main billboard

“'Vui Ðời Toán Học' là một tác phẩm hòa trộn giữa lãng mạn và khoa học một cách thần tình, tự nhiên.”

WESTMINSTER (NV) - Với danh tiếng vững vàng trong làng khoa học thế giới, nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đã được độc giả đồng hương tại Nam California đón tiếp thật tưng bừng trong ngày ông ra mắt tác phẩm thứ tư “Vui Ðời Toán Học” tại hội trường Văn Lang, Westminster, hôm Chủ Nhật.

vuidoi toanhoc nguyenxuanvinhGiáo Sư Nguyễn Xuân Vinh (thứ hai từ trái) bên những chiến hữu Không Quân VNCH trong buổi ra mắt sách “Vui Ðời Toán Học.” (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Buổi ra mắt sách được Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, mà phần lớn các thành viên thuộc thế hệ trẻ sau ông đến một hai thế hệ, đứng ra tổ chức.

Sau một vài tiết mục văn nghệ của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ như để bắt mồi cho một buổi sinh hoạt văn học khoa học nhưng đầy tính văn chương, nhà văn Quyên Di đã mở đầu phần giới thiệu tác giả Nguyễn Xuân Vinh.

Bằng một giọng điệu nhẹ nhàng, duyên dáng, nhà văn Quyên Di nhắc đến một tác phẩm đầu tiên của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh. Ðó là cuốn “Ðời Phi Công” được xuất bản và tái bản nhiều lần vào những năm cuối của thập niên 1950.

Nhà văn Quyên Di nói: “'Ðời Phi Công' đã làm say mê cả một thế hệ tuổi trẻ lúc bấy giờ. Biết bao nhiêu thanh niên sau khi đọc đã đua nhau ghi tên gia nhập Không Quân VNCH. 'Ðời Phi Công' không chỉ có sức quyến rũ tuổi trẻ nam giới mà cả nữ giới. Biết bao nữ sinh đã ôm cuốn 'Ðời Phi Công' mà mơ màng tới một người tình.”

Ðề cập đến tác phẩm được ra mắt lần này, nhà văn Quyên Di nhận xét: “'Vui Ðời Toán Học' là một tác phẩm hòa trộn giữa lãng mạn và khoa học một cách thần tình, tự nhiên.”

Những lời giới thiệu tác giả cuốn “Vui Ðời Toán Học” của nhà văn Quyên Di đã làm cho toàn thể hội trường thích thú vì ông đã thật duyên dáng, ý nhị nói lên được những gì mà ai từng được biết, được nghe nói đến Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh đều có cảm nghĩ đúng như ông đã phát biểu.

Từ Úc sang, một nhà toán học trẻ của cộng đồng người Việt hải ngoại, Tiến Sĩ Trần Thạnh, giáo sư toán tại Ðại Học New South Wales, đã nói về tác phẩm “Vui Ðời Toán Học” của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh.

Nhà toán học trẻ thú nhận “chưa từng được là học trò của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh nhưng những bài viết của giáo sư đăng trên các báo vào khoảng những năm 1995 đã là những yếu tố chính đưa tôi vào con đường toán học. Ðó là thời gian phải lìa xa đất mẹ sau 30 Tháng Tư, 1975, tâm trạng cô đơn, mất hướng và những bài báo của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh đã dẫn tôi đến tương lai như ngày nay.”

Nhận định về tác phẩm “Vui Ðời Toán Học,” Giáo Sư Trần Thạnh nêu ra ba điểm, thứ nhất là cuốn sách thể hiện một tâm hồn của nhà toán học. Thứ hai là thi ca và toán học đã được thể hiện trong sự kết hợp tuyệt vời trong tình yêu quê hương nồng nàn trải dàn suốt tác phẩm. Thứ ba là các thế hệ trẻ sẽ học được rất nhiều qua sự truyền đạt xuất sắc bằng những phương pháp trình bày hấp dẫn rất có sư phạm.

