Cảm tưởng rất khác so với Tết ở Việt Nam, em thấy phong tục cột chỉ này rất thân thiện, đặc biệt bởi vì nó giống sợi chỉ rất mỏng manh nhưng bền chặt như mối quan hệ giữa con người với con người. Em nghĩ đó là điều rất thiêng liêng và riêng biệt của Lào


tetlao tenuocLễ Hội Songkran còn được gọi là Lễ Hội Té Nước

Lễ  Hội Songkran, mà danh từ chung là Năm Mới của năm quốc gia Châu Á gồm Thái Lan , Kampuchia, Lào, Miến Điện Và Sri Lanka

Songkran còn được  gọi là Lễ Hội Té Nước, rơi vào những ngày nắng nóng nhất của Đông Nam Á,  kéo dài từ ngày 11 cho đến ngày 16 tháng Tư tại Thái Lan, trong lúc Songkran ở Lào, được gọi là Pi Mai Lao, chính thức diễn ra từ 13 đến 15 tháng Tư.

Vào khi người bản xứ và du khách phương xa đến Lào, Thái Lan Kampuchia hay Miến Điện, vô cùng thích thú, đôi khi có phần bực bội, vì cứ được hay cứ bị tạt nước khi ra đường, thì những tục lệ cao đẹp như rót nước thơm vào tượng Phật, đổ nước vào tay ông ba cha mẹ để xin được chúc lành, cột những sợi chỉ đủ màu sắc đã được làm phép vào tay người thân và cả người không quen thay cho lời chúc tụng đầu năm, vẫn là những sinh hoạt truyền thống của Songkran hay Pi Mai Lao.

Khác với không khí tưng bừng náo nhiệt của Srongkran ở Bangkok, Pattaya, Chiang Mai, Udonthani của Thái Lan,  Pi Mai Lao tại đất nước Vạn Tượng gợi cảm giác thư thả trầm lắng hơn  khi Thanh Trúc tham dự và đón mừng năm mới cùng người Việt gốc Lào, tức Việt kiều, tại tỉnh Champasak giáp giới tỉnh Ubon Ratchathani của Thái Lan.

tetlao lethiluongBà Lê Thị Lượng, tức Leuang Litdang chủ Dao Heuang Group (Tập Đoàn Cà Phê Đào Hương)

Tết Lào tại Tập Đoàn Cà Phê Đào Hương

Huyện Pakse tỉnh Champasak hôm 14 vừa qua, gần bốn trăm người Lào và Việt kiều, thêm một số người trong nước sang, đã chung vui đón Tết Lào tại cơ sở kinh doanh rộng lớn của Dao Heuang Group, Tập Đoàn Cà Phê Đào Hương. Đây là công ty do một phụ nữ Lào Gốc Việt, bà Lê Thị Lượng, tức Leuang Litdang, làm chủ, được coi là thành công nhất trong việc phát triển và nhân rộng lãnh vực canh tác cà phê giống tốt ở Lào, cũng là nơi  thu mua cà phê từ nông dân để chế biến thành những sản phẩm Dao Coffee đủ loại xuất đi khắp thế giới:

    Du khách phương xa đến Lào, Thái Lan Kampuchia hay Miến Điện, vô cùng thích thú, đôi khi có phần bực bội, vì cứ được hay cứ bị tạt nước khi ra đường, thì những tục lệ cao đẹp như rót nước thơm vào tượng Phật, đổ nước vào tay ông ba cha mẹ để xin được chúc lành

Tết Lào nói chung là không mời, tại tôi đầu tư tôi giúp đỡ cho nông dân thì cứ mỗi năm Tết Lào, coi như bốn năm rồi, họ rủ nhau đến đây để chúc phúc cho tôi chứ không phải mình mời.

