main billboard

. Quân Trường Đồng Đế Nha Trang đã đào tạo rất nhiều các chiến sĩ anh hùng can đảm, đã hy sinh bỏ mình trong cuộc chiến bảo vệ lý tưởng tự do.


dongde 1
Các niên trưởng thuộc Quân Trường Đồng Đế trong ngày vui hội ngộ. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

GARDEN GROVE, California (NV) – Với chủ đề “Đồng Đế, hẹn ngày ta về 2018,” buổi hội ngộ thắm tình đồng môn và chiến hữu của Hội Ái Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang, tổ chức vào sáng Chủ Nhật, 14 Tháng Mười tại nhà hàng Diamond Seafood, Garden Grove, đón hơn 200 cựu quân nhân xuất thân từ quân trường Đồng Đế Nha Trang, cùng chiến hữu các binh chủng trong QLVNCH, và các hội đoàn về tham dự.

Ông Tần Nam, hội trưởng, nói lời khai mạc ngắn gọn: “Ngày hôm nay trong niềm vui hội ngộ, cũng không quên các chiến hữu đồng đội . Quân Trường Đồng Đế Nha Trang đã đào tạo rất nhiều các chiến sĩ anh hùng can đảm, đã hy sinh bỏ mình trong cuộc chiến bảo vệ lý tưởng tự do. Xin cảm ơn tất cả các chiến hữu các quân binh chủng đã đến với tinh thần hynh đệ chi binh, đoàn kết, luôn chia sẻ với hội trong mọi tình huống.”

Ông Hồ Đắc Huân, cựu sinh viên sĩ quan hiện dịch Nha Trang Khóa 2, cho biết trường này đầu tiên từ Bãi Cháy thuộc tỉnh Quảng Yên, Bắc Việt. Sau Hiệp Định Genève 1954, chuyển vào Đồng Đế Nha Trang, trên là một cánh đồng mênh mông, có nhiều cây cỏ đế, nên gọi tên Đồng Đế, cách thành phố Nha Trang 5 cây số, một trong những quân trường lớn nhất của VNCH, nổi tiếng với các chương trình huấn luyện, đào tạo các khóa Biệt Động Quân, và Biệt Cách Dù.

dongde 2
Ông Tần Nam, hội trưởng Hội Ái Hữu Quân Trường Đồng Đế Nha Trang, phát biểu khai mạc đại hội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Đến năm 1959, Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho mở bốn khóa hiện dịch, thuộc Hạ Sĩ Quan, có trình độ văn hóa cao, được tuyển chọn qua những cuộc thi để đưa về huấn luyện. Sau khi tốt nghiệp ra sĩ quan hiện dịch. Riêng Khóa 2 Nha Trang ra trường, giữ nhiều chức vụ quan trọng các cấp chính quyền, trong đó có cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn.

Ông xúc động nói: “Hôm nay đến dự buổi hội ngộ, rất vui khi gặp lại những đồng môn, chiến hữu ngày xưa nay đã xấp xỉ 80 rồi. Mỗi năm có sức khỏe tôi đều cố gắng tới dự, hàn huyên tâm tình như ngày xưa chúng tôi còn chung dưới mái trường. Đây là cơ hội tay bắt mặt mừng, biết ai còn ai mất, được nhìn thấy bộ quân phục với nhiều huy hiệu của nhiều binh chủng, thật hạnh phúc lắm!”

Ông Trần Đình Diệm, Khóa 1 Đồng Đế, cho biết khi ra trường được giữ lại làm huấn luyện viên. Sau đó năm 1960, biệt phái sang phục vụ tại Sư Đoàn Lục Quân Hoa Kỳ, đóng tại Quảng Ngãi, sau cuộc chiến đi tù ngoài Bắc 13 năm.

