main billboard

“Để làm nên chương trình này, các em phải tập dượt rất nhiều, rất lâu, bởi vì các em không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng vì có lòng yêu văn hóa Việt Nam mà cố gắng hết sức mình."


GARDEN GROVE, California (NV) - “Hay, chương trình rất hay. Đẹp, các cháu múa đẹp lắm. Tôi không biết diễn tả như thế nào, nhưng tôi không rời mắt khỏi sân khấu được. Vũ sư Vũ Đình Luân rất xuất sắc làm chương trình này, hơn hết đó là gìn giữ được văn hóa Việt Nam tại hải ngoại.”

Đó là lời nhận xét của bà Lưu Tú Anh, cư dân Santa Ana, khi trò chuyện với nhật báo Người Việt về đêm văn nghệ “Hương Việt” (Scent of Vietnam) do Vũ Đoàn Việt Nam trình diễn tối Chủ Nhật vừa qua tại The Strawberry Bowl Festival Amphitheater, Garden Grove, để gây quỹ nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc Việt Nam.

vudoan vietcam 1
Nhạc cảnh “Nhành Dương Cứu Khổ.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

“Một năm chương trình này chỉ diễn ra một lần, đây là lần thứ tư tôi mua vé đến xem. Năm nay tổ chức ở rạp hát này, tuy hơi lạnh vì rạp hát không có nóc nhà, nhưng nhìn các cháu múa thật đẹp, thật hay trên sân khấu, làm tôi say mê xem mà quên mất trời lạnh, khi nghỉ giải lao tôi mới nhận ra. Gần hai tiếng rưỡi tôi ngồi xem mà không chớp mắt được, mãn nhãn lắm!” bà chia sẻ.

Với 18 tiết mục được dàn dựng rất công phu, trong đó 14 màn vũ, 52 vũ công và vũ sinh hầu hết đều rất trẻ, đã diễn xuất rất tốt những điệu dân ca, dân vũ các miền. Đặc biệt, có những vũ sinh mới được 5 tuổi nhưng đã “diễn như không diễn” khiến những tràng vỗ tay của khán giả vang lên không dứt.

Mở đầu đêm “Hương Việt,” Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, MC của chương trình, nói: “Để làm nên chương trình này, các em phải tập dượt rất nhiều, rất lâu, bởi vì các em không phải là diễn viên chuyên nghiệp, nhưng vì có lòng yêu văn hóa Việt Nam mà cố gắng hết sức mình. Và đêm diễn này, Vũ Đoàn Việt Cầm cũng nhằm để gây quỹ nuôi dưỡng bộ môn múa dân tộc, giúp Việt Cầm có thêm tài lực, nhân lực, và cơ hội để phát huy văn hóa Việt Nam qua các màn trình diễn nghệ thuật cổ truyền.”

“Vũ Đoàn Việt Cầm là một tổ chức bất vụ lợi, không chỉ hướng dẫn các em từ lúc còn rất nhỏ cho tới lớn để học các điệu vũ, mà còn hướng dẫn các em những văn hóa của Việt Nam, dạy các em những cái hay, cái tốt, cái đẹp để các em hiểu thêm và giữ gìn nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, thầy Vũ Đình Luân giảng dạy là một chuyện, nhưng còn việc tiếp nhận như thế nào là tùy vào các em, bởi vì chỉ có các em mới là những người duy trì được văn hóa, di sản Việt Nam sau này. Và thật đáng quý, các em đều cố gắng học tập, cố gắng làm tốt những gì được thầy truyền dạy,” MC nói tiếp.

Đến với "Hương Việt," khán giả không chỉ xem một chương trình ca vũ mà còn biết thêm về lịch sử ra đời của bài hát, về đất, về người Việt Nam.

Mở đầu chương trình là vũ khúc “Giấc Mơ Trưa” của nhạc sĩ Giáng Son qua tiếng hát của ca sĩ Thùy Chi từ loa âm thanh, 20 cô vũ công tài năng, duyên dáng trong y phục áo tứ thân, xinh đẹp, thể hiện qua từng bước chân, điệu múa với quạt. Bài hát này tả lại cảnh đẹp đồng quê của Việt Nam, nào là con đường quanh co khúc khuỷu, con sông vắng lặng, cánh đồng xa mờ, tiếng chuông chùa…

Màn nhạc cảnh tiếp nối là “Bức Họa Đồng Quê” của nhạc sĩ Văn Phụng do nhóm thiếu nhi Việt Cầm trình bày với y phục áo bà ba, khăn rằn, cũng nói đến cảnh đẹp đồng quê. Đặc biệt, liền ngay sau đó khán giả vỗ tay tán thưởng khi xem vũ khúc “Gọi Đò” nhạc Hồng Xương Long trích từ CD của ca sĩ Trọng Hải. Hai vũ công trong trang phục áo bà ba, trên tay cầm hai thanh tre tượng trưng cho cây dầm chèo đò, đã diễn tả được mối tình trai gái sắt son nhưng rồi cô lái bỏ bến theo chồng.

Với “Bến Xuân” của Văn Cao, ca sĩ Thanh Thảo đã đưa khán giả ngược từ miền Nam lên miền Bắc ở Hải Phòng, và hai vũ công với y phục áo dài, quần tây cùng cây đàn guitar, nói lên nỗi lòng của người nhạc sĩ khi cô người yêu đến thăm anh một lần rồi đi lấy chồng. Ở đây, “Bến Xuân” không phải là bến trong mùa Xuân, mà là cái bến được đặt tên là Xuân.

