main billboard

Ngày 11 Tháng Mười Hai, 1861, ngài ghi thêm một chiến công oanh liệt trong lịch sử kháng Pháp là việc đốt phá chiến thuyền L’Esperance tại vàm Nhật Tảo (Tân An), tiêu diệt tên trung tá Parfair và toàn bộ thủy thủ đoàn.”


nguyentrungtruc 1
Ông Trang Văn Mến nói về thân thế và ý nghĩa ngày Lễ Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

SANTA ANA, California (NV) – “Hàng năm Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo đều tổ chức Lễ Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực vào ngày 28 Tháng Tám Âm Lịch. Hiện nay tại quê nhà còn có hàng chục ngàn người đổ về thị xã Rạch Giá để chiêm bái ngài, một vị anh hùng dân tộc, một lãnh tụ kháng chiến chống thực dân Pháp, đã hy sinh suốt cả cuộc đời tranh đấu giành lại nền độc lập cho đất nước Việt Nam.”

Bà Kim Liên, trưởng ban tổ chức buổi Lễ Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực lần thứ 150, phát biểu tại Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo (PGHH) Nam California, Santa Ana vào sáng Chủ Nhật, 7 Tháng Mười.

Buổi lễ có sự tham dự của đông đảo tín đồ PGHH, các vị dân cử, giới học giả, các tôn giáo bạn, thân hào nhân sĩ và truyền thông.

Sau phần nghi thức khai mạc là nghi lễ PGHH do ông Ngô Văn Ẩn và ba đồng đạo dâng hương trước bàn thờ, cùng toàn thể tín đồ đứng lên trang nghiêm hành lễ, đọc lời cầu nguyện.

nguyentrungtruc 2
Lễ cầu nguyện trước linh vị Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực trong lễ giỗ lần thứ 150. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Tiếp đến là phần nguyện hương do Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu tuyên đọc lời nguyện trước linh vị Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực.

Tiếp theo là phần tuyên đọc tiểu sử vị anh hùng Nguyễn Trung Trực và ý nghĩa ngày lễ giỗ của ông, do đồng đạo Trang Văn Mến trình bày. Theo đó, hàng năm vào ngày 28 Tháng Tám Âm Lch, hàng ngàn người đổ về đền thờ Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá để dự lễ giỗ, tưởng nhớ vị anh hùng đã hy sinh cả đời mình cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc Việt Nam vào hậu bán thế kỷ thứ 19. Riêng tại miền Nam California, cứ đến trung tuần Tháng Tám, đều có hai tổ chức đứng ra làm lễ tại hai địa điểm khác nhau. Thứ nhất là Hội Kiên Giang làm lễ rất linh đình và thứ hai là Giáo Hội PGHH Miền Nam California làm Lễ Giỗ ông với nghi thức tôn giáo thật trang trọng và uy nghi.

Ông Mến nói: “Năm 1837 ông Nguyễn Trung Trực chào đời trong một gia đình chài lưới, sống lênh đênh rày đây mai đó trên các sông rạch chằng chịt miền Nam nước Việt, với tên thật là Nguyễn Văn Lịch, nhưng mọi người gọi ông là Nguyễn Trung Trực, có lẽ là đại danh mà triều đình hoặc dân chúng vì cảm phục lòng tân trung báo quốc của ông mà đặt ra chăng?”

“Lúc ấy đất nước ta vô cùng đen tối với Hòa Ước Nhâm Tuất (1862), triều đình đã nhượng ba tỉnh miền Đông (Gia Định, Biên Hòa, Định Tường), sau đó quân Pháp chiếm luôn ba tỉnh miền Tây. Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Tự Đức, ngài chiêu mộ khá đông nghĩa binh, được vua phong chức Quản Cơ, với những chiến công: Ngày 10 Tháng Tư, 1861 phục kích chiến thuyền Pháp, giết thuyền trưởng Bourdairs và 30 bộ hạ khi chúng định đổ bộ lên ruồng bố vùng Bảo Định Hạ (Mỹ Tho). Ngày 11 Tháng Mười Hai, 1861, ngài ghi thêm một chiến công oanh liệt trong lịch sử kháng Pháp là việc đốt phá chiến thuyền L’Esperance tại vàm Nhật Tảo (Tân An), tiêu diệt tên trung tá Parfair và toàn bộ thủy thủ đoàn.”

