Châu Mở Hội lần thứ tư đã không chỉ cho người thưởng thức những làn điệu cổ truyền của dân tộc mà còn được hiểu biết thêm về kho tàng âm nhạc Việt Nam trước khi nền tân nhạc, nhạc Tây phương tràn ngập làm phai dần đi để cổ nhạc chỉ còn là “một thời vang bóng.”

Tìm về với cổ nhạc, không chỉ là để thỏa mãn sự tò mò mà là cả một hành trình tìm về dân tộc để rút ra được những tinh túy tinh thần mà ông cha chúng ta đã để lại.