“Tôi tham gia hội phụ huynh đã sáu năm tại trường tiểu học Webber và thấy chúng ta rất cần tham dự các sinh hoạt nơi trường học của các cháu. Mình học hỏi được nhiều và có tiếng nói bảo vệ cho con cái mình hơn,” (bà Nancy Nguyễn)

WESTMINSTER (NV) - Phụ huynh có con em theo học trường Mỹ, nhất là các lớp cấp tiểu học, thường nhận những thông tin và lời mời kêu gọi phụ huynh tham gia các hoạt động của trường. Trên thực tế, người bản xứ đáp ứng những lời kêu gọi này thường nhiều hơn người Việt. Ðây là điểm khác biệt mà phụ huynh chúng ta cần lưu ý để xem có thể tham gia, nếu hoàn cảnh cho phép.

“Tôi tham gia hội phụ huynh đã sáu năm tại trường tiểu học Webber và thấy chúng ta rất cần tham dự các sinh hoạt nơi trường học của các cháu. Mình học hỏi được nhiều và có tiếng nói bảo vệ cho con cái mình hơn,” bà Nancy Nguyễn ở Westminster nói với phóng viên nhật báo Người Việt qua điện thoại.

Cùng ý nghĩ khuyến khích phụ huynh trong học khu dấn thân tình nguyện, ông Andrew Nguyễn, phó chủ tịch Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Westminster, nói: “Khi tình nguyện tham gia, chính phụ huynh là người học hỏi được rất nhiều vì trường học ở Mỹ khác với ở Việt Nam mình khi xưa. Hơn nữa, mình có thể theo sát việc học của con cái và nói chuyện với thầy cô giáo để giúp con mình ngay.”

Trong khi đó, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, phó chủ tịch Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove nhận xét: “Tôi nhận thấy phụ huynh người Việt quan tâm nhiều hơn đến những sinh hoạt liên quan đến việc học, chương trình học, họp với thầy cô giáo về điểm thi của con em. Tuy nhiên, sự tham gia của họ ít hơn trong các hoạt động về thể thao, gây quỹ chuẩn bị cho một hoạt động của trường, bán kẹo bánh 'baking sale' gây quỹ cho hội phụ huynh...”

Ngôn ngữ bất đồng gây khó khăn chăng?

Theo bà Nancy, phụ huynh người Việt không tham dự, không hẳn là vì có trở ngại về ngôn ngữ vì “Orange County luôn có gởi thông dịch viên tiếng Việt tại các buổi họp của hội phụ huynh. Mình có thể nói tiếng Việt cũng không sao. Vả lại, phụ huynh còn được quyền vào lớp xem thầy cô giáo dạy con mình ra sao. Xin cũng đừng quên, đôi khi mình cần phải trực tiếp nói chuyện với cả vị hiệu trưởng của trường.”

phuhuynh 1Phụ huynh và học sinh tại một phiên họp của Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Mỗi khi muốn gặp giáo viên, phụ huynh nên gặp nhân viên văn phòng để lấy hẹn và nói lý do buổi hẹn để giáo viên sắp xếp thời giờ trong lớp. Nên đọc thành tích biểu của con em trước để có thể hỏi những ưu và khuyết điểm của con mình. Phụ huynh có thể đòi xem bài tập và kết quả các kỳ thi của con em.

Xin đừng quên tỏ ra sự sẵn sàng hợp tác của mình bằng cách tự nguyện hỏi quý vị có thể làm được gì để giúp con em mình sửa sai và tiến bộ hơn. Phụ huynh cũng nên nói chuyện với con em rằng quý vị đã hội ý với giáo viên và mọi người đều quan tâm và muốn giúp cho chúng đạt được kết quả tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, dường như có nhiều lý do khác, cũng theo nhận xét của phụ nữ này.

“Có cả ngàn gia đình người Việt có con theo học các trường tiểu học ở Westminster và Garden Grove, nhưng tôi thấy rất ít phụ huynh tham gia. Thật buồn khi tôi nghe có người nói phải được trả tiền thì họ mới đi họp! Không biết họ nói đùa hay nói thật. Cả tháng mới đi họp hơn một tiếng đồng hồ mà có ai đi đâu!” bà tâm sự.

Thời giờ không có vì bận đi làm?

phuhuynh 2Bà Nancy nói thêm: “Ðồng ý là ai cũng bận công ăn việc làm nhưng buổi họp đa số là vào buổi tối. Vợ chồng cũng nên thay phiên nhau đi họp cho biết. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi có hai cháu. Nhờ tình nguyện vào trường mà mình học hỏi được nhiều. Có nhiều việc không cần phải biết tiếng Anh, như giúp sắp xếp bàn ghế, photocopy những thông báo để các em đem về...”

Phụ huynh Việt thiếu sự liên lạc với nhau

“Tôi thấy hiện tượng người Hispanic tham gia nhiều hơn người mình trong những sinh hoạt ở trường mà con tôi theo học. Khi có gì cần, không biết làm sao họ có thể rủ nhau đi rất đông,” bà Nancy nói.

Nếu phụ huynh gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong những buổi “Open House” hay “Back to School Night” và giữ mối liên lạc với nhau thì chắc chúng ta cũng có thể gọi nhau, rủ nhau tham dự những buổi họp quan trọng của học khu nơi mình cư ngụ. Chẳng hạn gần đây có những buổi họp bàn của Hội Ðồng Giáo Dục để cắt giảm ngân sách giáo dục. Có mấy phụ huynh người mình tham dự?

Phụ nữ này tỏ vẻ quan tâm mỗi khi họp hội phụ huynh thì chỉ có một mình bà là người Việt đi họp.

“Tôi cảm thấy cô đơn và cảm thấy tiếng nói của mình không mạnh bằng số đông là các phụ huynh người Hispanic hiện diện. Chẳng hạn họp phụ huynh, tôi đề nghị mua thức ăn Việt cho rẻ, lại ngon, nhưng không được mọi người ủng hộ. Cũng may là họ thích món chả giò,” bà đơn cử một thí dụ.