main billboard



Môn phái Aikido, một môn võ chủ trương không tranh thắng bại, luyện tập không phải để chiến thắng người khác mà để chiến thắng chính bản thân mình...”


FOUNTAIN VALLEY, California (NV) - “Aikido là một hệ thống tự vệ có tiếng là hiệu quả, đồng thời lại rất hiền hòa, không có đối kháng và không chủ trương gây thương tích cho đối phương. Môn phái Aikido, một môn võ chủ trương không tranh thắng bại, luyện tập không phải để chiến thắng người khác mà để chiến thắng chính bản thân mình...”

aikido 1
Giáo Sư Đặng Thông Phong (thứ tám, từ trái) cùng các môn sinh. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Đó là lời của Giáo Sư Đặng Thông Phong, chủ tịch Tổng Cuộc Tenshinkai Aikido, tại lễ tưởng niệm 47 năm ngày qua đời của Morihei Ueshiba - vị tổ sư sáng lập môn phái Aikido - và lễ kỷ niệm hai năm thành lập Đạo Đường Fountain Valley Aikikai, vừa diễn ra hôm Chủ Nhật, 15 Tháng Năm, tại Fountain Valley.

Sau phần thắp hương tưởng niệm do Giáo Sư Đặng Thông Phong chủ trì, trong sự mặc niệm của các giáo sư, môn sinh, gia đình và quan khách, ông phát biểu: “Tổ sư Morihei Ueshiba sinh ngày 14 Tháng Mười Hai, 1883, và mất ngày 26 Tháng Tư, 1969. Từ nhỏ, ông vốn có vóc người nhỏ thó và yếu ớt.”

“Do đó, cha của ông đã rước nhiều danh sư về để truyền lại những môn võ như Kenjutsu (Kiếm), Kyujutsu (Cung), Jojutsu (Gậy), Sojutsu (Giáo)... để giúp ông phát triển thể lực. Khi đến tuổi trưởng thành, ông có vào phục vụ trong quân đội Thiên Hoàng và tham gia trong cuộc chiến tranh Nga-Nhật. Ít lâu sau khi giải ngũ năm 1907, ông đã gặp võ sư Sokaku Takeda, người đã truyền đạt môn Hiệp Khí Nhu Thuật Daito-ryu lại cho ông,” ông nói.

Ông nói tiếp: “Hơn chục năm sau đó Morihei Ueshiba gặp Onisaburo Deguchi, thủ lĩnh phái Omoto-kyo, một nhánh của Thiền Đạo. Sau nhiều năm ông tu tập với thiền sư Deguchi, một ngày kia Morihei Ueshiba bỗng bước vào trạng thái 'giác ngộ,' và đó là bước đầu đưa đến sự khai sáng của môn phái Aikido.”

“Từ đó đến nay, Aikido nằm trong chương trình giảng dạy chính thức của nhiều viện đại học trên thế giới; là môn võ được huấn luyện cho quân đội và cảnh sát ở nhiều quốc gia và trong cả ngành bảo vệ yếu nhân. Hiện nay, người ta ước lượng con số môn sinh Aikido trên khắp năm châu đã vượt qua ngưỡng 1.5 triệu người,” ông nói thêm.

Chia sẻ về quãng thời gian thành lập Đạo Đường Fountain Valley Aikikai cách đây hai năm, Giáo Sư Đặng Thông Phong cho hay: “Đạo Đường Westminster Aikikai thành lập năm 1988, được sự ủng hộ quá đông trong cộng đồng, vì vậy đến nay nhiều em ghi danh xong, vài tháng sau mới có chỗ vào học. Do đó tôi muốn tìm thêm một nơi khác để đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển môn võ này.”

“Vì vậy, Fountain Valley Aikikai là đạo đường thứ hai trong hệ thống Tổng Cuộc Tenshinkai Aikido tại Orange County. Dù ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng sau hai năm phát triển, đạo đường này đã thu hút nhiều môn sinh từ nhỏ tuổi đến lớn tuổi. Cả hai đạo đường hiện có hơn 400 môn sinh, và chúng tôi có 20 huấn luyện viên đều tình nguyện bỏ nhiều thời giờ để hướng dẫn các môn sinh có một thân thể dẻo dai và lòng tự tin khi hữu sự,” ông nói.

aikido 2
Các môn sinh biểu diễn võ Aikido. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Nói về lịch sử thành lập Tổng Cuộc Tenshinkai Aikido, Giáo Sư Đặng Thông Phong cho biết Tenshinkai tức là Thiên Tâm Hội, là tên do chính tổ sư Morihei Ueshiba đặt cho.