“Chúng tôi thuộc khóa đầu tiên, năm nay đã già lắm rồi, còn gặp lại nhau đây hôm nay, cùng ôn lại thời trai trẻ với lý tưởng phục vụ đất nước, có nhiều điều để nhớ lắm, nhất là tình chiến hữu từng chia sẻ gian nguy trong cuộc chiến, và cả tình đồng tù trong trại tù sau cuộc chiến, không sao nói hết được!” ông Diệm không kiềm được xúc động khi chia sẻ.

dongde 3
Không khí sôi động trong ngày đại hội Ái Hữu Quân Trường Đồng Đế. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nghị viên Thu Hà Nguyễn, một hậu duệ của QLVNCH, thường xuyên sinh hoạt với Hội Thủy Quân Lục Chiến Nam California nhiều năm qua, cho biết: “Hôm nay đến cùng chia sẻ với các bác, các chú những tâm tình buồn vui đời lính, mà quân trường Đồng Đế Nha Trang để lại nơi em nhiều hình ảnh đẹp không bao giờ quên, đó là hình ảnh oai hùng của người lính VNCH, nhất là đã được đào tạo từ quân trường này. Chính ba của em cũng là một vị sĩ quan xuất thân từ Đồng Đế, mà tính cách năng động của ông đã ảnh hưởng đến em trong những sinh hoạt xã hội từ nhỏ đến nay.”

Niên trưởng Chu Trọng Ngư, Khóa 1 Đồng Đế, cựu hội trưởng Hội AHQTĐĐNT đầu tiên từ ngày thành lập hội, cho biết những giai thoại về Đồng Đế, với địa thế có núi cao, đầm lầy, biển cả, rừng già, có sông rạch, mà các nhà quân sự đánh giá là một vị trí lý tưởng cho trung tâm huấn luyện.

Ông kể về ba đặc điểm mà ai đã từng thụ huấn tại Đồng Đế đều nhớ đến. Thứ nhất là vách núi đứng cao hơn 20 mét, các khóa sinh phải tụt từ trên đỉnh xuống. Thứ hai là “Dây Kinh Dị,” gồm một sợi để đi và hai sợi nắm giữ thăng bằng, đi từ đỉnh núi này sang đỉnh núi kia. Thứ ba là “Dây Tử Thần,” đó là leo lên chòi cao hơn 30 mét, bám vào dây ròng rọc, tụt xuống thật nhanh. Khi nhìn xuống dưới đất thấy phất cờ là phải buông tay ngay để rớt xuống hồ nước bên dưới. Ba món này lúc nào khóa sinh thực tập đều có xe cứu thương chực sẵn, vì ngày nào cũng có người bị thương.

dongde 4
Ban hợp ca Quân Trường Đồng Đế trong ngày đại hội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Ba món này nổi tiếng đến mức độ thời ấy có câu truyền miệng ‘Rớt tú tài anh đi trung sĩ/ Dây tử thần Đồng Đế đợi anh.’ Nhưng khi vào Đồng Đế rồi lại có câu ‘Đồng Đế suốt ngày nghe sóng vỗ/ Dây tử thần không nhụt chí nam nhi.’ Có lần Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến thăm trường, được xem biểu diễn cảnh hai người tụt xuống từ vách núi cao, mang theo một người bị thương. Tùy viên bộ ngoại giao các nước được xem màn biểu diễn này, có quay phim và hình ảnh này được loan truyền trên các nước, gây tiếng vang. Kết quả là trung tá chỉ huy trường được thăng cấp đại tá,” ông Ngư hào hứng kể.

Phần văn nghệ “Lính hát lính nghe” do các tiếng hát của các bà vợ lính, người yêu của lính, hát những bài tâm tình về đời lính thì còn gì hơn, do các MC Phạm Trần Thế, Lưu anh Dũng, Xuân Thu, và Suzan Hương điều khiển đã đem lại không khí hào hứng sôi nổi trong đại hội.

Đặc biệt có các màn hợp ca với rừng cờ vàng bay phất phới trong tiết mục “Thắp Lửa Tự Do” của ban hợp ca Tập Thể Chiến Sĩ Tây Nam Hoa Kỳ, cùng các ban hợp ca quân trường Đồng Đế, Cảnh Sát Quốc Gia, Thủy Quân Lục Chiến, mang lại không khí sôi nổi vui tươi cho ngày đại hội. (Văn Lan)