Ðêm Văn Hóa Việt Nam lần thứ 35 tại USC

sinhvien vn usc 1LOS ANGELES (NV) - Ðêm Văn Hóa Việt thường niên tại trường USC vừa diễn ra tối Chủ Nhật có tên “Lên Tiếng,” với nội dung thể hiện sự khao khát của giới trẻ muốn được thay đổi tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Tiết mục múa truyền thống trong đêm văn nghệ Việt Nam lần thứ 35 tại USC. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Cách trung tâm Little Saigon gần 40 dặm về phía Bắc, trường đại học USC (University of Southern California) tuy không có đông học sinh Việt Nam bằng những đại học trong cùng khu vực, Hội Sinh Viên Việt Nam của trường vẫn duy trì hoạt động mạnh mẽ xuyên suốt 35 năm qua. Ðêm Văn Hóa Việt, một sinh hoạt truyền thống lớn nhất của hội, năm nay chọn đề tài đấu tranh cho nhân quyền ở Việt Nam làm chủ đề. Các sinh viên, có những em chưa bao giờ đặt chân đến quê hương của cha, của mẹ, nhưng vẫn muốn dùng tiếng nói của mình để tranh đấu cho Việt Nam.

Kịch bản chương trình quay quanh nhân vật nữ chính tên Christine (Vicki Chu sinhvien vn usc 2đóng), một cô gái làm trong ngành nghệ thuật, muốn dùng các tác phẩm của mình để phản đối chính quyền Việt Nam lấy ruộng đất của nông dân và áp bức những nhà tranh đấu. Nhiệt huyết của Christine, tuy được mẹ và ông ngoại hết sức ủng hộ, nhưng tất cả các sếp của cô từ chối. Hơn thế, họ la mắng Christine đã làm rối công ty với ý tưởng “điên rồ.”

Nhân vật Christine (phải) thuyết phục đạo diễn về kịch bản lên án chế độ cộng sản tại Việt Nam. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Cha của Christine, ông Brian (Cody Vũ đóng), là một người nhu nhược, nên tuy làm chung với con mình, ông đứng về phía quyền lợi trước mắt của công ty. Ông Brian cũng chung chạ với nhiều nữ nghệ sĩ đồng nghiệp, bao gồm người con gái của giám đốc công ty, tên Kim (Karen Dang đóng). Việc ngoại tình của ông Brian cuối cùng đến tai vợ ông, LiLy (Ruth Lê đóng), khiến cho gia đình tan đàn xẻ nghé. “Họa bất trùng lai,” công ty với quá nhiều rắc rối nội bộ đi tới bờ vực đóng cửa.

Dù thất bại hết lần này đến lần khác, Christine vẫn không ngừng tìm kiếm một sinhvien vn usc 3công ty dám đưa ý tưởng của cô lên sân khấu. Cuối cùng, một nghệ sĩ giàu có và nổi tiếng với sự tranh đấu cho Việt Nam, bà Ngọc Lan (Khanh Dương đóng), đứng ra bảo trợ cho Christine. Bà mua luôn công ty cũ của Christine khi họ sắp phá sản.

Christine nay là đạo diễn cho các chương trình văn nghệ đầy ý nghĩa, cổ động, bảo vệ cho những con người tại Việt Nam hiện bị áp bức dưới chế độ cộng sản. Kết thúc của câu chuyện, tuy không có hậu cho một số nhân vật như ông Brian, nhưng khép lại với sự thành công của Christine và niềm tự hào hạnh phúc của bà LiLy, là một kết thúc thể hiện sức mạnh của chính nghĩa.

Một màn trình diễn của nam nữ sinh viên Việt trường USC. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Kịch bản được chuyển tải đến người xem kèm theo những lời ca, tiếng hát, và cả đọc thơ. Sự đa dạng giúp nhẹ nhàng hóa thông điệp đấu tranh, vốn dĩ “nặng” hơn nhiều so với các chủ đề thông thường của một đêm văn hóa do sinh viên tổ chức. Bên cạnh đó, những màn ca múa góp phần thể hiện nét Việt Nam, cũng như gửi sinhvien vn usc 4gắm nỗi niềm của các bạn trẻ trường USC. Khán giả vỗ tay không dứt với bài thơ đầy nhiệt huyết của Andrew Trần, hay khi dàn đồng ca hát bài “Triệu Con Tim.”

“Từ phương xa nhìn về quê hương. Ðất nước tôi sau bốn ngàn năm. Ải Nam Quan, nay không còn, Hoàng-Trường Sa, nay không còn. Mẹ Việt Nam ơi...” Từng từ, từng ngữ trong lời bài hát của nhạc sĩ Trúc Hồ được những sinh viên USC cất lên, tuy đôi khi không được phát âm chuẩn xác vì tiếng Việt còn lơ lớ của các em, đánh động lòng từng khán giả.

Một sinh viên trong nhóm dàn đồng ca trình diễn bài hát “Triệu Con Tim.” (Hình: Thiên An/Người Việt)

Khán giả có thể thấy được sự cố gắng Hội Sinh Viên Việt Nam tại USC trong việc mang lên sân khấu đề tài nhân quyền Việt Nam, một đề tài có thể nói là lớn hơn nhiều cho khả năng nghệ thuật của một nhóm sinh viên nhỏ.

Sau hơn hai tiếng đồng hồ khán giả được đắm chìm trong câu chuyện “Lên Tiếng,” buổi biểu diễn khép lại trong tiếng vỗ tay không ngớt, vừa khen ngợi tài năng trình diễn của các sinh viên trường USC, vừa là cổ vũ cho tinh thần tranh đấu của những thanh niên gốc Việt này.