main billboard

Mình thấy rằng tất cả mọi người chúng ta đoàn kết lại bảo vệ mảnh đất thiêng liêng mà Cha Ông của chúng ta từ ngàn năm về trước đã đổ xương máu đấu tranh để gìn giữ.

Ngày thứ bảy 20 tháng 10 vừa qua, hơn 300 người Việt tại Đức đã xuống đường tuần hành trong lòng thành phố Munich (München); cuộc tuần hành được kết thúc bằng buổi chiếu phim “Hoàng sa, Nỗi đau mất mát” với mục đích khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trước sự xâm lấn của Trung Quốc.

bieutinh munich                                                                                                                 Hình do thính giả Võ Kiều Lê gửi

Hơn 300 người Việt tại Đức đã xuống đường tuần hành tại thành phố Munich hôm 20 tháng 10 năm 2012 để khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Nhằm mục đích:

    Phản đối chính quyền Trung Quốc liên tục xâm phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải và tài nguyên Việt Nam,
    Vạch trần chính sách bành trướng, đe dọa hòa bình của chính quyền Trung Quốc trước công luận quốc tế,
    Thể hiện quyết tâm bảo vệ quê hương Việt Nam của người Việt hải ngoại,
    Yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam cương quyết khẳng định chủ quyền đất nước và độc lập dân tộc, đồng thời tôn trọng và khuyến khích quyền biểu hiện công khai lòng yêu nước của mọi công dân Việt Nam.

Đó là nội dung trong lời kêu gọi của nhóm khởi xướng cuộc xuống đường tuần hành “Một Ngày cho Tổ Quốc Việt Nam”.

Trong một ngày nắng đẹp hiếm hoi của tháng 10, khoảng 300 người Việt, Đức đã bước đi giữa lòng thành phố Munich (München), bắt đầu tại quảng trường Geschwister-Scholl, dọc theo dòng sông Isar với trên tay là bản đồ Việt Nam, với những biểu ngữ nội dung phản đối đường lưỡi bò của TQ, ủng hộ tinh thần yêu nước của người Việt trong nước, đòi hỏi nhà nước Việt Nam tôn trọng và tạo điều kiện cho người dân trong nước được biểu tình, qua đó, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam. Cuối cùng đoàn tuần hành dừng lại tại SendlingerTorPlatz, bên bức tường thành rêu phong được dựng lên từ năm 1918, bao bọc phía Nam thành phố München.

    rất nhiều người bạn, rất nhiều người trẻ nữa, rất quan tâm, đề nghị là phải tổ chức thêm một lần biểu tình nữa để nói lên tinh thần yêu nước, lòng quyết tâm bảo vệ bảo vệ đất nước của người Việt ở hải ngoại.

    Ô. Nguyễn Thương Việt

Một trong 8 người khởi xướng cuộc biểu tình tuần hành này là ông Nguyễn Thương Việt. Năm ngoái, ông và bạn hữu cũng tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam. Ông cho biết lý do thúc đẩy ông và nhóm bạn hữu lại phải tiếp tục lên tiếng:

“Năm trước mình cũng có làm một cuộc biểu tình tương tự như năm nay; Tình hình chủ quyền ở biển Đông, tình hình biển đảo cũng không có cải thiện, cho nên rất nhiều người bạn, rất nhiều người trẻ nữa, rất quan tâm, đề nghị là phải tổ chức thêm một lần biểu tình nữa để nói lên tinh thần yêu nước, lòng quyết tâm bảo vệ bảo vệ đất nước của người Việt ở hải ngoại.

Một trong những mục đích chính của chúng tôi là muốn bày tỏ cho dân bản xứ ở đây biết về tình hình bành trướng bá quyền của nhà cầm quyền Bắc Kinh và chúng tôi cũng muốn quy động tất cả mọi thành phần. Ở Đức thì có rất nhiều thành phần khác nhau: Những anh chị em từ bên Đông Âu đi qua, sinh viên du học hay là những người tị nạn của làn sóng thuyền nhân hoặc là những em du học sinh mới qua nữa. Họ gồm nhiều thành phần, nhiều nguồn gốc khác nhau với rất nhiều khác biệt. Cho nên chúng tôi muốn làm sao tổ chức được một cuộc biểu tình, làm sao quy động được số đông, tất cả đều với tư cách con dân người Việt ở hải ngoại để nói lên lòng yêu nước.”

