“Có lần tôi ra mở cửa, một khách hàng bỏ đi. Sau đó, họ sang tiệm bên cạnh, nói là 'tại sao nhà hàng đó lại mướn một người cùi làm việc,'” ông Nguyễn Văn Triệu, cựu thiếu tá Nhảy Dù QLVNCH, nói. “Thực ra, đây là hậu quả của lần tôi bị phỏng nặng ở chiến trường Hạ Lào.”

WESTMINSTER (NV) -Bước vào nhà hàng “#1 Restaurant” trên đại lộ Bolsa, Westminster, một số khách có khi “hơi dội,” sau khi nhìn thấy ông chủ nhà hàng, với những vết thương trên tay, dấu vết của máu thịt ông đã đổ ra tại chiến trường Hạ Lào năm 1971.

nguyenvantrieu 1Cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Triệu nhớ lại chiến trường Hạ Lào cách đây 42 năm. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

“Có lần tôi ra mở cửa, một khách hàng bỏ đi. Sau đó, họ sang tiệm bên cạnh, nói là 'tại sao nhà hàng đó lại mướn một người cùi làm việc,'” ông Nguyễn Văn Triệu, cựu thiếu tá Nhảy Dù QLVNCH, nói. “Thực ra, đây là hậu quả của lần tôi bị phỏng nặng ở chiến trường Hạ Lào.”

Ông chia sẻ thêm: “Mỗi khi gặp lại bạn bè, họ thường hỏi tại sao, tôi nói bị 'cua rang muối' trong trận đó.”

Theo ông giải thích, “cua rang muối” có nghĩa thiết vận xa bị bắn cháy mà “mình ngồi ở trong đó.”

“Lúc đó, tôi là đại đội trưởng đại đội chỉ huy, Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù, tham gia chiến trận. Ðơn vị không hề bị thiệt hại gì,” người cựu chiến binh kể. “Trên đường về, tôi cùng Thiếu Tá Nguyễn Xuân Phan, tiểu đoàn trưởng, ngồi trong thiết vận xa. Thế là xe bị địch bắn cháy, cả hai chúng tôi bị phỏng nặng. Khi được chở về tới Khe Sanh, Thiếu Tá Phan bị mất nước quá nhiều nên qua đời. Riêng tôi lúc đó cũng gần chết, được chở về Ðông Hà.”

Ông kể tiếp: “Sau này, trong cuốn 'Ðường 9 Nam Lào,' tác giả Phạm Huấn viết 'Ðại Úy Triệu đã hy sinh.' Thực ra, lúc đó đơn vị lớn quá, còn sư đoàn thì lo cho thương binh, ít ai để ý, ai cũng tưởng tôi chết rồi.”

Sau Ðông Hà, ông Triệu được đưa về Quảng Trị, rồi Huế, rồi bệnh viện Ðỗ Vinh trong trại Hoàng Hoa Thám gần ngã tư Bảy Hiền để chữa trị, nhưng vết phỏng ngày càng nặng. Rồi ông được đưa vào Tổng Y Viện Cộng Hòa, nằm ở đó ba tháng để chữa trị.

Ông kể: “Anh biết không, mặc dù các bác sĩ rất tận tâm, nhưng có lẽ kỹ thuật lúc đó chưa tân tiến, mỗi lần thay da đều bị nhiễm trùng. Tôi đau quá, có lần nói bác sĩ cưa tay tôi đi, chứ tôi không chịu nổi.”

Rồi bệnh viện Cộng Hòa đông thương bệnh binh quá, theo ông Triệu, ông phải rời bệnh viện.

“Thế là tôi nhờ Trung Tướng Dư Quốc Ðống giúp đỡ, đưa vào bệnh viện 3 Dã Chiến của Mỹ. Tuy nhiên, tôi vẫn phải chờ khi nào có bác sĩ Mỹ qua mới chữa được. Thế là tôi phải về nhà để tìm cách khác. Ðến lúc này, tay tôi không làm được gì cả, ngay cả đi vệ sinh cũng khó khăn,” cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Triệu kể tiếp.

Ông nói thêm: “Nhưng rồi Tướng Dư Quốc Ðống biết được, rầy tôi quá, bắt vào bệnh viện Ðỗ Vinh nằm. Rồi tôi gặp Bác Sĩ Kiều Quang Chẩn, ông giới thiệu tôi cho Giáo Sư Bạch ở Ðại Học Y Khoa ghép da và chữa hai bàn tay.”

Nhưng rồi cũng không được, rồi ông Triệu lại trở lại Tổng Y Viện Cộng Hòa, nhưng cũng không thành công, ông cho biết.

Cuối cùng, vận may đến với ông khi ông được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy.

