main billboard

“Trong ba tháng công ty trả cho anh em công nhân lương một tháng. Khi trả thì công nhân mới biết được số lương mình làm trong bao lâu. Anh em chúng tôi lên đây không biết điều gì hết chỉ biết làm thôi.”

lao nguoiviet 1
Bếp ăn tập thể của công nhân xây dựng Việt Nam tại Lào. RFA PHOTO

Đặt chân xuống đất Lào người Việt không mấy khó khăn để nhận ra nét quen thuộc của đất nước mình ngay trên phần đất lạ. Nếu đáp phi cơ xuống Lào thì dịch vụ điện thoại của Viettel sẽ nhanh chóng kết nối với Việt Nam bằng chiếc sim nhỏ xíu với giá 75 nghìn kip tương đương với 9 đô la Mỹ. Nếu đi đường bộ từ Việt Nam sang bất cứ hướng nào thì trên những con đường nối liền hai quốc gia không hiếm các bảng hiệu dọc đường hoàn toàn viết bằng tiếng Việt. Từ quán ăn bình dân, tới tiệm cà phê cho tới hớt tóc nam nữ… khách có thể xuống xe hỏi đường hay ngồi lại với đồng hương trong chốc lát để nghe họ trình bày những điều mà người phương xa chắc chắn sẽ ngạc nhiên và bị cuốn vào câu chuyện.

Ngôi làng người Việt xưa nhất tại Lào

    Phần lớn người Việt tại làng chúng tôi làm ăn lương thiện và chúng tôi sống hòa đồng với nhau từ bao đời nay. Người Việt làm ruộng, nấu rượu, làm bánh hủ tiếu khô trong lúc rảnh việc đồng áng.
    - Ông Chan Thakhit Manni Pakon

Tuy nhiên khi hỏi về một ngôi làng của người Việt được thành lập cách đây cả trăm năm thì không mấy người biết rõ. Có thể họ đã nghe ai đấy nói một lần rồi quên, ngoại trừ là người định cư lâu năm và chú ý tới những sinh hoạt của người Việt trên đất Lào. Chúng tôi may mắn có người dẫn đường rành rõi và hầu như việc tìm ra địa chỉ của ngôi làng này không khó lắm, mặc dù nó ở khá xa và khuất với quốc lộ 13 của Lào.

Ngôi làng người Việt cổ nằm giữa đoạn đường từ Thakhet tới Savannakhet có tên Bản Xieng Wang. Từ con lộ xuyên huyện rẽ vào ngôi làng hầu như khuất hẳn sau những bờ tre thấp bé của thôn xóm Lào. Con đường đất đỏ dẫn vào làng với hai bên bờ ruộng nứt nẻ, khô khốc của những ngày nắng tháng Tư được xem là nóng nhất trong năm. Tới cuối đường, con lộ lại chia ra làm đôi, rẽ phải là làng người Lào và rẽ trái là làng người Việt.

Ấn tượng đầu tiên của khách là ngôi nhà thờ cổ được xây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Đây có lẽ là ngôi nhà thờ công giáo duy nhất mà trong suốt cuộc hành trình 5 ngày trên đất Lào chúng tôi được thấy. Ngôi nhà thờ này được hai cộng đồng Lào và Việt tại đây cùng chăm sóc với chỉ hơn 14 gia đình người Việt tham gia, phần còn lại là người Lào. Chúng tôi tìm gặp ông trưởng thôn Lào tại đây để tìm hiểu thêm sinh hoạt của người Việt trong làng. Ông Chan Thakhit Manni Pakon cho biết:

“Phần lớn người Việt tại làng chúng tôi làm ăn lương thiện và chúng tôi sống hòa đồng với nhau từ bao đời nay. Người Việt làm ruộng, nấu rượu, làm bánh hủ tiếu khô trong lúc rảnh việc đồng áng. Ở bản này hiện tại có 27 gia đình người Việt, phần đông là người già và trẻ em, phần lớn người khác thì đi các tỉnh và thành phố khác để làm ăn buôn bán. Những người này đều thành công và giàu có cả. Người Lào và Việt ở làng này đoàn kết yêu thương nhau.

