Được thành lập cách đây 60 năm, Trung Thu không phải là ngôi trường mà ai ai cũng biết đến, vì những lý do rất riêng của nó.


truong trungthu 1
Thầy trò trường trung tiểu học Trung Thu trong ngày Hội Ngộ 2017. (Hình: Minh Phú/Người Việt)

ANAHEIM, California (NV) – Tối Thứ Bảy, 10 Tháng Sáu, nhà hàng Golden Sea ở thành phố Anaheim, miền Nam California, trở thành nơi chứng kiến cuộc hội ngộ ấm cúng của thầy trò trường trung tiểu học Trung Thu, một ngôi trường đặc biệt dành cho con em Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, mà nay đã không còn hiện hữu.

Được thành lập cách đây 60 năm, Trung Thu không phải là ngôi trường mà ai ai cũng biết đến, vì những lý do rất riêng của nó.

Thế nên, sau khoảnh khắc tay bắt mặt mừng, sau những bài hát “làm nóng lên” bầu không khí hội ngộ, thầy Lê Trần Đức, cựu giáo viên lý hóa, giúp mọi người ôn lại lịch sử của ngôi trường được xem là “đứa con độc nhất của Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia VNCH.”

“Tôi nhớ vào Tháng Tám, 1957, trường tiểu học Trung Thu ra đời trong khuôn viên Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, chỉ gồm có các lớp tiểu học mà thôi. Nhưng với sự tiến triển không ngừng theo nhu cầu, số các lớp học tăng dần, và có đà tiến lên những lớp bậc cao hơn. Vì thế trường Trung Thu được chuyển về khu đất rộng lớn hơn trên đại lộ Thành Thái ở quận 5, Sài Gòn, và cũng từ đó tên trường được gọi là trường trung tiểu học Trung Thu,” thầy Đức nhắc lại.

Cũng theo ông, “trường Trung Thu trưởng thành từng bước rất lạ lùng. Nào là hình thức tự túc, nào là qui chế tư thục và bán công, rồi chuyển dần sang qui chế công lập, với thành phần giáo chức ban đầu toàn là nhân viên biệt phái từ Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, rồi tiếp sau đó là đội ngũ giáo viên được bổ nhiệm từ Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Trường dần dần lớn mạnh và đem lại nhiều thành quả đáng kể.”

Thầy Đức từ trường trung học Kiến Hòa, được chuyển về dạy ở trường Trung Thu từ năm 1971 cho đến ngày trường bị “xóa sổ” năm 1975.

“Điều tôi nhớ về trường nhất về ngôi trường này là khi tôi vượt biên năm 1980, được một tàu chở dầu của Nhật vớt và họ cho tôi định cư ở Nhật. Nhưng vì nhu cầu gia đình, còn phải nghĩ đến việc bảo lãnh vợ con ở Việt Nam qua, mà ở Nhật thì không có chương trình đoàn tụ, chỉ Mỹ mới có. Thành ra tôi chỉ muốn qua Mỹ. Khi đó tôi mới khai tôi là cựu nhân viên Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia, vì vậy họ đưa tôi qua Mỹ, có vậy tôi mới có thể thực hiện ước mơ của mình,” thầy Đức kể.

Tham dự buổi hội ngộ cùng thầy xưa bạn cũ, chị Trần Xuân Phương, hiện sống ở Garden Grove, nhớ “thời học ở trường Trung Thu rất vui.”

“Nhớ nhất về trường là phải nhớ bà nhớ cô hiệu trưởng Lý Thị Minh Nguyệt rất là kỷ luật, nhớ chuyện học thêu thùa, học Hán văn,” chị Xuân Phương nhớ chuyện ngày xưa.

Chị kể bằng giọng sôi nổi, “Thời đi học tụi mình cũng ‘quậy’ quá trời luôn. Con gái mà cũng chơi u, mặc áo dài trắng mà cột lại nhảy lên bàn chơi u chứ không phải chơi dưới đất đâu. Rồi cũng có khi bị té rách áo, trong trường không bị la nhưng về nhà thì bị đòn.”

Chị cho biết, “Qua Mỹ, mình cũng có ý định tìm lại bạn cũ nhưng tìm không ra, cho đến khi thấy có bài báo viết về buổi hội ngộ của trường Trung Thu cách đây vài năm. Mình vào trang web trường, nhìn thấy hình ảnh một số bạn bè cũ, mừng quá.”