Theo ông, người đầu tiên giới thiệu môn Aikido đến Việt Nam vào năm 1958 chính là bào huynh của ông, cố Giáo Sư Đặng Thông Trị. Đến Tháng Mười, 1964, cố Giáo Sư Đặng Thông Trị sang Hoa Kỳ và bàn giao Hội Hiệp Khí Nhu Đạo Việt Nam cho ông điều hành.

Vừa điều hành, ông vừa mơ ước đạt được huyền đai đệ tam đẳng để được thành lập một tổng cuộc Aikido của Việt Nam. Trong lúc này, ông vẫn phục vụ trong quân đội VNCH, đồng thời điều hành và huấn luyện hai bộ môn Judo và Aikido tại đạo đường trung ương của Hội Hiệp Khí Nhu Đạo Việt Nam.

Cuối cùng, ông đã thực hiện được ước mơ tại Tổng Đàn Aikido Thế Giới ở Tokyo vào cuối năm 1967.

Từ Nhật về, ông bắt tay soạn nội quy, đến Tháng Hai, 1968, Bộ Nội Vụ ban hành nghị định cho phép tổng cuộc chính thức hoạt động. Lúc này, ông được đề cử làm giám đốc kỹ thuật của Học Viện Quân Sự Võ Thuật và Giáo Dục của chính phủ VNCH. Ngoài việc đưa Aikido vào các trường trung học, ông còn đưa Aikido vào các đơn vị tác chiến VNCH như Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Sư Đoàn 5 Bộ Binh, và Sư Đoàn 4 Không Quân để binh sĩ luyện tập.

Cũng trong năm 1968, ông được tổ sư Morihei Ueshiba trao giấy chứng chỉ cho phép ông là người có thẩm quyền để tổ chức, đào tạo và mở rộng Aikido trong toàn miền Nam Việt Nam theo tinh thần của tình yêu và hòa bình. Và từ đó, ông thành lập Tổng Cuộc Tenshinkai Aikido, đồng thời giữ vị trí chủ tịch cho đến ngày hôm nay.

Sau biến cố 1975, Giáo Sư Đặng Thông Phong phải đi “tù cải tạo,” rồi sau nhiều lần vượt biên, ông đã đến Hoa Kỳ năm 1986, chỉ hai năm sau, ông thiết lập lại võ đường và Tổng Cuộc Tenshinkai Aikido tại Westminster, và đến năm 1992 được Tổng Đàn Aikido Thế Giới tại Tokyo, Nhật, chính thức công nhận.

Ông tâm sự: “Tuy nay đã 81 tuổi, nhưng vì trót mang một lời nguyện, trước là với tổ sư Morihei Ueshiba, sau là với bào huynh mà cũng là vị thầy Aikido đầu tiên của tôi là cố Giáo Sư Đặng Thông Trị, nên vì sự phát triển môn phái tôi vẫn tiếp tục dấn thân hầu mang lại cho cộng đồng chúng ta những trường lớp, những đạo đường khang trang để cho con em chúng ta có chỗ luyện tập và học hỏi thêm về môn võ của hòa bình, của tình thương, và của sự hài hòa.”

Tại lễ tưởng niệm này, Giáo Sư Phong trao giấy chứng nhận thăng cấp cho các môn sinh ở mọi độ tuổi.

Nhiều phụ huynh đến tham dự rất hài lòng khi đưa con đến tập tại đạo đường.

Bà Giang Nguyễn, cư dân Westminster, cho biết: “Tôi vui lắm vì con gái tôi được lên đai trong ngày lễ đặc biệt này. Nhìn cháu biểu diễn những gì đã học, thấy không uổng công mình lo cho cháu. Học võ không chỉ có sức khỏe, mà cái chính là tôi muốn cháu biết võ để tự vệ khi đi một mình.”

Bà Loan Huỳnh, cư dân Garden Grove, cho hay: “Con bé nhà tôi mới 8 tuổi thôi, tôi cho cháu đi học vì có người bạn cũng cho con đi học giới thiệu là ở đây còn dạy các cháu lễ phép với mọi người. Con bạn tôi đi học về không biết chào cha mẹ, nhưng từ khi đi học võ thì sau khi gặp mẹ đều chào, nên chị thích lắm. Riêng tôi, mỗi lần chở cháu đến học đều thấy sự kính trên nhường dưới mà các thầy dạy cho cháu, đó là vô trường là phải chào, lên thảm tập phải chào, gặp huấn luyện viên phải chào, gặp những người lớn đai cao hơn mình phải chào.”

Ông Nam Trần, cư dân Westminster, nói: “Con trai đang tuổi lớn nên tôi sợ cháu đi chơi với bạn rồi sinh hư, nên cho đi học võ để mong cháu học võ sẽ làm người tốt, để cháu tự tin hơn, chín chắn hơn.”