“Ở đây có Trung Tâm Buarsky, chuyên giải phẫu da, vá môi, chữa phỏng. Cứ ba bốn tháng lại có bác sĩ của Mỹ qua giúp, cùng với sự kết hợp của Bác Sĩ Ðỗ Ngọc Thụ và Bác Sĩ Nguyễn Lập. Rồi sau đó tôi được Bác Sĩ Darkin chữa hai bàn tay lành lặn cho tới giờ,” ông Triệu kể.

Sau đó, theo lời kể của ông Triệu, đáng lẽ ông được giải ngũ, nhưng Trung Tướng Dư Quốc Ðống giữ ông lại làm việc ở Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn Nhảy Dù, trong vai trò sĩ quan an ninh trại Hoàng Hoa Thám, rồi làm sĩ quan chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Tổng Hành Dinh, rồi sĩ quan phụ tá Phòng Một.

Sau khi cuộc chiến kết thúc, ông Triệu khăn gói lên đường “học tập cải tạo” tại Long Khánh, Tân Hiệp, Trần Phú và Kiên Thành ở Yên Bái, Thác Bà ở Hà Tuyên, Tân Lập ở Vĩnh Phú, và Z30 D ở Xuân Lộc, trong 9 năm trời.

nguyenvantrieu 2Ông chủ nhà hàng “#1 Restaurant” từng đổ máu ở chiến trường Hạ Lào năm 1971. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Năm 1992, người sĩ quan khóa 19 trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam sang Hoa Kỳ định cư theo chương trình HO 11.

Bây giờ ở Mỹ, làm chủ một nhà hàng nổi tiếng ở Little Saigon, cuộc sống coi như ổn định ở tuổi quá “thất thập cổ lai hy,” người cựu chiến binh VNCH vẫn nhớ đến trận Hạ Lào ngày xưa.

Ông nói: “Dù 42 năm đã qua, điều tôi nhớ nhất là sự hy sinh của tất cả anh em quân đội. Dù biết vào nơi nguy hiểm, nhưng tất cả đều hăng hái, không sợ sệt gì cả.”

“Tôi còn nhớ một trận đánh bên Lào, tất cả bộ binh phải nhờ hỏa lực của pháo binh, nhưng pháo binh của chúng ta lại kém hơn địch. Thành ra phải nhờ thêm không lực Mỹ và VNCH. Có lúc không lực Mỹ từ chối yểm trợ, nhưng không lực Việt Nam thì luôn tiếp ứng ngày đêm,” ông Triệu nói.

Ông nhớ lại: “Có lần tôi thấy hai chiếc khu trục Skyrider của Không Quân VNCH không biết từ đâu đến yểm trợ. Dù bị phòng không địch bắn dữ dội, họ vẫn bay ở trên đầu chúng tôi. Rồi một chiếc bị bắn trúng, phi công nhảy dù ra, chiếc còn lại vẫn bay yểm trợ. Thấy tội anh em Không Quân quá. Ðây là hình ảnh tôi nhớ hoài.”

Mặt trận Hạ Lào, còn gọi là cuộc hành quân Lam Sơn 719, do QLVNCH thực hiện vào mùa Hè năm 1971, với sự yểm trợ của quân đội Mỹ, nhằm phá vỡ hệ thống hậu cần của quân đội Bắc Việt và cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh tại thị trấn Tchepone, Lào, cách biên giới Việt Nam 42 cây số về phía Tây.

Sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, khi lên Sài Gòn học trung học, chàng thanh niên Nguyễn Văn Triệu học trường Petrus Ký. Ðến năm 1962, ông vào trường sĩ quan và chiến đấu cho đến ngày cuối của cuộc chiến.

Trước trận Hạ Lào, Thiếu Tá Nguyễn Văn Triệu từng bị thương ở Bồng Sơn-Tam Quan năm 1965.

“Ðáng lẽ lúc đó tôi được giải ngũ, nhưng Tướng Ðống hỏi 'Bộ nhát hả?' thế là tôi đi tiếp,” ông Triệu chia sẻ.

Khi được hỏi về cuộc chiến đã qua và đất nước hiện tại, cựu chiến binh Nguyễn Văn Triệu nói: “Tiếc là phần đất của VNCH đã mất đi, trong khi mình không làm gì được. Thấy cũng buồn khi những người cầm quyền không làm gì cho dân, trong khi đất nước mất dần. Thấy buồn cho thân phận người dân, còn mình thì sức tàn lực kiệt.”

Trở lại nhà hàng “#1 Restaurant,” cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Triệu chia sẻ: “Khách đến quán đa số là bạn bè, anh em và đồng hương vào ăn ủng hộ. Tôi chỉ ra phụ vợ, và chở vợ đi chợ khi cần.”