Ngày xưa thì hai làng khác nhau nhưng từ năm 2008 thì Tỉnh quyết định xác nhập hai làng thành một, ban lãnh đạo hiện nay có cả người Việt và người Lào. Chúng tôi đang cùng giữ gìn nhà lưu niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khu này được xây dựng từ năm 2012 và hiện rất nhiều người tới tham quan.”

Niềm tự hào không che dấu khi nhắc tên Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Thakhit khiến chúng tôi ngạc nhiên, cho tới khi gặp ông Đặng Văn Hồng thì sự ngạc nhiên về nhà lưu niệm của Hồ Chủ tịch lại càng lớn hơn.

Nhà lưu niệm: niềm kiêu hãnh của người già

lao nguoiviet 2
Nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Hồng sinh ra tại Lào, năm nay 83 tuổi. Theo ông Hồng thì làng Xieng Wang này được thành lập từ năm 1892 do ông Đặng Văn Phèng cùng một số bà con ở Quảng Bình tham gia cuộc cách mạng của cụ Phan Bội Châu bị Pháp lùng bắt nên chạy tới đây. Khi đó thì Xieng Wang còn hoang dã, rừng rậm chứ không được như bây giờ. Lúc ấy người Việt gặp ông Phèng là người ở đây nên người Việt cùng ở lại đây làm rẫy. Từ đó người Việt trốn đi thì lấy nơi đây làm điểm tới và cái tên Xieng Wang được lấy của ông Xiêng còn Wang là chỗ bình yên. Riêng về nhà lưu niệm chủ tịch Hồ Chí Minh ông Đặng Văn Hồng cho biết:

“Khi Bác Hồ đi tới đây thì có tên Nguyễn Ái Quốc sau này mới gọi bác Hồ. Cái chỗ bác dậm chân đến cách khu lưu niệm này chỉ trăm thước cho nên địa điểm này rất tốt, thoáng mát hơn.”

Nhà lưu niệm nằm đối diện với con sông Mekong hiền hòa trước mặt. Độ lớn của căn nhà nuốt chửng cảnh vật chung quanh vốn nhỏ bé, trầm lặng và có nét chịu đựng của miền quê. Hai công trình song song với nhau một bên là nhà lưu niệm chứa những tài liệu mà Hồ Chủ tịch hoạt động từ khi còn trong hang Pac pó cho tới khi mất. Một bên là nhà thắp hương dành cho khách khi vào thăm. Nhà lưu niệm được một cô gái Lào nói sành tiếng Việt hướng dẫn, có điều ngạc nhiên là chúng tôi không thấy bất cứ hình ảnh hay văn bản nào của Hồ Chí Minh được cho là từng ghé lại ngôi làng này mặc dù ông Hồng luôn khẳng định là Bác đã tới đây trong thời gian Lào kháng chiến chống Pháp.

Rời ngôi nhà lưu niệm chúng tôi được dẫn tới thăm vài gia đình người Việt tại đây. Buổi trưa nên hầu như nhà nào cũng vắng người, vài cô gái cùng với mẹ làm bánh đa sợi. Những chiếc nồi lớn tráng bánh bốc hơi nghi ngút, bánh được gỡ ra phơi như bánh tráng thường. Sau khi bánh đã khô, chúng được nhúng vào nước cho mềm rồi cắt thành sợi nhỏ theo cách thủ công. Sợi bánh được cuốn lại thành từng bó và lại phơi lần nữa cho tới khi khô hẳn như chúng ta thường thấy bán ở các siêu thị. Công việc nhàn nhã của những ngày nông này khiến chúng tôi nhớ lại những hình ảnh rất xưa nơi các vùng quê khắp nước.

Ma túy, một góc tối khác

Ông Đang, 72 tuổi có vợ người Lào và được hai con một trai một gái cho chúng tôi biết sinh hoạt hiện nay của người Việt trong làng không còn như xưa. Bà con đã nhiều người bỏ làng đi nơi khác và hầu hết đều thành công mặc dù cũng có một số ít thất bại mà nguyên nhân theo ông là con cái của họ lâm vào con đường hút xách. Ông Đang than thở:

    Nguyên cả dân tộc Lào đều có chuyện ma túy giống như làng mình. Trong một làng may lắm thì sót lại 3-4 gia đình không có buôn bán ma túy.
    - Ông Đang

“Nguyên cả dân tộc Lào đều có chuyện ma túy giống như làng mình. Trong một làng may lắm thì sót lại 3-4 gia đình không có buôn bán ma túy, sinh con ai lại sinh lòng, cha mẹ thì vẫn tốt nhưng con cái hư hỏng.”