Các vũ công của Việt Cầm đã tạo cho khán giả sự ngạc nhiên với vũ khúc “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” của nhạc sĩ Thanh Sơn, vì trang phục cổ truyền áo tầm vông (còn gọi là áo cổ vòng), mặc xà rông, cùng điệu múa Lâm Thôn rộn ràng là điệu múa dân gian cổ truyền của người Khmer. Và cũng là sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn, khán giả lại thích thú với những điệu múa của dân tộc Gia Rai, Ba Na trên vùng đỏ sương mù Pleiku với nhạc phẩm “Thị Trấn Sương Mù.”

Một tiết mục đặc sắc khác là màn vũ “Nhành Dương Cứu Khổ” của nhạc sĩ Trường Khánh, các vũ công đã hóa thân thành hình tượng Phật Bà Quan Âm, nói lên sự kính trọng của Phật tử đối với Phật Bà Quan Âm đã giúp mình vượt qua khổ nạn. Kế tiếp là màn vũ “Kinh Pháp Hoa,” sáng tác Chúc Linh, với các vũ sinh thiếu nhi trong những bước múa sinh động dù trong đó nhiều em chỉ mới 5 tuổi. Và những tràng pháo tay của khán giả cổ võ cho tinh thần của các vũ sinh qua những điệu múa hồn nhiên, dễ thương với bài “Vỗ Cái Trống Cơm,” một nhạc phẩm của nhạc sĩ Nguyên Nghị.

Màn nhạc cảnh “Bạc Liêu Hoài Cổ” sáng tác của nhạc sĩ Thanh Sơn và “Đêm Gành Hào Nghe Điệu Hoài Lang” của nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã đưa khán giả về xứ Bạc Liêu của vùng đất phương Nam, thấy được lòng thương yêu vợ chồng lẫn nhau. Cả hai bài này đều xuất phát từ bài “Dạ Cổ Hoài Lang” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. “Dạ” tức là đêm, “Cổ” là trống, “Hoài Lang” là nhớ chồng. Nghĩa là người vợ nghe tiếng trống điểm canh đổi giờ ban đêm thì nhớ tới người chồng.

Cùng với nhạc phẩm “Đêm Dài Chiến Tuyến” của nhạc sĩ Lam Phương, tả cảnh những người lính nhớ vợ, và nói lên tình yêu tổ quốc, đồng bào, gia đình, người thân của những người lính chiến, thì màn vũ các bài “Về Phương Nam” của nhạc sĩ Nguyễn Nhất Huy, “Chờ Người” sáng tác Khánh Băng, “Hôn” của nhạc sĩ Đoàn Vi Hương, “Con Rồng Cháu Tiên” sáng tác Trúc Hồ, đã làm khán giả thỏa mãn với các điệu múa do các vũ công Vũ Đoàn Việt Cầm trình diễn.

vudoan vietcam 2
Vũ sư Vũ Đình Luân (đeo kiếng) cùng các vũ công, vũ sinh sau màn vũ “Con Rồng Cháu Tiên” kết thúc đêm diễn. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Xen kẽ phần vũ là các giọng ca của năm ca sĩ thân hữu với Vũ Đoàn Việt Cầm gồm Đài Trang, Thanh Thảo, Triệu Mỹ Ngân, Mai Vy, và Đình Khôi.

Ca sĩ Đài Trang chia sẻ: “Tôi nhận lời tham gia vì rất quý tấm lòng của vũ sư Vũ Đình Luân, bởi vì tôi biết anh luôn đau đáu trong lòng rằng, bằng mọi cách phải gìn giữ văn hóa Việt Nam cho các thế hệ mai sau qua các điệu vũ dân tộc. Anh từng tâm sự với tôi, nếu như một mai khi thế hệ các cháu lớn lên mà các cháu không còn nghe được nhạc Việt Nam, không biết múa những điệu múa Việt Nam thì có lẽ lúc đó văn hóa Việt Nam sẽ mai một nơi xứ người.”

Ca sĩ Mai Vy tâm sự: “Tôi biết anh Vũ Đình Luân nhiều năm nay, anh là một người có rất nhiều tâm huyết đối với nền văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Rất khó khăn để có thể giữ vững một trường đào tạo các em múa những vũ điệu dân tộc như vậy, chưa kể phải tìm những trang phục sao cho đúng với bài hát, nhưng anh đã và đang làm được điều này.”

Đến xem chương trình, bà Kim Cương Nguyễn Minh Phương, cư dân Huntington Beach, cho biết: “Mém chút là tôi bị lỡ chương trình này rồi, may nhờ đọc báo Người Việt biết đêm diễn này ý nghĩa quá nên tôi mua vé ngay. Đây là một trong những sinh hoạt về văn hóa nghệ thuật thật ý nghĩa, vì không thể tìm được một nơi thứ hai ở hải ngoại này đào tạo các cháu trình diễn nghệ thuật cổ truyền một cách bài bản như thế này. Vũ sư Vũ Đình Luân thật có tâm khi muốn duy trì nghệ thuật truyền thống Việt Nam, quan trọng hơn là đã giúp giới trẻ bảo tồn văn hóa của dân tộc.”

Bà Anne Vũ, cư dân Westminster, cho hay: “Tôi rất thích xem chương trình này, vì nhờ đó tôi nhớ lại văn hóa Việt Nam, và đây cũng là dịp để tôi trò chuyện với những đồng hương yêu nghệ thuật truyền thống của dân tộc.”