main billboard

Mục được nhấn mạnh trong buổi sinh hoạt này là bài nói chuyện về trống đồng Ðông Sơn của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang, trong đề tài “Hùng Vương, vua mặt trời.”

ngayvanhoa vn 1
Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng trình diễn bên cạnh trống đồng Ðông Sơn trong Ngày Văn Hóa Việt Nam. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Ngày Văn Hóa Việt Nam vừa được ba tổ chức của cộng đồng người Việt tại Nam California phối hợp tổ chức tại trụ sở Trung Tâm Việt Ngữ Minh Ðức, Westminster, hôm Chủ Nhật, 14 Tháng Tám.

Ba tổ chức này là Hội Phát Triển Văn Hóa Dân Tộc, Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California, và Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng.

Phát biểu trong dịp này, Giáo Sư Nguyễn Thị Mai, đại diện Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, cho biết “đây là lần đầu tiên đoàn được phối hợp tổ chức với Hội Phát Triển Văn Hóa Dân Tộc.”

Mục được nhấn mạnh trong buổi sinh hoạt này là bài nói chuyện về trống đồng Ðông Sơn của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang, trong đề tài “Hùng Vương, vua mặt trời.”

Ngày Văn Hóa Việt Nam còn gồm ca nhạc dân tộc truyền thống của các nghệ sĩ trẻ trong Ðoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng tiếp diễn ngay sau phần thuyết trình của Bác Sĩ Quang.

Ngày Văn Hóa Việt Nam còn có buổi tiếp tân sau phần văn nghệ để mọi người tham dự có dịp gặp gỡ nhau, thảo luận thêm cùng diễn giả.

Trong phần mở đầu, Luật Sư Michelle Mai Nguyễn, một người trong ban tổ chức, cho biết mục đích và hoạt động của Hội Phát Triển Văn Hóa Dân Tộc.

Bà cho biết, hội được thành lập từ nhiều năm nay nhằm mục đích phát triển và phổ biến những tinh hoa của nền văn hóa dân tộc Việt Nam đặc biệt nhằm vào giới trẻ hải ngoại. Do đó cùng chung tổ chức có Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam, với đại diện là anh Billy Lê.

Phát biểu trong dịp này, anh Billy Lê ngỏ lời cám ơn nồng nhiệt đến Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang, diễn giả chính trong buổi sinh hoạt.

Anh nói: “Bác Sĩ Quang là người đã giúp đỡ, cố vấn cho những buổi tổ chức, sinh hoạt của sinh viên. Ông đã chỉ dẫn cho các em về văn hóa truyền thống Việt Nam trong những lần chúng em tổ chức Hội Tết Sinh Viên nay đã được coi như hội Tết của cộng đồng người Việt hàng năm. Những chỉ dẫn, giúp đỡ của Bác Sĩ Quang đã cho chúng em kiến thức sâu sắc về văn hóa Việt. Trong lần tham dự Ðại Hội Sinh Viên Việt Nam Bắc Mỹ sắp tới đây, chúng em sẽ giới thiệu đến các bạn trẻ khắp nơi về cuốn sách giá trị ‘Trống Ðồng Ðông Sơn’ mà bác sĩ đã dầy công nghiên cứu viết ra.”

ngayvanhoa vn 2
Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang nhận bằng tưởng lục của Thượng Nghị Sĩ Janet Nguyễn, do cô Jacquelin On, đại diện thượng nghị sĩ trao. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ði vào phần thuyết trình, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang cho người tham dự những phút thích thú khi nhắc nhở đến trống đồng Ðông Sơn mà chỉ trên mặt trống là cả một bộ Ðồng Sử cho chúng ta được biết về quá khứ, thời khai thiên lập địa đất nước và dân tộc Việt.

Diễn giả đã lướt qua nhiều phần gồm hình thể các loại trống đồng Ðông Sơn, giải đọc trống đồng Ðông Sơn qua những mặt chữ nòng nọc, thứ chữ cổ nhất của nhân loại mà diễn giả đã nắm được chìa khóa để mở cửa kho tàng dân tộc. Những dấu hình, vật biểu tượng chính yếu trên mặt trống đã cho chúng ta hiểu biết thêm nhiều về sinh hoạt của dân tộc Việt Nam những ngày dựng nước.

Theo diễn giả, trống đồng không chỉ là một dụng cụ trong bộ gõ (chiêng, cồng, mõ…) mà còn được sử dụng trong nhiều sinh hoạt khác, từ thờ cúng đến các sinh hoạt dân dã. Trống đồng cũng biểu tượng cho vũ trụ, tạo hóa, vô cực và tượng hình cho lưỡng cực, lưỡng nghi, âm dương, tam thế… Diễn giả đã trình bày những tượng trưng này của trống đồng qua các hình thể của trống để tìm ra cái dịch học chứa đựng bên trong trống.

Phần diễn giải có hơi chuyên môn, đòi hỏi kiến thức về dịch học, vũ trụ, âm dương, trong quan niệm của các học giả, thánh nhân trong lịch sử cổ đại.

Ðiểm chính yếu trong phần thuyết trình của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang là khám phá qua trống đồng Ðông Sơn, thấy người Việt là sự kết tụ của mặt trời và vua Hùng khởi thủy dân tộc Việt là vua mặt trời.

Những khám phá của Bác Sĩ Nguyễn Xuân Quang dựa trên chữ nòng nọc mà diễn giả đã “có duyên” thụ huấn được để đọc được ý nghĩa những hình tượng trên mặt trống Ðông Sơn. Cái “duyên” đã trở thành nỗi lo lắng cho diễn giả, chỉ sợ không còn đủ thời gian để giải đọc cho các thế hệ trẻ biết về nguồn gốc phát sinh dân tộc Việt nên theo lời diễn giả thì ông đã gạt bỏ hết mọi chuyện để chỉ còn chú tâm vào nghiên cứu, giải đọc chữ nòng nọc và các hình tượng trên mặt trống cả hàng chục năm qua. Vẫn theo diễn giả, trống đồng Ðông Sơn không chỉ có một loại mà có nhiều loại khác nhau nhưng cùng có một điểm chung là mặt trống bao giờ cũng có hình mặt trời trong một vòng tròn ở chính giữa. Và trống đồng Ðông Sơn không bao giờ có đáy.

Phần thuyết trình chấm dứt, diễn giả đã dành ít phút để thu nhận những đóng góp, thắc mắc của mọi người tham dự. Có đến cả chục tham dự viên nêu những thắc mắc và được diễn giả vui mừng đón nhận để cùng bàn thảo thêm.

Vào lúc này, sân khấu đã rộn rã tiếng đàn ngọt ngào trầm bổng của các thiếu nữ đồng phục màu vàng dạo đầu một chương trình nhạc cổ truyền dân tộc với các loại đàn tranh, đàn nguyệt và trống.

Ngày Văn Hóa Việt Nam thu hút được đông đảo người đến tham dự trong số này giới trẻ chiếm gần một nửa.