Trên đường rời khỏi ngôi làng nhỏ bé Xieng Wang nằm dọc dòng Mekong êm ắng chúng tôi gặp một nghĩa trang của làng nằm bên đường. Nghĩa trang sạch đẹp và ngăn nắp. Hàng trăm ngôi mộ nằm im dưới nắng như muốn nói với khách rằng những đôi tay rắn rỏi xây dựng ngôi làng này xuất phát từ dòng máu Việt Nam cả trăm năm trước. Bây giờ họ nằm lại đây, quan sát những gì xảy ra trong ngôi làng thân yêu của họ nhưng chắc chắn, không bao giờ họ có thể quên được quê hương phía bên kia dãy Trường Sơn nơi cách đây hơn trăm năm ông cha họ từng bỏ nước tha hương.

Sau lưng chúng tôi vẫn sừng sững ngôi nhà lưu niệm của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó đường bệ và kiêu hãnh khoe với nước Lào rằng dân tộc chúng tôi đã từng có một lãnh tụ như thế. Theo ông Đặng Văn Hồng thì ngôi nhà này được chính phủ Việt Nam tài trợ 13 tỷ trong tổng số 42 tỷ. Chính phủ Lào có đóng góp vào và phần còn lại là tiền của, công sức, đất đai của người dân trong ngôi làng Việt Nam cổ xưa nhất trên đất Lào.

Vientiane, người Việt vươn mình

Nếu ngôi làng Xieng Wang được thành lập từ hoàn cảnh của lịch sử, bởi cuộc chiến tranh chống Pháp, thì những cụm dân cư khác của người Việt trên đất Lào xuất hiện nhiều chục năm sau đó với lý do mưu sinh và nền kinh tế nhỏ lẻ của cộng đồng người Việt tại Lào được hình thành từ ao ước làm giàu, được đổi đời nơi xứ người.

Theo Đại sứ quán Việt Nam, có khoảng 30% người dân Lào biết nói tiếng Việt. Hầu hết viên chức cán bộ các công sở của Lào đều có thể giao tiếp bằng tiếng Việt bởi đa số họ được sang Việt Nam tu nghiệp hay học tập. Nhìn chung cuộc sống người Việt tại Lào đều ổn định và có mức sống cao hơn so với mức sống của người dân địa phương.

Đến Vientiane khách Việt Nam không thể ngờ chỉ trong một thời gian ngắn mà người Việt đã làm được nhiều điều có thể xem là kỳ tích trên đất nước triệu voi. Văn hóa ẩm thực, xây dựng, cung cách sống của người Việt tràn lan khắp nơi từ thủ đô cho tới hang cùng ngõ hẹp của Lào.

Trên con đường đông đúc nhất nhì của thủ đô Vientiane, những tiệm ăn Việt Nam mọc lên kéo thực khách vào với con số ấn tượng. Có thể tìm thấy món ăn ba miền từ Sài Gòn ra Hà Nội hay về lại Hố Nai hoặc xuống tận miền Tây sông nước. Món ăn trong các nhà hàng Việt Nam không phải chỉ nấu qua loa, câu khách xa nhà mà thực tế chúng đã và đang được người Việt tận sức pha chế một cách kỳ công để chinh phục khẩu vị người bản xứ.

lao nguoiviet 3
Phở Đức Tùng nằm trên đường Na Xay.

Phở là món chúng tôi có cảm nhận không mất chút nào hương vị của một bát phở chính hiệu từ Việt Nam sang. Phở Đức Tùng nằm trên đường Na Xay được giới thiệu với thực khách Việt Lào hương thơm đặc trưng mà chỉ phở Hà Nội mới có. Ông chủ tiệm lăng xăng vừa nấu phở vừa tiếp chuyện với chúng tôi như người thân lâu ngày gặp lại, ông nói:

“Em mở năm 2000 đến năm nay đã được 16 năm rồi. Tiệm có cả người Việt cả người Lào. Người Lào biết tiệm nên tới ăn sau đó thì tới nữa. Phở của mình nguyên chất nguyên liệu không có gì pha chế cả. Nó chỉ có tái chín, tái gầu, tái nạm. Em mua thịt bò phải đặt, ví dụ người ta mua 70 nghìn thì em mua 72 hay 74 nghìn, cái gì ngon thì em chọn trước. Người ta chọn riêng cho mình bán giá cao cho nên nó ngon.”

