main billboard

Cụ bà Trần Thị Nghiên có tất cả 10 người con, 51 cháu, 107 chắt và 17 chút. Hiện tại, trong số mười người con của cụ bà, chỉ còn lại sáu người, số còn lại đều đã qua đời.


SANTA ANA, California (NV) - Buổi Dạ Tiệc Cao Niên do Little Saigon Radio và Hồn Việt TV tổ chức vào ngày 28 Tháng Tám vừa qua nhằm tôn vinh những người lớn tuổi trong cộng đồng, rất đông gia đình đầy đủ ông bà, cha mẹ, con cháu đến dự. Trong đó, người đặc biệt nhất có lẽ là cụ bà Trần Thị Nghiên, người sẽ đón sinh nhật lần thứ 115 vào tháng 10 tới đây.

cuba 115tuoi 1Cụ bà Trần Thị Nghiên cùng hai người con gái của mình là bà Thêu Phạm (bên trái) và bà Nguyễn Thị Đậu (bên phải) trong bữa tiệc mừng thọ 115 tuổi. (Hình: gia đình cung cấp)

Chúng tôi đến thăm nhà của cụ bà Trần Thị Nghiên vào một buổi sáng đẹp trời. Đón tiếp chúng tôi là bà Nguyễn Thị Đậu, con gái của cụ Nghiên.

“Tôi năm nay 65 tuổi, hiện giờ công việc duy nhất hằng ngày là chăm sóc cho bà cụ,” bà Nguyễn Thị Đậu cười, đón chúng tôi vào nhà. Căn mobile home ở thành phố Santa Ana, nhỏ nhắn nhưng sạch sẽ, tươm tất là nơi ở của hai mẹ con cụ bà Nghiên.

Cụ bà Trần Thị Nghiên có tất cả 10 người con, 51 cháu, 107 chắt và 17 chút. Hiện tại, trong số mười người con của cụ bà, chỉ còn lại sáu người, số còn lại đều đã qua đời.

Theo thẻ ID do Nha Lộ Vận California cấp, mà bà Đậu đưa cho chúng tôi xem, thì cụ bà Trần Thị Nghiên sinh ngày 10 Tháng 10 năm 1900. Tính đến tháng 10 năm nay, cụ bà sẽ tròn 115 tuổi.

“Bà cụ tôi không còn giấy khai sinh hay giấy tờ nào khác gốc ở Việt Nam cả. Thời xưa loạn lạc, giấy tờ thất lạc, thật tình tôi cũng không biết chính xác, chỉ biết là qua đây, khi làm giấy tờ thì trên thẻ ID, mẹ tôi sinh năm 1900,” bà Đậu cho biết.

cuba 115tuoi 2Thẻ ID của cụ bà Trần Thị Nghiên, với ngày sinh là 10/10/1900. (Hình: Nhất Anh/Người Việt)

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Nam Định, miền Bắc Việt Nam, nhưng cuộc sống vất vả ở quê nhà buộc cụ bà Trần Thị Nghiên và chồng cùng mười đứa con di cư vào miền Nam sinh sống. Trải qua nhiều gian nan như bao người di cư từ Bắc vào, vợ chồng cụ bà Nghiên phải di chuyển nhiều nơi và lăn lộn biết bao công việc để có miếng ăn cái mặc qua ngày cho các con của mình. Cuối cùng vùng biển Phan Thiết là nơi mà gia đình cụ bà sinh sống.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Đậu, bà và chín người anh em khác trong gia đình đã trải qua những ngày tháng phụ giúp cha làm nghề biển, đánh lưới, bắt cá và hải sản khác. Còn cụ bà Nghiên thì chăm sóc mười đứa con trong nhà, nuôi heo, trồng trọt và buôn bán nhỏ.

Cụ bà là người mẹ đảm đang và thương con. Mọi chuyện trong nhà đều một tay cụ bà quán xuyến. Cũng giống bao bà mẹ Việt Nam truyền thống ngày xưa, cụ bà Nghiên luôn nghiêm khắc với các con của mình. Cụ bà dạy con phải kính trên nhường dưới, đối xử với mọi người công bằng, bao dung và lương thiện.

cuba 115tuoi 3Nhưng có lẽ cái ấn tượng nhất về mẹ của bà Đậu có lẽ là chuyện giữ nếp sống đi nhà thờ hằng ngày của mình.

Mặc áo dài đi nhà thờ là nếp sống của cụ bà Trần Thị Nghiên và gia đình. (Hình: gia đình cung cấp).

“Hằng ngày, cho dù có phải bận tối tăm mặt mũi, cả gia đình tôi đều dành thời gian để đi nhà thờ. Mẹ dạy anh chị em tôi phải có đức tin, đi nhà thờ và đọc kinh mỗi ngày”, bà Đậu cho biết, “mẹ tôi luôn mặc áo dài, và anh chị em tôi phải luôn quần áo tươm tất mỗi khi đi nhà thờ.”