Chung một nhịp đập

bieutinh munich 2Ông André Hồ Cương Quyết có mặt trong đoàn tuần hành tại Munich hôm 20/10/2012.Hình do thính giả Võ Kiều Lê gửi.

Điểm khởi hành là Quảng trường Geschwister-Scholl, cũng không phải là một lựa chọn tình cờ, đây là nơi người Đức kỷ niệm hai anh em Hans và Sophie Scholl. Hai anh em Scholl còn được gọi là Hoa Hồng Trắng; thời đệ nhị thế chiến, hai sinh viên này đã phát tờ rơi để chống chế độ độc tài Hitler. Cả hai đã bị tòa án Nhân dân chặt đầu ngày 22/2/1943 trong một nhà tù ở Munich.

Sau hậu chiến, họ đã trở thành những biểu tượng chống chế độ độc tài toàn trị. Chị Ái Vân, một cư dân Munich, cho biết lý do chị tham gia biểu tình chống bành trướng Bắc Kinh:

“Rất đơn giản, bởi vì mình là người Việt Nam. Mình rất vui khi thấy rằng người Việt mình tuy sống xa tổ quốc quê hương nhưng luôn luôn giữ được bản sắc dân tộc. Mình thấy rằng tất cả mọi người chúng ta đoàn kết lại bảo vệ mảnh đất thiêng liêng mà Cha Ông của chúng ta từ ngàn năm về trước đã đổ xương máu đấu tranh để gìn giữ.

    Mình thấy rằng tất cả mọi người chúng ta đoàn kết lại bảo vệ mảnh đất thiêng liêng mà Cha Ông của chúng ta từ ngàn năm về trước đã đổ xương máu đấu tranh để gìn giữ.

    Chị Ái Vân


Mặc dù mình sống xa quê hương hơn 30 năm, mình thấy rằng, Cha Mẹ mình sinh mình ra thì mình có một trách nhiệm nào đó, một tiếng nói nho nhỏ thôi, mỗi một người mình có một niềm mơ ước, đấu tranh bằng một cái gì đó rất là hòa bình. Chỉ hy vọng là trong tương lai thế hệ sau họ sẽ suy nghĩ và họ sẽ tiếp tục sự nghiệp này của Cha Ông.”

Đoàn người biểu tình dưới sự hướng dẫn của cảnh sát đi dọc suốt đại lộ chính của Munich đã gây được sự chú ý của nhiều người dân sở tại trong thành phố lớn thứ ba của nước Đức này. Và không phải chỉ có người Đức quan tâm đến tiếng hô vang của đoàn người xuống đường, điều làm cho chị Ái Vân cảm động nhất là sự có mặt của một người Pháp trong cuộc tuần hành này:

“Mình thấy có một ông đạo diễn người Pháp; ông ấy nói tiếng Việt như là người Việt ấy; mình vừa ngạc nhiên vừa cảm động. Là một người Pháp, không phải là người Việt Nam nhé, không phải quê hương của ổng, ổng đứng lên đọc một bài diễn văn bằng tiếng Việt trên cái quảng trường của nước Đức. Bản thân ông ấy còn chảy nước mắt thì mình cảm thấy là mình quá xúc động.

Người ta không phải là người Việt mà người ta còn đứng lên bảo vệ cho mảnh đất quê hương của mình. Cái này họ không chỉ bảo vệ cho Việt Nam mà còn bảo vệ cho hòa bình của cả thế giới này.”

Vâng, người Pháp có quốc tịch Việt mà chị Ái Vân nói đến không ai khác hơn là ông André Hồ Cương Quyết, người có mặt trong hầu hết các cuộc xuống đường chống Trung Quốc tại Sài Gòn. Cũng có mặt trong đoàn tuần hành tại Munich, ông Quyết, cho biết tại sao ông lại tham gia biểu tình hôm nay:

“Tôi đi biểu tình cho dư luận tại Đức biết cụ thể cách hành xử vô nhân đạo, thậm chí khủng bố của nhà cầm quyền TQ. Tôi đi biểu tình để tố cáo các tội ác của chính sách xâm lược, bành trướng của bọn diều hâu Bắc Kinh. Đồng thời tôi đi biểu tình để phản đối việc các đồng bào yêu nước thật sự bị cấm biểu tình trong nước,bị vu khống,đánh đập, và một số bị bỏ trong tù.

