main billboard

“Lớp học này ra đời để thỏa mãn nhu cầu của chương trình học, nhằm tạo cơ hội để sinh viên tìm hiểu cộng đồng người Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ, lại không xa với các thành phố có đông người Việt sinh sống trong khu vực Little Saigon, thay vì phải tổ chức chuyến đi về Việt Nam, tốn kém hơn nhiều,”


LITTLE SAIGON, California (NV) - Ðại học Cal State Fullerton vừa mở lớp ASAM 220 cho khóa mùa Xuân 2016, do Giáo Sư Tú Uyên Nguyễn hướng dẫn, với mục đích giới thiệu sinh viên với các cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ. Sinh viên đặc biệt tham dự chuyến dã ngoại kéo dài năm ngày, đến thăm các cơ quan công quyền địa phương, và tiếp xúc với các cơ sở thương mại do người Việt làm chủ.

sv fullerton litsg 1
Các sinh viên đến thăm nhật báo Người Việt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

“Lớp học này ra đời để thỏa mãn nhu cầu của chương trình học, nhằm tạo cơ hội để sinh viên tìm hiểu cộng đồng người Việt lớn nhất tại Hoa Kỳ, lại không xa với các thành phố có đông người Việt sinh sống trong khu vực Little Saigon, thay vì phải tổ chức chuyến đi về Việt Nam, tốn kém hơn nhiều,” Giáo Sư Tú Uyên Nguyễn, dạy môn Mỹ Á Học tại đại học Cal State Fullerton, nói với nhật báo Người Việt.

Sau vài tháng bàn thảo với ban giảng huấn và hội ý với Bác Sĩ Tâm Nguyễn, một cựu sinh viên của trường, hiện là chủ nhân của Advance Beauty College, Garden Grove, chương trình một tuần quanh Little Saigon được tổ chức, bắt đầu từ 28 Tháng Ba đến 1 Tháng Tư.

“Bác Sĩ Tâm giới thiệu các nơi mang tính cách lịch sử, văn hóa và chính trị liên quan đến người Việt tị nạn, như Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, địa điểm của tiệm Hitek Video, nơi diễn ra cuộc biểu tình 53 ngày đêm, hay các cơ sở do người Việt làm chủ, hoặc các dịch vụ cung cấp mà đối tượng là người Việt; các nhà hàng, quán phở, các cơ sở truyền thông của người Việt,” Giáo Sư Tú Uyên Nguyễn nói thêm.

Lớp dã ngoại có 15 sinh viên thuộc mọi sắc tộc, trong đó có năm sinh viên gốc Việt. Tất cả ở khách sạn Little Saigon Inn, gần ngã tư Brookhurst và Westminster, Garden Grove.

Một số nơi và sự kiện nổi bật trong chuyến đi, gồm thăm thành phố Garden Grove, tiếp xúc với Thị Trưởng Bảo Nguyễn; ăn tại tiệm phở Quang Trung, thăm thương xá Phước Lộc Thọ, cơ sở Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ (VAALA).

Nhóm sinh viên Cal State Fullerton cùng với bà Lynn Sargeant, thuộc khoa Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn của trường, và Bác Sĩ Tâm Nguyễn thăm tiệm “7 Leaves” ở Garden Grove.

Sinh viên được nghe câu chuyện và bí quyết thành công của ông Sonny Nguyễn, một trong hai anh em chủ nhân tiệm cà phê với khung cảnh của Starbucks Coffee.

“Chúng ta muốn làm, cứ làm những gì mình tin tưởng. Không cần phải giống những gì người khác đang làm. Làm với cả tâm huyết!” người chủ nhân khuyên các sinh viên.

Ông Sonny cho biết anh em ông đã có tất cả 10 tiệm ở Nam California.

“Chúng tôi tự thiết kế và trang trí khung cảnh bên trong, sao cho ấm cúng và tiên liệu những gì khách sẽ cần. Thí dụ như chúng tôi có máy in. Khách hàng đa số là học sinh, sinh viên tha hồ sử dụng. Tôi nhớ có lần một người in ra một xấp giấy, dầy như một cuốn sách!” ông Hà Nguyễn, em ông Sonny, kể.