Tóm lại, trong con người tác giả là một quân nhân QLVNCH là một bộ óc toán học và một tâm hồn thơ nặng tình yêu quê hương và dân tộc được pha trộn rất hài hòa. Ước mong thế hệ trẻ trong nước nên đi vào con đường khoa học nhiều hơn để có những thành công gặt hái được từ những thế hệ đi trước.

Ðến Giáo Sư Trần Huy Bích, một nhà biên khảo về văn chương chữ nôm có tiếng tại thư viện của đại học UCLA và cũng từng có giờ giảng tại đại học này, cũng lên trình bày về khía cạnh văn chương của “Vui Ðời Toán Học.” Theo Giáo Sư Trần Huy Bích, qua “'Vui Ðời Toán Học,' người đọc thấy rõ văn chương và khoa học không mâu thuẫn. Trái lại nó còn hài hòa cho ta những niềm vui trong cuộc đời.”

Người phát biểu sau cùng là một độc giả chiến hữu, ông Trần Quan An. Ông An nói rằng “nhìn từ khía cạnh một người lính, Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, người niên trưởng của các chiến sĩ QLVNCH, người ta thấy rằng giáo sư là một tấm gương sáng về tinh thần phục vụ dấn thân của một người lính. Trong điều kiện như hiện nay của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, danh đã có rực rỡ, cuộc sống thì thanh thỏa lúc về già, nhưng ông vẫn tích cực tham gia cùng các chiến hữu trong công cuộc tranh đấu chung cho đất nước và dân tộc Việt Nam.”

vuidoi toanhoc vanngheMột màn văn nghệ vui tươi của CLB Tình Nghệ Sĩ trong buổi ra mắt sách của Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

“Vui Ðời Toán Học” như nhan đề là một “tập truyện toán học” dầy gần 500 trang do Văn Ðàn Ðồng Tâm xuất bản, gồm 17 mục, mỗi mục lại có nhiều tiểu mục đề cập đến rất nhiều tâm tình của tác giả đan xen trong những câu chuyện toán học. Từ “đường thẳng là đường ngắn nhất nhưng không phải là đường tốt nhất” cho đến những bài học về lượng giác cho đến các phép chiếu, thời tiết, niên lịch, sự chuyển dịch của tinh tú, tinh cầu, v.v... được tác giả viết bằng văn chương thấm đậm tình tự dân tộc, đọc lên không thấy một chút khô khan, khó hiểu của những đường cong, đường thẳng, không gian hai ba chiều, vũ trụ vần xoay chuyển động trên những con số...mà chỉ thấy sảng khoái như đọc một câu chuyện khoa học giả tưởng lồng trong những tình tiết của cuộc sống quanh ta thường ngày với những buồn vui ái ố.

Gần một phần nửa đầu chương trình, trong khi tiếp đón quan khách và hàn huyên với tác giả, anh chị em trong Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ đã trình bày một chương trình nhạc gồm chín ca khúc có nội dung Xuân cùng là bản “Một Chuyến Bay Ðêm” của nhạc sĩ Lam Phương. Một màn ca múa trong tiết mục “Áo Trắng Mùa Xuân” xen giữa những phần phát biểu đã làm cho buổi ra mắt sách thêm phần văn nghệ. Hơn 10 giọng ca của Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ phối hợp cùng ban vũ do Trang Thị Ngọc Diệp phụ trách đã kéo không khí buổi ra mắt sách không đi quá xa vào phần văn học để đúng như tinh thần cuốn sách được ra mắt ngày hôm nay là sự hòa đồng nhuần nhuyễn giữa khoa học và văn chương.

Trong số quan khách đến tham dự có nhiều học giả, nhân sĩ trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Ðồng thế hệ với tác giả có Giáo Sư Nguyễn Thanh Liêm, Giáo Sư Huỳnh Văn Lang.