main billboard

Chúng tôi đón mời tất cả mọi người đã từng ở trại Sikiew hiện đang sống khắp nơi trên thế giới cùng đến Mỹ để tham dự ngày hội ngộ.


WESTMINSTER, California (NV) - “Năm 2016 đánh dấu 35 năm những thuyền nhân đầu tiên vào trại tị nạn Sikiew, Thái Lan, để chờ thanh lọc được tiếp tục đến nước thứ ba. Để nhớ lại những ngày đầu này, chúng tôi sẽ tổ chức Hội Ngộ Thuyền Nhân Sikiew 35 năm trong hai ngày 2 và 3 Tháng Bảy.”

sikew hoingo 1
Hình ảnh kỷ niệm 35 năm Sikiew Hội Ngộ 1981-2016. (Hình: Đỗ Đình Tài cung cấp)

Ông Đỗ Đình Tài, trưởng ban tổ chức, cho biết thông tin trên, và nói thêm: “Chúng tôi đón mời tất cả mọi người đã từng ở trại Sikiew hiện đang sống khắp nơi trên thế giới cùng đến Mỹ để tham dự ngày hội ngộ. Mục đích của ngày hội ngộ đặc biệt này là để chúng tôi nối kết lại với nhau, để tìm lại chính mình, để hỗ trợ lẫn nhau, và để kết chặt dây thân ái cho những ai đã từng một thời sống tại trại tị nạn Sikiew. Vì vậy chúng tôi thông báo sớm để mọi người thu xếp thời gian xin nghỉ phép, mua vé máy bay... cho ngày hội ngộ được đông vui và ấm cúng.”


Tháng Bảy, ngày 2 và 3


“Đây là lần đầu tiên, sau 35 năm, chúng tôi tổ chức ngày Hội Ngộ Thuyền Nhân Sikiew tại Little Saigon. Ngày Sikiew Hội Ngộ sắp tới sẽ được tổ chức trong hai ngày, và rơi vào đúng dịp Lễ Độc Lập của Mỹ, một đất nước tự do và cơ hội! Và đó cũng là lý do chúng tôi bỏ nước ra đi, dù biết trước bao bất trắc đang chờ chực, để được đến xứ sở tự do này,” ông Tài cho biết.

Theo đó, Thứ Bảy, 2 Tháng Bảy, sẽ là buổi họp mặt liên hoan ngoài trời (picnic) từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều. “Mọi người sẽ gặp nhau tại công viên để gặp gỡ, hân hoan đón chào những bạn bè Sikiew sau bao nhiêu năm xa cách. Sẽ có đầy đủ ẩm thực và các sinh hoạt vui chơi ngoài trời cho người lớn và trẻ em, chẳng hạn như thi karaoke, bingo, thi đấu poker vòng loại, thảy bong bóng, nhảy bao bố, và còn nhiều nhiều trò chơi thi đua vui nhộn khác nữa. Những tài năng Sikiew cũng sẽ đóng góp những tiết mục 'cây nhà lá vườn,' cũng như dành cho bạn nào muốn giúp vui trong phần văn nghệ,” ông Tài nói thêm.

Và Chủ Nhật, 3 Tháng Bảy, ban ngày, mọi người sẽ có thời giờ tự đi khám phá - cá nhân hoặc chung nhóm - những nơi nổi tiếng như Disneyland, Legoland, Hollywood, Universal Studio, Beverly Hills, Rodeo Drive, The Queen Mary Ship, và tham quan thủ phủ tị nạn Litttle Saigon của người Việt tại Mỹ. Chủ Nhật được chấm dứt bằng một buổi tiệc liên hoan (Formal Dinner and Dance Gala) từ 6 giờ tối đến nửa đêm với thực đơn 10 món được phục vụ chu đáo cùng chương trình văn nghệ do các ca nhạc sĩ chuyên nghiệp phụ trách với chương trình dạ vũ đặc sắc.

