Mục đích của tổ chức NOVAL là để khuyến khích những người trẻ trong cộng đồng chúng ta ở đây, để tham gia vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhiều hơn, để biết thêm nhiều về văn hóa của chúng ta. Cho nên tiêu chỉ gọi là ‘chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa”

Chân Như và Hòa Ái gửi đến quý thính giả sinh hoạt đón Tết của người Việt ở xa quê hương. Xin mời quý thính giả đến thăm một hội chợ Tết ở bang Virginia do các bạn trẻ tổ chức.

sinhvien vn tet noval 1Các sinh viên Việt Nam trong một màn trình bầy áo dài ở chợ Tết 2013-NOVAL (Courtesy Nhat Hung/VNPS)

Chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa

Hòa Ái: Thưa quý vị, 365 ngày của một năm đối với rất nhiều người là thời gian dài khi phải sinh sống xa quê nhà, xa người thân yêu nhưng Tết là một khoảnh khắc để chợt nhận ra rằng thời gian trôi nhanh quá, phải sắp xếp trở về nơi chôn nhau cắt rốn, nơi tổ tiên ông bà cha mẹ đang trông chờ cho kịp lúc giao thừa.

Chân Như: Trong dịp tết Quý Tỵ này, những người di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 khi họ chỉ năm bảy tuổi đầu chia sẻ với chúng tôi là cứ mỗi khi hoa mai vàng nở rộ, trong lòng họ lại dấy lên một niềm nhớ nhung lạ kỳ về không khí Tết ở quê xa với những cành đào hồng xinh trước hiên nhà dù là một cái Tết rất nghèo.

Hòa Ái: Truyền thống ăn Tết của người Việt, dù nghèo, dù xa quê, vẫn luôn cố gắng gìn giữ cái tục ăn tết của gia đình. Không những vậy, các cộng đồng người Việt ở khắp năm châu hằng năm duy trì tổ chức những lễ hội Tết với bánh tét bánh chưng, múa lân, đốt pháo, đọc sớ Táo quân, trò chơi dân gian bầu cua cá cọp…quy tụ mọi gia đình đến cùng vui xuân và tuyền dạy cho con cháu nét văn hóa của dân tộc. Hòa Ái và Chân Như có mặt tại một hội chợ Tết ở bang Virginia do một nhóm các bạn trẻ tổ chức lần đầu tiên. Hòa Ái hỏi chuyện anh Nhật Đan, trưởng ban tổ chức về mục đích của nhóm khi tổ chức lễ hội Tết như vầy.

Nhật Đan: Mục đích của tổ chức NOVAL là để khuyến khích những người trẻ trong cộng đồng chúng ta ở đây, để tham gia vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhiều hơn, để biết thêm nhiều về văn hóa của chúng ta. Cho nên tiêu chỉ gọi là ‘chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa” (promoting leadership and preserving culture).

sinhvien vn tet noval 2Tại Hội chợ Tết các sinh viên hợp ca những bản nhạc Xuân. Photo courtesy Nhat Hung/VNPS

Chân Như: Cụ Phan Vỹ, 91 tuổi, dù tuyết rơi rất lạnh, cụ vẫn đến tham dự lễ hội tết với các bạn còn rất trẻ và chia sẻ những kỷ niệm Tết xưa, tập tục ăn tết với bất kỳ ai mà cụ gặp gỡ trong lễ hội. Cụ Phan Vỹ nói với đài ACTD đó là những việc mà cụ có thể làm trong những ngày cuối đời để giữ gìn văn hóa Việt Nam.

    Mục đích của tổ chức NOVAL là để khuyến khích những người trẻ trong cộng đồng chúng ta ở đây, để tham gia vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng nhiều hơn, để biết thêm nhiều về văn hóa của chúng ta. Cho nên tiêu chỉ gọi là ‘chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa” ( Nhật Đan)

Cụ Phan Vỹ: Có nhiều người không đi mà thấy mình đi lại hỏi “tại sao ham vậy?” Không phải ham mà còn sống ngày nào, họ đi thì cùng đi với người ta. Tôi hay đi lắm. Tôi mà ngồi một chổ, nhớ lại quê hương là không chịu nổi. Tôi là người đi từ Hà Nội đến Sài Gòn, chưa có chổ nào mà chưa đi cả, cho nên nhắc lại đến quê hương là khổ lắm.

Hòa Ái: Hầu hết các cô gái và những em nhỏ cùng các bạn thanh niên mặc áo dài đến tham dự hội chợ xuân. Mọi người cho biết khi mặc chiếc áo dài vào thì cảm thấy rất tự hào mình là người Việt Nam và trong những dịp Tết như thế này sẽ là những kỷ niệm thật đẹp trong cuộc đời. Các bạn trẻ cho biết sẽ duy trì bản sắc văn hóa ngày lễ Tết cổ truyền cho cộng đồng người Việt trong tương lai. Hoa hậu cộng đồng vùng DC chia sẻ:

Hoa hậu cộng đồng vùng DC: Tôi phải nói là thế hệ cha chú của chúng ta đã giữ được truyền thống này rất hay và chúng tôi là những thế hệ trẻ, bắt đầu tiếp tục vào công cuộc giữ gìn văn hóa truyền thống đó bằng những hội chợ tết như thế này. Tôi rất tự hào là đã có rất nhiều các nhóm trẻ, các sinh viên, đã cùng nhau bắt tay để tổ chức những chương trình lễ hội Tết nhằm để bảo tồn văn hóa và ngay cả việc gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt nữa.

    Tôi rất tự hào là đã có rất nhiều các nhóm trẻ, các sinh viên, đã cùng nhau bắt tay để tổ chức những chương trình lễ hội Tết nhằm để bảo tồn văn hóa và ngay cả việc gìn giữ ngôn ngữ tiếng Việt nữa ( Hoa hậu cộng đồng vùng DC)

Chân Như: Bên cạnh những lễ hội Tết rộn ràng, đầm ấm của các cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc… thì vẫn còn đó những cái Tết lặng lẽ của những cô dâu Việt ở Hàn Quốc, Đài Loan…những cái Tết nôn nao không thể trở về nhà của các công nhân đang lao động ở Indonesia, Malaysia, hay ở Nga…và cả những cái Tết tha hương dù chỉ cách 1 ngày đường về xe từ các thành phố lớn.

Hòa Ái: Và còn có cả những cái Tết buồn thiu của của những thân phận đang tị nạn không biết đi đâu về đâu với niềm hy vọng mỏi mòn. Anh Lau Sỹ Phúc cùng với vợ con, 1 gia đình tị nạn ở Thái Lan, đón 4 cái Tết hẩm hiu cùng với lời ước nguyện:

Lau Sỹ Phúc:Gia đình Phúc đón tết bằng lời cầu nguyejn dâng lên cho Đức Mẹ. Ngoài ra không biết làm gì hơn. Không chỉ ngầu nguyện cho gia đình không mà cầu nguyện cho tất cả anh em VN đang tị nạn ở Thái và cho dân tộc VN mình cho tới một ngày không còn chế độ Cộng Sản.

Chân Như: Tết không chỉ là thời khắc đánh dấu ngày đầu tiên của năm mới theo âm lịch. Tết không chỉ là thời điểm sum họp gia đình. Tết không chỉ là là hy vọng và ước nguyện. Tết còn là một nơi chốn “trở về” trong lòng của những người con đất Việt xa quê.