“Hội không thu hội phí, niên liễm. Hội thành lập để các giáo dân Nam Hòa khi xưa tìm đến nhau như một gia đình.”

SANTA ANA, California (NV) - Hội Ái Hữu Nam Hòa vừa tổ chức họp mặt vào 10 giờ sáng Chủ Nhật, 26 Tháng Năm, tại Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana.

hopmat namhoaMột góc hội trường Trung Tâm Công Giáo Việt Nam nơi Hội Ái Hữu Nam Hòa họp mặt. (Hình: Thiên An/Người Việt)

Hội Ái Hữu Nam Hòa hiện có khoảng 100 thành viên tại Little Saigon, không kể các hội viên ở những tiểu bang, quốc gia khác. Họ đa số là những giáo dân tị nạn từ Bắc vào Nam những năm 1954, định cư quanh giáo xứ Nam Hòa, gần Ngã Ba Ông Tạ, quận Tân Bình, tỉnh Gia Ðịnh, trước năm 1975, rồi một lần nữa gói ghém hành lý chạy nạn sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.

Trải qua bao năm nổi trôi sinh sống tại đất khách, những người con giáo xứ Nam Hòa vẫn giữ tình thân gắn bó. Cứ mỗi năm một lần vào Tháng Năm, hội tổ chức họp mặt. Họ cùng tham dự thánh lễ Chủ Nhật và cùng ăn trưa với các món do hội viên mang đến.

Hội Trưởng Ðinh Văn Hiện cho biết: “Hội không thu hội phí, niên liễm. Hội thành lập để các giáo dân Nam Hòa khi xưa tìm đến nhau như một gia đình.”

Thánh lễ Chủ Nhật trong giáo đường nhỏ của Trung Tâm Công Giáo Việt Nam mở đầu chương trình họp mặt của Hội Ái Hữu Nam Hòa. Mọi người vừa tham dự một thánh lễ bình thường như mỗi cuối tuần, vừa cầu nguyện đặc biệt cho nhau, nhân buổi gặp mặt thường niên.

Sau thánh lễ, tất cả hội viên cùng gia đình tiến vào bên trong hội trường để trò chuyện và ăn trưa. Hai phía hội trường là các ghế, bàn xếp dài gọn gàng. Ở giữa là bàn để thức ăn. Hàng chục khay thức ăn đẹp mắt được chuẩn bị chu đáo sẵn sàng cho bữa tiệc họp mặt. Bên cạnh là các muỗng, dĩa nhựa để người tham dự tự phục vụ.

Người dẫn chương trình cũng là hội phó, ông Lê Văn Từ, mời các vị cao niên trên 80 tuổi gắp đũa trước, theo thông lệ của hội. Tiếp đó là các thiếu niên và trẻ em dưới 20 tuổi đến lấy phần thức ăn. Cuối cùng là phần của người lớn.

Mọi người lấy xong thức ăn thì ngồi vào bàn, trò chuyện với những người xung quanh. Trong hội, ai cũng biết nhau, dù là người mới ở Việt Nam sang gia nhập vài năm hay là hội viên kỳ cựu từ ngày thành lập. Tiếng nói, tiếng cười râm ran vang khắp góc phòng nhỏ.

Người ta có thể nghe thấy những câu chuyện thuộc đủ mọi đề tài. Có những câu chuyện về con cái, đứa đi học, đứa đi lính mới về, hay những câu chuyện về “ông già của tui, ông già của nó” giờ đã lớn tuổi. Không thể thiếu được trong buổi họp mặt Hội Ái Hữu Nam Hòa là những kỷ niệm cũ khi các hội viên còn sống ở giáo xứ Nam Hòa trước 1975.

Họ kể lại cho nhau nghe “cái thời sáu, bảy tuổi phá phách trong xóm” hay “lúc búng dây thun vào cô bé dâng hoa trong thánh đường”. Những “cậu bé,” “cô bé” ngày xưa đó bây giờ cũng đã vào tuổi lục tuần, đến với con cháu, thăm hỏi lẫn nhau.

Với nhiều người Công Giáo, nhà thờ là nơi sinh hoạt tâm linh vào mỗi cuối tuần, mỗi tuần vỏn vẹn một giờ đồng hồ. Trả lời câu hỏi “Vì sao mà mọi người của giáo xứ Nam Hòa vẫn tìm nhau, vẫn có thể giữ liên lạc sau mấy chục năm trời,” ông Lê Văn Từ nhắc đến việc “là người tị nạn” và “cùng cố gắng giúp xây dựng thánh đường.””

Theo lời ông Từ, những người từ khắp nơi trên đất Bắc đến với khu đất của Cao Ủy Tị Nạn tại giáo xứ Nam Hòa, cùng chia sẻ đời sống của người di dân lúc bấy giờ, để rồi sau này khi đến Mỹ lại một lần nữa trải qua kinh nghiệm này. Bên cạnh đó, việc mọi người giúp linh mục của xứ Nam Hòa xây dựng thánh đường làm tăng tình đoàn kết. Ông cũng cho biết, trước khi có thánh đường Nam Hòa, linh mục làm lễ cho các giáo dân “Bắc di cư” tại các ngôi nhà khác nhau trong xóm.

Từ khi thành lập đến nay là được khoảng 10 năm, Hội Ái Hữu Nam Hòa có một danh sách của các hội viên để giữ liên lạc, có đại diện đến dự các sự kiện quan trọng của hội viên và gia đình, và mỗi năm gặp một lần để cùng dự lễ, ăn nhẹ, chào hỏi nhau.

Ông Trần Vinh Phong, thư ký của hội, cho biết: “Mục đích duy nhất của hội là để đồng hương san sẻ lẫn nhau các khó khăn, vui buồn, và cùng gầy dựng tương lai cho lớp trẻ.”