Cách phở Đức Tùng một đoạn là tiệm ăn Ngon Hà Nội. Được bài trí với cung cách sang trọng, có máy điều hòa ngăn bớt cái nóng cháy bỏng của xứ Lào vào những ngày Tết nước. Thực đơn của quán Ngon Hà Nội khiến cho người Việt khó tính nhất cũng phải ngạc nhiên. Khó có thể nghĩ là mình đang ngồi tại Lào, cách xa Hà Nội hàng ngàn cây số nhưng hương vị quê hương vẫn đầy đủ trong từng món mang ra.

Khách đến quán đa số nói tiếng Bắc và cách ăn mặc cho thấy họ là doanh nhân, là nhân viên sứ quán hay ít ra cũng là người có tiếng tăm trên đất Lào. Cũng có người Lào vào quán nhưng thường đi kèm với một nhóm Việt Nam. Họ ăn uống cười nói cả tiếng Lào lẫn tiếng Việt. Những chai BeerLao được mang ra và rót cạn cho thấy sự thịnh vượng đang bắt đầu chớm nở tại quốc gia này qua cung cách làm ăn trong hàng quán của Việt Nam.

Bất ngờ nhiều cách làm giàu

Nhưng không phải quán ăn nào của người Việt cũng đều hoành tráng, thành công như thế. Dọc đường, những chiếc bảng hiệu bán thịt chó làm chúng tôi giật mình chen lẫn sửng sốt. Người Lào vốn sùng đạo và Phật giáo không chấp nhận giết chó làm thịt. Những quán thịt cầy vô tư nằm chen với các loại thức ăn khác làm cho khuôn mặt Việt Nam nổi bật hẳn với các nước, ít nhất là Trung Quốc tại Lào.

lao nguoiviet 4
Những chiếc bảng hiệu bán thịt chó dọc đường.

Ngoài nhà hàng, người Việt cũng làm ăn trên nhiều lĩnh vực khác. Có người là đại lý mặt hàng nhựa gia dụng, có người chuyên buôn đi bán lại các máy móc xây dựng, nông ngư cơ, mua bán bất động sản, hướng dẫn du lịch hay các cửa tiệm tạp hóa. Người Việt khá thành công trong lĩnh vực kinh doanh nhỏ lẻ so với người bản xứ. Chị Thy chủ một cửa hàng tạp hóa bán buôn rất sầm uất trong những ngày Tết Lào, gian hàng nằm tại một vị trí đắt địa của chị đang được sửa sang lại cho sang trọng và hiện đại hơn, chị Thy cho biết:

“Em mở được 4 năm rồi ạ, thường thường khách của em là người Lào, người Việt ít lắm. Người Việt thì mua sữa, mua nước bình thường còn người Lào thì họ mua quà Tết cho năm mới, còn rượu vang thì bán cho Tây. Hàng thì em mua của công ty, cứ gọi điện thì người ta mang đến. Riêng về rượu thì người ta bán đã đóng thuế rồi còn bọn em chỉ bán lẻ mà thôi. Đa số bán cho người Lào và hàng thì em lấy của Thái hay của Lào chứ hoàn toàn không lấy của Việt Nam.”

Những cửa hiệu massage, hớt tóc nam nữ, hay lớn hơn như cây xăng, bán vật liệu xây dựng đầy dẫy trong thành phố Vientiane. Trên những con đường nhỏ trong thành phố đã có những ngôi nhà được xây dựng lên với motif của người Việt đặc biệt trong thập niên 90 khi cách trang trí của Đài Loan tràn vào Việt Nam nay đã được mang sang Lào qua các nhà thầu xây dựng đất Việt.

Dọc theo quốc lộ 13 xuôi Nam là những chiếc xe tải mang biển số 43-36 hay 37 của các tỉnh miền Trung Việt Nam chở hàng sang Lào. Không khó để nhận ra hàng hóa Việt Nam và Trung Quốc tràn ngập vào xứ này qua các cửa khẩu theo đường tiểu ngạch. Vấn đề chung của các quốc gia chia sẻ cùng một khuynh hướng kinh tế dưới chủ thuyết chính trị giống nhau đã và đang lan rộng ăn mòn kinh tế của Lào lẫn Việt Nam trên cùng một bối cảnh phát triển trong lệ thuộc.

