main billboard

Nancy đơn giản tự giới thiệu: "Tôi là người sống sót sau một vụ cháy. Tôi là người sống sót sau một vụ bạo hành. Và tôi là người vận động cho Laura's House."


TUSTIN, California (NV) - Nancy Trần là người đầu tiên được mời thắp lên ngọn nến trong lễ tưởng niệm hôm đó, một lễ thường niên mà tổ chức Laura's House dành cho các nạn nhân tuổi vị thành niên của nạn bạo hành do tình yêu sai lạc gây ra.

baohanh vithanhnien 1Buổi tưởng niệm thường niên cho các nạn nhân bị giết vì bạo hành vì tình yêu học đường. (Hình: Thiên An/Người Việt)


Tối Thứ Sáu, 6 Tháng Giêng, tại trường huấn luyện của Sở Cảnh Sát Orange County ở Tustin, giữa hàng trăm học sinh sinh viên đến từ các trường trung học và đại học lân cận, là những người từng vượt qua các hậu quả của tình yêu bạo hành lên tiếng chia sẻ câu chuyện cá nhân đến giới trẻ.

Mười lăm năm trước, chính Nancy Trần là nạn nhân.

Mối tình tuổi mới lớn sớm kết thúc khi anh thanh niên nọ đổ xăng và châm lửa đốt cô. Anh cũng là người gốc Việt, và sau đó phải đi tù vì hành động của mình.

Sau 15 năm, cô gái gốc Việt tự nhận là "tôi rất ngại lên báo đài" lần đầu chia sẻ về tai nạn năm xưa.

Theo lời kể của Nancy, cô quen anh bạn lớn hơn mình bốn tuổi khi mới 15 tuổi, bắt đầu vào trung học. Anh 19 tuổi, là nhân viên hãng FedEx, chiều chuộng cô với quà cáp và những buổi tối tại các nhà hàng.

"Tôi biết mối quan hệ của tôi là bất thường," Nancy nói, nhớ lại việc người kia nhanh chóng nói tiếng yêu, lấy danh nghĩa nhân viên giao hàng của FedEx để đến tận trường tìm cô, và ngăn cấm cô đi với bạn bè. Mỗi lần cô đòi chia tay, anh chàng giận dữ và nói không thể sống thiếu cô.

Năm 2000, khi cô bắt đầu theo học tại đại học El Camino College, một lần nữa cô quyết định chấm dứt sự ràng buộc của người tình.

Khoảng 4 giờ sáng ngày 2 Tháng Bảy, 2000, người thanh niên này đến nhà, đột nhập vào phòng cô, mang theo hai bình xăng. Anh đổ xăng quanh giường cô, quanh cửa và cửa số. Và châm lửa đốt. Rồi bỏ chạy.

Nancy thức dậy, thấy khói và lửa, tức giận rượt theo thủ phạm, trước khi trở lại nhà, vào phòng tắm tìm cách rửa sạch chất xăng. Da mặt, cổ, ngực và tay cô đã ửng đỏ trước khi cảnh sát và xe cứu thương đến. Cô bất tỉnh ngay sau đó, đến hai tuần sau thì tỉnh lại.

Lúc nhận biết trở lại cũng là lúc gia đình và bác sĩ cho Nancy biết cô bị phỏng 35%, gương mặt và phần da phỏng bị biến dạng.

"Anh ta đã hoàn toàn không còn trong cuộc đời tôi," Nancy nói.

Giờ đây, 33 tuổi, những vết thương đã lành nhưng hàng trăm vết thẹo vẫn còn đó, cô gái dõng dạc tuyên bố: "Tôi không phải là nạn nhân. Tôi là người sống sót."

baohanh vithanhnien 2Buổi lễ có gần 600 học sinh sinh viên và các phụ huynh tham dự. (Hình: Thiên An/Người Việt)


Trước các học sinh sinh viên tham dự buổi tưởng niệm nạn nhân tuổi vị thành niên của nạn bạo hành hôm đó, Nancy đơn giản tự giới thiệu: "Tôi là người sống sót sau một vụ cháy. Tôi là người sống sót sau một vụ bạo hành. Và tôi là người vận động cho Laura's House."

Laura's House, một thành phần tổ chức buổi tưởng niệm, là một tổ chức vô vụ lợi duy nhất tại Hoa Kỳ đấu tranh bảo vệ nạn nhân vị thành niên và ngăn ngừa nạn bạo hành vì quan niệm yêu sai lạc trong lứa tuổi còn rất trẻ này.

Theo khảo sát của cô Marrisa Presley, giảng viên của Laura's House, cứ bốn em vị thành niên thì có một em nói từng trải qua mối quan hệ mà người yêu có dấu hiệu bạo hành, với các hành vi "đáng cảnh giác" như sự ghen tuông thái quá, luôn muốn kiểm soát hành vi và tình cảm của người còn lại, thề sống chết với cuộc tình...

Ngoài sự xuất hiện của Nancy Trần, buổi lễ có sự tham dự của nhiều người từng trải qua vấn nạn trên. Khách có thể nghe sự chia sẻ của anh Andrew P. và mẹ anh, từng là nạn nhân, gặp và nói chuyện cùng một số nạn nhân khác, cũng như học hỏi thêm về các vấn đề liên quan qua lời của giám đốc điều hành Laura's House, tiến sĩ tâm lý, cảnh sát viên...

Chương trình kết thúc bằng nghi thức thắp nến, Nancy cùng khoảng năm người khác đại diện tiến lên bục sân khấu để thắp những ngọn nến dài. Người tham dự cầm lên những ngọn nến nhỏ hơn, và cùng thắp sáng chúng. Hình ảnh các nạn nhân đã qua đời vị nạn bạo hành tình cảm tuổi thiếu niên được lần lượt chiếu trên màn hình lớn.

baohanh nancy tran
Nancy Trần cho biết thích ra ngoài vui chơi cùng bạn bè và gia đình. (Hình: Nancy Trần cung cấp)

Sau buổi lễ, Nancy đứng bên ngoài hành lang để chào những ai quen cô hoặc nhận ra vì yêu mến, cảm phục cô. Giữa hàng trăm người ra vào, không khó để nhận ra cô gái trẻ với gương mặt vẫn còn ít nhiều dấu thẹo phỏng.

"Người Việt mình ít khi nào lên tiếng về những vấn đề này. Qua câu chuyện của tôi, tôi hy vọng mọi người hiểu thêm được phần nào về sự nguy hiểm của bạo hành trong tình cảm, gia đình. Và tôi cũng muốn mọi người biết được rằng phụ nữ Việt Nam đủ mạnh mẽ để vượt qua mọi thử thách," cô Nancy nói.

Nghe giọng nói vững vàng và nhìn ánh mắt tự tin của Nancy, người đối diện có thể cảm nhận được vẻ đẹp đầy thu hút từ sự mạnh mẽ tỏa ra quanh cô gái gốc Việt.

Về cuộc sống hiện tại của Nancy, sau khi chữa trị vết phỏng và xuất viện, cô quay trở lại trường El Camino College, rồi chuyển đến học cử nhân tại Cal State Fullerton và cao học xã hội học tại USC. Cô  vừa hoàn thành đợt thực tập tại trường USC và hiện tìm kiếm một công việc thích hợp.