“Rất may, từ trước tới nay mới chỉ có một trường hợp như thế xảy ra và chúng tôi chấp nhận,” ông Hà nói.

sv fullerton litsg 2
Ông Sonny Nguyễn, chủ nhân tiệm “7 Leaves” ở Garden Grove, giải thích công việc kinh doanh với các sinh viên. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Trước khi thăm trường Advance Beauty College mọi người thưởng thức các món cà phê và nước uống đặc biệt hương vị “sea salt” và đậu xanh “mung bean” xay, tuyệt cú mèo.

Bác Sĩ Tâm hướng dẫn mọi người thăm cơ sở, do cha mẹ ông sáng lập và trao lại cho ông và người em điều hành.

“Trường thành lập hơn hai thập niên. Phải nói là chúng tôi rất hãnh diện là một cơ sở đào tạo cho nhiều người Việt có một nghề mà thời gian học ngắn hạn, nhưng thu nhập lại khả quan. Ðến nay theo thống kê, người Việt chúng ta làm chủ thị trường nail tại Hoa Kỳ,” ông Tâm nói.

Người chủ nhân chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên rằng: “Tôi luôn tự nhủ trong lòng không bao giờ để cha mẹ buồn lòng. Cha mẹ người Việt muốn con học ngành y khoa, dược khoa, kỹ sư. Cha mẹ tôi cũng vậy. Tôi học đại học UCI, ra trường với mảnh bằng bác sĩ cho cha mẹ vui lòng, nhưng tôi muốn làm thương mại hơn. Cha mẹ tôi không ngăn cản.”

Ông cho biết, gia đình đóng vai trò quan trọng trong đời sống và ông luôn cố gắng làm tròn vai trò làm cha, làm chồng trong gia đình.

“Riêng với các cựu sinh viên Cal State Fullerton, cơ sở của tôi là một gia đình 'Titan' lớn. Nhiều cựu sinh viên cùng trường với tôi, với em tôi, nay là các cộng sự đắc lực,” ông nói.

“Dù sao chúng tôi vẫn không quên nguồn gốc Việt Nam của mình và chính vì thế, chúng tôi luôn cộng tác với các tổ chức của người Việt, và cả trong dòng chính, để phục vụ cộng đồng,” ông Tâm khẳng định.

Trong chuyến thăm Trung Tâm Dạy Kèm A+ Tutoring ở Westminster, những kinh nghiệm phấn đấu của người Việt được chủ nhân, cô Quỳnh Giao Nguyễn, chia sẻ, qua cái nhìn của một bà mẹ Việt Nam.

“Tôi muốn con gái tôi học để trở thành cô giáo, vì tôi nghĩ thiên chức của nhà giáo rất quan trọng và ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Dù là người tị nạn, chúng tôi cũng cố gắng vươn lên, tôi đem hết tấm lòng để dạy dỗ và lo cho tương lai của các em. Con trai tôi hiện học ngành kỹ sư ở đại học UC Berkeley,” cô chia sẻ.

Cô cũng chia sẻ những công việc thiện nguyện cô theo đuổi để đóng góp lại cho xã hội.

“Tôi thành lập chương trình VN Forward, cố vấn giáo dục phát triển tài năng học sinh. Các tình nguyện viên hy sinh 30 phút, một giờ trong thời gian cam kết từ 12 -14 tuần,” cô nói.

Sinh viên cũng được cô Quỳnh Giao mời ăn bữa trưa tại trường. Chính tay cô làm món tráng miệng cà phê sữa đá trân châu để đãi khách.

sv fullerton litsg 3
Em Phong Ðoàn khoe các ngón tay mới sơn tại tiệm Polished Perfect, Costa Mesa. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Buổi chiều nhóm sinh viên thăm cơ sở làm đẹp Polished Perfect, Costa Mesa, do cô Cherri Phạm làm chủ.

Sinh viên trầm trồ bước vào một tiệm làm móng sang trọng. Ngay lối vào là một quầy bán cà phê, trang trí thanh lịch. Ðặc biệt là không có bảng giá tiền.

Sau khi nói về lịch sử của tiệm, cô cho biết kinh nghiệm phục vụ khách là trên hết. Cô Cherri cho biết tốt nghiệp đại học Cal State Long Beach, ngành thương mại và luật địa ốc.

