“Chúng ta đã làm những gì trong khả năng cho đất nước. Chúng ta bỏ quê hương ra đi là vì tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Nếu như chúng ở lại, CSVN cũng đã kỳ thị, vì coi chúng ta là ngụy quân, ngụy quyền, không được đi học. Nếu có học xong, cũng chẳng có công việc làm,”

nganhang pt nongnghiep 1
MC Cao Hồng (trái) và ông Huỳnh Thanh Thọ, trưởng ban tổ chức, trong buổi hội ngộ tại Seafood World Restaurant, CA. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Lần đầu tiên tại Nam California, buổi họp mặt cựu nhân viên và các thân hữu Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp thời VNCH diễn ra vào 11 giờ sáng Chủ Nhật, 4 Tháng Chín tại nhà hàng Seafood World, Westminster, CA.

“Chúng tôi ao ước từ lâu được có ngày xum họp gia đình Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp như hôm nay để mọi người có dịp hàn huyên, xem ai còn ai mất,” ông Huỳnh Thanh Thọ, trưởng ban tổ chức, mở đầu diễn văn khai mạc.

Ông cho biết Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp được thành lập từ năm 1965, với chi nhánh trên khắp các tỉnh miền Nam Việt Nam. Ngân hàng còn bảo trợ đầu tư vào khu vực tư nhân, phát triển hệ thống ngân hàng nông thôn.

“Sau 41 năm, trải qua bao thay đổi, dưới sự lãnh đạo của ông Tổng Giám Đốc Nguyễn Đăng Hải và ông Phó Tổng Giám Đốc Trương Quang Cảnh, chúng ta cống hiến khả năng và nhiệt huyết của một thời trai trẻ. Nhưng sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, chúng ta tan tác theo vận nước, phải đi khắp nơi,” ông nói thêm.

Tiếp theo là phần phát biểu của ông Nguyễn Đăng Hải, tuổi ngòai 90, người anh cả của các cựu nhân viên ngân hàng, từ Maryland đến tham dự.

“Tôi cảm thấy rất hạnh phúc được họp mặt với một số lớn các anh em, người nào trẻ lắm cũng ở tuổi thất thập cổ lai hy. Có người còn cao tuổi hơn nữa, như anh Trương Như Sáu, kiểm soát viên Ngân Hàng Phát Triển Đà Nẵng, nay tuổi đã 94,” vị cựu tổng giám đốc nói, giữa tiếng vỗ tay tán thưởng người bạn cao niên nhất.

nganhang pt nongnghiep 2
Ban tổ chức (đứng hàng sau) và hai cựu lãnh đạo Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, ông Trương Quang Cảnh (trái), phó tổng giám đốc và ông Nguyễn Đăng Hải, tổng giám đốc. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt.

“Cũng có người dù muốn cũng không thể đến với chúng ta được, vì lý do sức khỏe. Tiện đây tôi cũng có đem theo một ít sách hồi ký, tựa đề ‘Get Up One More Time,’ do tôi viết bằng tiếng Anh, xuất bản năm 2007, xin dành tặng các bạn. Ai muốn chữ ký tác giả, xin gặp tôi. Thân chúc mọi người nhiều sức khỏe,” ông Hải nói.

Nhân vật lãnh đạo thứ hai của ngân hàng là Tiến Sĩ Trương Quang Cảnh. Năm nay ông đã 80 tuổi, từ Phillippines qua tham dự.

“Chúng ta đã làm những gì trong khả năng cho đất nước. Chúng ta bỏ quê hương ra đi là vì tương lai của thế hệ con cháu chúng ta. Nếu như chúng ở lại, CSVN cũng đã kỳ thị, vì coi chúng ta là ngụy quân, ngụy quyền, không được đi học. Nếu có học xong, cũng chẳng có công việc làm,” ông nói.

Trước đó, sau phần nghi lễ chào cờ và mặc niệm, ông Đoàng Ngọc Đông, phụ trách tổng quát, giới thiệu và chào mừng quan khách.

Phần văn nghệ được tiếp nối với tiếng hát Kim Loan, phu nhân ông Đoàn Ngọc Đa, với bài “Quê Hưong Tuổi Thơ Tôi” của Từ Huy.