Chiến công này đã gây chấn động thế giới lúc bấy giờ, vì với vũ khí thô sơ mà nghĩa quân dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Trung Trực, trong vòng một năm đã tiêu diệt hai chiến hạm của Pháp cùng toàn bộ thủy thủ đoàn, làm kinh sợ tinh thần quân Pháp, với hai câu thơ lưu truyền trong sử sách: ‘Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa. Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.’

nguyentrungtruc 3
Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu (giữa) đại diện PGHH Nam California nhận bằng vinh danh từ Luật Sư Andrew Đỗ (phải), và Thị trưởng Westminster Tạ Đức Trí, trong Lễ Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Mến tiếp tục: “Sau đó để tránh sự tập trung lệnh pháo phản công của Pháp, ngài lui về Hòn Chông, Hà Tiên, lập căn cứ kháng chiến, mở rộng địa bàn hoạt động tới Tà Niên, Sân Chim (Kiên Giang). Đêm 15 Tháng Bảy, 1866, ngài chỉ huy nghĩa binh đánh úp đồn Rạch Giá, giết 5 võ quan Pháp, 67 lính Tây bị hỏa thiêu, 6 Việt gian bị bắt sống, tịch thu hơn 100 khẩu súng và nhiều đạn dược.”

“Quân Pháp đã dùng quỷ kế, bắt mẹ của ngài và một số đồng bào làm con tin. Vì muốn cứu mẹ và dân chúng, ngài phải ra mặt, bị quân Pháp bắt xử tử ngày 27 Tháng Mười năm 1868, nhằm ngày 28 Tháng Tám âm lịch tại Rạch Giá. Hay tin ngài thọ tử, vua Tự Đức dạy làm lễ truy điệu và sắc phong ngài làm Thượng Đẳng Đại Thần để tỏ lòng thương tiếc một vị anh hùng dân tộc.”

Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu nói thêm chi tiết vì sao trong nhiều vị anh hùng lịch sử Việt Nam, PGHH lại tôn vinh Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực để làm lễ giỗ hàng năm, và hàng ngày khi cúng lạy, tín đồ PGHH đều đọc thần hiệu của ông, chỉ sau Đức Phật Tổ và Phật Thầy.

Giáo Sư Trần Văn Chi về thân thế và sự nghiệp Nguyễn Trung Trực, cũng khẳng định điều này trong khi trình bày về lý do này về lễ giỗ long trọng hàng năm do PGHH tổ chức.

Trong phần phát biểu của các vị dân cử, chủ tịch Hội Đồng Giám Sát Quận Cam, Luật Sư Andrew Đỗ vinh danh ban tổ chức buổi lễ vì đã tổ chức Lễ Giỗ Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực hàng năm, để bày tỏ lòng tôn kính tiền nhân, tiếp tục gìn giữ đạo lý cho cộng đồng, nuôi dưỡng tinh thần ái quốc của người Việt Nam, dù trong bất cứ tình huống hay hoàn cảnh nào.

Ông Andrew Đỗ cũng xin dựa theo câu nói khẳng khái của Nguyễn Trung Trực trước khi bị hành quyết: “Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam mới hết được người Nam đánh Tây”, để nói rằng: “Bao giờ nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam chống Cộng Sản”

Tiếp theo là phát biểu của các vị dân cử và các thế hệ trẻ gồm đại diện Cao Đài, do hiền tài dự phong Ngô Thiện Đức phát biểu, và các vị đại diện dân cử trẻ khác.

Cô Lee Huỳnh, lái xe từ Arizona chở cháu ruột là Bảo Bảo, Bảo Hân, 8 tuổi và 7 tuổi về dự lễ. Cô cho biết hồi còn ở Việt Nam, gia đình thường cho hai cháu tham dự lễ từ lúc nhỏ.

“Mình phải hướng dẫn các cháu, nói và giải thích cho em cháu mình hiểu về lịch sử chống giặc của các vị tiền nhân, trong việc tranh đấu cho độc lập tự do của nước mình. Ngoài ra để giúp các cháu hiểu biết lịch sử nước nhà qua sách vở, phải chăm lo việc học các cháu nữa, hai đứa cháu của em rất giỏi tiếng Việt, biết nói, viết và đọc rành tiếng Việt lắm!”, cô Lee Huỳnh tự hào kể.

Một tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, ông Ba quê Cà Mau cho biết: “Phật giáo luôn hướng thiện, nhưng hiện nay nhà cầm quyền Việt Nam quá ác, tôi không bao giờ muốn đất nước rơi vào tay giặc Tàu. Dù tuổi đã cao, tôi vẫn muốn làm việc gì cho đất nước bằng cách khuyên con cháu tuổi trẻ nên noi theo gương ngài Nguyễn Trung Trực, quyết ra tay giúp dân cứu nước, đem lại ấm no hạnh phúc cho mọi người. Thời cơ hiện nay đã chín muồi, nếu mọi người không đứng lên, sẽ có tội với tiền nhân. Tôi tin rằng cái ác không bao giờ tồn tại!”

Cô Nguyễn Hoàng Lan, cư dân Huntington Beach, hàng năm đều đi dự lễ cùng gia đình, kể rằng: “Gia đình em có truyền thống truyền từ đời ông bà cha mẹ, thế hệ này qua thế hệ khác, nói về lịch sử Việt Nam cho con cháu nghe các gương anh hùng dân tộc. Em thường giải thích cho con em hiểu tình yêu nước, đó là việc phải làm cho giới trẻ ở Mỹ hiện nay.”