main billboard

Làm việc ban ngày tuy bận rộn nhưng vui hơn, làm nhưng “ca” đêm rất buồn nản và dễ rơi vào giấc “ngủ đứng.” Tuy khác biệt như vậy nhưng tiền lương của hai “ca” không khác nhau.

Chuyện xa, chuyện gần

“Security Officer” hay “Security Guard” ở Mỹ là người mặc đồng phục làm công việc giữ an ninh trong các tòa nhà công cộng, khu thương mại hay theo bảo vệ các chuyến chuyển tiền hay quý vật của ngân hàng. Nghề này ở Việt Nam được gọi tắt là “bảo vệ,” theo cách nói thông thường của người miền Nam trước năm 1975 là nghề “gác-dan” (theo chữ gardien của Pháp).

security guardÐồng phục và trang bị của một nhân viên an ninh. (Hình: Hồ Thăng cung cấp)

Hồ Thăng, nguyên đại đội trưởng ÐÐ Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu Kiến Hòa, đến Mỹ theo danh sách H.O. 14 vào năm 1992. Trong thời gian còn lãnh trợ cấp, ông lo lắng cho tương lai và nôn nóng kiếm được một việc làm. Trong một buổi cùng với bạn bè đến hội thiện nguyện ở Anaheim để nhờ kiếm việc, ông gặp một người Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam gợi ý cho ông, trong lúc khó khăn như hiện nay, nên theo học một khóa “Security Officer” là một nghề tương đối dễ kiếm việc, nhất là đối với những cựu quân nhân hay cảnh sát trước đây ở miền Nam. Ông Thăng và hai người bạn đồng ngũ trước kia, một thiếu tá và một trung tá, cùng đến Mỹ sau một thời gian bị tù “cải tạo” đã cùng ghi tên theo học tại “The National Security Enfoircement Center” ở Cypress, California, sau khi được nhận trợ cấp của chính phủ giúp để trả chi phí cho việc học nghề.

Khóa học kéo dài 4 tuần với các phần lý thuyết về nhiệm vụ của một nhân viên an ninh. Học viên được huấn luyện cách giải quyết những tình huống đột xuất và các phần nặng về thực hành như bắn súng (đêm và ngày,) cách dùng súng điện, súng hơi cay, sử dụng còng tay... Phần sau này, việc huấn luyện cho một nhân viên an ninh không khác gì cho một nhân viên cảnh sát.

Trường dạy nghề đã giới thiệu các học viên tốt nghiệp với các công ty cung cấp nhân viên an ninh (Private Security Guard Agency) và được những nơi này tuyển dụng. Những Agency trực tiếp trả lương nhân viên và phân phối nhân viên an ninh đến những nơi có nhu cầu thuê mướn theo hợp đồng như các cơ sở công quyền, cơ sở thương mãi, phi trường, hải cảng, đại lý xe hơi, trường học, rạp hát... hay các cuộc tổ chức quy tụ đông người như tranh tài thể thao, ca nhạc ngài trời, nói chung là những nơi cần có sự giúp đỡ của nhân viên an ninh.

Làm việc ban ngày tuy bận rộn nhưng vui hơn, làm nhưng “ca” đêm rất buồn nản và dễ rơi vào giấc “ngủ đứng.” Tuy khác biệt như vậy nhưng tiền lương của hai “ca” không khác nhau.

Trong các khu chợ Việt Nam chúng ta thường thấy những nhân viên an ninh mặc đồng phục hiện diện trước cửa chợ, nhưng ít quan tâm đến nhiệm vụ của họ, đôi khi rất nặng nề là duy trì sự an toàn cho khách hàng, tuần tra và giám sát cơ sở và nhân viên, theo dõi lại các máy móc kiểm tra các tòa nhà, thiết bị, người vào ra. Họ cũng ngăn chặn tổn thất và thiệt hại bằng cách báo cáo những vi phạm, xâm nhập của kẻ trộm cắp cho chủ nhân.

Tùy theo phương tiện của các cơ sở, nhân viên an ninh có nhiệm vụ tuần tra trong khu vực có thể dùng xe hơi, xe chạy bình, xe đạp hay ngựa. Nhân viên an ninh cũng có thể điều khiển giao thông trong những khu vực nhỏ có trách nhiệm.

Nhân viên an ninh được trang bị đồng phục, mang huy hiệu “security” và phù hiệu của công ty mình, “máy liên lạc,” dây nịt to bản để đeo súng ngắn, dùi cui, súng hơi cay, còng tay. Không phải nhân viên an ninh nào cũng có quyền mang súng mà chỉ được yêu cầu trong những nơi và những trường hợp đặc biệt. Tùy theo nhu cầu nơi thuê mướn, đôi lúc nhân viên được yêu cầu mặc áo vest và mang cà vạt.

