main billboard

Nói đến đấu tranh là nói đến Xuân Ðiềm với ban tù ca của anh. Tiếng hát đấu tranh của Tù Ca Xuân Ðiềm đã vượt xa, tỏa đi khắp nơi nhiệt huyết tranh đấu của người Việt trong và ngoài nước quyết chống lại chế độ độc tài đảng trị Cộng Sản.


WESTMINSTER (NV) - Trưa 21 Tháng Bảy, ban Tù Ca Xuân Ðiềm long trọng tổ chức một đại nhạc hội đấu tranh để kỷ niệm 20 năm cất cao tiếng hát tranh đấu cùng cộng đồng người Việt khắp nơi ở hải ngoại.

tuca xuandiem 1Một cảnh thăm nuôi trong nhạc cảnh “Ðợi Chờ” do toàn ban Tù Ca Xuân Ðiềm thủ diễn. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Hơn 600 đồng hương Nam California tham dự đông chật nhà hàng Seafood Kingdom trên đường Katella thuộc thành phố Anaheim. Có mặt trong số quan khách tham dự là thị trưởng Westminster và giới chức dân cử tại địa phương.

Phía cộng đồng, ngoài ban chấp hành cộng đồng người Việt tại Nam California, còn có đại diện cộng đồng người Việt tại New York và một số truyền thông báo chí tại Seattle.

Chương trình đại nhạc hội được mở đầu bằng phút Vinh Danh Lá Cờ Chính Nghĩa Màu Vàng Ba Sọc Ðỏ do Ủy Ban Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế New York phụ trách. Phút vinh danh khiến không khí buổi nhạc hội đấu tranh trang trọng và xúc động hẳn lên khi đại diện Ủy Ban Diễn Hành cho biết xuất xứ của lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ trong buổi lễ vinh danh hôm nay. Ðó là lá cờ được chuyển từ một cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam được tháo ra từ Tòa Ðại Sứ Mỹ vào những phút chót của cuộc chiến. Lá cờ có thấm vài giọt máu của những chiến binh Hoa Kỳ và Việt Nam khi người cựu chiến binh này trên đường di tản, đã cứu họ.

Kể về chuyện này, Luật Sư Nguyễn Thanh Phong, chủ tịch Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia New York cho biết, bảy năm trước đây ông gặp một cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, chủ nhân một tiệm bán đồ lưu niệm ở Georgia. Khi biết luật sư là người Việt Nam, ông ta lấy từ trong nhà ra một lá cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ trao tặng cho luật sư, nói rằng đã giữ lá cờ này trên 20 năm nay. Nay không biết còn sống được bao lâu nữa nên có ý tìm cách trao cho người Việt Nam để lưu giữ kỷ niệm.

Luật Sư Phong kể: “Ông ta là một quân nhân Hoa Kỳ có nhiệm vụ canh giữ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam. Ông đã vội tháo lá cờ này từ một trong những cột cờ tại tòa đại sứ trong khi thoát lui. Lá cờ này có dính vài vết máu vì ông ta đã dừng lại để cứu một số binh sĩ bị thương trong lúc di tản. Trong dòng nước mắt, ông ta trao cho tôi lá cờ này, xúc động nói 'Lá cờ này là của dân tộc Việt Nam, tôi già rồi, chẳng còn sống bao lâu.'”

Luật Sư Phong cho biết tiếp: “Vừa qua, ban đại diện Cộng Ðồng Nam california lên tham dự cuộc Diễn Hành Văn Hóa Quốc Tế, chúng tôi trao lá cờ này lại cho cộng đồng người Việt Quốc Gia Nam California vì nơi đây được coi như thủ đô tinh thần của người Việt tị nạn khắp nơi.”

tuca xuandiem 2Chủ tịch Cộng Ðồng Nam California, Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa và Chủ Tịch Cộng Ðồng Người Việt New York, Luật Sư Nguyễn Thanh Phong (bên phải Luật Sư Nghĩa) cùng đem lá cờ thiêng liêng đến từng bàn để mọi người tham dự nhạc hội đấu tranh cùng tỏ lòng tranh đấu. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Tiếp sau đó, trong khi chương trình ca nhạc đấu tranh bắt đầu, Luật Sư Nguyễn Xuân Nghĩa cùng một số anh chị em trong ban chấp hành cộng đồng trân trọng đem lá cờ đến từng bàn tiệc để mọi người cùng được đặt tay lên, cảm nhận một giai đoạn lịch sử của đất nước.

