main billboard

Ðây là một cuộc triển lãm thú vị đầy màu sắc với bốn họa sĩ Ngô Hải Chí, Ngô Duy Cường, Ngô Thụy Phong, và Ngô Bảo Trâm, với 60 tác phẩm khổ lớn do cô Ngô Bảo Trâm, con gái út trong gia đình chủ xướng.


WESTMINSTER, California (NV) - Triển lãm hội họa của bốn họa sĩ họ Ngô đến từ Portland, Oregon, lần đầu tiên ra mắt công chúng Little Saigon đã được tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, vào Thứ Bảy, 14 Tháng Mười Một.

Ðây là một cuộc triển lãm thú vị đầy màu sắc với bốn họa sĩ Ngô Hải Chí, Ngô Duy Cường, Ngô Thụy Phong, và Ngô Bảo Trâm, với 60 tác phẩm khổ lớn do cô Ngô Bảo Trâm, con gái út trong gia đình chủ xướng.

4hoasi hongo 1
Bốn họa sĩ gia đình họ Ngô, từ trái, Duy Cường, Thụy Phong, Bảo Trâm, và Hải Chí. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tham dự triển lãm có các khách mời đặc biệt như họa sĩ Rừng, Diễm Thúy, Richard D. Sweatt, Cheri Pedemonde, Liberty Dickinson và rất đông giới yêu thích hội họa tại Little Saigon.

Tất cả những tác phẩm thuộc các trường phái hiện thực, ấn tượng và trừu tượng xen kẽ vào nhau trong không gian rực rỡ đầy màu sắc, đa số là sơn dầu, trên nền bố hoặc acrylic với kỹ thuật vẽ cọ, hoặc dao, với nhiều chủ đề, từ phong cảnh, chân dung, đến hiện thực cuộc sống,...

Họa sĩ Ngô Hải Chí, người lớn tuổi nhất và cũng là thân phụ của ba họa sĩ còn lại, cho biết theo con đường hội họa đã từ lâu lắm rồi, khoảng 50 năm nay. Với lòng đam mê và tình yêu hội họa, ông cũng muốn trao truyền tình yêu này đến các con.

Trong một phòng tranh ở quê quán thuộc tỉnh Long Khánh, trước năm 1975, ông đã miệt mài vẽ theo theo lối ấn tượng với chất liệu thể hiện là sơn dầu và acrylic. Ðến với lần triển lãm này, ông có nhiều tranh theo trường phái ấn tượng với bố cục vững chãi và đường nét mạnh bạo, với chất liệu sơn dầu và acrylic.

Họa sĩ Ngô Thụy Phong, người con thứ hai trong gia đình, có bốn tác phẩm thuộc các thể loại phong cảnh và trừu tượng bằng kỹ thuật dao hay còn gọi là bay, hoặc bằng cọ với chất liệu sơn dầu và acrylic.

Với kỹ thuật bồi đắp rất nhiều lần sơn dầu để nổi bật từng chi tiết trong tác phẩm, như với tác phẩm “Hoang Dã” với một game màu xám rất nhạt, những cành cây khô nổi bật trên nền với những mảng sơn dầu như muốn thoát ra khỏi bức tranh để diễn tả sự hoang vắng đến độ tịch liêu.

Hoặc như bức tranh trừu tượng “Lột Xác,” một thiếu nữ nằm nghiêng với tấm lưng trần nhưng nếu nhìn với một góc cạnh khác thì nó được diễn tả giống như một con rắn đang lột xác. Vì thuộc thể loại trừu tượng nên mỗi người xem đều có thể hiểu theo cách riêng của mình.

Hoặc như bức “Chốn Hẹn Hò” diễn tả rất hiện thực một khoảng rừng thật êm ả với mặt nước hồ soi bóng, người xem có thể nhìn và cảm nhận làn cỏ mượt mà đang run run dưới làn gió thoảng.

4hoasi hongo 2
Quang cảnh phòng triển lãm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Với vẻ bên ngoài thật phong trần nhưng rất vui tính và lối chuyện trò duyên dáng, họa sĩ Ngô Thụy Phong cho biết công việc hiện nay của anh là vẽ quảng cáo trong một công ty thiết kế tại Oregon, nhưng niềm đam mê hội họa là do di truyền từ thân phụ và anh sẽ theo đuổi đến cùng, bởi vì như anh nói, anh vẽ để chứng minh là mình vẫn đang tồn tại và hòa nhập trong cuộc sống trên trái đất này.

