main billboard

"... Với anh em chúng tôi trong lòng thầm nghĩ mình xin vào hải quân mà lại phải học bộ binh thì kể như bị lưu đày nên chúng tôi cứ gọi nhau là Sĩ Quan Hải Quân Lưu Ðày... "


ORANGE COUNTY, California (NV) - Cuối tuần tới vào hai ngày Thứ Sáu 26 và Thứ Bảy 27, các cựu Sĩ Quan Hải Quân “Lưu Ðày” sẽ có hai ngày hội ngộ tại khách sạn Ramada, 10022 W. Garden Grove Blvd., Garden Grove, CA 92844, và tại khách sạn Hilton, 18800 MacArthur Blvd., Irvine, CA 92612.

trienlam haiquanTriển lãm chiến hạm và giang thuyền Hải Quân VNCH trong ngày Hoàng Sa 2011 tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Cho biết về cuộc hội ngộ lần thứ bảy này, cựu hải quân lưu đày Trần Văn Hữu, phó ban tổ chức, nói: “Sẽ có khoảng từ 350 đến 400 anh em từ các nơi về để họp mặt. Cả hai buổi đều có mục đích cho anh em được ‘thỏa chí tang bồng hội ngộ’ nhớ về những ngày sóng nước lênh đênh và cũng lênh đênh theo vận nước nữa. Nhưng không phải vì thế mà chúng tôi lấy danh từ Lưu Ðày đặt cho tên hội.”

“Số là sau khi cộng sản mở cuộc tạo loạn Mậu Thân thì Việt Nam Cộng Hòa đã phải ra lệnh tổng động viên để đối phó với tình hình. Vì thế mà số thanh niên xin gia nhập Hải quân tăng lên gấp bội mà Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang mỗi khóa chỉ thu nhận được 200 sinh viên sĩ quan. Một nguyên nhân khác nữa là trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, Hải Quân VNCH, quân chủng đi đầu trong việc gia tăng quân số trong kế hoạch này, thì trong hai năm Hải Quân phải tăng từ 25 ngàn người lên tới 50 ngàn nên phải gấp rút huấn luyện các sĩ quan để chỉ huy quân số phải gia tăng,” ông kể tiếp.

Và ông thêm: “Vì thế mà số thanh niên xin gia nhập Hải Quân lúc bấy giờ đã được Bộ Tư Lệnh Hải Quân gửi tới Quân Trường Thủ Ðức (khóa 6/69 Thủ Ðức và các khóa sau đó). Rồi các quân trường Ðà Lạt, Ðồng Ðế cũng chuyển về một số nữa. Với anh em chúng tôi trong lòng thầm nghĩ mình xin vào hải quân mà lại phải học bộ binh thì kể như bị lưu đày nên chúng tôi cứ gọi nhau là Sĩ Quan Hải Quân Lưu Ðày. Riết rồi quen, cũng chẳng ai có mặc cảm gì đến độ Ðề Ðốc Trần Văn Chơn cũng gọi đùa chúng tôi là anh em hải quân lưu đày và bảo ‘Thôi thì cứ lấy tên là các khóa Lưu Ðày đi.’”

Theo cựu hải quân lưu đày Nguyễn Minh, thủ quỹ của hội, “Cái tên Lưu Ðày với chúng tôi lúc này, kể từ sau 30 Tháng Tư, 1975, phải rời bỏ xứ sở tị nạn khắp xứ nên tôi nghĩ lưu đày thì cũng đúng. Thời thế đã lưu đày chúng ta.”

Vẫn theo cựu Hải Quân Trần Văn Hữu, những sĩ quan hải quân Lưu Ðày có tới mấy ngàn người, khi ra trường, có người được đi học bổ túc hải nghiệp ở Hoa Kỳ, có người tại ngay Trung Tâm Huấn Luyện Nha Trang rồi về các đơn vị tác chiến của hải quân, nhiều nhất là các lực lượng Giang Thuyền và Cận Duyên, cũng có người được về trong đơn vị Người Nhái, và đã tham dự trong cuộc hải chiến với hải quân Trung Quốc.

Nay ở hải ngoại, hội đã chính thức liên lạc được với trên 350 cựu sĩ quan Hải Quân Lưu Ðày. Tổng số Hải Quân Lưu Ðày ra được hải ngoại theo phó ban tổ chức thì có khoảng vài ngàn anh em ở khắp nơi trên thế giới, hầu hết đều ổn định được cuộc sống và con em đều được học hành đến nơi đến chốn.

Ðiều mà cho đến giờ phút này hầu hết anh em Hải Quân tự mệnh danh là Lưu Ðày và chẳng có ai bị chút mặc cảm nào và ngay các sĩ quan được huấn luyện tại Trung Tâm Hải Quân Nha Trang cũng không có ai phân biệt. Tất cả đều ý thức là chỉ có một kẻ thù chung mà mỗi người, trong mỗi phương vị của mình phải hoàn thành chu đáo nhiệm vụ của mình.

Theo ban tổ chức cho biết thì lịch trình sinh hoạt trong hai ngày hội ngộ này, điểm chính là hàn huyên thăm hỏi nhau, kiểm lại ai còn ai mất sau cuộc chiến, ai còn ai mất kể từ lần đại hội trước. Rồi sẽ cùng nhau hát cho nhau nghe và cùng nhau nghe những tiếng hát của các ca sĩ nổi tiếng thân hữu của Hải quân VNCH đến giúp vui.

Quý độc giả nào từng là Sĩ Quan Hải Quân Lưu Ðày cần liên lạc với các “Lưu Ðày” xưa có thể gọi tới (714) 852-1808, (714) 290-0732.