“Mình có người bạn thân là Minh Nga. Năm 1975, khi cô còn đang học luật thì mình đã theo chồng ‘bỏ cuộc vui.’ Đến thời điểm Tháng Tư, 1975, theo lời chồng, mình ẵm con từ tỉnh về Sài Gòn trước. Khi đó có đến thăm Nga. Rồi bặt tin nhau. Cho đến khoảng năm 2000, lần đầu tiên gặp lại ở Mỹ, cô mới nói hình ảnh mình ẵm đứa con, mặt buồn thiệt là buồn ở lần gặp gỡ sau cùng đó cứ ám ảnh, day dứt cô mãi, không biết là mình giờ ra sao. Thành ra, sau 25 năm gặp lại, qua lần Hội Ngộ Trung Thu, mừng không thể tả, mà bạn bè nào có ở đâu xa, cũng chỉ lòng vòng ngay Bolsa, người ở thành phố Westminster, người ở Garden Grove, vẫn cứ nghĩ về nhau, mà lại chẳng nhận được tin nhau,” chị Xuân Phương bồi hồi nhớ.

Anh Huỳnh Quốc Việt, học ở trường Trung Thu từ năm 1967, ra trường năm 1974, chính là một trong những người đầu tiên “gom góp” thầy cô, bạn cũ về để tổ chức họp mặt từ lần đầu tiên vào năm 2000, cũng như lập trang web trungthu.com vào năm 2003.

truong trungthu 2
Cô hiệu trưởng Lý Thị Minh Nguyệt (phải) chính là “kỷ niệm đáng nhớ nhất” của hầu hết học sinh trường trung tiểu học Trung Thu ngày nào. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Kỷ niệm đáng nhớ nhất của anh Việt về ngôi trường Trung Thu cũng là kỷ niệm về “bà hiệu trưởng rất là khó khăn với học trò.”

“Thời học trò, đứa nào mà không phá. Tôi nhớ có đứa bạn ngồi gác chân lên ghế, đôi dép kê bên dưới. Một đứa khác đá đôi dép văng xuống lầu. Ngay lúc cô hiệu trưởng đi đến, đôi dép rớt ngay trước mặt cô. Cô nói thầy giám thị tìm đứa học trò nào thiếu chiếc dép, kêu lên gặp cô. Kết quả là thằng bạn đó bị đuổi học ba ngày, đứa đẩy chiếc dép bị đuổi học bảy ngày. Nhớ lại còn quá sợ kỷ luật của cô luôn,” anh Việt kể.

Anh tiếp, “Bản thân tôi cũng từng bị cô hiệu trường ‘sởn’ tóc vì tội để tóc dài nè. Lúc đó thật lòng mà nói là ghét cô lắm. Nhưng sau này lớn lên ngẫm nghĩ lại mới thấy thương cô, nhờ cô khó khăn vậy mà đám học sinh quậy phá tụi này mới thi đậu tú tài đầu tiên của hệ thống IBM, tức năm đầu tiên thi tú tài bằng máy điện toán, mà lúc đó thi rất là khó.”

Từ Paris, anh Dương Ngọc Hạnh cũng về tham dự Trung Thu Hội Ngộ 2017 lần đầu tiên cùng bạn bè sau 43 năm rời trường, từ năm 1974.

Anh Hạnh cho biết, “Tôi học ở trường Trung Thu từ mẫu giáo đến lớp 12, tất cả là 13 năm, người ta học 12 năm, tôi học 13 năm vì ở lại năm mẫu giáo, học từ khi trường còn lụp xụp cho đến khi trường xây lên tươm tất đàng hoàng khang trang.”

“Tôi thì hiền, chỉ lo học mà không dám nghĩ gì khác hết. Nhưng đã là thanh niên thì ai mà không để ý đến chuyện ‘cua gái.’ Nhưng chỉ là những mối tình học trò cùng trường thôi,” người học trò “hiền” năm nào kể lại một cách vui vẻ.

Tuy nhiên, khi hỏi anh Hạnh, người sang Pháp định cư từ năm 1983, rằng, có gặp lại “cố nhân” nào trong lần hội ngộ này không, anh khẳng định là “không” dù cũng có để mắt tìm.

Từ miền Bắc California, chị Phạm Thị Như Mai cũng mang theo nỗi nhớ bạn cũ trường xưa để về dự hội ngộ.

