main billboard

“Mục đích của công việc này là để đưa đời sống dân tộc vào dịp Tết, bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc.” (Nguyễn Minh Lân)

WESTMINSTER (NV) - Chiều hôm Chủ Nhật, 20 Tháng Giêng, lễ Tất Niên tại Viện Việt Học đã diễn ra trong không khí thân mật ấm cúng giữa các giáo sư cộng tác với viện, gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ, anh chị em trong Ban Tu Thư của viện và các thân hữu thường sinh hoạt với viện.

vien viethoc 1Ðồng hương đến mua những phong bao mừng tuổi được giới thiệu trong buổi Tất Niên của Viện Việt Học. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Theo lời giới thiệu của ông Nguyễn Minh Lân trong ban tổ chức thì buổi họp mặt hôm nay cũng có nhiều thân hữu từ xa đến như Giáo Sư Nguyễn Bá Linh từ Pháp qua, Tiến Sĩ Nguyễn Trọng Thủy, nhà thơ Hoàng Xuân Sơn đến từ Montreal, Canada.

Mở đầu, ông Nguyễn Minh Lân ngỏ lời cảm ơn sự có mặt của đông đảo đồng hương quan khách đã đến tham dự buổi Tất Niên này. Nhân đây, một lần nữa viện lại xin được giới thiệu một công việc mà viện đã thực hiện trong nhiều tháng qua. Ðó là in ấn phát hành những phong bao “Mừng Tuổi” với những hoa văn mang sắc thái văn hóa truyền thống VN để mong bà con người Việt mình cùng phát động một phong trào dùng phong bao Việt Nam thay thế những phong bao “lì xì” đỏ choét với những hình vẽ chẳng mang một sắc thái Việt Nam nào mà người Việt quen dùng từ trước tới nay.

Ông Lân nói: “Mục đích của công việc này là để đưa đời sống dân tộc vào dịp Tết, bảo tồn và phát triển nền văn hóa truyền thống của dân tộc.”

Vẫn theo ông cho biết thì đây là một công việc được viện phối hợp với các giáo sư cộng tác với viện và một số anh chị em nghệ sĩ, đặc biệt là họa sĩ Doãn Quốc Vinh, con trai của nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Có mặt bên những họa đồ phong bao mừng tuổi, họa sĩ Doãn Quốc Vinh đã dành cho nhật báo Người Việt một cuộc phỏng vấn ngắn.

Theo thói quen vô tâm, chúng tôi đã dùng hai chữ “lì xì” trong câu hỏi đầu thì họa sĩ Doãn Quốc Vinh ngắt ngay câu hỏi và sửa lại là “phong bao.” Ðề cập đến công trình thiết kế mỹ thuật của những phong bao mừng tuổi này, họa sĩ Doãn Quốc Vinh cho biết: “Năm nay chúng tôi đã phát hành ba mẫu gồm Trống Ðồng, Hoa Sen và Trẻ Thơ. Cả ba mẫu này đều thể hiện những nét văn hóa của Việt Nam.”

Thảo luận về những ý nghĩa gói ghém trong ba mẫu này, chúng tôi cũng đồng ý rằng trống đồng thì chúng ta đều hiểu đó là biểu hiện của nền văn minh tiến hóa của dân tộc Việt. Trống đồng đã được khai quật tại nhiều nơi ở miền Bắc và một vài nơi ở Nam Trung Hoa trong các tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây. Khoa học khảo cổ đã định vị được thời gian xuất hiện trống đồng và khẳng định đó là của dân tộc Việt cổ xưa. Những hoa văn trên mặt trống đồng thể hiện được một số hình ảnh sinh hoạt của một dân tộc có nền văn minh lúa nước rất sớm. Về mẫu Hoa Sen là hình tượng đến một tôn giáo hầu như đã được Việt hóa của dân tộc VN. Dịp Tết cũng là dịp để người dân Việt dù là Phật tử hay không cũng đến các chùa chiền lễ Phật, xin xâm, bói quẻ, hái lộc đầu năm. Ðó là một trong những sinh hoạt chính trong ngày Tết của người Việt. Về mẫu thứ ba là Trẻ Thơ. Mẫu này theo họa sĩ Doãn Quốc Vinh, “đã dựa trên những nét vẽ về trẻ thơ của họa sĩ Vy Vy.” Trẻ Thơ là sự trong sáng, hồn nhiên. Ðầu năm mà nhìn những hình ảnh này người ta sẽ nghĩ ngay đến cảnh gia đình hạnh phúc, nghĩ đến tương lai cho mình, cho người.

vien viethoc 2Họa sĩ Doãn Quốc Vinh nói về phong bao mừng tuổi của viện bên cạnh những mẫu phong bao mà họa sĩ đã thực hiện cho viện. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Bên cạnh những mẫu đã phát hành, là một số mẫu cho phong bao mừng tuổi dự trù sẽ phát hành trong năm tới. Họa sĩ Doãn Quốc Vinh cho biết: “Ðể những phong bao có thể được dùng trong những dịp vui khác, chúng tôi đã tiến hành thực hiện sáu mẫu khác nữa, để có thể dùng vào các dịp vui trong gia đình hay các lễ hội khác không nhất thiết là Tết Nguyên Ðán. Tất cả những mẫu này cũng thể hiện những cố gắng của chúng tôi là đưa được những nét văn hóa đặc thù của dân tộc vào những sinh hoạt của cộng đồng chúng ta để chúng ta có được sự sinh hoạt đặc thù hòa góp vào sự sinh hoạt của một đất nước đa văn hóa mà chúng ta đã là những người dân.”

Ðề cập đến các loại tranh Ðông Hồ trong dịp Tết nay đã phai nhạt trong sinh hoạt của người dân Việt, họa sĩ Doãn Quốc Vinh cũng cho biết: “Trong các mẫu mới chúng tôi cũng đã thể hiện một phần. Ðây là sự gợi ý của ba tôi, nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Nhưng tranh Ðông Hồ là một nghệ thuật riêng biệt, chúng tôi không đụng đến nghệ thuật này.”

Buổi sinh hoạt Tất Niên tại Viện Việt Học với một chương trình nhạc Xuân do các thân hữu của viện và Hội Ca Cầm phụ trách. Bên những ca khúc mừng Xuân là những tiết mục đọc thơ xuân, diễn đọc Bình Ngô Ðại Cáo và tường trình sinh hoạt của viện. Ban Tu Thư của viện cho biết, “Thư viện của viện hiện có đến trên 30 ngàn cuốn sách về văn hóa giáo dục VN, đã được xếp vào các danh mục để tiện việc tra cứu. Trong tương lai thư viện sẽ nối mạng trên 10 ngàn nhan đề sách để phục vụ bạn đọc khắp nơi cần đến sự tham khảo về lịch sử báo chí VN, về văn học và giáo dục qua các thời đại...”

Sau cùng, để kết chặt tình dân tộc giữa những người xa xứ, ông Nguyễn Minh Lân cho biết, “Kể từ nay, mỗi lần sinh hoạt, chúng ta sẽ được giới thiệu và thưởng thức một món ăn đặc thù của từng miền trên quê hương Việt Nam. Riêng buổi Tất Niên hôm nay là món ăn nấu lá dứa của miền Nam.”