main billboard

“Trong trái tim những người con Việt xa xứ, hai chữ quê hương luôn khắc sâu trong tâm khảm. Dù ở xa hơn nửa vòng trái đất, những người con Việt luôn hướng về cội nguồn, chung tay gìn giữ văn hóa cổ truyền dân tộc.


canhac thphong hue 1
Ba đoàn âm nhạc dân tộc Lac Hồng, Tre Việt, và Hướng Việt hòa tấu bài “Tòng Quân-Đăng Đàn Cung.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – “Ca Nhạc Thính Phòng Huế” qua các làn điệu nhã nhạc cung đình, do ba đoàn văn nghệ dân tộc trình diễn tại Viện Việt Học, Westminster, vào tối Thứ Bảy, 12 Tháng Tám, hoàn toàn chinh phục khán thính giả Little Saigon.

Chương trình được thực hiện qua sự phối hợp của Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam thuộc Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng ở Orange County, đoàn Tre Việt ở Toronto, Canada, và đoàn Hướng Việt, Seattle, Washington.

Với những làn điệu, phong cách trình diễn, cùng những nhạc cụ cổ truyền gồm đàn tranh, nhị, nguyệt, tỳ bà, đàn bầu, trống, sênh phách, trong dòng nhạc bác học cung đình Huế, xen kẽ  những làn điệu dân ca, được đúc kết và trình diễn.

Đêm diễn hết sức thành công, tất cả được gói ghém chỉ trong 12 tiết mục, là một buổi tiệc tinh thần về âm nhạc cống hiến khán thính giả hết mình, hấp dẫn người nghe từ đầu đến cuối, và thính phòng không còn chỗ trống.

Cô Kim Ngân, đại diện Viện Việt Học, phát biểu: “Trong một duyên lành, xin chào đón ba đoàn văn nghệ dân tộc truyền thống Việt Nam, có thể nói là có một không hai ở hải ngoại. Đêm nay chúng ta cùng nghe lại âm nhạc truyền thống Việt Nam, cùng sống lại dòng nhạc thính phòng Huế, do các nhạc sĩ bác học trong triều đình soạn ra để trình diễn những dịp lễ trong cung đình, hoặc trong những dịp tiếp đón sứ thần các quốc gia khác.”

Kỹ sư Tạ Trung, phó chủ tịch Hội Phát Triển Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, phát biểu: “Trong trái tim những người con Việt xa xứ, hai chữ quê hương luôn khắc sâu trong tâm khảm. Dù ở xa hơn nửa vòng trái đất, những người con Việt luôn hướng về cội nguồn, chung tay gìn giữ văn hóa cổ truyền dân tộc. Trong tinh thần đó, chúng tôi thực hiện chương trình này để tiếp tục duy trì và phát huy âm nhạc cổ truyền Việt Nam nơi xứ người.”

Liên khúc “Lưu Thủy-Kim Tiền-Xuân Phong Lôi Hổ,” cổ nhạc thính phòng Huế, do ba đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng, Tre Việt, và Hướng Việt hòa tấu mở màn đêm diễn.

Tiếp nối chương trình, Mã Đức Khang trong liên khúc Lý Qua Đèo-Ngựa Ô Huế, dân ca miền Trung. Trong nhạc điệu và ca từ của dân ca Huế, em bé gốc Việt sinh trưởng tại Mỹ làm người nghe thán phục qua cách trình bày, nhả chữ luyến láy âm Huế thật điêu luyện. Càng thích thú hơn khi em thưa chuyện cùng khán thính giả bằng giọng Huế “chính hiệu” khiến cả hội trường tán thưởng nồng nhiệt.

Tiếp theo, ban Hướng Việt, do nhạc sĩ Hồng Việt Hải chỉ huy, cùng dàn nhạc trình bày nhạc phẩm “Ai Ra Xứ Huế,” sáng tác cố nhạc sĩ Duy Khánh, Giáo Sư Nguyễn Châu biên soạn cho đàn tranh.

canhac thphong hue 2
Nhạc sĩ Việt Hải trong nhạc phẩm “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi,” cùng dàn nhạc Hướng Việt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bài “Hành Vân-Long Ngâm,” theo hơi nam, với dàn đàn tranh, do đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng tiếp nối chương trình.

Trong không khí êm đềm như tiếng võng đu đưa cùng tiếng độc tấu đàn nhị của Giáo Sư Nguyễn Châu, những giai điệu êm như ru gồm đàn tranh, đàn nhị, cùng thi nhau hòa điệu “Bài Thơ Bên Võng,” sáng tác Phạm Thúy Hoan, Nguyễn Châu biến tấu cho đàn nhị, hòa tấu đàn tranh của dàn nhạc Đoàn Văn Nghệ Lạc Hồng tiếp nối chương trình.