Trên con đường xuôi Nam ấy cũng không hiếm hình ảnh của người Việt rải rác khắp nơi. Tiệm ăn bình dân hay tiệm sửa xe không hề thiếu nhưng khi nhìn thấy một tấm bảng giữa rừng có tên Cà phê Nỗi Nhớ đã khiến mọi người im bặt. Cái gì đó đau xót làm cho người Việt xa quê nhìn lại mình một chút, để thấy tấm bảng cũng chính là nỗi đau của chính mình.

Sacom Bank, Petrolimex tại Lào

Sacom Bank có lẽ là ngân hàng người Việt lớn nhất tại Lào. Người ta có thể gặp tấm bảng hiệu của nó tại bất cứ thành phố lớn nào của Lào. Bên cạnh Sacom Bank là trạm xăng của Việt Nam. Trên quốc lộ 13 xuất hiện không biết bao nhiêu là cây xăng khiến câu hỏi về kinh tế thị trường được đặt ra: Cung vượt cầu sẽ dẫn đến khủng hoảng là quy luật kinh tế của mọi quốc gia. Cứ cách một quãng đường ngắn thì xuất hiện một trạm xăng mặc dù lượng xe lưu thông trên con đường này rất ít.

Những cây xăng nối tiếp nhau nhưng không một bóng người, trong đó có hai công ty của Việt Nam, một là PetroVN và hai là Petrolimex. Cả hai đều thuộc công ty xăng dầu Việt Nam sang Lào làm kinh tế. Những cây xăng đẹp và hoành tráng này không biết hạch toán ra sao lại tự mình cạnh tranh lấy mình trên một con đường mà lượng xe ghé vào đổ xăng được tính bằng từng chiếc một và số tiền bán xăng chắc không đủ để mua tờ hóa đơn giao cho người tài xế.

Người Việt tại Lào đa số thành công và cuộc sống của họ bình lặng, êm ả khác xa với người láng giềng của họ trong nước. Những tấm lưng trần dưới sức nóng khắc nghiệt của Lào được trả lại bằng những đồng kíp đầy bụi gió. Trong lần tình cờ trên cuối chặng đường ấy chúng tôi bắt gặp một nhóm bạn trẻ trong chiếc quán của người Lào dọc bờ Mekong của thành phố Pakse. Các bạn vui chơi ngày Tết té nước của Lào và âm thanh rộn rã trẻ trung của các bạn đã làm chúng tôi quên ngay cái nóng 40 độ C khi màn đêm đã buông xuống.

Trong câu chuyện với các bạn chúng tôi được biết có bạn là người sinh ra tại Lào, ba bạn khác từ Việt Nam sang Pakse làm việc cho một công ty Việt Nam, hai bạn nữa mới từ Sài Gòn sang chơi. Tất cả các bạn toát lên nét trẻ trung được mang đến từ Việt Nam và cảm nghĩ của các bạn về xứ sở con người Lào khiến chúng tôi giật mình, nhất là khi các bạn so sánh với người Việt trong nước:

“Có ba đứa làm việc ở đây, bé này là con người Việt ở đây, người Việt kiều đấy. Đất Lào vui vô cùng, an toàn cực kỳ, an toàn hơn Việt Nam nhiều. Nói chung cách người Lào đối xử với người Việt mình rất hay, môi trường làm việc cũng rất tốt.”

Rời Pakse để tìm hiểu về một góc khác của người lao động Việt Nam vào sáng hôm sau, chúng tôi không thể quên nụ cười giòn giã, ánh mắt hồn nhiên và nhất là những suy nghĩ mà các bạn mang đến từ Việt Nam. Họ khiến chúng tôi thêm niềm tin rằng người Việt tại Lào sẽ góp phần mang tới cho đất nước đã và đang dung chứa họ một sức sống mới trên con đường diệu vợi của nền kinh tế thiếu chỗ dựa mà Lào đang vật vã đối phó.