Ông Tài cho biết: “Đặc biệt trong ngày Sikiew Hội Ngộ sẽ có sự tham dự của Cha Peter Prayoon Namwong. Cha Namwong là một hậu duệ người Việt Nam, mà ông bà tổ tiên của cha là người Việt đã đến định cư ở Thái Lan hơn 300 năm qua. Cha đã từng là ân nhân của chúng tôi và đã dành trọn đời mình tận hiến để giúp đỡ người Việt tại Thái Lan. Cha cũng là một hình tượng cho những ai đã từng sống trong trại Sikiew. Chúng tôi sẽ có một chương trình đặc biệt để tạ ơn Cha Namwong, trong ngày Sikiew Hội Ngộ.”


Thời kỳ đóng cửa trại


Ông Đỗ Đình Tài cho hay: “Cá nhân tôi và qua những cuộc nói chuyện với bạn bè đã từng sống ở Sikiew, ai cũng công nhận và đã chứng kiến những việc làm vô vụ lợi của Cha Namwong dành cho những người tị nạn chúng tôi. Cha ân cần hỏi han từng người bằng tiếng Việt và chăm sóc cho bất kỳ ai khi có chuyện gì xảy ra. Cha Namwong đã tận hiến cuộc đời mình để giúp đỡ người tị nạn Việt Nam. Đến nay cha vẫn tiếp tục giúp đỡ cho những người tị nạn bị từ chối định cư ở quốc gia khác đang phải sống lưu vong bất hợp pháp trên đất Thái hằng bao nhiêu năm qua. Cha vẫn đang gây quỹ để hỗ trợ thực phẩm, thuốc men cho những con người bất hạnh này.”

Ông Tài kể: “Tôi và hai anh chị của mình lên thuyền vượt biên đến Thái Lan ngày 15 Tháng Chín, 1981, sau đúng một tháng chính phủ Thái đóng cửa tất cả các trại tị nạn trên đất Thái, tức không đón nhận những người tị nạn như các nước Đông Nam Á khác. Khi đó tôi mới 14 tuổi. Và lúc đó nhờ sự chăm sóc của vị linh mục người Thái gốc Việt này mà tôi vững tin hơn trong cuộc sống.”

“Bây giờ nhìn những đứa con của mình, hơn cái tuổi mà tôi vượt biển lúc đó, nhưng tôi vẫn không dám cho các cháu đi bộ tới trường. Nghĩ lại mới thấy khi cha mẹ tôi dám cho chị em tôi lên tàu lúc mười mấy tuổi, thì có lẽ tình thương của cha mẹ chắc chắn là khủng khiếp lắm, cũng đau khổ lắm nhưng phải cố gạt nước mắt,” ông kể tiếp.

Ông nói: “Cha mẹ muốn chúng tôi bước chân xuống tàu đi tìm vùng trời tự do, và không ai bảo ai, chị em tôi đều vững vàng lắm. Khi đi tàu bị chìm, phải mấy tiếng đồng hồ sau mới được cứu nhưng sao chúng tôi không thấy sợ. Nhớ lại các cô chú, anh chị trên tàu nói, ai cũng tự đặt mình vào một canh bạc, hoặc làm mồi cho cá, hoặc sẽ tới ‘thiên đường.’ Chính vì vậy, sau những ngày lênh đênh trên biển, chỉ cần nhìn thấy đảo, thấy đất liền, là chúng tôi thấy mình ‘thoát’ và xem như chuyến đi thành công.”

Nhưng rồi, chính phủ Thái đóng cửa trại tị nạn từ 15 Tháng Tám, 1981. Do đó, những người tị nạn tới Thái đều bị gom từ Songkhla để đến trại Sikiew. “Kỳ thực Sikiew là trại tù cho những người vượt biên đến Thái Lan. Bởi vì sau ngày đóng cửa, các viên chức của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cũng không được phép đến đây để giúp đỡ người tị nạn,” ông Tài cho hay.

“Trước đây, những ai tới Songkhla thì chính phủ Thái đều chấp nhận tị nạn, sẽ có các phái đoàn UNHCR vào phỏng vấn, thanh lọc, rồi đưa đi các trại chuyển tiếp, sau đó cho đi Indonesia, Philippines để học tiếng Anh. Những người tị nạn này ở khoảng sáu tháng là được đi rồi. Nhưng đến lượt chúng tôi thì bị kẹt, phải ở đến hai năm tại trại Sikiew mới được đi sang nước thứ ba. Mà khi đó, tôi cứ nghĩ là mình sẽ mãi ở Thái rồi,” ông nói tiếp.

