main billboard

Nhờ những vị này mà sau 25 năm, những gia đình và con cái của HO được tồn tại và thành đạt. Chúng tối rất cám ơn những vị ân nhân đó,”



WESTMINSTER, California (NV) - “Dù đời có chia HO về trăm ngả, nhưng có trong tim chung ước vọng quay về. Hôm nay, chúng ta hãy cùng thắp sáng niềm tin và trao quyền cho hậu duệ HO mang niềm tin đó vào đời, để các cháu đi tiếp con đường mà chúng ta đã đi dang dở.”

Ðó là lời của ông Nguyễn Phán (HO 6), trưởng ban tổ chức, nói trong “Kỷ Niệm 25 Năm HO Hội Ngộ” được tổ chức vào trưa Chủ Nhật, 8 Tháng Mười Một, tại nhà hàng Seafood Palace, Westminster.

ho 25nam 1
Nghi thức khai mạc buổi họp mặt 25 năm HO. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trên 750 cựu tù nhân, viên chức các cấp VNCH và gia đình đã về chung với mái ấm đại gia đình HO sau 25 năm ly hương nơi đất khách. Giờ đây, họ có dịp gặp lại nhau để hàn huyên tâm sự, chia sẻ ngọt bùi, điểm danh xem ai còn, ai mất, và để nhớ lại những kỷ niệm của những giờ phút oai hùng trên những vùng hỏa tuyến; cùng những niềm đau vẫn canh cánh trong lòng, sau những năm dài trong ngục tù của Cộng Sản.

“Hòa trong hương nồng của mùa Thansgiving 2015, tại thành phố Westminster, California, đầy nắng ấm, là ba ngày họp mặt mang đậm ý nghĩa tạ ơn của đại gia đình HO, nhân kỷ niệm 25 đầu tiên cùng gia đình được định cư tại Hoa Kỳ. Tạ ơn trời, tạ ơn nước Mỹ, tạ ơn đời, tạ ơn người,” ông Phán nói tiếp.

Một trong những HO đầu tiên đến Hoa Kỳ, nhạc sĩ Xuân Ðiềm, chia sẻ với nhật báo Người Việt rằng, “Cách đây hơn 40 năm, các anh là những người sĩ quan trẻ mới ra trường, cho nên tinh thần chiến đấu rất là lý tưởng, rất nặng mang một hoài bão lớn cho quê hương. Nhưng vì vận nước, các anh bị vào tù của Cộng Sản, có người bị từ 3 năm cho đến 16, 17 năm.”

“Bây giờ, chúng tôi còn gặp lại ngày hôm nay, chúng tôi vẫn còn nhớ những ngày đau khổ đó, và khi sang đây có những bàn tay đưa ra để nâng đỡ chúng tôi. Nhờ những vị này mà sau 25 năm, những gia đình và con cái của HO được tồn tại và thành đạt. Chúng tối rất cám ơn những vị ân nhân đó,” nhạc sĩ nói tiếp.

Ông nói thêm, “Khi đặt chân đến đất Hoa Kỳ theo diện HO 1, sau khi ổn định cuộc sống, chúng tôi có tham gia hợp tác với đài Little Saigon TV trong chương trình 'Anh Vẫn Sống,' có nghĩa là, dù các chiến sĩ của VNCH bị Cộng Sản vùi sâu dưới 10 lớp bùn nhơ, nhưng tinh thần của chiến sĩ VNCH vẫn sống, bằng chứng là sau 40 năm, chúng tôi vẫn gặp mặt nhau tại đây và vẫn đang tranh đấu.”

Ðiều hợp chương trình nghi thức khai mạc và lễ rước quốc quân kỳ VNCH là hai ông Việt Long (HO 5) và Hồ Công Bình (HO 13).

Ðiều hợp chương trình tổng quát là hai MC Uyển Diễm và Ðỗ Tân Khoa. Cả hai đều là hậu duệ HO 1.

ho 25nam 2
Ông Nguyễn Phán tặng bằng tri ân cho bà Khúc Minh Thơ (giữa). (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau đó, ban tổ chức giới thiệu thành phần quan khách đến tham dự.

“Ðây không phải chương trình được định cư tại Hoa Kỳ một cách đơn giản như là những chương trình định cư khác, mà đây là một chương trình dành riêng cho những quân nhân QLVNCH đã ở tù, đang ở tù sau năm 1975, được định cư tại Hoa Kỳ theo diện chính trị nhân đạo. Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1985, khi Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam chưa bang giao, và chế độ Cộng Sản không hề chấp nhận là trên quê hương Việt Nam có những người tù chính trị, nếu họ chấp nhận thì họ sẽ công nhận thế giới đã lên án. Do đó, đây là một con đường vòng mà chính phủ Hoa Kỳ với sự hỗ trợ và nhiệt quyết của rất nhiều người để có được chương trình định cư tại Hoa Kỳ với tên gọi HO,” MC Ðỗ Tân Khoa nói.