Năm nay là nhiều nhất, gần bốn trăm, dân tộc ở cao nguyên, dân vườn đó, có cả bản làng, có cả cụm trồng cà phê. Năm mươi tám bản làng có mặt tất cả, chắc sang năm cũng phải bảy tám chục vì họ thấy vào thì có lợi, được giúp giống, giúp gạo ăn, tới ngày cà phê chín thì mang lại bán cho mình thì mình trừ mà không tính lãi. Lấy theo giá thị trường, lên xuống bao nhiêu là mua theo giá thị trường.

Lễ Tết Pi Mai Lao ở Công Ty Đào Hương thật trang nghiêm mà cũng thật vui với một buổi cầu nguyện đầu năm, sau đó là cột chỉ vào tay nhau với lời chúc lành trước khi rót một ít nước sạch lên vai hay lưng của người được chúc phúc. Chị Hồng Minh, đến từ Hà Nội:

Cảm tưởng rất khác so với Tết ở Việt Nam, em thấy phong tục cột chỉ này rất thân thiện, đặc biệt bởi vì nó giống sợi chỉ rất mỏng manh nhưng bền chặt như mối quan hệ giữa con người với con người. Em nghĩ đó là điều rất thiêng liêng và riêng biệt của Lào.

tetlao vietkieuMột số người Việt sang Lào làm việc cho cơ sở kinh doanh của Dao Heuang Group. RFA

Anh Nguyễn Anh Đức, phó giám đốc công ty NaPoLy ở Sài Gòn:

Lần đầu tiên tôi sang Lào thì tôi thấy phải nói là cộng đồng người Việt mình bên này rất chan hòa, cởi mở và thật sự rất thành công. Đây là điều  đáng học hỏi. Thật sự có cái gì đó rất hấp dẫn trong tục lệ cột chỉ chúc Tết cho nhau, đem lại niềm vui đầu năm mới, may mắn cho mọi người, một bản sắc rất hay.

Có sang Pakse dịp lễ Tết này Thanh Trúc mới có dịp gặp nhiều người Việt đủ mọi thành phần, từ Việt kiều  sống ở Lào đã mấy đời, người từ trong nước sang đây làm việc và các doanh gia Việt sang Lào để đầu tư.

Tôi là Nguyễn Kim Tú, tôi đến từ Hà Nội, đại diện cho Marubeni là một công ty của Nhật Bản chuyên thu mua cà phê Arabica của Tập Đoàn Đào Hương và xuất về Nhật Bản ba năm nay rồi, năm nay là năm thứ ba.

    Cảm tưởng rất khác so với Tết ở Việt Nam, em thấy phong tục cột chỉ này rất thân thiện, đặc biệt bởi vì nó giống sợi chỉ rất mỏng manh nhưng bền chặt như mối quan hệ giữa con người với con người. Em nghĩ đó là điều rất thiêng liêng và riêng biệt của Lào

    Chị Hồng Minh

Tôi tên Phong, quê ở Nha Trang, Khanh Hòa. Lúc trước, năm 1997 tôi làm cho công ty Vina Café ở Nha Trang, qua bên này lắp máy chế biến cà phê cho bác Lượng. Lúc đó  bác Lượng mới làm mảng cà phê đầu tiên, em qua bên này lắp máy rồi xong bác Lượng thấy giỏi bác Lượng giữ lại.

Tôi là Lê Văn Thụy, sống ở Sài Gòn. Năm 2008 nhân dịp tôi qua đây kiểm hàng để xuất đi Nhật, cho công ty Ataka ở Nhật, vô tình thì ở đây lại khiếm khuyết người kiểm tra chất lượng về cà phê xuất khẩu nên cô Lượng mời ở lại để làm việc. Sau một năm cân nhắc, năm 2009 tôi qua làm việc luôn ở đây. Hiện nay tôi làm việc kiểm tra chất lượng cho Dao Heuang để xuất đi nước ngoài.