Trước khi tốt nghiệp khóa đào tạo nhân viên an ninh, học viên đã được nhà trường giới thiệu họ với các “Security Guard Agency,” họ được thu nhận và sau một tuần đã có việc làm. Lương của một nhân viên an ninh là $4.50 vào thời điểm 1993 và thường thì những nhân viên chưa có kinh nghiệm sẽ được bố trí vào những công việc ít tiếp xúc với đám đông, như canh gác một tòa nhà đang sửa chữa hay một khu chứa vật liệu xây cất. Trường hợp ông Thăng cũng như vậy! Sau một thời gian giữ an ninh cho một tòa nhà đang được sửa chữa, ông Thăng được đưa đến phụ trách một khu chợ trong vùng China Town. Tại đây ông có văn phòng đủ tiện nghi để ngồi làm việc cũng như có thể theo dõi mọi sinh hoạt trong, ngoài khu chợ theo hệ thống camera được trang bị, nhưng không phải cơ sở nào cũng có đầy đủ tiện nghi như vậy!

Mặc cảm với nghề “gác-dan” hay vui nghề cho đến lúc về hưu?

Ông Vương H., một người đã làm nghề “an ninh” hơn 15 năm nay từ ngày đến Mỹ, ông thường được bố trí làm việc trong nhiều khu chợ Việt Nam, cho rằng nghề “security” là một nghề nhàn hạ, không vất vả tay chân, cũng không lấm lem tấm thân, nhưng quả là một nghề buồn nản. Những tuần đầu nhận việc, ông thấy thời gian đi rất chậm, nhưng lâu hóa thành quen, cố tập trung vào công việc, năng động thì không cảm thấy buồn nản nữa. Ðây là một nghề tốt cho sức khỏe vì phải đi bộ nhiều, đừng kiếm cách đứng một chỗ.

Ðối với đồng hương người Việt, người ta thường coi nhẹ nghề “security” một nghề không cao, và thường dùng hai chữ “gác-dan” có tính cách miệt thị. Nhưng ở chỗ đông người, nhất là khi phải làm việc trong khu chợ Việt Nam, ông H. ráng giữ bộ mặt vui vẻ, giúp đỡ mọi người và được mọi người quý mến, chào hỏi như một người thân quen.

Ðáp câu hỏi có bao giờ ông “mặc cảm” với nghề này khi phải gặp những người quen biết vào ra ngôi chợ hằng ngày không, ông cho biết, sau năm 1975, đã bị ở tù “cải tạo,” được sang đây, ông đã may mắn hơn nhiều người. Ông vui với công việc hàng ngày để có phương tiện giúp các con ăn học và không bao giờ có mặc cảm, nếu có ai xem thường hay chê bai sau lưng thì không đáng kể. Ông H. cũng cho biết người Mỹ tôn trọng những nghề nghiệp như nghề “security” này hơn trong khi người Việt của chúng ta thì lại có tính hay phân biệt khi nhìn nghề nghiệp của người khác.

Ông nói: “Trong thời gian từ năm 1990 trở đi, kinh tế California suy thoái, kiếm được một việc làm rất khó bị 'lay off' mà nhàn hạ, lại đầy đủ bảo hiểm cho gia đình (bác sĩ, bệnh viện, thuốc men, mắt, răng) đầy đủ, thì còn gì quý bằng.”

Ông Hồ Thăng, mà chúng tôi đã nói đến trong phần đầu, sang đến Mỹ chỉ làm một nghề duy nhất là nghề “Security Guard” cho đến lúc đủ tiêu chuẩn về hưu trí. Ông cho biết tuy lương chỉ bắt đầu $4.50, nhưng nếu chúng ta biết tìm nơi trả lương cao hơn để “nhảy” thì số lương cũng không đến nỗi tệ lắm. Ông đã trải qua 10 năm làm việc, thay đổi qua 8 “Security Guard Agency,” lương giờ lần cuối cùng là $12 và khi đủ 72 tuổi, ông muốn về “hưu non” để có thời giờ “đi đây đi đó” và làm những công việc mình thích.

Vai trò “security” tại các ngôi chợ Việt Nam

Chúng ta đã biết nhiệm vụ của một “security guard” là lo vấn đề an ninh và bảo vệ như nói trên, tuy nhiên tại một số chợ Việt Nam hiện nay tại các vùng đông dân cư người Việt cư ngụ, chúng ta thấy nhiều nhân viên “security” mặc đồng phục đứng phát quà, bán báo, thậm chí còn bê gạo “giúp” cho chủ chợ. Lẽ cố nhiên hai bên đã đồng ý thỏa thuận với nhau, và nhân viên an ninh có thể có thêm chút lợi tức, được làm việc lâu dài, nhưng đây là việc làm sai nguyên tắc. Khi nhân viên an ninh làm những công việc này, họ không còn để tâm đến nhiệm vụ bảo vệ an ninh hay chú ý đến những việc khác nằm trong bổn phận của họ.

Ðây là một chuyện chỉ thấy trong cộng đồng người Việt, các chủ chợ thường lợi dụng, “kiểu làng xóm Việt Nam,” tùy tiện sử dụng nhân viên an ninh như con em trong nhà, người làm công việc “quét nhà” lại được giao thêm chuyện “bồng em,” để khỏi tốn tiền mướn thêm người.