main billboard

Với vận tốc “như tên bay,” cư dân gốc Việt ở một số vùng tại Carolina không còn cách gì hơn là lên đường tránh bão.

florence 1
Bảng báo lệnh bắt buộc di tản trước khi cơn bão Florence đến, tại Emerald Isle, North Carolina, hôm Thứ Tư, 12 Tháng Chín, 2018. (Hình: AP Photo/Tom Copeland)

CAROLINA (NV) – Nhiều người gốc Việt ở hai tiểu bang North và South Carolina đang chuẩn bị chống chọi với trận bão Florence hung hãn sắp sửa ập vào Bờ Đông của Mỹ. Lệnh di tản đã được ứng dụng cho nhiều nơi tại hai tiểu bang này, bắt đầu từ hôm Thứ Tư, 12 Tháng Chín.

Với vận tốc “như tên bay,” cư dân gốc Việt ở một số vùng tại Carolina không còn cách gì hơn là lên đường tránh bão.

Trong những người gốc Việt phải di tản mà báo Người Việt liên lạc được, ai cũng đến nhà thân nhân hay người quen để lánh bão chứ không ai đến “shelter” tạm trú do chính phủ thu xếp. Đây cũng là điểm rất giống với cư dân Houston, Texas, trong đợt bão Harvey năm 2017. Trong những người này, có người không biết sẽ đi đâu.

Lúc 3 giờ trưa Thứ Tư (giờ địa phương), ông Charles Hoàng, ở Wilmington, North Carolina, bắt đầu di tản cùng bốn người trong gia đình.

Cũng ở Wilminton, gia đình anh Larry Long Nguyễn bắt đầu lên xe đi tránh bão từ sáng sớm. “Tôi chưa có điểm đến, chỉ biết lái về hướng (tiểu bang) Alabama, rồi tới đâu hay tới đó,” anh nói.

Nhà anh có sáu người, người lớn nhất là cha anh, 88 tuổi, và người nhỏ nhất là đứa con trai mới 10 tháng. Cha anh đang ở viện dưỡng lão và anh đưa cụ về nhà từ trưa Thứ Hai.

Anh cho hay: “Thứ Hai, lúc đang coi ti vi, thấy người ta chuẩn bị đưa bệnh nhân ở vùng Myrtle Beach về nội địa, tôi mới sực nhớ tới ‘ông già’ nên tức tốc đưa ông về nhà. Cũng may ông vừa khỏe, không cần thở dưỡng khí như tháng rồi chứ không thì kẹt cho mọi người lắm,” anh nói. “Có đủ sữa Enfamil cho ‘thằng nhỏ’ và sữa Ensure cho ‘ông già’ là mừng rồi.”

florence 2
Thợ điện ở khắp nơi đến Florence, South Carolina, đối phó bão Florence. (Hình: Amber Marie Cribbs/Facebook)

Anh sẽ luân phiên lái xe với hai người em. Xe anh có đủ mì ly, mì gói, dưa hấu và nước uống.

Chiếc xe “van” của anh Larry sẽ chở sáu người hướng về Alabama mà không biết chắc sẽ về đâu.

“Càng xa cơn bão, càng tốt. Tới đâu có chỗ cho ‘ông già’ và ‘thằng nhỏ’ nằm thẳng lưng là tôi yên tâm rồi,” anh chia sẻ. “Tội bà xã tôi, mấy tháng nay ngủ không yên với ‘thằng nhỏ’ rồi bây giờ thêm vụ này, chắc mất ngủ triền miên. Bả ưa lo nên khó ngủ.”

Ông Jack Nguyễn vừa đưa gia đình ba người trên đường từ Myrtle Beach đến Atlanta, Georgia. Ông từ tốn nói: “Chúng tôi đi từ trưa hôm qua mà hôm nay chưa tới nơi. Một phần vì kẹt cứng trên xa lộ, phần khác vì vợ tôi yếu người nên đi một chút lại phải nghỉ ngơi. Mẹ vợ tôi cũng vậy, cứ nửa tiếng lại phải dùng nhà vệ sinh một lần. Chúng tôi không lo vì ngày mai, khi cơn bão đến South Carolina thì cũng không ảnh hưởng gì đến tuyến đường của chúng tôi.”

Ông George Lã, lái xe từ Florence, South Carolina, qua đêm và đến Washington D.C. sáng Thứ Tư. “Xa lộ kẹt xe nhiều lắm mà khu ‘rest area’ cũng chật cứng. Bình thường tôi lái có sáu tiếng mà kỳ này, tới 14 tiếng mới tới nơi. Dọc đường phải đổ thêm xăng, một phần lâu vì phải xếp hàng. Đúng ra, chúng tôi đến Raleigh, North Carolina, là gần nhất, nhưng vì người quen đi Việt Nam từ Hè mà chưa quay lại nên chúng tôi nhân dịp này, ghé thăm bà chị vợ.”

Bà Nina Thái Hoàng Nhung, cư dân Charlotte, North Carolina, phải đưa con gái lên nhà chồng cũ của bà ở Raleigh.

florence 3
Bảo vệ nhà cửa trước khi di tản. (Hình: Joe Raedle/Getty Images)

Ngoài hai tiểu bang North và South Carolina, cư dân ở Virginia cũng phải tìm chỗ lánh bão.

Nhiều khu vực trong tiểu bang Virginia cũng nằm trong vùng sẽ bị bão Florence tàn phá.

Cô Hằng Nguyễn, đã rời Falls Church từ hôm qua, Thứ Ba, 11 Tháng Chín. Cô nói: “Cháu đến nhà người quen ở Washington D.C. Vì di tản sớm nên dọc đường không bị kẹt xe. Nhìn quanh, cháu không biết có ai khác về đây lánh bão.”

Anh Đôn Nguyễn, ở Annadale, cũng phải đóng gỗ quanh nhà rồi lên đường đi Jacksonville, Georgia.

Anh nói: “Đường không gần lắm nhưng vì các chị tôi sống ở đây nên tôi qua cho tiện.” Anh cười to: “Mới năm ngoái, ‘mấy bả’ qua trọ nhà tôi vì bão Irma, bây giờ tôi cho ‘mấy bả’ trả nợ cho huề.”

Quá 5 giờ chiều mới bắt đầu đi, anh tin chắc trưa mai sẽ ăn “bậy bạ” dọc đường. “Tôi chỉ có một mình nên không có gì để lo lắng. Coi như ‘đổi gió’ cho vui thôi,” anh xuề xòa nói.

Cô Mimi Trần, ở Florence, South Carolina, nói: “Từ hôm qua, Target đã hết nhiều đồ lắm rồi. Chiều nay em sẽ đi. Nhưng em chưa biết đi đâu cả.”

Riêng tại phủ thủ Raleigh, North Carolina, cô Tuyến Võ may mắn không phải đi đâu vì khu vực cô ở không trong vùng nguy hiểm. Nhờ vậy, thay vì lo lắng, cô còn bình tĩnh để ngắm những tia nắng chiều rực rỡ. “Chiều 5 giờ 50 mà vẫn có nắng vàng,” cô nói. (Đằng-Giao)