main billboard

“Tất cả hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua nhằm khẳng định chủ quyền của họ, tạo ra sự đã rồi, để mà họ tìm một thế thượng phong nếu như họ không còn đường thối lui mà bắt buộc phải ra tòa.”


Châu Văn Thi
(Gởi cho Người Việt từ Manila)

MANILA (NV) - “Tất cả hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua nhằm khẳng định chủ quyền của họ, tạo ra sự đã rồi, để mà họ tìm một thế thượng phong nếu như họ không còn đường thối lui mà bắt buộc phải ra tòa.” Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc bình luận về những hành động quân sự mới đây của Trung Quốc ở Biển Đông.

hoinghi biendong 1
Cựu Nghị Sĩ Roilo Golez trình bày bản tham luận về những sự mở mang, cải tạo đảo của các quốc gia ở Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc. (Hình: Châu Văn Thi/Người Việt)

Sáng 4 Tháng Ba 2016, các tổ chức Xã Hội Dân Sự (XHDS) Việt Nam và Philippines tổ chức hội nghị Biển Đông lần thứ 2 tại Manila, Philippines.

Đến tham dự có tổ chức VOICE, nhóm họp mặt dân chủ của Việt Nam cùng với 2 liên minh MARCHA, USPGG của Philippines.

Đặc biệt có sự tham dự của ông Đinh Kim Phúc, nhà nghiên cứu độc lập về Biển Đông đến từ Việt Nam. Ông Phúc cho rằng tổ chức ASEAN hiện giờ là một tổ chức yếu, các thiết chế còn lỏng lẻo và nếu không giải quyết những bất đồng nội bộ liên quan đến quần đảo Hoàng Sa thì khó mà chống Trung Quốc được.

Ông cũng đề nghị, “Về mặt chiến lược quân sự thì nên chăng giữa Việt Nam và Philippines đàm phán vấn đề 2 đảo Song Tử Đông và Song Tử Tây, biến nó thành hòn đảo nhân tạo và một căn cứ quân sự nhằm phá vỡ được trận địa trên 7 đảo nhân tạo của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa.”

“Có một số người nói rằng, việc mà Trung Quốc triển khai radar, tên lửa là để cô lập và đối đầu với Mỹ, tôi thì không nghĩ như vậy!”

Nhà nghiên cứu bình luận: “Tất cả hành động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian vừa qua nhằm khẳng định chủ quyền của họ, tạo ra sự đã rồi, để mà họ tìm một thế thượng phong nếu như họ không còn đường thối lui mà bắt buộc phải ra tòa.”

hoinghi biendong 2
Hội nghị có trên 20 người tham dự, đến từ 4 tổ chức XHDS Việt-Phi. (Hình: Châu Văn Thi/Người Việt)

Tại hội thảo, ông Roilo Golez, cựu Thượng Nghị Sĩ Philippines trình bày bài phân tích về sự mở mang mới nhất của Trung Quốc ở vùng biển South China Sea (Philippines gọi là Tây Philippines, Việt Nam gọi là Biển Đông).

Ông Roilo Golez cho rằng cần có thêm nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và nhiều những cuộc hội thảo như thế này nhằm giáo dục người dân về mối nguy cơ của Trung Quốc ở Biển Đông.


Tuyên bố chung Việt-Phi


Kết thúc hội nghị, 4 nhóm Xã Hội Dân Sự của Việt Nam và Philippines cùng đồng ý ký tên vào tuyên bố chung Việt-Phi trong đó nêu rõ: “Các tổ chức Xã Hội Dân Sự cần phải có một tiếng nói độc lập.

“Chúng ta không muốn nói những gì chính quyền nói, chúng ta sẽ có tiếng nói riêng của mình.

“VOICE đồng ý để tiếp tục tổ chức những hội nghị như thế này.

“Các tổ chức Xã Hội Dân Sự như USPGG và MARCHA có thể tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc,” tuyên bố chung ký bởi 4 tổ chức cho biết những việc cần làm.

hoinghi biendong 3
Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc đề nghị Việt-Phi hợp tác quân sự hóa 2 đảo Song Tử Đông, Song Tử Tây để đối chọi với Trung Quốc. (Hình: Châu Văn Thi/Người Việt)

Luật Sư Trịnh Hội, giám đốc điều hành của tổ chức VOICE cho biết hội nghị đã đồng ý 2 điều chính đó là: “Những người tham gia đồng ý sẽ tiếp tục vận động những tổ chức XHDS ở Philippines và Việt Nam cùng hợp tác để tiếp tục ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Cùng đồng ý sẽ phải thúc đẩy chính phủ Việt Nam thực hiện điều tương tự là kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.”


Tưởng nhớ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích


Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, một diễn giả của hội nghị Biển Đông lần 2 mất vào ngày 3 Tháng Ba khi đang trên máy bay từ Mỹ đến Philippines.

hoinghi biendong 4
Hội nghị Biển Đông lần 2 dành 1 ghế trống để tưởng nhớ Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, diễn giả của hội nghị qua đời khi trên đường đến tham dự. (Hình: Châu Văn Thi/Người Việt)

Trước khi bắt đầu hội nghị, mọi người cùng dành một phút mặc niệm để tưởng nhớ về ông, đồng thời hội nghị để trống 1 ghế đề tên ông như có sự hiện diện của ông trong cuộc hội thảo lần này.

Theo dự định, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích sẽ có bài tham luận bàn về quan hệ Việt-Trung và ông cho rằng mối quan hệ 2 nước đang ở “một khúc quanh phức tạp.”

Thi hài của Giáo Sư Bích sẽ được đưa về Hoa Kỳ vào tối 6 Tháng Ba, 2016.