main billboard

“Hằng năm chúng tôi tổ chức Lễ Hiệp Kỵ Gia Long, cùng tưởng nhớ đến các Liệt Thánh và Tiên Ðế. Trong 200 năm, dòng họ Nguyễn Phước đã hy sinh ngai vàng, chịu tù đày biệt xứ, con cháu mãi mãi không bao giờ được trở về quê hương xứ sở.”


lehiepky gialong
Ban tế lễ niệm hương. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Hội Ðồng Hoàng Tộc Nguyễn Phước Hải Ngoại vừa tổ chức lễ hiệp kỵ để tưởng niệm và tỏ lòng tôn kính Ðức Thế Tổ Cao Hoàng Ðế Gia Long, các đấng Tiên Ðế và Liệt Thánh, vào chiều Chủ Nhật, 5 Tháng Ba, tại nhà hàng Seafood World, Westminster.

Trong phòng tế lễ, giữa là ngai vàng tượng trưng cho triều đại nhà Nguyễn, hai bên là bàn thờ và bài vị “Liệt Thánh Tiên Ðế Chi Linh Vị.”

Hai bên tường là những sắc chỉ của các vị vua Gia Long, Thiệu Trị, Tự Ðức, Khải Ðịnh, cùng di ảnh của các vua Gia Long, Thành Thái, Duy Tân, Bảo Ðại, Hoàng Hậu Nam Phương, và Thái Tử Bảo Long. Trong tiếng chiêng trống vang rền, ban tế lễ trong lễ phục áo dài khăn đóng phủ phục lễ bái.

Ông Nguyễn Phước Ái Ðỉnh, phó chủ tịch điều hành hội đồng hoàng tộc, nói: “Hằng năm chúng tôi tổ chức Lễ Hiệp Kỵ Gia Long, cùng tưởng nhớ đến các Liệt Thánh và Tiên Ðế. Trong 200 năm, dòng họ Nguyễn Phước đã hy sinh ngai vàng, chịu tù đày biệt xứ, con cháu mãi mãi không bao giờ được trở về quê hương xứ sở.”

“Hôm nay, do định mệnh của đất nước, chúng ta lại ly hương trên 41 năm. Ở hải ngoại, bà con Nguyễn Phước Tộc tiếp tục tìm lại nhau, thành lập Nguyễn Phước Tộc Hải Ngoại, xin bà con tiếp tục ủng hộ để tạo một đại gia đình cùng huyết thống, đùm bọc giúp đỡ nhau,” ông nói tiếp.

Tiếp theo, ông giới thiệu một công trình nghiên cứu về lịch sử cận đại Việt Nam, quyển sách “Bảo Ðại-Trần Trọng Kim và Ðế Quốc Việt Nam,” do Giáo Sư Phạm Cao Dương dày công nghiên cứu, vừa hoàn tất.

Giáo sư giải thích hai chữ “Ðế Quốc” trong tựa sách không mang một ý nghĩa xấu, mà bao hàm ý nghĩa đẹp để chỉ một vùng đất, một đất nước có nhiều chủng tộc khác nhau, gồm có người Kinh, người Thượng, và các sắc tộc thiểu số khác ở dọc theo biên giới Việt Nam-Trung Quốc, sống chung với nhau một cách hài hòa, trong tinh thần hòa thân rất đẹp, và sống dưới sự cai trị của một vị hoàng đế Việt Nam, đơn giản là như vậy.

Theo ông, danh xưng “Ðế Quốc Việt Nam” đã được chọn làm quốc hiệu chính thức của nước Việt Nam, lần đầu tiên được độc lập dưới thời Hoàng Ðế Bảo Ðại và chính phủ Trần Trọng Kim, sau 80 năm Pháp thuộc.

Giáo sư cũng cho biết trong quyển sách này, ông dựa vào những tài liệu lịch sử, báo chí đương thời đã viết, và cách trình bày cuốn sách chú trọng đến 100 ngày cuối cùng của thành phố Huế, được coi là kinh đô của cả nước Việt Nam, gồm cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Nước Việt Nam thời đó đã thống nhất trên cả phạm vi tư tưởng và tình cảm.

Cuốn sách dày 782 trang, là một công trình biên khảo lịch sử công phu sau 22 năm miệt mài làm việc, hiện đang bán trên Amazon.

Sau đó, “Mệ” Bảo Ân, con trai út của cựu Hoàng Ðế Bảo Ðại, nói: “Thay mặt gia đình Hoàng Tộc, xin cảm ơn Hội Ðồng Hoàng Tộc Nguyễn Phước Hải Ngoại đã tạo điều kiện cho bà con hằng năm được họp mặt trong Lễ Hiệp Kỵ và mừng năm mới.”

“Ðặc biệt xin cảm ơn Giáo Sư Phạm Cao Dương và phu nhân đã bỏ rất nhiều công sức tìm tòi nghiên cứu, sưu tầm chứng liệu để viết nên sự thật của một giai đoạn lịch sử của đất nước. Giai đoạn này rất ngắn nên ít có người để ý tới, mà chính tác giả đã nhận xét đây là một trong những trang sử đẹp trong lịch sử Việt Nam,” ông nói thêm.

“Ðây là một giai đoạn đầu tiên nền quân chủ lập hiến của Việt Nam, dựa trên tinh thần ‘Dân Vi Quý’ (lấy dân làm gốc) của Hoàng Ðế Bảo Ðại, mà cuộc đời chính trị của ngài có rất nhiều oan khiên và ngộ nhận, nhưng ngài vẫn chọn lựa sự yên lặng cho đến lúc băng hà. Tôi hy vọng rằng một phần của sự thật lịch sử sẽ sáng tỏ. Nếu được như vậy, đó là niềm an ủi rất lớn cho gia đình,” ông nói tiếp.