Anh kể một chuyện vui đáng nhớ trong đời nghệ thuật của mình là sau khi bán được một tác phẩm với giá cao, người vợ của anh, cũng là người yêu hội họa, rất tiếc bức tranh đó, và anh đã truy lùng qua bao nhiêu năm mới tìm chuộc lại được.

Hiện nay, bức tranh được treo tại nhà và không được đem đi triển lãm ở ngoài nữa.

Cùng góp mặt trong triển lãm lần này là người anh cả trong gia đình, họa sĩ Ngô Duy Cường, với các tác phẩm thuộc thể loại chân dung con người. Các họa phẩm của anh tập trung vào thần thái của từng con người được thể hiện qua từng chi tiết được chăm chút cẩn thận trên từng gương mặt.

Theo gia đình kể lại, anh đến với hội họa từ rất sớm, khi mới 2 tuổi đã cầm cọ vẽ nguệch ngoạc trên giấy, rồi với thời gian lớn dần, anh đã đam mê hội họa lúc nào không hay.

Trước đây các đề tài anh vẽ theo lối sao bản, tức là nhìn thấy gì bên ngoài thì vẽ lại như vậy, nhưng từ khi tin vào đấng tạo hóa, anh lại say mê hội họa hơn nữa vì anh thấy rằng tất cả những gì chúng ta nhìn thấy được bằng mắt, dù là phong cảnh hay con người, đều có bàn tay màu nhiệm tạo dựng nên. Các họa phẩm trong triển lãm này mang tính tâm linh rất nhiều.

Ðặc biệt như bức thiếu nữ với tà áo dài trắng, với tựa đề “Ướm Thử Bàn Tay,” người họa sĩ muốn nói đến bàn tay, mô phỏng một kiệt tác mà đấng tạo hóa đã tạo ra. Khi vẽ bức tranh này, có một hiện tượng rất lạ xảy ra là anh rất sợ, sợ cái nét đẹp trên khuôn mặt người nữ do đấng tạo hóa tạo ra, trên con người có máu đang lưu thông, có bao nhiêu sự màu nhiệm đang luân chuyển trong cơ thể và khi mình ướm thử bàn tay của mình với bàn tay của đấng tạo hóa, mới biết đấng tạo hóa quý những tác phẩm của Ngài như thế nào. Ðó là lý do vì sao con của Ðức Chúa Trời phải đến với thế giới này để cứu rỗi tất cả mọi người.

Với công việc hiện nay, trong cương vị một mục sư, họa sĩ Ngô Duy Cường đặt nặng vấn đề cứu giúp cho những người nghèo khó, bệnh tật đang rất cần sự giúp đỡ và mục tiêu là những người bệnh phong cùi tại Di Linh, Việt Nam, và những trẻ em mồ côi tại vùng biên giới Việt Nam và Cambodia.

Khác với hai người anh mình, họa sĩ Ngô Bảo Trâm với niềm say mê hội họa từ nhỏ với những sắc màu trầm ấm, thật nữ tính, nhưng cũng có những tác phẩm có nội tâm mãnh liệt được vẽ bằng cọ trên chất liệu sơn dầu với những nét hằn mạnh bạo trên nền vải bố, cô muốn cho thấy thân phận người phụ nữ cô đơn đang cần được bảo vệ qua những giông tố cuộc đời.

Cô dành trọn thời gian cho hội họa, và từng triển lãm tranh tại các nơi như Orange County Creatives, Hillcrest Gallery, Advant Garden tại Santa Ana, OCFA Coasta Mesa, Laguna Beach và đã bán khá nhiều tranh.

Ngoài hội họa, hiện nay cô đang dạy dương cầm, và niềm đam mê bất tận vẫn chính là hội họa, di truyền từ người cha thân yêu của mình.

Ðã triển lãm nhiều nơi trên nước Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên, Ngô Bảo Trâm chủ xướng đưa cuộc triển lãm này đến California, đặc biệt là vùng Little Saigon, nơi có cộng đồng người Việt rất đông, mục đích là để công chúng được thưởng thức và làm quen với các họa sĩ trong phong cách mới.

Qua một vòng thưởng lãm, muốn cảm nhận sâu xa hơn về thông điệp của hội họa mà các họa sĩ diễn tả có lẽ phải trở lại nhiều lần nữa, nhưng người xem rất tiếc triển lãm chỉ có một ngày thôi và các tác phẩm được đề giá bán thật nhẹ nhàng để giới yêu hội họa có dịp làm quen với các họa sĩ họ Ngô, một gia đình thật đặc biệt với cả bốn cha con đều thành danh.