“Không có chương trình phù hợp, như các lớp ESL chẳng hạn, những em kém về Anh ngữ bị điểm thấp trong học tập và nhiều em không vượt qua kỳ thi cần thiết để học lên cao đẳng và đại học,” (bà Nicole Ochi)

Cải thiện chương trình dạy học sinh yếu Anh ngữ

Tiểu bang có 30 ngày để trả lời

LOS ANGELES (NV) - Hiệp Hội Dân Quyền (ACLU) gửi thư cảnh báo Sở Giáo Dục California, yêu cầu phải cung cấp đầy đủ chương trình dạy Anh ngữ cho học sinh cần trau dồi tiếng Anh, trong đó có nhiều học sinh gốc Việt, theo đúng luật của tiểu bang. Nếu yêu cầu không được thi hành trong 30 ngày tới, ACLU sẽ nộp đơn kiện.

sinhvien thieusoTheo APALC, việc thiếu chương trình dạy Anh ngữ ảnh hưởng mạnh mẽ đến học sinh gốc Á, trong đó có các em gốc Việt nhiều nơi. (Hình minh họa: Chung Sung Jun/Getty Images)

Hiện Trung Tâm Trợ Giúp Pháp Lý Người Mỹ gốc Á Châu-Thái Bình Dương (APALC) và nhóm công ty luật Latham & Watkins giúp đỡ ACLU về luật pháp.

Trong thông cáo báo chí, APALC nói rằng chính số liệu của Sở Giáo Dục California cho thấy tổng cộng 20,318 học sinh các cấp ở 251 học khu khác nhau tuy có nhu cầu học Anh ngữ nhưng hiện không được cung cấp chương trình học phù hợp được đề ra trong luật của tiểu bang.

“Không có chương trình phù hợp, như các lớp ESL chẳng hạn, những em kém về Anh ngữ bị điểm thấp trong học tập và nhiều em không vượt qua kỳ thi cần thiết để học lên cao đẳng và đại học,” bà Nicole Ochi, một luật sư của APALC nói với nhật báo Người Việt.

Cũng theo APALC, điều trên ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng người gốc Á, trong đó người gốc Việt được nêu tên bên cạnh người gốc Hoa, Phillipines và Hmong.

Trong số 15 học khu kém nhất trong việc cung cấp chương trình Anh ngữ cho các học sinh cần tăng cường khả năng tiếng Anh, có một số học khu ở nơi có nhiều người gốc Việt, như Los Angeles và San Diego, nhưng không có tên của bất kỳ học khu nào ở quận Cam.

Về phần Sở Giáo Dục California, bà Karen Cadiero-Kaplan, giám đốc chương trình hỗ trợ học sinh học Anh ngữ của tiểu bang (California Department of Education's English Learner Support Division), nhấn mạnh việc số 20,318 học sinh chưa nhận được chương trình học Anh ngữ phù hợp chỉ chiếm chưa tới 2% tổng số học sinh cần trao dồi Anh ngữ ở California.

“Mặc dù tiểu bang gặp khó khăn về tài chính trong những năm gần đây, California đạt được bước tiến lớn trong việc học sinh học Anh ngữ đã nhận được hướng dẫn và chương trình học cần thiết”.

“Các học khu - nơi có trách nhiệm cung cấp các chương trình phù hợp cho học sinh học Anh ngữ - hiện báo cáo hơn 98% của 1.4 triệu tổng số học sinh học Anh ngữ đã nhận được chương trình học phù hợp.”

Ngoài ra, bà Cadiero-Kaplan cũng đề cập đến việc “một số” trong nhóm hội đoàn sắp kiện Sở Giáo Dục California đã từng có hành động tương tự trước đây, nhưng đã bị hủy bỏ vì không có bằng chứng rõ ràng chống lại sở giáo dục.

“Hai vụ này là khác nhau,” bà Nicole Ochi của APALC giải thích cho nhật báo Người Việt, “Vụ lần trước cũng về việc thiếu chương trình dạy Anh ngữ, nhưng chỉ ở một học khu. Vụ lần này là ở 251 học khu khác nhau. Nghĩa là đến một phần tư số học khu của tiểu bang không cung cấp đủ chương trình dạy Anh ngữ.”

“Và vụ kiện lần trước hủy bỏ là sau khi học khu đó và ACLU và APALC đạt được thỏa thuận cần thiết.”

Hiện cả hai phía, Sở Giáo Dục California và ACLU, đều kêu gọi phụ huynh nếu có vấn đề về việc trau dồi Anh ngữ cho con em thì hãy cung cấp thông tin để được giải quyết.

Bà Cadiero-Kaplan nói trong thông cáo: “Sở khuyến khích tất cả các phụ huynh nào có quan ngại (concern) về việc giáo dục của con em, hãy làm việc với học khu tại địa phương, và nếu cần, hãy sử dụng phương thức khiếu nại lên Sở [Giáo Dục] để giải quyết các quan ngại đó.”

Trong khi đó, ACLU và APALC hiện dùng các phương tiện truyền thông để vận động phụ huynh đòi hỏi các chương trình học Anh ngữ phù hợp cho con em mình, cũng như liên lạc với hai tổ chức này nếu muốn tham gia hoặc cần thêm thông tin, qua số điện thoại khẩn miễn phí 1-888-349-9695 (tiếng Anh) hoặc 1-800-267-7395 (tiếng Việt).