Kim Uyên thuộc đoàn Tre Việt, cùng đàn tranh và hát “Lý Con Sáo-Lý Tình Tang,” bài “Vui Mùa Lúa” cùng hòa tấu với đoàn Hướng Việt.

Cùng với các nhạc phẩm “Tứ Đại Cảnh,” “Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi,” “Nhớ Bạn,” “Cổ Bản,” chương trình đưa người thưởng thức trở về quá khứ xa xưa của âm nhạc thính phòng Huế.

Những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền thi nhau hòa điệu réo rắt vui tươi, tình tứ qua các bài dân ca Huế, khi buồn da diết, khi thì trang trọng trong không khí nhã nhạc cung đình qua các nhạc phẩm trình tấu.

Phần mạn đàm với khán thính giả, giữa các nhạc sĩ Nguyễn Châu, Kim Uyên, và Việt Hải mang lại không khí thoải mái cho mọi người, khi được nghe những tâm tình của ba vị diễn giả.

Giáo Sư Nguyễn Châu cho biết nhã nhạc cung đình Huế là loại nhạc bác học, do các nhà soạn nhạc biên soạn, dàn dựng, chỉ sử dụng trong hoàng cung dành cho vua chúa, trong những dịp tế lễ, hoặc đón tiếp các sứ thần, phái bộ ngoại giao, thịnh hành nhất vào thời nhà Nguyễn.

Còn trong những buổi tiệc nhỏ, trong hoàng thân quốc thích thì có nhạc thính phòng Huế, còn gọi là “tiểu nhạc.” Trong dân gian thì có những làn điệu tùy từng vùng mà người dân sáng tác, như “Lý Ngựa Ô,” “Lý Qua Đèo.”

canhac thphong hue 3
Các nghệ sĩ ba đoàn âm nhạc Lạc Hồng, Tre Việt, và Hướng Việt trong đêm diễn. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Dòng nhạc thính phòng ở Việt Nam có từ thế kỷ 19. Ở miền Bắc có ca trù, với ca nương, đào nương trình bày cho các văn nhân tài tử nghe, thính phòng miền Trung là ca Huế, và thính phòng miền Nam là đờn ca tài tử, Giáo Sư Châu giải thích tiếp.

Trong niềm xúc động tột cùng, nhạc sĩ Kim Uyên cho biết để không phụ lòng những vị thầy kính yêu nay đã không còn nữa, cô nguyện đem hết những gì mà thầy truyền dạy để gởi đến đồng bào của mình, duy trì và tiếp tay với những thầy cô, để bảo tồn văn hóa Việt Nam, qua ba kỳ đại hội âm nhạc thế giới, ở Toronto, Seatle, Paris, và kỳ thứ 4 lần tới sẽ tổ chức tại California vào năm 2019.

Nhạc sĩ Việt Hải cho biết đoàn ca nhạc dân tộc trên thế giới không nhiều, nhưng tình cảm của các đoàn dành cho nhau thì rất nhiều, các thầy cô luôn chỉ dẫn học trò qua điện thoại, webcam.

Giáo Sư Nguyễn Thị Mai, thay mặt cho ba đoàn âm nhạc dân tộc, nói lời cảm ơn đến Việt Viện Học, ban tổ chức và nhất là đồng hương, đã dành buổi chiều Thứ Bảy, đến thưởng thức chương trình nhạc thính phòng Huế, đây cũng là niềm khích lệ để nhạc dân tộc không mai một.

Liên khúc “Tòng Quân-Đăng Đàn Cung,” nhã nhạc cung đình Huế, do ba đoàn văn nghệ dân tộc trình diễn khép lại chương trình.

Anh Tuấn Phạm, cư dân Anaheim, tuy là người miền Nam rặt, nhưng theo anh thì dòng nhạc này thật sâu lắng, tuy xa xưa nhưng không thoáng qua và đi mất, mà nó đọng lại trong lòng, tồn tại mãi theo thời gian, chứng tỏ nó có giá trị của riêng nó, nhất là UNESCO vừa công nhận nhã nhạc cung đình Huế là di sản nhân loại phi vật thể.

“Mình nên gìn giữ và phát huy nền nhã nhạc cung đình, nhất là để thế hệ con cháu sau này biết rằng Việt Nam cũng có một nền âm nhạc bác học như thế,” anh Tuấn nói.

Chị Trần Kiêm Khánh Liễu, dân gốc Huế hiện ở Laguna Beach, tuy xa quê từ nhỏ, máu văn nghệ như thấm sâu vào hồn, nhất là những điệu hò ru con, nó sao mà êm chi lạ, chị nhớ rất rõ.

“Bây giờ qua Mỹ, khi nghe lại những làn điệu âm nhạc Huế này, nhất là được nghe các vị giáo sư giải thích tường tận về nhã nhạc cung đình, tôi rất xúc động, xin cảm ơn các nghệ sĩ đã mang đến đây không khí rất Huế,” chị Khánh Liễu nói.