main billboard

Trong vài tuần qua, một nghiên cứu được đăng trên tờ báo chính thức của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ (JAMA) báo động là tỉ số ung thư vú đã tăng nhiều hơn trong nhóm phụ nữ trẻ trong độ tuổi từ 15 đến 39.

kham ungthu vuTheo Bác Sĩ Rebecca Johnson người cầm đầu nghiên cứu này, cho biết, trong vòng từ 3 đến 4 thập niên (30-40 năm) vừa qua, tỉ số bị ung thư vú trong số các phụ nữ tuổi nhỏ hơn 40 đã tăng đều đặn từ 1.53/100,000 trong năm 1976 tới 2.9/100,000 trong năm 2009. Có nghĩa là gần gấp đôi. Con số tuy nhỏ, nhưng điều đáng ngại là, khi phụ nữ trẻ bị ung thư vú, thường là nặng hơn các bệnh nhân phụ nữ lớn tuổi, và tỉ lệ tử vong rất cao, chiếm khoảng 14% người chết vì ung thư trong tổng sổ các loại ung thư khác nhau ở lứa tuổi này.

Số liệu nói trên phản ánh cái nhìn ngược lại quá khứ, dựa trên các thống kê đã cũ. Còn nhìn tới và tổng quát thì xác suất bị ung thư vú trong độ tuổi dưới 40 thì như thế nào?

Một nghiên cứu năm 2008 cho biết, trung bình trong 173 người đàn bà trẻ hơn tuổi 40, có 1 người có thể bị ung thư. Trong khi đó tỉ số có thể bị ung thư vú cho phụ nữ Mỹ ở mọi lứa tuổi là 1 trên 8 (12%). Thí dụ dễ hiểu, nếu bạn đi ra shopping mall, ngồi nhìn các bà đi mua sắm, qua lại, cứ 8 người thì có một người, đã, đang, và có thể bị ung thư vú! Con số không phải là thấp.

Khoảng thời gian gần 4 thế kỷ vừa qua cũng là khoảng thời gian mà người Việt đến định cư tại Hoa Kỳ, nhiều nhất là tại quận Cam sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Một bé gái chào đời sau năm 1975 và lớn lên ở Mỹ, rõ ràng là một người Mỹ gốc Việt trong độ tuổi dưới 40! Câu hỏi được nêu ra ở đây là tỉ số bị ung thư vú trong phụ nữ Mỹ gốc Việt có cao như người bản xứ hay không?

Hiện nay vẫn chưa có một con số chính xác và cập nhật về tỉ số phụ nữ Mỹ gốc Việt bị ung thư vú.

Thật ra, khi biết mình bị đau yếu, ung thư, vô sinh hiếm muộn, hay các chứng bệnh nan y khác, bệnh nhân, không phân biệt màu da hay tuổi tác đều bị mặc cảm cô đơn, sợ bị ruồng bỏ, và dễ đi đến tuyệt vọng.

Trên cả mẫu số chung là sự phiền muộn, cộng đồng người Việt chúng ta còn có thêm yếu tố văn hóa và tôn giáo làm ảnh hưởng nhiều đến việc khai báo, truy tầm, định bệnh và chữa trị kịp thời. Dựa trên một bài báo đăng trên tờ Los Angeles Times (August 11, 2012), thì bệnh nhân Việt Nam khi bị ung thư thường cho là vì kiếp trước ở ác nên chịu hình phạt ở kiếp này. Vì thế khi biết mình có ung thư, phụ nữ Việt thường giấu kín, sợ bị chê cười. Ngoài ra vì sự khiêm cung và tế nhị của nền văn hóa Việt, ung thư vú thì gọi là ung thư “nhũ hoa” (flower bud) hay ung thư ngực. Trong khi, ung thư ngực có thể bao gồm nhiều loại ung thư khác nhau ở vùng ngực. Hơn thế, đa số phụ nữ gốc Việt trẻ tuổi có thể không còn hiểu ung thư “nhũ hoa,” ung thư “flower bud” là ung thư ở đâu cả!

Năm 2002, một nghiên cứu của trường Ðại Học Stanford, về xác suất bị ung thư vú của phụ nữ người Việt so với cư dân của các cộng đồng khác tại thành phố San Francisco, cho biết: xác suất bị ung thư vú của phụ nữ gốc Việt là thấp nhất, chỉ bằng 1/3 của người da trắng hay da đen. Trong khi đó các phụ nữ Mỹ gốc Á Châu khác có xác suất bị ung thư gấp đôi người Việt.

Tuy nhiên điểm dáng lưu ý là, các phụ nữ Á Châu này đều được sanh ra và lớn lên tại Mỹ. Xác suất bị ung thư vú của những người Mỹ gốc Á Châu này vẫn cao hơn xác suất bị ung thư vú của phụ nữ tại các nước như Trung Quốc, Nhật, Ðại Hàn, và Phi Luật Tân. Một nghiên cứu mới hơn, năm 2010, cho thấy xác suất bị ung thư vú trong cộng đồng người Mỹ gốc Á Châu tại vùng Bắc California, cũng tăng cao hơn so với 10 năm trước. Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ Việt ở Bắc Cali bị ung thư vú ở độ tuổi trung bình trẻ hơn các sắc dân khác.

Một số phụ nữ bị ung thư vú có thể mang một hoặc hai nhân di truyền (genes) BRCA1, hay BRCA2 trong DNA của họ. Vì thế khi biết mình có những genes này, một số phụ nữ đã tự nguyện chịu giải phẫu cắt bỏ đôi “nhũ hoa” trước khi ung thư phát tác. Năm 2011 một nghiên cứu của trường đại học University of Toronto, Canada cho thấy là con số phụ nữ trong nước Việt Nam có mang nhân di truyền ác độc BRCA1 hay BRCA2, thấp nhất thế giới!

Qua các nghiên cứu trên đây, chúng ta có thể rút tỉa được một nhận xét: tuy được ưu thế về yếu tố di truyền, là, người Á Châu nói chung có thể ít bị ung thư vú hơn phụ nữ các chủng tộc khác nhưng yếu tố môi trường và nề nếp sống cũng đóng phần quan trọng trong căn bệnh ung thư vú. Cộng đồng người Việt chúng ta, so với các cộng đồng người Á Châu khác vẫn còn non trẻ hơn, vì thế tỉ số bị ung thư vú có thể tạm thời thấp hơn, nhưng về lâu về dài, xác suất bị ung thư vú sẽ tăng dần, bắt kịp các sắc dân khác ở Mỹ.