“Tôi học ở trường Trung Thu từ lớp 6 đến lớp 12, nên cũng rất nhiều điều để nhớ, mà nhớ nhất là bà hiệu trưởng rất là khó, nhớ con gái đi học mặc áo dài bắt buộc phải mặc áo lá ở trong, và không được để móng tay dài. Nhớ cô hiệu trưởng bắt để bàn tay lên bàn để bà đi đến xét, nếu thấy dài là gõ tay, bắt cắt, lúc đó ghét bà lắm, nhưng giờ thì nhớ thương cô,” chị Như Mai tâm sự

Cũng theo chị Mai, “Mỗi lần gặp lại bạn cũ vui lắm, mấy chục năm rồi, có bạn thì nhìn ra ngay với những nét ngày xưa, có bạn thay đổi chút chút nhưng rồi cũng nhận ra. Mỗi lần hội ngộ là nhắc lại kỷ niệm, bạn bè nhắc nhau điều này điều kia.”

Dĩ nhiên, trong ngày hội ngộ mà học trò cũ nào cũng nhắc tới kỷ niệm với “bà hiệu trưởng khó khăn” thì bà hiệu trưởng Lý Thị Minh Nguyệt không thể không có mặt để nghe học trò cũ “kể xấu mình.”

Từ Paris, cô hiệu trưởng trường Trung Thu, giờ đã ngoài 80 tuổi, bay qua Orange County để gặp lại những học trò nhỏ ngày nào.

Cứ nhìn hình ảnh “bà giáo già” có gương mặt thanh tú, sang cả, ánh mắt, nụ cười tỏa sáng ngồi đó, rồi hết “đứa” học trò này đến “đứa” học trò khác chạy đến vòng tay chào cô, nắm tay cô hỏi chuyện, mới thấy hết nghĩa tình thầy trò qua mấy mươi năm dâu bể vẫn không hề suy chuyển.

Sau những lời cám ơn ban tổ chức và những người tham dự, cô hiệu trưởng như tâm sự cùng học trò, “Sống đến từng tuổi này, tôi mới thấm thía và thấu hiểu hai chữ còn và mất. Tôi muốn kể câu chuyện còn và mất của trường trung học Trung Thu.”

Bà kể chuyện mỗi lần về Việt Nam, từ trên lầu của một ngôi nhà trên đường Trần Bình Trọng, bà nhìn sang đường Thành Thái, nơi có ngôi trường từng mang tên Trung Thu.

“Tôi biết là trường mình đã không còn, họ đã đập ngôi trường đi để xây dựng những thứ khác. Tôi biết ngôi trường của mình vĩnh viễn đã mất rồi, không còn gì nữa. Ngay lúc đó, tôi nghe trong bụng mình quặn đau,” bà hiệu trưởng bồi hồi.

Nhưng, như bà nói, “Đồng thời lúc đó bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về trong tôi. Nhớ lại lúc mới về trường thấy các em nhỏ chạy ngoài sân chơi, rồi thấy gà vịt, thấy đám nhỏ thấy thương. Nhớ lần đầu tiên về dạy, vô lớp điểm danh xong, vừa quay lên bảng viết, lúc ngó xuống tụi nó chui đi chơi hết nửa lớp rồi. Nhưng tụi này tui hỏng dám rầy vì tui nó là con em cảnh sát, ba nó có súng đó, nên không dám rầy. Rồi tôi thấy nhiều kỷ niệm mà không sao quên được, có em tưởng bị cha mẹ bỏ quên trong trường không đón, nhưng sau mới biết vì ba nó phải ở nhà để lo tang cho mẹ nó. Bao nhiêu là kỷ niệm dồn dập…”

“Những kỷ niệm đó không khi nào quên được. Trường mất nhưng kỷ niệm còn. Nhìn học trò mình nay nên người, thành công nơi xứ người, mình không có cảm thấy hổ thẹn. Ý nghĩa mất và còn là như thế,” bà hiệu trưởng kết luận.

Điều bà hiệu trưởng Lý Thị Minh Nguyện nói, cũng là tâm tình của thầy Lê Trần Đức, “Sau 1975, trường giải tán, thầy trò phân tán khắp bốn phương trời. Nhưng trường trung tiểu học Trung Thu vẫn nối kết được với nhau qua những buổi họp mặt hằng năm. Dù bị giải tán nhưng trường vẫn còn lại mãi mãi trong tâm tưởng chúng ta.”

Buổi hội ngộ hai năm một lần của cựu học sinh trường Trung Thu, ngôi trường không còn hiện diện trên mặt đất, tưởng chừng như cứ kéo dài mãi không dứt với những bài hát, bài múa của thầy cô lẫn học trò, dù mái đầu nào cũng đã điểm sương.