main billboard

Việc bệnh nhân không hiểu được lời bác sĩ vì các trở ngại ngôn ngữ là một vấn đề lớn của không ít người trong cộng đồng tại khu vực quanh Little Saigon, cả người Việt lẫn những người thuộc sắc dân thiểu số khác.

GARDEN GROVE (NV) ― Nhiều cư dân gốc Việt đã yêu cầu thống đốc tiểu bang California xin trợ cấp chính phủ cho chương trình trợ giúp ngôn ngữ tại các cơ sở y tế, tại buổi hội thảo cộng đồng ở Garden Grove hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Ba. Một thỉnh nguyện thư sẽ được gửi đến Thống Đốc Jerry Brown.

thongdich hiennguyenCô Hiền Nguyễn chia sẻ những khó khăn của mẹ mình khi đi khám chữa bệnh. (Hình: Tâm Nguyễn/ Người Việt)

Việc bệnh nhân không hiểu được lời bác sĩ vì các trở ngại ngôn ngữ là một vấn đề lớn của không ít người trong cộng đồng tại khu vực quanh Little Saigon, cả người Việt lẫn những người thuộc sắc dân thiểu số khác.

Tại buổi hội thảo cộng đồng hôm 16 Tháng Ba tại trụ sở của Orange County LULAC Foundation ở Garden Gove, hàng chục người dân đã đến chia sẻ những câu chuyện và ước nguyện của họ về thông dịch viên y tế.

Ông Ba Trần kể về những lần ông khám tại bác sĩ chuyên khoa. Ông không thể hiểu được bác sĩ nói gì vì vốn tiếng Anh còn hạn hẹp. Khi bạn bè và người thân đi cùng ông để thông dịch, các thông tin bị sai lệch vì họ, tuy nói được Anh ngữ, nhưng không đủ kiến thức y tế.

Hay như cô Hiền Nguyễn, một phụ nữ đang mang thai, kể về những khó khăn của mẹ cô khi luôn phải vật lộn với vốn tiếng Anh ít ỏi tại các cơ sở y tế. Vì không giúp được mẹ trong thời gian cô chuẩn bị sinh con, mẹ cô vào bệnh viện một mình. Bà nằm trong phòng cấp cứu, không biết mình bị bệnh gì. Mãi đến ngày hôm sau, một bác sĩ gốc Việt mới đến và cho bà biết bà đã bị một cơn tai biến mạch máu.

thongdich tns lou correaThượng Nghị Sĩ Lou Correa lắng nghe và ủng hộ các cư dân. (Hình: Tâm Nguyễn/ Người Việt)

Tại buổi hội thảo, bên cạnh các cư dân gốc Việt là rất nhiều người thuộc sắc dân khác, nhưng cùng chia sẻ ý nghĩ tương tự của ông Ba Trần và cô Hiền Nguyễn. Câu chuyện của anh Juilo Perez là một ví dụ.

Anh Perez theo theo mẹ đến thăm người em nhỏ 5 tuổi nằm bệnh viện. “Em tôi bị bệnh nặng, nhưng mẹ tôi không nói được Anh ngữ, tôi phải bỏ học hôm đó để đến phiên dịch giúp họ. Tôi cảm thấy gia đình mình phụ thuộc vào mình.”

Người sinh viên của trường California State University, Fullerton, nói tiếp: “Chúng tôi cảm thấy một áp lực khó tả. Cho đến khi em tôi được chuyển sang một bệnh viện khác, vẫn không có một y tá hay bác sĩ nào nói được ngôn ngữ của chúng tôi.”

“Sau nhiều lần đi đến nhiều bệnh viện khác nhau, nói chuyện với nhiều y tá, bác sĩ khác nhau nhưng vẫn không giải thích được cho họ những dấu hiệu bệnh, em tôi cuối cùng được giải phẫu. Nhưng mọi việc đã quá trễ. Em tôi mất.” Perez nói trong dòng nước mắt không kìm được.

Những nhà lãnh đạo cộng đồng có mặt tại buổi hội thảo hôm đó, như Thượng Nghị Sĩ Lou Correa hay Dân Biểu Sharon Quirk-Silva, đều khẳng định: “những câu chuyện đau lòng như vậy không nên xảy ra.”

thongdich sharon quirk silvaDân Biểu Sharon Quirk-Silva chia sẻ với người tham dự. (Hình: Tâm Nguyễn/ Người Việt)

Ông Lou Correa phát biểu: “Chính bản thân gia đình tôi cũng nhờ tôi dịch tiếng Tây Ban Nha sang Anh ngữ. Lúc tôi còn nhỏ, gia đình luôn mang tôi theo mỗi khi đi khám bệnh. Bây giờ, thỉnh thoảng họ cũng đến ngay văn phòng làm việc của tôi nhờ giúp thông dịch khi họ không còn cách nào khác.”

Tất cả những câu truyện được chia sẻ tại buổi hội thảo có một mục đích chung: yêu cầu tiểu bang California xin chính phủ Hoa Kỳ tiền trợ cấp để các trung tâm y tế có thêm thông dịch viên. Hơn nữa, thời điểm hiện tại là dịp tốt nhất để thực hiện điều này.

Sau khi Obamacare, hay còn gọi là Affordable Care Act, bắt đầu có hiệu lực, chính phủ liên bang sẽ cung cấp ngân sách cho chương trình Medi-Cal để chi trả cho thông dịch viên, tuy nhiên, chỉ những tiểu bang có nộp đơn xin mới có thể nhận được phần trợ cấp này.

Viet-CARE, một tổ chức vận động cho quyền lợi sức khoẻ cho người gốc Việt, hiện làm việc với Interpreting for California và nhiều tổ chức phi lợi nhuận khác để kêu gọi mọi người ký thỉnh nguyện thư gửi đến Thống Đốc Jerry Brown của tiểu bang.

Interpreting for California cũng cho biết, tiểu bang có tổng cộng hơn 7 triệu người cần giúp đỡ về Anh ngữ. Hơn nữa, số người được vào Medicare sẽ tăng mạnh sau khi  dự luật Affordable Care Act có hiệu lực.

Tuy nhiên, ban tổ chức buổi hội thảo cho rằng: “Các nhân viên chính phủ của tiểu bang tại Sacramento có thể không nhận ra số cư dân Orange County không nói được Anh ngữ nhiều như thế nào.”

“Nhiều lúc tôi không biết phải thông dịch thế nào, các từ ngữ chuyên môn của bác sĩ, và các từ ngữ tiếng Việt của ba mẹ,” ông Tom Nguyễn, một người đã ký thỉnh nguyện thư, nói. “Hy vọng lá thư sẽ đánh động vị thống đốc và các nhà làm luật.”

Những câu chuyện được người dân chia sẻ sẽ không dừng lại sau khi buổi hội thảo kết thúc. Thượng Nghị Sĩ Lou Correa hứa “sẽ mang những câu chuyện hôm nay đến Sacramento để chương trình thông dịch về y tế được biến thành hiện thực.”

Với những ai không đến được buổi hội thảo nhưng muốn tham gia ký thỉnh nguyện thư, có thể truy cập vào trang mạng: http://action.afscme.org/c/987/p/dia/action/public/?action_KEY=4794. (T.N.)