... môn võ Aikido là một bộ môn võ thuật tự vệ, tự luyện ý chí với triết lý hòa bình hướng về một cuộc sống thanh cao, lành mạnh.

Sáng hôm Chủ Nhật 17 Tháng Hai, Chưởng Môn Võ Sư Ðặng Thông Phong đã cùng các võ sư và môn sinh phái võ Aikido Việt Nam làm lễ trọng thể kỷ niệm 45 năm thành lập Tổng Cục Tenshinkai Aikido tại hí viện Saigon Performing Arts Center trong thành phố Fountain Valley.

aikido 1Màn trống thúc đẹp mắt của các võ sinh Aikido khai mạc buổi lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Tenshinkai Aikido. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðến tham dự, ngoài hàng trăm các võ sư, môn sinh của võ đường Aikido cùng gia đình, còn có nhiều vị dân cử như nghị sĩ tiểu bang California Lou Correa, thị trưởng thành phố Westminster Tạ Ðức Trí, đại diện giám sát viên quận Cam Janet Nguyễn là ông Trần Ðình Thức và nhiều võ sư thuộc các môn phái bạn.

Ngỏ lời trước quan khách và thân hữu, Võ Sư Chưởng Môn Ðặng Thông Phong đã bày tỏ lòng tri ơn đến mọi người đã lưu tâm đến võ học trong đó có Aikido. Trong dịp này võ sư Phong đã nhắc lại thời gian ông được Sư Tổ trao truyền trách nhiệm phổ biến môn võ học này tại Việt Nam được sư tổ đặt tên cho là Tenshinkai Aikido, ông đã phải trải qua bao gian lao, khó nhọc để được nhận lãnh nhiệm vụ cao quí này.

Với lời lẽ và phong thái thật ôn nhu, không một nét võ biền nào, võ sư Ðặng Thông Phong đã thu hút được lòng cảm mến của tất cả mọi người có mặt qua những tràng vỗ tay nồng nhiệt sau những giai đoạn thụ huấn mà ông vừa kể.

Tiếp ngay sau đó võ sư điều khiển chương trình đã lược kể những giai đoạn của Aikido tại Việt Nam.

Aikido du nhập vào Việt Nam khoảng năm 1958 nhờ công lao của ông Ðặng Thông Trị, anh ruột của võ sư Ðặng Thông Phong. Cho đến năm 1964, Aikido vẫn còn là môn võ xa lạ với người Việt vì chưa có nhiều võ đường và thiếu thầy dậy. Nhưng sau năm 1964, khi ông Ðặng Thông Trị rời nước giao quyền cai quản lại cho người em là Ðặng Thông Phong thì từ đó Aikido được phát triển dần lên từ lớp môn sinh của ông Ðặng Thông Trị cùng nỗ lực phát triển môn phái võ này của ông Ðặng Thông Phong cho tuổi trẻ Việt Nam lúc bấy giờ.

Trong khi phát triển môn võ học này, ông Ðặng Thông Phong nhận thấy cấp Ðai Ðen Nhị Ðẳng của mình chưa đủ uy tín để lãnh đạo được môn phái nên ông đã xin xuất dương sang Nhật tìm đến Humbu Dojo, cái nôi của Aikido thế giới, tầm sư học đạo và ông đã được truyền thụ từ hai cao thủ Aikido Nhật Bản là Ueshiba Morihei, tổ sư môn phái Aikido và Ueshiba Kisshomaru. Ông đã đạt được thành tích thi lên Ðệ Tam Ðẳng. Ðầu năm 1968, ông Ðặng Thông Phong nhận được văn bằng Tam Ðẳng từ Tổng Ðàn Aikikai và một ủy nhiệm thư do Tổ Sư Ueshiba ký chính thức ủy quyền cho ông phát triển Aikido trên toàn cõi Việt Nam trong tinh thần thương yêu và hòa bình. Từ đó tên Tenshinkai là tên chi bộ Aikido ở Việt Nam do Tổ Sư đặt cho là tên gọi môn phái Aikido Việt Nam. Và cũng từ đó các võ đường Aikido Việt Nam được hình thành và phát triển dưới sự cho phép hoạt động chính thức của Bộ Nội Vụ VNCH cho đến Tháng Tư năm 1975. Năm 1985, võ sư Phong qua Mỹ đoàn tụ gia đình, đã hăng hái trở lại môn phái, thu nhận môn sinh, liên lạc lại với Tổng Ðàn Aikido thế giới để phục hồi Aikido Việt Nam từ trong ra đến ngoài nước.

