main billboard

“Thằng trai ba năm, nhỏ gái hai năm. Tụi nó đọc sách lẹ lắm. Vừa đọc, lại còn vừa cắt nghĩa cho tôi với má nó nữa mới kinh. Tụi tôi dọn nhà từ Kansas về đây ba năm rồi. Ở bên đó, tụi tôi sợ hai đứa mất gốc, không nói được tiếng Việt. Về đây, tụi tôi rất mừng.”


vienviethoc 11
Cả lớp lắng nghe cô trong buổi khai trường. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Trung Tâm Việt Ngữ Việt Học khai giảng niên khóa mới vào Thứ Bảy, 15 Tháng Chín tại Viện Việt Học, 15355 Brookhurst St., #222, Westminster, CA.

Bên ngoài hành lang, đông đảo cha mẹ đưa con em đến ghi danh. Có những em mừng rỡ khi nghe bạn gọi tên rồi cùng nắm tay nhau líu lo hỏi chuyện nhau một cách thân tình. Không gian râm ran âm thanh mùa tựu trường thật dễ chịu.

Ông Nguyễn Thế Thành, ở Fountain Valley, nhìn con vui vẻ bên bạn mà không khỏi mỉm cười. Ông nói: “Mấy đứa nhỏ ngộ thiệt, làm như cả năm chưa thấy nhau. Mới tuần rồi cả nhóm tới nhà tôi ăn pizza, uống nước chanh chớ có lâu đâu.”

Khi được hỏi con ông học ở đây lâu chưa, ông đáp: “Thằng trai ba năm, nhỏ gái hai năm. Tụi nó đọc sách lẹ lắm. Vừa đọc, lại còn vừa cắt nghĩa cho tôi với má nó nữa mới kinh. Tụi tôi dọn nhà từ Kansas về đây ba năm rồi. Ở bên đó, tụi tôi sợ hai đứa mất gốc, không nói được tiếng Việt. Về đây, tụi tôi rất mừng.”

Ông cho biết “mấy người em ở Maryland cũng đang chuẩn bị về đây vì chương trình tiếng Việt.”

vienviethoc 12
Mới bé tí mà đã xong vỡ lòng, lên lớp một rồi. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Nguyễn Thị Tho, ở Garden Grove đứng gần, góp chuyện: “Con nhỏ tôi mới năm ngoái, đọc truyện Tấm Cám cho ông bà ngoại nghe làm hai người muốn khóc. Không gì mừng hơn là con mình biết tiếng Việt.”

Bà cười nói thêm: “Ba nó thì mừng vì không bị nó bắt kể chuyện cổ tích mỗi đêm như hồi trước. Bây giờ có bữa ổng kêu nó đọc truyện cho ổng ngủ. Ngược đời không? Tôi nói ổng đừng hành con mà ổng nói phải để nó thực tập chứ.”

Ông Nguyễn Hữu Trường, ở Huntington Beach nói: “Học đây có môt năm rưỡi mà bây giờ má nó mà chen tiếng Anh vô là con gái tôi sửa lưng bả liền. Bữa trước, má nó nói điện thoại với người bạn, hỏi là chừng nào ‘move’ về đây, con tôi kéo tay má rồi nói ‘dọn về’ chứ má làm mọi người cười ngất.”

Bà Minh Phượng, giáo viên lớp vỡ lòng cho biết trường có lớp từ vỡ lòng đến lớp sáu.

vienviethoc 13
Cha mẹ hãnh diện ghi tên cho con học tiếng Việt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Khóa học từ 15 Tháng Chín, 2018 đến 15 Tháng Sáu, 2019 mỗi Thứ Bảy từ 3 giờ đến 5 giờ 30 suốt chín tháng mà học phí chỉ có $300 mỗi em, bất kể cấp lớp, theo bà Minh Phượng.

Chương trình có múa, hát, nghe kể chuyện rồi kể chuyện để các em thoải mái với tiếng Việt.

Một trong những điểm nổi bật của chương trình giảng dạy ở đây là không bắt các em học đánh vần.

Bà Kim Ngân, viện trưởng Việt Việt Học, giải thích: “Chúng tôi áp dụng cách dạy như người ta dạy Anh ngữ. Không ai đánh vần Anh ngữ được nhưng vẫn phát âm tất cả các chữ như thường. Các em chỉ cần nhận mặt chữ rồi phát âm thôi. Chúng tôi quan niệm rằng các em học hỏi được nhiều hơn khi học kiểu này. Đánh vần chỉ làm chậm trễ việc học từ ngữ mới của các em. Đến một trình độ khá hơn, tự các em nhận được mặt chữ mới.”

Biết có rất nhiều người quan tâm đến cách viết đặc biệt của Việt Viện Học như “chú í” thay vì “chú ý”, bà Kim Ngân trình bày, các em thông minh lắm, khi dạy các em những chữ không giống như đa số, chúng tôi có giải thích và dạy các em cả hai lối viết.

Lối viết của Viện Việt Học là theo Âm Vị Học (phonology) do Giáo Sư Trần Ngọc Ninh đề xướng. Âm Vị Học dựa theo phương pháp phát âm hoàn vũ.

vienviethoc 14
Không khí thân mật trong lớp. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Tại sao ‘chú í?’ Theo Âm Vị Học, chữ ‘ý’ là một bán âm trong lúc ‘í’ là nguyên âm. Nguyên âm có thể tự nó đứng một mình trong lúc bán âm cần đứng với chữ khác.”

Bà nhắc lại là khi học những chữ khác biệt với bên ngoài như vậy, các em đều được học theo Viện Việt Học nhưng cũng được biết cách viết của những nơi khác.

Chủ trương của Viện Việt Học là “bài Trung.” Do đó, viện quan tâm đến những chuyện sâu xa hơn. “Ngay cả những từ ngữ còn mang nhiều tư tưởng Trung Hoa như “phụ huynh,” hàm ý trọng nam, khinh nữ, không coi mẹ quan trọng như cha.

“Bởi vây, ở đây chúng tôi không có ‘hội phụ huynh’ mà chỉ có ‘hội cha mẹ,’ cũng như Tết đến, chúng tôi không có ‘bao lì xì’ mà chi có ‘phong bao mừng tuổi,’” bà Kim Ngân giải thích.

“Chúng ta có thể mất nước Việt Nam một ngày không xa. Như vậy tiếng Việt sẽ trở thành một ngôn ngữ không biên giới. Để bảo vệ tiếng nói quê hương, không nên câu nệ những chuyện nhỏ như ‘i’ hay ‘y’ mà phải nhớ tiếng Việt là ngôn ngữ từ tâm hồn và từ đáy tim của người Việt.” (Đằng-Giao)