‘Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở Biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tì thiếp người ta.’


batrieu tuongniem 1
Lễ rước di ảnh Bà Triệu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

SANTA ANA, California (NV) – Để tưởng nhớ công đức của vị nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (Bà Triệu), đông đảo quan khách, gồm các hội đoàn, các giới chức, thân hào nhân sĩ và đồng hương vừa tham dự đại lễ tưởng niệm Bà Triệu lần thứ 21 do Hội Ái Hữu Bà Triệu và Hội Thái Cực Quyền tổ chức tại nhà hàng Majesty, Santa Ana, chiều Chủ Nhật, 15 Tháng Mười.

Lễ rước di ảnh Bà Triệu được tổ chức rất uy nghiêm. Hàng đầu là di ảnh của bà, sau đó là đoàn nữ tướng trong y phục áo dài truyền thống màu vàng rực rỡ, tay mang gươm báu. Tiếp theo là ban tế lễ trang nghiêm trong y phục cổ truyền dân tộc màu xanh dương, vàng và đỏ.

Đoàn rước di ảnh từ bên ngoài cửa chính của nhà hàng oai hùng tiến vào lễ đài. Trên lễ đài, bàn thờ của vị nữ tướng là di ảnh của bà đang cưỡi voi xuất trận tiêu diệt quân thù, một bộ lư đồng cùng hoa, quả, hương án…

batrieu tuongniem 2
Nghi thức khai mạc đại lễ tưởng niệm Bà Triệu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Trong bài diễn văn khai mạc, bà Lệ Giang, hội trưởng Hội Ái Hữu Bà Triệu, nói: “Tổ quốc chúng ta có biết bao vị anh hùng đã hy sinh cho quê hương dân tộc, đã đánh đuổi giặc ngoại xâm mang lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam. Bà Triệu là một trong những vị anh hùng đó. Bà đã nêu cao tấm gương hy sinh anh dũng cho toàn dân Việt nói chung và cho phụ nữ Việt Nam nói riêng.”

“Bà đã để lại câu nói được ghi đậm nét trong lịch sử Việt Nam: ‘Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình ở Biển Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tì thiếp người ta.’ Câu nói lịch sử ấy được dân tộc Việt Nam truyền tụng cho tới ngày nay,” bà nói thêm.

Rồi bà ngâm hai câu thơ của cố thi sĩ Hồ Dzếnh: “Cô gái Việt Nam ơi/ Nếu sự hy sinh ở cõi đời/ Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực, cho lòng cô gái Việt Nam tươi.”

batrieu tuongniem 3
Sinh viên và các thành viên trong Hội Bà Triệu trình diễn bài Múa Kiếm. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Bài văn tế Bà Triệu do ông Hoàng Lễ và bà Lệ Giang soạn ra, nghệ sĩ Quế Hương ngâm bài này làm nhiều người xúc động: “Quê hương yêu dấu quá xa, nhưng tình cố quốc chẳng nhòa trong tim. Nhớ thuở xưa ba chìm, bảy nổi, dân tộc ta chống với ngoại bang. Nữ nhi bà chẳng nỡ tâm, để quân cường đạo hại dân mặc tình. Nên bà đã điều binh khiển tướng, trăm ngàn người cứu khổ phò nguy, đánh đâu thắng đó oai nghi, quan quân tán tụng Nhụy Kiều Tướng Quân.”

“Ta muốn cỡi cuồng phong sóng dữ, chém cá tràng kình chiếm giữ Biển Đông, quyết không còm lưng quỳ gối cầu mong lợi hèn. Tám tháng trời làm nên đại nghiệp, tám tháng trời giặc khiếp oai danh. Than ôi! Ngàn người địch với đại quân, làm sao thắng nổi bèn tuân mệnh trời. Hai mươi ba tuổi cuộc đời qua ngắn, lưu danh bà mang tận ngàn sau. Triệu quân công đức cao sâu, chúng con hậu thế cúi đầu nhớ ơn. Nay kính cẩn dâng ba bái lạy, Nhị Kiều hỡi, hỡi tướng quân, giúp cho dân tộc Việt Nam thái bình,” trích đoạn văn tế.

Có mặt trong buổi lễ, cựu hoa hậu Bích Trâm cho hay: “Đối với phụ nữ Việt Nam, những nữ tướng như hai Bà Trưng, Bà Triệu… là những bậc anh hùng của dân tộc, và chúng tôi cũng tự hào rằng, phụ nữ Việt Nam có những chí khí quật cường, khí phách anh dũng không thua gì nam giới. Vì thế, tục ngữ Việt có câu: ‘Giặc đến nhà, đàn bà phải đánh.’ Những tổ chức để tưởng niệm quý bà, không những để tưởng nhớ và vinh danh những nữ tướng của dân tộc, mà con để cho những thế hệ trẻ ở hải ngoại hiểu biết được lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.”

batrieu tuongniem 4
Ban AVT (Trường Bưởi-Chu Văn An) hát bài “Tiên Hạ Giới.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Dược Sĩ Đỗ Kim Toàn, hội trưởng Hội Phụ Nữ Việt Mỹ, cho hay: “Ngày xưa tôi cũng là hội trưởng Hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương trong hai nhiệm kỳ. Đối với tôi, hai bà Trưng Vương và bà Triệu đều là những vị anh hùng của dân tộc, vì quý bà tuy là phận nữ nhi, nhưng khi đất nước bị ngoại xâm thì quý bà đã đứng lên chiêu mộ anh hùng tướng sĩ để chống lại kẻ thù dân tộc. Là phụ nữ, chúng tôi đều là con cháu của quý bà và lúc nào cũng yêu quý, kính phục. Vì thế, năm nào tôi cũng đến dự đại lễ tưởng niệm Bà Triệu.”

Nghi thức tưởng niệm chính thức do ban tế lễ thực hiện các lễ rước đèn, hương, hoa kính dâng lên bàn thờ Bà Triệu.

Kế đó, bà Mary Đỗ, thành viên ban tổ chức, đọc tiểu sử của Bà Triệu, và phần trình diễn múa kiếm cúng dường Bà Triệu do ban văn nghệ của hội thực hiện.

Chương trình văn nghệ được mở đầu bài “Cô Gái Việt” do ban hợp ca của Hội Ái Hữu Bà Triệu đồng ca. Tiếp nối chương trình là tiếng hát của những thành viên trong hội, các nghệ sĩ thân hữu, và các hội đoàn bạn phụ trách. (Lâm Hoài Thạch)