Lao động tại Lào, niềm vui không trọn

Theo báo chí Việt Nam trong mấy năm gần đây khi thị trường nhân công của các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Ả rập Saudi bị giảm thiểu thì người lao động Việt Nam nhắm sang phần đất Thái Lan và Lào nhiều hơn, mặc dù đồng lương tại hai nước này kém hơn các nước vừa nói nhưng bù lại người Việt sang Thái và Lào dễ dàng hơn rất nhiều.

Nếu ở Thái người Việt phải vất vả với vấn đề Visa thì tại Lào hầu như Visa không phải là thách đố lớn với công nhân Việt Nam. Hơn nữa nhiều công ty Trung Quốc tại Lào trả công cao hơn tại Thái Lan hoặc các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào cũng rất cần công nhân Việt Nam. Hình ảnh hàng ngàn công nhân Việt xuất khẩu lao động sang Lào trên báo chí trong nước đã khiến nhiều người Việt bẽ bàng cho rằng thân phận của người Việt đã bị hạ xuống thấp hơn một quốc gia mà mới đây bình quân đầu người của họ kém xa Việt Nam nhiều lần, vậy mà bây giờ đã vượt mặt khiến công nhân Việt Nam phải sang làm cho họ.

Thật ra chính phủ Lào không có công trình nào cần đến sức lao động của người Việt trong khi đất nước của họ có thừa nhân công lao động phổ thông. Người Việt đến Lào làm cho các công ty nước ngoài trong đó có Trung Quốc hay những công ty của Việt Nam.

Theo Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL), trong số hơn 13 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại Lào thì tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có gần 7 ngàn lao động, Tập đoàn Cao su có gần 1.000 lao động, Tập đoàn Sông Đà có khoảng 600 lao động.

Chúng tôi chọn Tập đoàn Sông Đà để tìm hiểu tình hình công nhân đang làm việc tại đây nhất là họ đang làm trong các dự án thủy điện mà Lào giao cho các công ty nước ngoài đấu thầu để mang về nguồn điện cho quốc gia.

Công nhân và thủy điện

Hai đập thủy điện Xe-Piang Xe-Namnoy được giao cho hãng thầu Ấn Độ và Hàn Quốc thi công. Trong khi Ấn Độ sử dụng công nhân từ nước họ mang sang thì công ty Seodong của Hàn Quốc thuê công nhân Việt Nam qua trung gian của công ty Sông Đà.

lao nguoiviet 5Công trường thủy điện tại Lào.

Để đến hai đập thủy điện này không phải là điều dễ dàng. Trên đường từ Pakse tới Attapeu của quốc lộ 13 có một con đường đất rẽ vào đập thủy điện Namnoy. Màu đất bazan của con đường nhắc lại màu đỏ đặc trưng của các tỉnh Tây nguyên Việt Nam có lẽ do vị trí dịa lý của Namnoy nằm ngang với tỉnh Pleiku. Con đường dài gần 15 cây số phủ đầy bụi đỏ thỉnh thoảng một chiếc xe đò nhỏ bé chở người Lào đi chợ từ các bản ở vùng sâu. Trước khi tới đập thủy điện nằm trên sông Sekong là những bãi gỗ khổng lồ hai bên đường cho thấy mức độ phá rừng để làm đập thủy điện là câu hỏi ngàn đời không lời giải đáp. Khu rừng nguyên sinh Dong Hua Sao của Lào phải trả giá cho nền kinh tế nước này khi nhu cầu thủy điện ngày một gay gắt hơn.

Đến nơi trong trạng thái gần như tuyệt vọng vì cái bao la của cảnh quan không biết làm cách nào để tìm kiếm những người lao động Việt trong khu rừng hoang sơ này. May mắn cho chúng tôi khi được người bảo vệ của công ty Ấn Độ chỉ cho biết nơi các anh chị công nhân sinh sống.

Hai dãy nhà dành cho công nhân Việt Nam được công ty Sông Đà xây dựng khá tươm tất. Vào bên trong, chúng tôi gặp một nhóm công nhân đang ngồi lai rai và các anh cho biết vừa làm ca đêm về còn nhóm làm ca ngày thì còn ở ngoài công trường. Tại công trình này có 145 công nhân người Việt hầu hết đến từ Nghệ An làm nhiều công việc khác nhau.

