main billboard

“Người làm nghề này phải đằm tính. Vì nóng tính đôi khi quyết định sai sẽ bị lỗ. Làm nghề kinh doanh vàng bạc cũng đòi hỏi tính không tham. Vì nếu tham lam, háo thắng thì sẽ không theo nghề này được. Người xưa nói có đức giữ được châu báu là rất khó là vậy,”


kimchau 1
Bà Kim Châu, chủ nhân tiệm vàng Kim Châu ở Houston, Texas. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

HOUSTON, Texas (NV) – Trong số nhiều ngành nghề người Việt kinh doanh trên đất Mỹ, có lẽ “bán vàng” không là nghề nhiều người chọn, bởi nhiều yếu tố. Dù vậy, vẫn có những người được “nghề chọn” để có thể đeo đuổi và thành công trong ngành vàng bạc nơi xứ người. Một trong những người hiếm hoi đó là chủ nhân tiệm vàng Kim Châu tại Houston.

Duyên đến trên đất Mỹ

Dáng người mảnh khảnh, tóc chải phồng bới cao, gương mặt trang điểm kỹ, bà Kim Châu khiến người đối diện dễ có thiện cảm ngay lần đầu gặp mặt.

Bằng giọng Huế tha hương, người phụ nữ ước chừng ở tuổi 60, từ tốn, nhẹ nhàng, nói về công việc kinh doanh vàng bạc mà bà đã đeo đuổi từ 30 năm qua.

“Tôi không xuất thân từ gia đình có truyền thống buôn bán vàng, nhưng gia đình chồng tôi làm nghề này. Dù khi lấy chồng, sống trong môi trường kinh doanh vàng bạc, nhưng tôi cũng không theo nghề, cho đến khi sang Mỹ thì mới nghĩ về nó,” chủ tiệm vàng Kim Châu kể.

Vượt biên năm 1979, sang Mỹ năm 1980, bà Kim Châu cũng như bao người tị nạn khác lúc bấy giờ phải làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh .

Tuy nhiên, đấy lại là thời điểm bà bắt đầu nghĩ đến nghề kim hoàn mà bà từng biết đến nó nhưng chưa có cơ hội bén duyên.

Bà nói, “Chắc tôi có khiếu về nghề vàng bạc, nhìn ra được triển vọng của nghề này tại Mỹ, nên vừa đi làm những công việc khác, tôi vừa để dành tiền đi học nghề từ một sư phụ làm nghề gia truyền từ bao đời.”

“Tôi thích ngành này lắm nhưng mà ngành ni vừa đòi hỏi mình có năng khiếu, vừa phải có tiền bạc thật là nhiều mới theo nổi. Cũng nhờ ơn trên cho mình cái phước thành công trong nhiều công việc khác rồi mới để dành tiền trong ba, bốn năm mới ra mở tiệm, chứ ra nghề này cũng sóng gió dữ lắm,” bà tâm sự bằng giọng đặc trưng của người xứ Huế.

Nghe tôi tò mò hỏi, “Sóng gió của nghề này là gì?”, người phụ nữ có gương mặt thanh tú trả lời với vẻ mặt “nghiêm trang,” “Sóng gió ở đây vì mình là người Việt tị nạn, nên vốn mình chỉ đến một mức độ nào đó thôi. Rồi ngành này cũng có sự cạnh tranh nữa. Mấy chục năm trước, hãng xưởng làm mặt hàng thích hợp với người Á Châu rất ít, cho nên nó đòi hỏi mình phải đi theo nhiều đường, vừa phải lo sao cho mặt hàng đúng theo thị hiếu người Việt, vừa phải lo tài lực sao cho đủ để có thể trả lương thợ, phải có hàng hóa đủ chưng trong tiệm sao cho bắt mắt.”

“Nếu mình đi thẳng vào thị trường Mỹ thì dễ hơn, vì hàng hóa có sẵn nhưng họ chỉ có vàng 10k, vàng 14k, trong khi người Việt thì thích vàng 18k, 24k. Còn hột xoàn thì người Việt cũng muốn mua hột xoàn thật tốt, thật bự. Thực tế đó cũng gây khó khăn cho tiệm vàng lúc bấy giờ,” bà nói thêm.

“Khó nhất của nghề này là… khó lắm đó!”

“Sau gần 30 năm gắn bó với nghề buôn bán vàng, theo cô, cái khó của nghề này là gì?” Nghe hỏi, bà Kim Châu im lặng một thoáng, rồi nói, “Khó nhất của nghề này là… khó lắm đó!”

Suy nghĩ thêm một đỗi, bà giải thích, “Kiếm thợ bạc cũng khó. Tài chánh cũng khó. Phục vụ cũng khó. Nghề này đòi hỏi người chủ phải vừa có đức vừa có tín, phải làm với tâm phục vụ chứ không phải chỉ làm với tâm biết kiếm tiền thôi thì không được. Nghề này khó lắm, thành thử ra tiệm thì nhiều người cũng ra tiệm, nhưng để giữ được cửa tiệm thì đòi hỏi phải có cái hạnh, cái đạo đức của người chủ nữa.”