Noí chung thì rõ ràng ở Lào môi trường xuất khẩu là mới đây thôi, nên về marketing hay những cái tung ra thị trường hoặc các chiêu quảng cáo thì họ cũng chưa có nhiều. Nhưng mà bù lại chắc là cái tính chất chân thật của họ khiến khách hàng rất vui khi làm việc.

tetlao cotchiTục lệ cột chỉ chúc lành đầu năm Pi Mai Lao

Người Việt ở Champasak

Cũng như các nơi khác là Vientiane, Luang Prabang, Savanakhet, Thatluang, tỉnh Champasak có hai huyện Paksong và Pakse với đông đảo người Việt gốc Lào. Bà An Thị Minh, hội trưởng Hội Phụ Nữ Việt kiều bốn tỉnh Nam Lào, cho Thanh Trúc biết Việt kiều ở Pakse phần nhiều nói tiếng mẹ đẻ với từng âm giọng địa phương rất chuẩn:

Tôi sinh ra và lớn lên tại tỉnh Champasak, đã năm đời sinh sống ở Lào. Từ năm 1934 thì bố tôi 24 tuổi, lúc đó  Việt Minh đã nổi và nghèo đói quá nên bố tôi theo phu chạy sang Lào, làm sân bay cho Pháp. Lúc đó mẹ tôi 19 tuổi. Quê chúng tôi ở Ninh Bình, bố ở huyện Hoa Lư, mẹ ở Kim Sơn.

Riêng Pakse chúng tôi coi như là nói  tiếng Việt 80%, thí dụ tôi là người Bắc thì nói  tiếng Bắc. Các em ở đây nói tiếng địa phương rất chuẩn vì ở đây có người Ninh Bình, người Nam Định, người Quảng Bình, người Huế, con của người ta cũng nói tiếng địa phương. Riêng huyện Pakse này thì nói tiếng Việt bảo đảm, tôi dám cả quyết như vậy. Kể cả Việt kiều năm đời, Việt kiều ba đời và Việt kiều mới đây đều làm ăn tốt hơn người bản xứ ở đây.

Có đến dự lễ Pi Mai Lao Thanh Trúc mới thấy là Dao Heuang Group Tập Đoàn Đào Hương, ngoài đồn điền cà phê riêng ở Bolaven với khoảng hai chục gia đình từ Việt Nam được mướn sang đó ở và canh tác, bà Lê Thị Lượng còn huy động và khuyến khích được nhiều người bản xứ, đặc biệt người Lào gốc Việt ở Pakse và Paksong, bắt tay vào việc trồng trọt cà phê như một ngành kinh doanh sản xuất bao năm nay:

tetlao vietkieu2Những người Việt gốc Lào ở Pakse dự lễ Tết Lào. RFA

    Riêng Pakse chúng tôi coi như là nói tiếng Việt 80%, thí dụ tôi là người Bắc thì nói tiếng Bắc. Các em ở đây nói tiếng địa phương rất chuẩn vì ở đây có người Ninh Bình, người Nam Định, người Quảng Bình, người Huế

    Bà An Thị Minh

Mình thuê người ta ươm giống tốt rồi đưa cho dân làng trồng, chớ còn họ không biết lấy giống tốt ở đâu, ai nói giống nào thì họ trồng giống đó. Nhưng bây giờ đầu tư mình phải lấy giống tốt, giống cà phê ngon, thành cà phê Lào mỗi năm mỗi phát triển.Giúp cho dân trồng cà phê được nhiều thì mình mới được vô ASEAN mình mới được lợi thế tại vì Lào là nước chậm phát triển, mình làm thì phải quyết sao cho nó vươn lên.


Ông Nguyễn Văn Hùng, quê ở Hà Tĩnh nhưng sinh đẻ tại Pakse, hiện làm việc trong đội thu mua cà phê của Dao Heuang Group:

Người Việt mình họ cần cù họ chịu khó hơn người Lào. Việt kiều tại Lào này khoảng ba chục nghìn người. Ở đây mình có Hội Việt Kiều của mình, chia thành bảy khu xóm. Mình có một người đại diện Việt kiều ở đây, bảy khu xóm thì có đại diện của bảy khu xóm, tổ chức của mình cũng rất là chặt chẽ.

