main billboard

... chương trình nhạc thính phòng này là một chương trình hết sức đặc biệt với sự cộng tác của nhiều anh chị em nghệ sĩ thân hữu, từng nhiều lần tham gia hoặc tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ của viện ...



WESTMINSTER, California (NV) – Vào lúc 6 giờ 30 phút chiều Thứ Bảy, 9 Tháng Giêng, Viện Việt Học sẽ tổ chức buổi tất niên, họp mặt thân hữu, qua một chương trình ca nhạc thính phòng với chủ đề “Xuân-Tình Yêu-Tuổi Trẻ,” tại trụ sở của viện ở Westminster.

vienviethoc canhac
Một sinh hoạt văn nghệ tại Viện Việt Học. (Hình: Người Việt)

Theo Giáo Sư Nguyễn Minh Lân, thành viên ban điều hành viện, chương trình nhạc thính phòng này là một chương trình hết sức đặc biệt với sự cộng tác của nhiều anh chị em nghệ sĩ thân hữu, từng nhiều lần tham gia hoặc tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ của viện với những chương trình có chủ đề phù hợp với chủ trương của viện là gìn giữ, phát huy những nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Trước khi vào chương trình nhạc thính phòng, đại diện của viện sẽ trình bày “Đôi nét sinh hoạt của Viện Việt Học trong năm 2015” nhằm ôn lại những cố gắng của viện và anh chị em thân hữu cộng tác mật thiết với viện. Sau đó, võ sư Nguyễn Đăng Khoa sẽ hướng dẫn các tiết mục võ thuật. Rồi từ 7 giờ 40 phút cho đến 10 giờ 30 phút sẽ là Đêm Nhạc Tháng Giêng ca tụng Mùa Xuân, Tình Yêu và Tuổi Trẻ.

Chương trình sẽ rất phong phú và ý nghĩa với sự góp mặt của nhạc sĩ keyboard Huy Cường và violin Lê Vũ cùng là các tiếng hát thường xuyên có mặt trong các chương trình văn nghệ hàng tháng của viện như Victoria Mai Hân, Mai Linh, Chí Đan, Katherine Lâm, Kim Phụng, Kim Loan, Thanh Hằng, Kim Yến, Xuân Thanh, Thạch Thảo, Kỳ Hương, Hồng Tước, Lâm Dung qua các tác phẩm của Phạm Duy, Nguyễn Hiền, La Hối, Minh Kỳ, Lê Dinh, Văn Phụng và Nguyễn Ánh 9.

Nhạc Xuân trước năm 1975 cho đến nay vẫn làm say mê người nghe và hầu như nhạc Xuân hiện tại vẫn chưa thay thế được. Những “Xuân Thì,” “Xuân và Tuổi Trẻ,” và “Anh Cho Em Mùa Xuân”… vẫn còn là những nét Xuân tươi trong đời sống của người Việt mỗi độ xuân về. Ngay cả những nhạc khúc Xuân mùa chinh chiến dù nay chiến tranh đã chấm dứt từ 40 năm, nhưng những cảm xúc từ những ca khúc này vẫn còn làm rưng rưng xúc cảm, không chỉ với thế hệ đã từng qua mùa chinh chiến mà thế hệ trẻ hiện tại cả trong và ngoài nước cũng rất ưa thích. Tuổi trẻ hát “Xuân Này Con Không Về” không phải vì chiến tranh mà vì con đang ở hải ngoại xây đắp một tương lai mà mẹ đã hy sinh để con vượt thoát được nơi chốn không có tương lai.

Nên trong không khí của những ngày đầu năm Dương Lịch, cuối năm Âm Lịch mà được trầm mình nghe nhạc Xuân thính phòng ca tụng tình thương yêu bao la của tuổi trẻ thì quả là một buổi tối thần tiên cho những người con còn xa xứ.

Những chương trình văn nghệ của Viện Việt Học từ mấy năm nay đã là những sinh hoạt phụ trợ cho những buổi sinh hoạt văn học nghiêm túc của viện trong mục đích “phân tích một cách nghiêm túc ưu, nhược điểm của văn hóa Việt Nam. Thẩm định một cách khác quan địa vị cùng vai trò của văn hóa ấy trong toàn thể văn hóa nhân loại” như chủ trương của viện được phổ biến từ ngày thành lập.

Những chương trình văn nghệ đã là những phương cách bồi dưỡng và phát huy nét đẹp, đáng trân trọng, đáng gìn giữ trong nếp sống tinh thần của người Việt Nam dù có phải xa xứ.

Ai đã từng đến thăm Viện Việt Học trên đường Brookhurst, Westminster, cũng hết sức thán phục vì sao mà viện với một diện tích nhỏ hẹp, với số anh chị em điều hành không quá 10 người, mà lại có một nội dung thật phong phú với những công trình sưu tầm văn học, duy trì được phần lớn kho tàng văn hóa, văn minh Việt Nam và phát huy được uy lực của nền văn hóa ấy.

Điều này xin hỏi Giáo Sư Nguyễn Minh Lân và các giáo sư cố vấn như Trần Ngọc Ninh và Nguyễn Phúc Bửu Tập…và nhất là các bạn trẻ trong ban điều hành cùng với thân hữu bốn phương của Viện Việt Học.