Công nhân làm việc toàn thời gian và phương tiện di chuyển tuy khó khăn nhưng vẫn có thể thuê xe ôm ra chợ để mua sắm các thứ cần dùng. Ngôi chợ quê gần nhất là 18 cây số có cửa hàng buôn bán của người Việt và có cả trạm bán vé xe đò về Việt Nam qua ngã Attapeu. Mỗi lần công nhân đi về như vậy mất cả ngày đường.

Lương và bếp ăn tập thể

Bếp tập thể của công nhân hàng ngày có một chuyến xe cung cấp thức ăn tươi và theo quan sát của chúng tôi thực phẩm tương đối tốt và đạt yêu cầu cho một bếp ăn tập thể. Tuy nhiên vấn đề lương là một thách thức cho toàn bộ công nhân tại đây khi có người đã 5-7 tháng không nhận được đồng lương nào để gửi về phụ giúp gia đình. Đó là lý do khiến một số người ngần ngại không cho chúng tôi biết mức lương của họ nhận được hàng tháng.

“Trong ba tháng công ty trả cho anh em công nhân lương một tháng. Khi trả thì công nhân mới biết được số lương mình làm trong bao lâu. Anh em chúng tôi lên đây không biết điều gì hết chỉ biết làm thôi.”

Trao đổi với chúng tôi, anh Châu - một công nhân xây dựng cho biết công việc và sự chậm chi trả lương làm cho đời sống anh em rất khó khăn, anh Châu nói:

    Trong ba tháng công ty trả cho anh em công nhân lương một tháng. Khi trả thì công nhân mới biết được số lương mình làm trong bao lâu. Anh em chúng tôi lên đây không biết điều gì hết chỉ biết làm thôi

“Nói chung cuộc sống bây giờ anh em sinh hoạt cũng đầy đủ, mỗi cái là đi xa nhà quá. Bọn em đến đây cũng mới được một năm thành ra cứ hàng ngày đến giờ là làm việc hết giờ thì về nghỉ. Đồng lương tàm tạm thu nhập bình quân thì khoảng độ 10 triệu cho đến 12, 13 triệu có cái là ở đây đồng lương nó hơi chậm quá có khi đến 5 tháng 6 tháng. Lương tháng 1 từ năm ngoái tới nay vẫn chưa có gì.”

Một công nhân khác cho chúng tôi biết thông tin về lương bổng của anh em và những gì đang xảy ra tại đây:

“Giờ thì anh em đang viết đơn để đi về mà họ chưa cho về. Hộ chiếu thì họ giữ rồi làm ba tháng mà chỉ nhận tiền có một tháng cho nên anh em đang viết đơn. Thứ hai nữa là một ngày không làm việc thì phải tự bỏ tiền ăn ra mỗi ngày 50 ngàn nếu ăn thêm thì 55 ngàn. Hộ chiếu thì bị giữ muốn lấy về thì không cho. Khi qua đây họ nói làm thì qua đây làm chứ chưa biết mỗi ngày họ trả bao nhiêu. Không đi làm thì mình phải tự bỏ tiền ra để mua thức ăn hàng ngày.”

Cách xa gia đình hàng ngàn cây số, không nhận được đồng lương ít ỏi lại bị bịt mất đường về khiến không ít người bất mãn và phản ứng. Nếu từ chối không làm việc để đòi tiền lương thì anh em sẽ bị cắt phần ăn hàng ngày do chủ thầu là công ty Sông Đà trách nhiệm. Chén cơm được mang ra làm áp lực khiến công nhân không còn con đường nào khác, đang là hoàn cảnh của anh em hiện nay.

Bên kia phần đất Việt Nam vẫn còn hàng ngàn người Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên xếp hàng chờ được sang Lào làm việc, họ không biết rằng chọn một công ty uy tín là yếu tố quan trọng đầu tiên vì nếu chọn sai thì đồng lương của họ có nguy cơ mất trắng.

Rời đất nước Lào với hàng trăm câu hỏi trong đầu nhưng câu hỏi lớn nhất vẫn ám ảnh mãi, đó là cho tới chừng nào thì người lao động Việt mới có thể tự kiếm việc một mình không qua bất cứ trung gian nào để việc bóc lột người lao động không còn nơi hoành hành như đang xảy ra tại công trường Namnoy?