Cũng là Việt kiều như ông Hùng nhưng cư ngụ ở Paksong, cách Pakse khoảng 50 cây số, ông Ngô Khắc Huynh có vườn ươm trồng cà phê để bán cho công ty Đào Hương:

Người Việt sống ở nước Lào cũng nhiều gia đình làm cà phê chứ. Nói đúng ra ở miền Tây Nguyên Paksong cao hơn biển một ngàn, một ngàn mốt thì khí hậu mát hơn, mát hơn thì cà phê nó ngon hơn. Ở huyện Paksong mình cái đất nó đẹp, cà phê thì chất lượng nó ngon hơn.

Năm nào bà Đào Hương cũng làm cái Lễ Tết của Lào cho mấy người trồng cà phê. Cũng có một số là họ nói tiếng Việt, lên với công ty Đào Hương là trồng trọt và bán cho bà, bà phải làm lễ  để cho nó vui vẻ năm mới đó.

Đến với Lễ Tết Pi Mai Lao ở công ty Đào Hương, nhà vườn Lào và nhà vườn Việt kiều được thưởng thức hai món ăn truyền thống của Việt Nam là phở và chả  giò. Thức uống thì có nước ngọt hoặc cà phê Đào đóng hộp. Khi ra về mọi người còn mang theo bánh bao hay bánh ngọt mà Đào Hương sản xuất và bán trong những tiệm cà phê của công ty.

    mình cho nhà cho đất ở, có nước dùng có điện xài thì họ sinh sống ở đây họ làm vườn. Còn nhà máy thì tuyển người sang như là kỹ sư này nọ, chuyên ngành thì mình thuê, nhiều lắm, toàn là Việt Nam. Việt kiều ở đây, trên vườn thì hai chục, nhà máy là hai trăm mấy, cộng thêm bên này một trăm mấy nữa là bốn năm trăm người Việt đó

    bà Lê Thị Lượng

Đối với bà Lê Thị Lượng, mà người Lào gọi là madame Leuang Litdang, Lễ Tết Pi Mai Lao năm nào cũng là một ngày bận rộn nhưng vui vẻ và trọn vẹn vì nó đúng ý nghĩa của một ngày ơn đền nghĩa trả:

Tôi chỉ có 250 hectares tập trung một cái vườn thôi. Thu mua thì tới mùa mình cứ mua gạo cho họ rồi mình cứ tính giá không lấy lãi. Chừng ba bốn tháng sau hạt cà phê chín họ đưa lại cho mình rồi mình tính tiền trừ ra. Chứ ngày xưa họ bán gọi là bán cà phê xanh,  mua bán là họ đưa tiền cho người dân bản làng ví dụ một ký hai ngàn thì họ mua có một ngàn.

Bây giờ tôi  thấy như vậy là tội nghiệp cho dân thì tôi đưa gạo, năm nay đưa gạo chắc cũng phải năm bảy trăm tấn, đưa cho họ ăn thì tới mùa mình thu lại.

Hiện tại trên vườn, người Việt chịu kham chịu khổ thì họ ở vườn cà phê được. Còn người Lào chỉ làm vườn họ, họ ít làm thuê lắm, cái đặc điểm người Lào như vậy. Việt Nam lên đây thì tứ cố vô thân, tới ở vườn mình thì mình cho nhà cho đất ở, có nước dùng có điện xài thì họ sinh sống ở đây họ làm vườn. Còn nhà máy thì tuyển người sang như là kỹ sư này nọ, chuyên ngành thì mình thuê, nhiều lắm, toàn là Việt Nam. Việt kiều ở đây, trên vườn thì hai chục, nhà máy là hai trăm mấy, cộng thêm bên này một trăm mấy nữa là bốn năm trăm, bốn năm trăm người Việt đó.

Câu chuyện về người Việt ở Lào đón Tết Lào bên cạnh người bản xứ tại một buổi họp mặt đầu năm ở công ty cà phê Đào Hương huyện Pakse, tỉnh Champasak, kết thúc nơi  đây.