Với giọng Huế ngọt ngào, ca sĩ Ngọc Thủy trình bày bài “Huế Xưa.” Tiếp theo là giọng ngâm thơ của nữ nghệ sĩ Bích Thuận qua bài thơ “Mối Tình Đầu Của Tôi” của Nguyễn Trung Quân, với tiếng sáo của nghệ sĩ Ngọc Nôi phụ họa.

Chương trình văn nghệ tiếp theo với nhiều giọng hát cây nhà lá vườn đem lại không khí vui nhộn. Có người nâng ly, chúc nhau sức khỏe; có người vội ghi chép địa chỉ và số điện thoại của những người bạn gặp lại sau hàng chục năm xa cách.

nganhang pt nongnghiep 3
Bà Ngân Hà (trái) thuộc ban tiếp tân và một đại diện Việt Nam Thương Tín (giữa), ngân hàng bạn, trong phần tự giới thiệu. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông Mai Trọng Lý, một người tham dự, cư dân Santa Ana, chia sẻ: “Tôi là phó chủ tịch Ngân Hàng Nông Thôn Bửu Sơn ở Phan Rang năm 1970. Sau hiệp định Paris, mỗi tỉnh của VNCH có một ngân hàng phát triển nông nghiệp. Mỗi quận có một ngân hàng phát triển nông thôn.”

Ông Nhân Hoàng, 81 tuổi, tâm sự: “Xưa tôi chỉ làm thư ký tại Phủ Tổng Ủy Hợp Tác Xã và Nông Tín năm 60-63. Sau đó nhập ngũ Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức.”

Bà trần Thị Nhị, 84 tuổi, cư dân Santa Ana, cho biết: “Xưa tôi làm trưởng phòng xã hội của Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp từ 1955 đến 1975. Lúc đầu ngân hàng được gọi là Quốc Gia Nông Tín Cuộc rồi Phủ tổng Ủy Hợp tác Xã và sau cùng là Ngân Hàng Phát Triển Nông Ngiệp.”

Mời độc giả xem thêm video: Đang ngồi nhậu bị rắn lục cắn vào lưỡi

“Tôi nhớ chính phủ VNCH ký một nghị định cho 15 nhân viên được học bổng học ba năm, lãnh lương $3,950/tháng, trong thời gian đi học. Tôi được chọn và dớ dẩn làm sao, tôi chọn làm ngân hàng,” bà Nhị cười, nói.

Bà Nguyễn Thị Bích Thu, đứng gần đó, được giới thiệu là người học nhiều nhất, đến từ Virginia.

“Tôi làm ngân hàng ở Việt Nam 15 năm, từ 1960 đến 1975. Hết học Trưng Vương, tôi đi học trường đại học Luật Khoa, ra trường. Sau 30 Tháng Tư, 75, tôi qua Mỹ tôi học ngành kế toán rồi lấy bằng kế toán chuyên nghiệp (CPA),” bà Thu nói.

MC Cao Hồng cho biết ông tốt nghiệp khóa 3 Tham Vụ Ngân Hàng, làm việc phòng hành chánh pháp chế, cho biết số cựu nhân viên ngân hàng tham dự khoàng hơn 100 người.

“Số các bạn ở xa là khoảng 30 người, San Jose về 15 người. Ngòai ra, còn một số về từ Sacramento, Oregon, Texas, Virginia và có cả người từ Philippines và Việt Nam sang,” ông nói.

Theo cuốn sách của tác giả Nguyễn Đăng Hải, trước năm 1975, Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp có trụ sở chánh tại số 7 Bis Bến Chương Dương, Sài Gòn, cách Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam không bao xa. Ngoài 48 chi nhánh hoạt động tại các tỉnh và quận, còn có 86 ngân hàng nông thôn tư nhân, hoạt động ở vùng quê dưới thời VNCH.

Với viện trợ dồi dào của Hoa Kỳ, Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp trợ giúp cho nông dân, những người phải bỏ nghề nông tại các vùng bị chiến tranh tàn phá, vì không còn ruộng đất và vốn liếng để xây dựng lại. Nhờ được vay vốn từ những ngân hàng này và với chính sách điền địa của các chính phủ miền Nam Việt Nam, nông dân đã phục hồi được nền nông nghiệp, trở nên một trong những quốc gia xuất cảng gạo nhiều nhất thế giới.