main billboard

“Việc giải phẫu lấy cơ phận chỉ diễn ra sau khi họ không còn cách để giữ mạng sống của mình. Và trong trường hợp đó, dù phải lìa xa cõi đời, mình có thể cứu sống một người nào đó bằng cơ phận mình hiến tặng.”

IRVINE (NV) - Một phụ nữ gốc Việt, cô Vicky Nguyễn, là một trong ba đại diện của tổ chức Donate Life tham gia Diễn Hành Hoa Hồng - Rose Parade - vào ngày 1 Tháng Giêng năm 2013 tại thành phố Pasadena.

vicky nguyen 1Vicky Nguyễn, là một trong ba đại diện của tổ chức Donate Life tham gia diễn hành trong Rose Parade 2013. (Hình: Vicky Nguyễn cung cấp)

Trong hàng trăm cái tên ra ứng cử hoặc tự ứng cử cho buổi Diễn Hành Hoa Hồng sắp tới, Donate Life chọn Vicky Nguyễn, người phụ nữ trải qua hai lần thay gan, một lúc 2 tuổi và một lúc 16 tuổi, nhưng luôn lạc quan và ra sức đóng góp cho cộng đồng, nhất là trong việc kêu gọi hiến tặng cơ phận.

“Rất vui và tự hào,” Vicky trả lời nhật báo Người Việt, “Mình đã giúp Donate Life trang trí xe hoa bốn lần rồi. Ðây là lần đầu tiên, và cũng sẽ là lần duy nhất, mình được đại diện để đi cùng xe hoa. Hồi hộp lắm.”

“Rất tiếc là trời quá lạnh nên không mặc được áo dài,” cô nói thêm, “Mình hay mặc áo dài trong các dịp lễ hội, nhưng buổi diễn hành ở ngoài trời, trong nhiều tiếng đồng hồ, nên phải mặc thật nhiều áo ấm.”

Không bao lâu sau khi ra đời, Vicky bị chẩn đoán có bệnh bẩm sinh về ống mật, khiến cho gan không thể hoạt động bình thường. Năm 1986, khi Vicky chưa được hai tuổi, cô trở thành một trong 30 bệnh nhân đầu tiên được thay gan tại bệnh viện của đại học UCLA. May mắn, cuộc phẫu thuật thành công và cơ thể cô không đào thải lá gan mới.

Trong độ tuổi đi học, Vicky không những học tập xuất sắc mà còn tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Tuy vậy, đến năm 16 tuổi, Vicky phải trở lại phòng phẫu thuật để đổi tấm lá gan cũ không còn hoạt động. Một lần nữa, lá gan mới cứu sống cô. Vicky hiện 28 tuổi, sống và làm việc trong lãnh vực y tế tại Los Angeles.

Dù từ nhỏ đã phải chống chọi lại các vấn đề sức khỏe, thường xuyên đến bệnh viện hay liên tục uống các loại thuốc khác nhau, Vicky cho mình là người may mắn.

Cô nói: “Khi một người bị bệnh cần phải thay các cơ phận, ví dụ như gan hay thận, người đó phải đợi cho đến khi có một cơ phận thích hợp. Nhiều người phải chờ rất lâu, có người chết trước khi nhận được cơ phận. Mình may mắn hơn nhiều người khác.”

Tiếp tục sống mỗi ngày bên người thân và bạn bè nhờ những lá gan từ những người không quen biết, Vicky ra sức giúp đỡ người khác, nhất là những bệnh nhân thiếu nhi cần được thay cơ phận. Cô tham gia tổ chức Donate Life để giúp vận động mọi người hiểu biết thêm về sự quan trọng của việc hiến tặng.

Năm 2012, trong tư cách đại sứ của Donate Life, Vicky giúp dự luật AB 1967 được thông qua tại California. Ðiều luật này thiết kế và áp dụng những buổi học về vicky nguyen 2hiến tặng cơ phận tại các trường trung học trong tiểu bang.

Vicky Nguyễn trong lúc giúp trang trí xe hoa, chuẩn bị cho Rose Parade vào ngày 1 Tháng Giêng năm 2013. (Hình: Vicky Nguyễn cung cấp)

Vicky nói: “Nhiều người rất sợ khi nghe đến việc hiến tặng cơ phận. Khi mình đến DMV ghi danh cho cơ phận trong trường hợp qua đời vì tai nạn, nếu mình có gặp tai nạn, nhân viên không mặc kệ mạng sống mình để lo lấy cơ phận, như một số người lo sợ, mà họ sẽ ra sức cứu mình trước.”

Cô giải thích thêm: “Việc giải phẫu lấy cơ phận chỉ diễn ra sau khi họ không còn cách để giữ mạng sống của mình. Và trong trường hợp đó, dù phải lìa xa cõi đời, mình có thể cứu sống một người nào đó bằng cơ phận mình hiến tặng.”

Những câu nói trên cũng chính là lý do Vicky kêu gọi mọi người tìm hiểu và ghi danh hiến tặng cơ phận để có thêm nhiều bệnh nhân có may mắn sống sót như bản thân cô.

Sự cống hiến không ngừng của Vicky Nguyễn dành cho cộng đồng là lý do cô được bầu là một trong 12 người trong danh sách “12 Most Inspiring Women của Donate Life America” trong năm 2012. Ngoài ra, cô được vinh dự là một trong ba người đại diện của tổ chức sẽ theo đoàn xe hoa tại buổi diễn hành hoa hồng Rose Parade 2013.

“Gia đình rất tự hào về Vicky, rất ít người được tham dự buổi diễn hành,” ông Sỹ Nguyễn, thân phụ của cô, chia sẻ, “Dù phải thay gan hai lần, em không buồn, lúc nào cũng nghĩ đến cộng đồng.”

Khi được hỏi rằng quá nhiều hoạt động xã hội có ảnh hưởng đến chuyện học hay công việc của Vicky không, ông Sỹ cho biết: “Hồi nhỏ Vicky cứ phải đến bệnh viện, nên còn bị ảnh hưởng nhiều hơn. Em hoạt động xã hội là tốt cho cộng đồng, cũng tốt cho sức khỏe. Gia đình ủng hộ và rất tự hào.”

Bên cạnh các công tác thiện nguyện, công việc chính của Vicky là nhân viên kinh doanh cho một công ty quản lý y tế. Cô sống một mình tại Los Angeles với hai chú chó nhỏ.

“Hai lần phẫu thuật gan là một ơn thượng đế đã ban cho mình,” Vicky nói. “Mình hiện 28 tuổi, là đã sống với lá gan của người khác hiến tặng hơn 26 năm. Những khó khăn thử thách đã hóa thành cơ hội trong cuộc sống.” (T.A.)