Anh nói thêm, “Có nhiều người cho rằng, danh xưng HO là đại diện cho hai chữ: Humanitarian Operation, hoặc là chữ HO chỉ là một con số, một mã số... Dù gì đi nữa, HO là một tên gọi rất thân quen do hàng trăm ngàn gia đình người Việt định cư tại Hoa Kỳ, mà 100% họ là những người đã cống hiến cuộc đời của mình cho miền Nam Việt Nam. Ngày hôm nay, chúng tôi rất hân hạnh được giới thiệu với quý vị, một người đã làm việc không mệt mỏi sau rất nhiều năm để cầu khẩn cho chương trình HO được thành hình để quý vị và con cháu của quý vị có mặt trong ngày hôm nay, và đang sống tại Hoa Kỳ trong suốt 25 năm qua.”

Ðỗ Tân Khoa và Uyển Diễm giới thiệu bà Khúc Minh Thơ (cựu hội trưởng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam).

Kế đến, hai MC giới thiệu hai người cháu đại diện cho ông Robert Funseth (cố phụ tá ngoại trưởng kiêm phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong thời chiến Việt Nam, qua đời ngày 25 Tháng Chín vừa qua). Ông Funseth là người đã cùng bà Thơ vận động cho chương trình HO.

Kế đến là phần giới thiệu Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hạnh (nguyên tổng giám đốc định cư và tị nạn tại Hoa Kỳ), các quan khách, và những HO xa gần đến tham dự.

Tiếp theo là lời chào mừng của trưởng ban tổ chức.

Ông Phán chân thành tạ lỗi đến những anh chị HO đã gọi điện thoại và gởi email ghi danh mà ban tổ chức không thể đáp ứng được, vì nhà hàng không đủ chỗ để chứa thêm khách, nên ban tổ chức không thể nhận thêm, kể từ sau ngày 14 Tháng Mười.

“Mỗi lần phải nói lời từ chối là lòng chúng tôi thấy một nỗi buồn dâng lên. Từ chối một cánh chim viễn xứ suốt 25 năm dài, nay muốn bay về hợp đàn để cùng dâng lời tạ ơn là một nỗi đau mà không một ai trong ban tổ chức muốn thấy, muốn hành xử,” ông Phán chia sẻ.

Ông nói thêm, “Xin hẹn gặp nhau mùa sau, có thể là một đôi ba năm nữa tại một nơi nào đó trên đất nước Hoa Kỳ, hay tại Little Saigon lần nữa, trong ước vọng quay về để có một lần HO họp mặt mang tên HO Ðoàn Viên Nơi Ðất Mẹ.”

ho 25nam 3
Ban tù ca Xuân Ðiềm với nhạc cảnh “Ðợi Anh Về.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Sau đó, ông mời mọi người thưởng thức món ăn đầu tiên, đó là khoai mì (sắn). Sắn là món ăn kỷ niệm đã nuôi sống các cựu tù nhân trong những trại tù cải tạo.

HO Việt Long đọc trích đoạn bài thơ “Sắn” của cựu tù nhân Lê Mai Lĩnh:

Sắn sớm, sắn trưa, sắn chiều, sắn cải thiện
Sắn trao đổi áo quần, sắn trộm cắp giấu giếm
Sắn nhờ thuốc thẳng, sắn lượm lặt hàng hiên
Sắn thừa mứa chó chê, người đói nghèo nhặt nhạnh
Sắn củ ngon, sắn lớn bành ky,
Sắn đuôi chuột, sắn trong đống vỏ
Sắn gì cũng không chê, không bỏ
Ta cứ ăn vào đầy bao tử được là hay
Ðời tù no đếm được từng ngày
Ôi hạnh phúc qua đêm, bụng không cồn cào là tốt.

Tiếp theo là lời phát biểu của hai thân nhân đại diện cho ông Robert Funseth, Tiến Sĩ Nguyễn Văn Hạnh, và bà Khúc Minh Thơ. Ban tổ chức tặng bằng tri ân và quà lưu niệm cho các ân nhân này.

Kế tiếp là lời phát biểu của một số quan khách.

Rồi ban tổ chức cho chiếu slide show qua sự chia sẻ của phái đoàn hậu duệ HO rất cảm động, và phái đoàn trình diện trước mọi người với lời hứa sẽ làm rạng danh dân tộc Việt Nam tại hải ngoại cũng như nối gót theo cha ông của mình là tranh đấu cho quê hương thoát khỏi ách thống trị độc tài Cộng Sản.

Chương trình văn nghệ do ban tù ca Xuân Ðiềm đảm trách với sự đóng góp các ca sĩ của Trung tâm Asia và thân hữu HO.

Ðược biết, trước đó một hôm, Thứ Bảy, 7 Tháng Mười Một, nhiều HO và gia đình đã đến đặt vòng hoa tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, để tưởng niệm những đồng đội đã khuất.

Ngày hôm sau, Thứ Hai, 9 Tháng Mười Một, khoảng 200 HO và gia đình, đại diện cho toàn thể đại gia đình HO, đã đến đặt vòng hoa tưởng niệm tại mộ của cố Tổng Thống Ronald Reagan, một đại ân nhân của HO, vì nếu không có vị tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ này thì không có chương trình HO.