main billboard

“Ở những nơi như thế này, bạn muốn làm gì cũng được, bạn muốn hát gì cũng xong, chẳng ai 'care' ai cả!”


WESTMINSTER (NV) - “Ối chào, nhỏ này ni hát hay nhỉ,” hoặc “Hà Nội Mùa Vắng Những Cơn Mưa... em ơi!”

Ðại loại đó là những câu khen ngợi hay phê bình người “ca sĩ” này đang trình diễn trên sân khấu như thế nào, hoặc yêu cầu cô khách quen của quán lên trình bày bài “ruột”... Tất cả những hình ảnh, âm thanh sống động, thuộc về một thế giới rất riêng, thế giới “âm nhạc ở quán nhậu” quanh khu Little Saigon.

ls cahat quannhau 1
Cô Kim, giọng hát quen thuộc, thường xuyên của quán La Cà. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)

“Ở những nơi như thế này, bạn muốn làm gì cũng được, bạn muốn hát gì cũng xong, chẳng ai 'care' ai cả!” Nhạc sĩ Anh Tài, tay đàn tên tuổi trong làng ca nhạc hải ngoại nói với tôi trong một lần gặp anh tại quán nhậu “La Cà” (trước đây là quán Ngon, nằm trên đường McFadden).

Cũng vẫn theo nhạc sĩ Anh Tài, câu chuyện âm nhạc nơi quán nhậu là câu chuyện xoay quanh ly rượu, chai bia, ở đó âm nhạc chỉ là để người ta đỡ “boring,” chứ chẳng lẽ “mình ngồi nhậu mà xung quanh im ắng quá, buồn chết.” Anh Tâm Nguyễn, một “thành viên” nhậu thường trực ở quán “Tràm Chim” phát biểu.

Còn cô Tuyết Lê, một người cô đơn, vì tình không có, gia đình cũng không, bởi vậy một tuần đến quá nhậu vài lần, nhất là cô muốn tìm những nơi chốn có nhạc “hát cho nhau nghe” để giãi bày tâm sự, và cũng để “cầm cái micro để hát, như mấy cô ca sĩ thứ thiệt trên các cuốn DVD...”

Cô Tuyết Lê nói với chúng tôi: “Em mê hát nhạc 'tình cảm', mấy bài điệu bolero, rumba, nghe mùi, chịu không nổi, ở nhà cũng có dàn karaoke đó chứ, nhưng chẳng lẽ hát một mình buồn lắm, mà cũng không có hứng, bởi vậy đám bạn biết ý, rủ ra quán nhậu ngồi, vừa cụng ly, cụng chai mà vừa có cơ hội 'khoe' giọng mình nữa!”

Chị Thanh Hà, cư dân ở quận Ventura, trong một dịp họp mặt bạn bè đồng hương Quảng Trị, ở nhà hàng Itango, có giọng hát rất truyền cảm, cho biết rất vui khi thỉnh thoảng có dịp về quận Cam tham dự chương trình “hát cho nhau nghe” để được hát cho đồng hương người Việt mình cùng nghe.

Mà thật “âm nhạc ở quán nhậu” chắc chắn là thế giới muôn màu muôn vẻ, bởi lẽ người bước lên sân khấu trình diễn cho “khán giả” ở dưới nghe, chẳng cần “care” phải ăn mặc thế nào hay điệu bộ trước khi mình hát, mà họ là những người khách rất bình thường, những bạn trẻ, “ông già, bà cả” tay cầm ly rượu, hoặc tay nâng ly bia, còn tay kia cầm chiếc microphone, và con mắt nhìn vào màn ảnh nhỏ trước mặt để hát theo cho đúng nhịp, đúng lời...

ls cahat quannhau 2
Chị Thanh Hà, cư dân quận Ventura, trong một dịp họp mặt với bạn bè ở nhà hàng Itango. (Hình: Ðức Tuấn/Người Việt)

Các nhạc công chơi đàn guitar, hay keyboard cũng không cần phải biết nhạc lý nhiều lắm, miễn rằng có năng khiếu đủ để đệm cho người ta hát... Anh H., người đệm đàn cho quán nhậu ABC tâm tình với chúng tôi: “Ngày thường mình đi làm hãng, còn buổi tối ra quán nhậu, kiếm chút tiền đổ xăng, 'trước mua vui, sau tìm chút đỉnh' nha bạn.”

Câu chuyện của anh H. không chỉ dừng ở phần âm nhạc, mà còn có cả chuyện gieo tình cảm giữa những “ca sĩ” nghiệp dư hát ở quán. Vì, theo lời anh: “Có bữa, trúng mánh chẳng những khách cho tiền 'bo' mình 'sộp' mà còn sẵn sàng chờ 1, 2 giờ sáng để mình đưa về!” (cười).

Anh Cường chủ nhân của quán “La Cà” cho chúng tôi biết:“Khách đến đây đôi lúc uống một hai chai bia, rồi ghi tên lên hát, có nhiều người 'tâm hồn cô đơn' muốn tìm vui qua lời ca, tiếng hát mà.”

Vậy đó, đôi lúc nếu bạn chịu khó “la cà” ở các quán nhậu, bạn sẽ tìm được rất nhiều giọng hát, đôi khi hay hơn cả các ca sĩ chuyên nghiệp, họ vừa có giọng, vừa có phong cách biểu lộ tình cảm rất thật, và đặc điểm hay nhất vẫn là sự đơn giản, không cần màu mè, nhưng vẫn hay, thậm chí làm người nghe mê mẩn.

Cô Kim, một giọng hát quen, thường xuyên ở quán “La Cà,” hát khá vững, điệu đàng, thế nhưng hỏi cô “có dự định đi thi hát hay không?”, cô cười, làm dấu thánh giá, trả lời chúng tôi: “Cho em xin đi anh, thi cử gì... Chỉ là vui trong nhà thôi...”

Câu chuyện “âm nhạc ở quán nhậu” không chỉ dừng lại ở những mặt tích cực, mà đôi khi anh này hát, chị kia ca, trùng bài với người vừa hát trước, thế là ông kia, bà nọ bị “quê,” sẵn xỉn rồi, nên bước tới chỗ người đang hát, làm càn, gây chuyện.

Bởi vậy “âm nhạc nơi quán nhậu” là một thế giới riêng, đúng như lời của nhạc sĩ Anh Tài bình luận, thế giới để người ta thưởng thức, chia sẻ, hay càng thấy “boring” vì mấy ông bà ca sĩ hát dở quá mà hát hoài...

Thế nhưng cho dù “âm nhạc đường phố” hay “âm nhạc nơi quán nhậu” cũng thế, tất cả đều là âm nhạc không biên giới, nhìn chung vẫn là nhịp cầu để con người hiểu nhau, như món quà tặng nhau giữa nhóm bạn khi có dịp họp mặt ăn uống, hay để giải tỏa sự buồn bực trong đời sống, hoặc đôi lúc là chiêu “tỏ tình” ăn khách giữa người này với người kia...

“Cho dù nốt Sol hay khóa Fa... cao hoặc thấp âm nhạc vẫn là không biên giới, phân biệt trong cuộc sống,” nhạc sĩ Anh Tài nói. (Ð.T.)