Ông cho biết: “Mãi đến sau này tôi mới biết, vì nhận thấy làn sóng người Việt Nam tị nạn quá nhiều, nên chính phủ Thái muốn dằn mặt dân tị nạn, muốn dân tị nạn không tới đất Thái nữa, nên những ai đến Thái Lan sau ngày 15 Tháng Tám là bất hợp pháp, phải bị bắt ở tù. Trong khi thực tế, phải đến sau ngày 14 Tháng Ba, 1989, ngày UNHCR quyết định đóng cửa các trại tị nạn, thì khi đó mọi thuyền nhân đều phải qua thanh lọc để hoặc được tiếp tục đến nước thứ ba, hoặc phải hồi hương, trở lại nơi mình đã ra đi.”


Trại tị nạn Sikiew sau Tháng Mười, 1981


Sau vài tuần ở trại tị nạn Songkhla thì Tháng Mười, 1981, chị em ông Tài cùng khoảng 200 người được chính phủ Thái chở đến trại Sikiew, nằm ở vùng Tây Bắc của Thái Lan. Và tiếp sau những người đầu tiên như ông Tài, thì tất cả những người nào tới đất Thái đều được chở đến Songkhla, rồi sau đó chở thẳng đến trại tù Sikiew!

“Thời gian đầu, trại Sikiew không cho bất cứ ai vào thăm, lo lắng cho người tị nạn. Trong trại có Cha Namwong được vào để làm lễ nhà thờ và lo lắng cho dân tị nạn, cùng một nhóm bác sĩ, y tá với trạm xá để chăm sóc sức khỏe cho người tị nạn. Ở trại thì không được đi ra ngoài, cuộc sống rất thiếu thốn, thức ăn phân phát đều không đủ ăn. Người thân được quyền gửi tiền vào cho nhưng có ai là người thân ở xứ này đâu,” ông Tài kể.

“Chúng tôi đã sống những ngày tháng khó khăn, thiếu thốn, và chờ đợi mỏi mòn một cách vô vọng cho một ngày được định cư ở một đệ tam quốc gia. Bởi vì khi đó chúng tôi được biết mình bị giam giữ vô thời hạn. Lúc đó tôi rất tuyệt vọng, không biết tương lai ra sao. Nhưng mọi người sống rất kỷ luật, nên làm cho những đứa trẻ chúng tôi thấy dù cực khổ vẫn có niềm vui. Và đặc biệt, tôi được đi học,” ông tươi cười kể.

sikew hoingo 2
Our School (Trường Của Chúng Ta), ngôi trường của tất cả trẻ em tại tị nạn Sikiew trên đất Thái. (Hình: Facebook Hội Sikiew)

Ông nói: “Điều tôi nhớ nhiều nhất là trong trại có làm trường học tên là Our Shool (Trường Của Chúng Ta), nhờ sự giúp đỡ của ông trại trưởng và chính quyền. Trường cũng có mấy chục lớp học cho những đứa trẻ dưới 18 tuổi như tôi đi học, vì khi đó dân tị nạn đã lên đến mười mấy ngàn người. Khi đó tôi cũng đi học một khóa lớp 9 ở trại.”

Theo ông Tài, mặc dù cuộc sống ở trại nghèo khổ nhưng mọi người gắn bó với nhau như anh em và sống rất trật tự, nề nếp. Dần dần, trại tù ngoài có trường học, chẩn y viện, nhà thờ, chùa chiền, thì sau đó có cả hàng quán và chợ búa. Trật tự và sinh hoạt trại được thành lập để bảo đảm đời sống người tị nạn trong những tháng năm đó.

“Kết quả là tất cả thuyền nhân chúng tôi đã có được một sự kết nối đặc biệt, khắng khít với nhau như một đại gia đình. Tôi vẫn nhớ mãi những kỷ niệm trong thời gian sống tại trại Sikiew. Từ những lần đi lãnh nước hay thực phẩm, với những khó khăn thiếu thốn nơi đó cho đến những gương mặt thân quen ở Our School. Cho dù đã hơn 30 năm trôi qua, tôi vẫn mỉm cười mỗi khi nhớ về những ký ức không bao giờ phai mờ đó!” ông Tài tâm sự.