Trở lại với đại nhạc hội đấu tranh, Ban Tù Ca Xuân Ðiềm được anh chị em nghệ sĩ hải ngoại đến tiếp tay hùng hậu. Minh Phượng, Việt Dzũng của Radio Bolsa, Diệu Quyên của SBTN-TV, Ðỗ Tân Khoa của SET-TV, Huỳnh Công Ánh của Phong Trào Hưng Ca thay nhau giới thiệu chương trình khiến cho sân khấu liên tục náo nhiệt, náo nhiệt như tấm lòng tranh đấu của cộng đồng người Việt tị nạn.

Cứ khoảng dăm ba bài ca là lại xen kẽ những tiếng nói đấu tranh hòa đồng vào của những quan khách, nhân sĩ do ban Tù Ca mời đến.

Nhà văn Trần Phong Vũ nhiệt tình nói: “Nói đến đấu tranh là nói đến Xuân Ðiềm với ban tù ca của anh. Tiếng hát đấu tranh của Tù Ca Xuân Ðiềm đã vượt xa, tỏa đi khắp nơi nhiệt huyết tranh đấu của người Việt trong và ngoài nước quyết chống lại chế độ độc tài đảng trị Cộng Sản. Tiếng hát tù ca Xuân Ðiềm cũng là tiếng hát của những tù nhân lương tâm đang bị cộng sản giam giữ. Tiếng hát Tù Ca Xuân Ðiềm cũng là những cánh tay kéo cộng đồng chúng ta lại với nhau trong một mặt trận chống độc tài bán nước, Cộng Sản Việt Nam.”

Chương trình nhạc đấu tranh kỷ niệm 20 năm của ban Tù Ca Xuân Ðiềm được chia làm ba phần với những ca khúc có tiết tấu nhạc khác nhau, khi thì hùng tráng như phần nhạc đầu, khi thì bi phẫn như trong phần hai, khi thì mênh mang tình cảm như phần ba và kết thúc bằng bài hợp ca “Anh Vẫn Sống,” nhạc và lời Xuân Ðiềm. “Không, anh vẫn sống, anh vẫn sống, dù bạn bè anh đã ra đi, dù xác thân anh đã héo gầy, dù mái đầu anh đã bạc phơ...”

Bản nhạc này là nhạc khúc biểu trưng của chương trình “Anh Vẫn Sống” trên đài Little Saigon vào thời gian những đợt H.O. đến Mỹ ào ạt, để nói cho Cộng Sản biết ngục tù “cải tạo,” phương tiện sắt máu của chế độ cộng sản quốc tế, đã thất bại trước tinh thần của Quân Cán Chính VNCH.

Chương trình nhạc hội cũng thật phong phú khi màn nhạc cảnh bi thiết “Ðợi Chờ” được toàn Ban Tù Ca Xuân Ðiềm trình diễn. Màn nhạc cảnh đã bóc trần được tính phi nhân đạo của cộng sản trong các trại tù gọi là cải tạo. Màn nhạc cảnh cũng nói lên được hết những tấm lòng trung trinh của người vợ tù, người phụ nữ Việt Nam, mà trong giữa chương trình, nhạc sĩ Xuân Ðiềm đã trịnh trọng tuyên bố: “Chương trình nhạc đấu tranh hôm nay cũng là để vinh danh những người vợ chiến sĩ VNCH đã nuốt chung cay đắng nhục nhằn với chồng con là những chiến sĩ VNCH.”

Chương trình cũng phong phú khi có những góp tay của Việt Dzũng-Trúc Hồ trong “Anh là Ai - Việt Nam Tôi Ðâu” của người nhạc sĩ trẻ Việt Khang, lớp hậu duệ Nguyễn Thái Học. Cũng phong phú biết bao khi Biệt Ðoàn Văn Nghệ Mê Linh đến từ San Jose đồng ca khúc hát “Việt Nam Anh Hùng Ca” như nhắc lại lời Nguyễn Trãi: “Hào kiệt nước Nam thời nào cũng có.” Bây giờ là Ðiếu Cày Nguyễn Văn Hải, là những nữ sinh Bùi Phương Uyên, là Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Tạ Phong Tần...

Ðánh dấu 20 năm ròng rã qua những sinh hoạt tranh đấu cùng cộng đồng, Ban Tù Ca Xuân Ðiềm không chỉ thổi lửa thêm vào những tấm lòng yêu nước của cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản mà còn thổi bùng lên những ngọn lửa tranh đấu kiên cường của tuổi trẻ trong nước đang hùng dũng đứng lên dõng dạc tuyên án chế độ Cộng Sản Việt Nam.