Theo bà Kim Châu, “Vàng với người Mỹ chỉ như nữ trang, còn với người Việt thì vàng vừa là nữ trang, vừa để làm của, nên với bất cứ loại nữ trang nào họ thích thì cũng đều mua làm của được hết, chứ không phải chỉ có vàng 24k hay hột xoàn mới làm của được.”

“Trong khi với Mỹ mua rồi là xong, đến lúc bán nếu còn ‘receipt’ thì mang ra chỗ chuyên mua vàng để bán, được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Với người Việt Nam thì khác. Vàng vừa là nữ trang vừa là của, khi cần là mang bán. Chính vì vậy đòi hỏi khả năng của người chủ tiệm vàng là phải biết linh động, phải biết là bây giờ mình bán cho người ta đeo đó, nhưng trong tương lai người ta bán lại cho mình thì người ta không lỗ nhiều, chứ nếu lỗ nhiều, họ phiền não thì mình đâu có làm ăn được. Cho nên cũng khó lắm chứ làm ăn không dễ đâu,” chủ tiệm kim hoàn nói thêm về cái khó của nghề.

Một cái khó nữa trong nghề buôn bán vàng là phải am hiểu thị trường.

Bà Kim Châu giải thích, “Khi mua hàng mình phải biết mặt hàng đó trên thị trường như thế nào, để khi mình có bán lại cho thị trường Việt hay Mỹ đều không bị chê. Nghĩa là vừa phải chọn hàng đúng phẩm chất, mà giá lại phải rẻ. Để được như vậy thì với người bán sỉ mình cũng phải làm việc kỹ, với khách hàng mình cũng làm việc kỹ. Cho nên thật sự làm nghề này khó lắm, không phải dễ.”

“Người làm nghề này phải đằm tính. Vì nóng tính đôi khi quyết định sai sẽ bị lỗ. Làm nghề kinh doanh vàng bạc cũng đòi hỏi tính không tham. Vì nếu tham lam, háo thắng thì sẽ không theo nghề này được. Người xưa nói có đức giữ được châu báu là rất khó là vậy,” bà suy ngẫm.

Buồn vui với nghề kim hoàn

kimchau 2
Bà Kim Châu (phải), “Với người Việt thì vàng vừa là nữ trang, vừa để làm của, nên với bất cứ loại nữ trang nào họ thích thì cũng đều mua làm của được hết” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Làm nghề châu báu là phải có duyên với nghề, chứ không phải dễ. Khi quyết định mua một món hàng trị giá bốn-năm trăm ngàn, như một cái hột xoàn có lúc lên đến bảy-tám trăm ngàn, mình phải suy tính, cân nhắc, xem ai sẽ là người mua lại nó,” bà Kim Châu chia sẻ những điều riêng biệt của nghề.

Bà nói, “Khi nhìn món hàng, mình phải đoán được là liệu nó sẽ lên hay không. Đó là do ‘first sence’, khả năng phán đoán đầu tiên, mà chính tôi cũng không giải thích được. Tôi thành công trong việc thẩm định đó đến hơn 90%. Cho nên mình làm với cái tâm thương khách hàng, sợ người ta mua món đồ đó lầm, về sau này người ta bán không được, là mình lo trước cho người ta rồi, mình lấy sự thông minh, khả năng của mình để mình mua dùm người ta, chứ làm sao người ta mua nổi với giá rẻ và đồ tốt, để người ta lời trên món đồ đó.”

“Đồng tiền đi đôi với kinh nghiệm, mình phải biết mua. Khó lắm. Khi tôi vào nghề, mở tiệm, có một bà bác từng có kinh nghiệm gia truyền về nghề vàng bạc phải ngồi lại với tôi suốt mấy năm trời để chỉ dạy thêm. Tôi thấy mình có thêm phước đó. Cứ vậy mà rút kinh nghiệm từ từ,” chủ tiệm Kim Châu tâm sự.

“Ai cũng nói nghề này ngoài thị trường đang xuống, nhưng riêng với tiệm vàng Kim Châu thì tôi thấy công việc của mình vẫn thế, người ta ngày càng ủng hộ mình. Thêm nữa, người ta mua, người ta được lời người ta vui. Những lúc mua nhà, mua xe, họ mang nữ trang đã mua để bán đi lấy tiền giải quyết được những vấn đề khẩn cấp đó nên họ rất thích, họ cám ơn mình, thì mình cũng vui lây,” người chủ tiệm vàng Kim Châu kết thúc câu chuyện, trước khi quay sang tiếp những người khách đang rộn ràng kéo vào mua sắm.