Ông cho biết: “Phải thừa nhận rằng, thời gian sống ở trại Sikiew đã giúp chúng tôi tự trui rèn bản thân để trở thành những người thành đạt ngày hôm nay. Những quá khứ gian nan, khổ cực đó đã giúp chúng tôi vững vàng hơn và vượt qua những thử thách khi đặt chân đến một quê hương mới và đó chính là thành tựu của những người tị nạn Sikiew chúng tôi nói riêng, cũng như của những người tị nạn Việt Nam trên toàn thế giới nói chung.”

Và sau hơn hai năm ở trại Sikiew, vào Tháng Hai, 1984, ông Tài định cư trên đất Mỹ.


Facebook kết nối người tị nạn ở trại Sikiew


Sau khi đón cha mẹ, cùng anh em họ hàng còn lại ở Việt Nam sang Mỹ, và có nghề nghiệp vững chắc tại xứ người, ông Đỗ Đình Tài luôn muốn gặp lại những người bạn, người anh, người chị... đã từng ở trại Sikiew với ông ngày trước.

“Hơn hai năm trời ở với nhau trong trại với nhiều kỷ niệm nên tôi không thể nào quên những kỷ niệm khốn khó của ngày trước. Và rồi, từng người tôi tình cờ gặp lại, kết nối lại dần dần có một buổi họp mặt nhỏ khoảng 20 người. Khi đó tôi thấy rất thân, như chưa từng xa nhau từ mấy chục năm rồi,” ông bùi ngùi kể.

Ông bất ngờ cho biết: “Về sau, chúng tôi kết nối được nhiều hơn là nhờ Facebook! Cám ơn Facebook vì nhờ đó mà hiện nay tôi đã liên lạc được rất nhiều bạn Sikiew của tôi, những người mà tôi tưởng như không còn gặp lại nhau nữa trong đời này. Ngoài ra tôi cũng quen được với nhiều bạn mới, cũng đã từng sống ở trại Sikiew.”

“Nhờ Facebook mà một số anh em chúng tôi đã có những buổi họp mặt nho nhỏ (mini-reunion). Tôi vui thích khi được gặp lại những gương mặt thân quen ngày xưa, và điều đó đã phản ánh rõ nét những khó khăn khi chúng tôi đi tìm hạnh phúc ngay cả trong nghịch cảnh. Và sau những buổi họp mặt nho nhỏ đó, tôi và một số bạn Sikiew thân thiết từ hơn 30 năm qua đã lập một ban tổ chức, ngồi lại với nhau, bàn bạc và soạn thảo một chương trình hội ngộ cho tất cả những ai đã từng một thời sống ở trại tị nạn Sikiew,” ông Tài tâm sự.

Ông nói: “Tôi cũng như đa số anh chị em, muốn gặp lại tất cả anh em Sikiew, để nghe mọi người cùng kể chuyện, cùng chia sẻ kinh nghiệm, kết nối với nhau, và để giữ lại quá khứ của mình. Đây cũng là dịp để cho con tôi nói riêng và của các thành viên trong gia đình Sikiew nói chung biết được những gì các bác, cha, chú... đã trải qua khủng hoảng như thế nào để có được như hôm nay. Và hơn hết, chúng tôi muốn gặp lại những anh chị em ngày xưa trong trại tị nạn ngày đó 35 năm về trước.”

“Nay, tôi được các bạn trên trang Facebook Vietnamese Sikiew Refugee Camp (Official Group) giao trách nhiệm tổ chức cho Ngày Sikiew Hội Ngộ sắp tới. Đây là một chương trình bất vụ lợi, tất cả những chi phí sẽ được tính toán cẩn thận, và sẽ được trang trải bằng sự tham gia của tất cả những người đến dự (qua hình thức mua vé) và ủng hộ (bằng cách bảo trợ (sponsor) hay tự nguyện đóng góp thêm (donation)),” ông Tài nói tiếp.

Ông Đỗ Đình Tài nhắn nhủ: “Để được thưởng thức trọn vẹn ý nghĩa của cơ hội gặp gỡ trùng phùng vào năm 2016, và để biết thêm thông tin về ngày hội ngộ sắp tới, mời mọi người vào trang www.facebook.com/groups/sikiew/ để trao đổi, hoặc gửi email đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it., This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..


Liên lạc tác giả: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.