“Mẹ tôi về hưu sau nhiều năm làm việc trong ngành Nail, tôi tiếp tục và rất thích. Chúng tôi đặc biệt dùng những sản phẩm với thương hiệu của chính mình. Trong đó có các loại gel sơn móng, còn có cả nữ trang do chính chúng tôi thiết kế nữa!,” cô nói dõng dạc và lưu loát.

Chỉ sau 15 phút gặp gỡ, khi từ giã ra về, cô Cherri bắt tay và nhớ tên tất cả mọi người.

“Em rất thích tiệm này. Họ có rất nhiều sơn móng tay cho mình tha hồ thử. Thấy móng tay em đẹp không?” em Phong Ðoàn, sinh viên năm thứ tư, nói.

Buổi tối mọi người tụ họp tại nhà Bác Sĩ Tâm ăn tối.

Trước đó tất cả sinh viên gặp Nghị Viên Chris Phan của Garden Grove để tìm hiểu về khía cạnh của một người tị nạn gốc Việt tham gia Hải Quân Hoa Kỳ.

Ngày hôm sau, chương trình tiếp nối với chuyến thăm Thư Viện Và Văn Khố Ðông Nam Á đại học UCI. Nơi đây sinh viên được dịp thưởng thức Sưu Tập FOCUS về lịch sử truyền khẩu của người Việt tị nạn do Tiến Sĩ Thúy Võ Ðặng, cô Trâm Lê, và họa sĩ Trinh Mai trình bày.

Sinh viên sau đó tham dự thuyết trình của nhóm trẻ đồng tính Viet Rainbow of Orange County, thăm Thánh Thất Cao Ðài, dự bữa cơm chay tại đây cũng là một kinh nghiệm đáng nhớ cho mọi người.

Sang ngày thứ tư của chuyến dã ngoại, ngày 31 Tháng Ba, các sinh viên thăm trung tâm Acacia Adult Day Services, tìm hiểu các hoạt động và tiếp xúc người cao niên.

Kế đến, các sinh viên thăm các cơ sở truyền thông Việt Ngữ, trong đó có nhật báo Người Việt.

Các sinh viên đặc biệt chú ý đến lịch sử lâu đời. liên hệ chặt chẽ với cộng đồng người Việt tị nạn. Họ trầm trồ đọc hàng tít “Các chuyến bay bốc 100,000 người Việt” của tờ báo xuất bản ngày đầu tiên năm 1978, treo trong phòng của Chủ Bút Phạm Phú Thiện Giao.

Lớp học dự trù hoàn tất ngày cuối cùng, Thứ Sáu, 1 Tháng Tư, sau khi thăm cơ sở Hoa Phát và tổ chức OCAPICA. Sau đó trở lại Phòng Thương Mại Việt Mỹ Orange County ở Garden Grove.

Về cảm tưởng tham dự lớp học, hầu hết các sinh viên cho biết học hỏi được nhiều gương thành công của người Việt ở Little Saigon.

Hai em Cindy Lưu và April Ðặng, chia sẻ: “Ai cũng có cách riêng của mình để tiến đến thực hiện thành công Giấc Mơ Mỹ của mình.”

Em Brienne Ngô cho biết: “Tôi cảm thấy biết ơn khi biết được tình yêu và sự cống hiến của mọi người cho cộng đồng.”

Em Joseph Nguyễn thú thực: “Ðây là dịp cho tôi tham gia với cộng đồng và học hỏi văn hóa Việt mà trong quá khứ tôi không coi trọng.”

Em Qinn Như Quỳnh Trần chia sẻ: “Ðây là lớp học để tôi học thêm về di sản của cha ông và tìm hiểu ý nghĩa người Mỹ gốc Việt cho bản thân tôi.”

Em Paul Thang và em Amoreen Nguyễn cho rằng lớp học giúp nối kết với mọi người.

Riêng em Yvonne Thúy Hằng Hồ, không theo học lớp này, nhưng được Giáo Sư Tú Uyên cho phép đi theo: “Tôi nghĩ mỹ thuật cũng là một cách để học hỏi lịch sử Việt Nam.”

Em Michelle Garcia, gốc Hispanic, nhận xét: “Người Việt rất năng động trong cộng đồng. Tôi thích thấy họ kết nối các thế hệ.”