Biến cố lịch sử Sài Gòn 30 Tháng Tư năm 1975 đã thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người dân Việt Nam, trong đó có gia đình cụ bà Trần Thị Nghiên. Hai năm sau 1975, cụ ông mất. Năm 1980, cụ bà Nghiên vượt biên qua Mỹ cùng với một người con trai.

Cuộc sống bên Mỹ của cụ bà Nghiên trong những năm sau này là những ngày tháng an hưởng tuổi già và sum vầy bên con cháu trong gia đình.

“Anh em chúng tôi mỗi người lập nghiệp ở các tiểu bang khác nhau, nên mẹ tôi sống cùng với gia đình một thời gian thì chuyển sang gia đình người khác, để con cháu trong gia đình ai cũng có thể dành thời gian ở bên mẹ,” bà Đậu kể.

Đến khi lớn tuổi hơn, cụ bà Trần Thị Nghiên chuyển về Orange County ở vì thời tiết ở đây dễ chịu và thích hợp cho người già. Và bà Đậu, lúc đó đang làm trong một xưởng may ở Pennsylvania, cũng bỏ công việc của mình, chuyển về California chăm sóc mẹ.

Ở tuổi 115, mặc dù tuổi sức đã cao, ăn uống, đi đứng có phần khó khăn hơn, nhưng hằng ngày, cụ bà Nghiên vẫn luôn giữ thói quen đi nhà thờ mỗi ngày. Cho đến bây giờ, mỗi buổi sáng, bà Đậu vẫn hằng ngày dẫn cụ bà đi lễ ở nhà thờ Saint Barbara, gốc Euclid và McFadden.

“Điều đặc biệt nhất là mẹ tôi vẫn mặc áo dài mỗi khi đi nhà thờ, cho dù sức đã yếu, phải ngồi xe lăn, nhưng đi lễ là phải mặc áo dài. Bây giờ nhiều lúc bà cụ không còn minh mẫn nữa, nhưng đi lễ thì không bao giờ quên, lúc nào cũng nhắc tôi là “đã đến giờ đi lễ chưa con?”, bà Đậu cười, chia sẻ về mẹ của mình.

cuba 115tuoi 5
Gia đình cụ bà Trần Thị Nghiên quây quần trong tiệc mừng 109 tuổi của cụ bà. (Hình: gia đình cung cấp).

Vào ngày 5 Tháng Bảy vừa qua, tất cả anh chị em con cháu trong gia đình quyết định tập trung lại làm lễ thượng thọ 115 tuổi sớm cho cụ bà. Đây là dịp để mọi thành viên trong gia đình có dịp được cùng nhau hội ngộ, quây quần bên người mẹ, người bà của mình.

“Cái khoảnh khắc được sum vầy bên gia đình với đông đủ con cháu trong nhà, ai nấy đều xúc động. Và tôi cũng biết là mẹ tôi cũng rất vui khi nhìn thấy được sự gắn kết trong gia đình,” bà Đậu chia sẻ.

Giải thích cho sự sống lâu của cụ bà, bà Đậu cho rằng có lẽ là do quen lao động từ hồi còn nhỏ cộng với cuộc sống cơ cực, khó khăn nên cụ bà Nghiên lúc nào cũng hoạt động chân tay, chứ không ở yên một chỗ. Ngoài ra, cuộc sống ở miền biển không khí trong lành và do ăn cá thường xuyên tốt cho sức khoẻ. Và đặc biệt là tinh thần của cụ bà lúc nào cũng thoải mái, đầu óc thảnh thơi, không phiền muộn dù cuộc sống vốn dĩ không dễ dàng, nhất là đối với phụ nữ di cư từ Bắc vào Nam, trải qua bao sóng gió.

Người xưa có câu:

“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”

Hình ảnh cụ bà Trần Thị Nghiên mặc áo dài đỏ, ngồi trên chiếc xe lăn, miệng nở nụ cười bên cạnh con cháu sum vầy làm khơi dậy tình cảm gia đình vô giá, bởi có lẽ không gì quý báu hơn khi mẹ già khoẻ mạnh và sống đời cùng con cháu.

* Liên lạc tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

* Người lớn tuổi nhất thế giới hiện nay được Guiness ghi nhận là cụ bà Susannah Mushatt Jones, Hoa Kỳ, sinh ngày 6 Tháng Bảy năm 1899. Cụ bà 116 tuổi.

* Người Việt Nam lớn tuổi nhất thế giới được Liên Minh Kỷ lục Thế Giới (World Records Union-WorldKings tại New Delhi, Ấn Độ) ghi nhận là cụ bà Nguyễn Thị Trù, ở Bình Chánh, Sài Gòn, sinh ngày 4 Tháng Năm, năm 1893. Cụ bà 122 tuổi.