aikido dangthongphongVõ sư Ðặng Thông Phong (phải) nhận bằng khen của thành phố Westminster từ Thị Trưởng Tạ Ðức Trí. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trong câu chuyện với chúng tôi Võ Sư Chưởng Môn Aikido Việt Nam Ðặng Thông Phong cũng cho biết, trước năm 1975 ông đã được động viên vào Quân Ðội VNCH, cấp bậc trung úy trong Tổng Hội Võ Thuật Quân Ðội và phục vụ tại nhiều đơn vị như trường Bộ Binh Thủ Ðức, Sư Ðoàn 18 Bộ Binh, trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, Trung Tâm Huấn Luyện Nữ Quân Nhân... Sau một thời gian không được hoạt động ở trong nước, nay ra đến hải ngoại, võ sư Ðặng Thông Phong đã dồn hết sức mình để tái lập lại môn phái Aikido Việt Nam tại hải ngoại (25 năm qua) và giúp đỡ các môn sinh còn ở trong nước phát triển lại các võ đường Aikido Việt Nam.

Ðề cập đến nội dung của môn võ Aikido, võ sư Ðặng Thông Phong nhấn mạnh: “Aikido là môn võ tự vệ, không phải là môn võ tấn công. Học Aikido là luyện cho cái tâm mình được ôn nhu hòa nhã để loại trừ tất cả những sự tấn công đến với mình mà mình không tấn công ai, không sát hại ai, không làm bị thương ai mà chỉ để hóa giải tất cả những sự tấn công đến với mình mà thôi. Tóm lại môn võ Aikido là một bộ môn võ thuật tự vệ, tự luyện ý chí với triết lý hòa bình hướng về một cuộc sống thanh cao, lành mạnh. Chính vì những ý nghĩa này mà Aikido đã thu hút được sự chú tâm của nhiều người, nhiều giới trong xã hội từ giáo sư, bác sĩ, văn nghệ sĩ cho tới anh chị em học sinh và nhân dân lao động”.

Giới võ học Việt Nam thường dịch môn võ Aikido là Hiệp Khí Ðạo lấy từ tinh thần của môn võ. Hiệp là Hòa Hợp, Khí là Thể của Chất và Ðạo là con đường. Hiệp Khí Ðạo là con đường để ta đi đến sự hòa hợp tinh thần cũng như thể chất giữa mình và đối thủ. Hiệp Khí Ðạo Aikido là một môn võ của Nhật mà Tổ Sư Ueshiba Morihei đã lập ra gạn lọc những tinh hoa từ các môn phái khác của Judo, Jujitsu, Kenjitsu (kiếm thuật) và Sojitsu (Thương thuật) trong một tinh thần võ học ôn nhu hòa nhã.

Tổng kết qua 45 năm Aikido đến Việt Nam và đã trở thành một môn võ quen thuộc với nhiều người dân Việt, võ sư Ðặng Thông Phong ước tính Aikido Việt Nam đã truyền thụ được trên 20,000 môn sinh thuộc các cấp, các đẳng.

Trong lần kỷ niệm năm nay, Aikido Thế Giới cũng cử võ sư Mori đến để trao bằng Cao Ðẳng Ðai Ðen cho các môn sinh từ cấp I (Cao nhất) đến cấp 5.

Nhận định về võ sư Ðặng Thông Phong, võ sư cố vấn Tổng Cục Phát Triển Võ Thuật Việt Nam Tôn Thất Lăng nói: “Võ sư Phong là một con người đạo đức, phẩm hạnh, ông đã đóng góp nhiều công lao trong sự phát triển tinh thần võ học trong các thế hệ trẻ Việt Nam từ năm mươi năm nay”.