Lý do thứ hai cũng rất quan trọng đối với tôi, đó là một sự kiện mới. Rất hiếm có! Là việc một cộng đồng Việt Kiều vốn là phức tạp về nguồn gốc,về kinh nghiệm, về tầng lớp xã hội, về chính kiến, nhưng họ có đủ dũng cảm, đủ thông minh, tỉnh táo và lòng yêu nước để gác lại các mâu thuẫn và xuống đường cùng nhau như một, để bảo vệ đất nước của mình.

Tôi xin phép được cám ơn các bạn từ Hannover, từ Koln, từ Leipzig, từ Frankfurt, từ Stuttgart, từ Sarrebrûcken, từ Nuernberg, từ Phaha đã vượt mấy trăm cây số đến đây để tham gia ngày đoàn kết cho Việt Nam.”

Cuộc biểu tình tuần hành dài khoảng 3 km, bắt đầu lúc 1 giờ trưa và chấm dứt lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Sau đó, khoảng 7 giờ tối, mọi người cùng lắng nghe thông điệp của ngư dân miền Trung về những nỗi đau mất chồng, mất cha bởi kẻ xâm lược, nhưng vẫn quyết tâm bảo vệ vùng biển truyền thống của tổ tiên. Niềm tự hào bất khuất của họ được thể hiện qua cuốn phim tài liệu "Hoàng Sa Việt Nam - Nỗi Đau Mất Mát" của ông André Menras Hồ Cương Quyết. Cuốn phim đã bị lực lượng an ninh TPHCM ngăn cấm chiếu nhiều lần tại Việt Nam và tại Pháp bởi nhiều thành phần khác nhau.

Trở về Âu Châu lần này để tiếp tục chiếu phim “HS, Việt Nam Nỗi đau mất mát”, được biết, ngoài tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Anh, phim còn được dịch ra tiếng Nhật; vì theo ông Quyết, dư luận Nhật đánh giá nguy cơ từ TQ rất lớn, nên việc người Nhật xem phim ấy là một điều rất tốt cho các ngư dân Việt, tạo điều kiện các khán giả nước này có thiện cảm với họ và có thể phát động một phong trào, lập một Quỹ để hỗ trợ ngư dân Lý Sơn. Ông nói thêm:

“Hiện nay với những sự cố mới xảy ra tại đảo Senkaku/Điếu Ngư, việc hàng ngàn người Nhật được xem phim ấy là một điều rất tốt cho các ngư dân Việt. Có một điều rất thú vị đối với tôi: là việc Tokyo được nghe tiếng nói của các ngư phủ và góa phụ Lý Sơn trong khi Sài Gòn và Hà Nội chưa được phép nghe họ; cũng có cái gì ở đó, rất “lạ”, “lạ “như các tàu “lạ” và cái nước “lạ” mà mình tiếc quá quen.”

Trong dòng người xuống đường ở Munich hôm nay, dù họ không cùng một nơi đến, dù còn nhiều hệ lụy chưa tháo gỡ. Nhưng hôm nay những trái tim của họ đã đập cùng một nhịp với biển đảo quê hương. Xin mượn lời tâm tình của nha sĩ Thục Quyên, tác giả “Lá thư gửi người thương” được phổ biến trên internet, cũng đã góp mặt trong đoàn biểu tình để khép lại bài tường thuật về cuộc xuống đường “Một ngày cho Tổ Quốc Việt Nam”:

“Vận mệnh đất nước VN nằm trong tay 90 triệu dân trong nước. Phương cách đem lại Tự do Dân chủ nơi quê nhà nằm trong tay đồng bào trong nước.

Là người VN sống tại hải ngoại tôi nhìn lại bổn phận cũng như vai trò của tôi trước hết là ủng hộ người dân trong nước được quyền bày tỏ ý kiến của mình trong việc bảo vệ quê cha đất tổ xây đắp một nền Tự do Dân chủ. Ngoài ra muốn ủng hộ đồng bào trong nước, điều tiên quyết theo tôi là phải chú tâm lắng tai nhu cầu của họ hầu mình có thể bổ túc những gì mà trong hoàn cảnh hiện tại họ không làm được tại quê nhà.

Tôi hoàn toàn tin tưởng vào đồng bào trong nước, tự biết mình muốn gì, tự biết mình phải làm gì, và tôi tin rằng họ sẽ làm những điều cần làm. Dân chủ theo tôi, là tôn trọng ý muốn của người dân."